GHEN
Truyện ngắn của Kim Hoa
Bà tên Mimi
Nay đã 75 tuổi rồi.
Nhưng tóc bà vẫn trắng màu bạch kim y như màu tóc bà sở hữu từ thuở nhỏ. Không biết có phải vì cái tên của bà dễ nhớ hay vì năm mươi năm qua, kể từ ngày họ cưới nhau, ông chỉ xưng hô với bà là Mimi em yêu của anh. Bởi lẽ nay ông đã 85 tuổi, mắt đã mờ và trí nhớ không còn minh mẫn. Trong mọi cuộc nói chuyện, bây giờ chỉ còn sót lại câu duy nhất mà ông nói không bị nhầm đó là: Mimi em yêu của anh.
Hai ông bà rất thích ăn thức ăn Châu Á. Nhưng món Châu Á duy nhất mà họ có thể nấu được lúc này chính là mì gói và phở gói. Vì thế, cứ chiều đến thì hai ông bà lại tay trong tay tản bộ để hít thở không khí của nắng xế yếu ớt và ghé tiệm mua vài gói mì.
Không biết họ nói với nhau chuyện gì mà cứ thao thao thao bất tuyệt, trao đổi không bao giờ ngưng. Vì câu chuyện ông kể thì chỉ người nghe mới nhớ là đã nghe bao nhiêu lần rồi. Chứ ông có kể tới lần thứ một ngàn lẻ một, thì ông cũng cứ tưởng là mình đang kể lần đầu tiên. Nên lời kể của ông luôn giữ nguyên cảm xúc ban đầu.
Trời vào thu, gió se se lạnh. Nhưng cũng đủ làm những người cao tuổi rút cổ lại trong chiếc áo măng - tô dày cộm. Những cửa hàng trên con phố nhỏ vẫn tấp nập như quên cả những cánh rừng lá vàng và nắng đang đùa giỡn ghẹo nhau. Quên cả đại dịch Covid - 19 đang hoành hành. Hay nói đúng hơn là sợ, người ta sợ lây lan, sợ lệnh cách ly nên họ xếp hàng rồng rắn đi mua nhu yếu phẩm. Chẳng hiểu sao cứ giành nhau mua giấy vệ sinh. Có lẽ đây là biểu hiện của sự bối rối trong tình trạng nguy kịch. Như nhiều người đang phải chạy khỏi căn nhà cháy mà cứ loay hoay lấy cho được cái nón rách mà bỏ lại bao nhiêu tiền bạc và những thứ quý giá khác.
Những siêu thị không đủ hàng để bán ra, những người mua lẻ nay cứ đi mua sỉ. Cái gì cũng mua chẵn chục, bởi lúc này họ không còn nghĩ phải tiết kiệm nữa, Người ta vơ vét, người chục bao gạo, chục chai nước mắm, chục chai dầu ăn, hàng trăm cuộn giấy vệ sinh...
Bà đi chợ khi những hàng kệ, tủ của cửa hàng đã rỗng ruỗng.
- Chào bà! Sao bà lại chỉ đi một mình thôi? Ông đâu?
Bà mếu máo rằng:
- Ông nhà tôi bị lẫn quá nên phải gửi nhà dưỡng lão. Chứ ông mắt đã mờ, lại mò mẫm bếp núc. Sợ có khi lại đốt nhà, nguy hiểm lắm!
- Thế sao bà không vào ở cùng ông? Tôi thì còn khỏe nên chưa có điều kiện vào ở hẳn. Với lại đang dịch nên tôi không được vào, có gì chỉ gửi thôi. Chứ không thì mỗi tuần tôi cũng sắp xếp vào thăm anh ấy một lần.
Nói tới đây bà bật khóc thành tiếng, như một tâm sự dồn nén bao lâu nay trong lòng và không ai khơi đến.
- Sao vậy? Đừng khóc chứ! Ông không được chăm sóc chu đáo à?
- Hic hic! Ở đó được phục vụ rất tốt! Ông nhà tôi có chỗ tập thể dục, có nhà ăn tập thể và nhà vệ sinh trong phòng rất tiện nghi. Tôi được ưu tiên vào thăm bất cứ lúc nào.
- Vậy thì tốt quá! Cũng mừng cho ông!
- Hic ông nhà tôi bị lừa!
- Sao bị lừa cơ? Nhà dưỡng lão mà cũng xô bồ quá nhỉ!
- Không! Chỉ là một con mẹ ở trong cùng một dãy phòng của ông nhà tôi ấy! Mụ ta ngồi chung bàn ăn mỗi bữa. Lại còn chọn ngồi đối diện với ông nhà tôi. Mụ ta đáo để lắm! Mụ biết được cả tên tôi cơ!
- Ui bà ấy quan tâm đến người xung quanh của ông thế thì chắc là quí ông lắm!
- Con khỉ ấy!
- Lần trước tôi vào thăm lúc họ đã ăn cơm xong. Nhưng còn ngồi lại bàn ăn. Tôi bắt gặp ông đang nắm chặt hai tay mụ già độc ác ngồi đối diện với ông ấy. Họ nói cười vui vẻ và ông nhà tôi cứ luôn miệng: Mimi của anh...
Con mụ này ác quá! Ả vừa già vừa xấu xí như heo nái già. Ả tự nhận là Mimi rồi cứ để cho chồng tôi nắm tay. Tôi đến ôm cổ ông và nói:
- Em đây! Anh có nhớ em không? Nhưng ông đẩy tôi ra và nói:
- Tôi không biết bà là ai. Rồi tiếp tục cầm tay con mẹ mắc dịch nói:
- Anh chỉ biết có Mimi của anh thôi!
- Con mụ sống độc thân cả đời thế mà giờ cầm tay chồng tôi cũng âu yếm run rẩy.
Kể tới đây, bà rưng rức ôm mặt khóc.
- Thôi bà ạ! Bà ráng giữ sức khỏe! Ít ra ông cũng nghĩ luôn có bà bên cạnh nên ông mới hạnh phúc vậy.
- Nhưng mà mụ có tha cho ông ấy hay cứ mò vào phòng ông ấy mỗi ngày nữa là đàng khác!
- Không đâu! Nhà dưỡng lão cũng có trật tự chứ! Vả lại đang cách ly không ai được ra khỏi phòng riêng. Nhân viên sẽ đưa thức ăn đến từng phòng.
Bà ư hử đưa tay áo quệt nước mắt và không quên chọn vài gói phở mà ông thích chờ hết lệnh cách ly sẽ đem vào nhà dưỡng lão cho ông.
- Tôi lo lắng sau lệnh cách ly này không biết ông có qua khỏi và có còn mảy may nhớ tôi không! Hay là ông đã quen với giọng nói ồ ồ, và tiếng cười hô hố của mụ già chết tiệt.
- Thiệt tình! Mụ già không nên nết!!!!
BXL, 25.6.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét