THAO THỨC PHÍA BÈ TRẦM
(Đọc thơ Nguyễn Đức Bình)
LÊ ANH PHONG
NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG
Sau hai tập thơ “Heo may” và “Tiếng cỏ đêm”, bước sang tuổi 80, nhà thơ
Nguyễn Đức Bình ra mắt thi tập thứ ba: “Khói trầm ngược gió”. Có thể nói, thao thức phía bè trầm là nét cơ bản trong âm hưởng thơ Nguyễn Đức Bình, một cựu binh, một nhà thơ của vùng quê Đất Cổ Hưng Yên.
Thực ra, lục bát, thể thơ mà anh yêu thích, luôn là thử thách lớn với thi nhân
trong sáng tạo và đổi mới. Giọng trầm, vần điệu của 6/8, thế sự và tình yêu, đó là những thành tố cơ bản tạo nên thơ Nguyễn Đức Bình. Dường như anh không chịu ảnh hưởng cảm quan của dòng thơ tình thời chiến. Có lẽ, trước 1975, rất hiếm gặp những câu thơ viết về tình yêu như trong “Tìm em”: “Em còn giặt chiếu bờ ao/ Cây sào đập vụn ánh sao chân cầu”. Tất nhiên đây là thơ hậu chiến, nhưng thói quen trong cách nhìn, trong tụng ca, hoan ca đã khiến không ít nhà thơ thế hệ của anh vẫn chưa thoát khỏi giọng đồng ca, mỹ cảm của một thời.
NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC BÌNH
“Ngày về” hiện lên khá nhiều trong các thi tập. Nhưng, sự trở về căn cốt nhất
trong thơ Nguyễn Đức Bình, là trở về trong tinh thần phản tư của thao thức hiện
sinh. Trước sự tha hóa, thật giả lẫn lộn, không còn là tiếng thở dài thường thấy như
trong thơ của các nhà nho xưa, không né tránh, nhưng cũng không cao giọng, chữ
nghĩa như tra vấn hiện thực: “Vỡ bờ tức nước vì đâu/ Trời sao mưa thế làm đau
quê nghèo”. Cứ ngỡ rằng, từ chiến thắng trở về, điều gì cũng thấy đẹp, cũng hân
hoan… Giây phút ấy qua nhanh, “Tiếng chuông chùa” hay tiếng lòng xa xót đồng
cảm đồng đội: “Từ trong khói lửa bước ra/ Nhìn trăng trăng tỏ/ Nhìn hoa hoa
hồng/… Gặp em tải đạn rừng xưa/ Xế chiều quét lá cửa chùa tụng kinh/ Khói
nhang cầu phúc chúng sinh/ Adi đà Phật! Phận mình cầu ai…”. Trong cơn gió heo
may chuyển mùa, trăng trong đêm thề nguyện đã khác rồi: “Đã nghe lá rụng, trăng
thề bớt trong”. Áp sát đời sống thực tại, không còn lộng lẫy trong mơ mộng, chữ
nghĩa xa lạ với véo von ngôn tình. Trong thơ Nguyễn Đức Bình, lời thề hiện lên
khá nhiều, nhưng được nhìn từ nhiều hướng. “Lời thề” có lúc như “thuốc thử” con
người với thời cuộc, nhưng có lúc trở thành biểu tượng lý tưởng của một “thời xa
vắng”, nhiều khi trớ trêu số phận con người, đặc biệt người phụ nữ có người yêu ra
trận không trở về, thời gian vô tình bạc dần trong ánh hào quang cứ vây kín ẩn ức
lời thề: “Người quê giữ trọn tình quê/ Đạn bom đã tạnh tóc thề hoa râm/… Ngọn
đèn khêu tỏ trong đêm/ Bóng mình mình tựa bắt đền ai đây…”. Vẫn còn đâu đây
những bóng hình, những mảnh vỡ trong thơ. “Bóng mình, mình tựa”, chênh chao,
thăm thẳm cô đơn, lời thề ấy của một thời có lẫn vào bóng của tượng đài vô danh.
Và có một “Tình xưa” dưới góc nhìn của ngày hôm nay: “Cái thời chín nhớ mười
mong/ Đã thành bong bóng xà phòng mỏng manh/ Nặng lời thề thốt em – anh/ Thế
rồi xa cách lạnh tanh câu thề/… Nay là mai của hôm qua/ Nhặt gom mảnh vỡ làm
quà tình xưa”. Còn đây, “Trước cửa chùa Tam Thanh”, bài thơ của con đường và
đức tin, hay là bài học từ ký ức. Không ồn ào, thơ anh lặng lẽ mà thâm trầm, ngược
sáng, bởi cảm hứng nhân bản và sự thức tỉnh cá nhân: “Vì chưng vụng dại đường
tu/ Nửa đời đi mãi mây mù chưa tan/ Mấy lần tắm suối giải oan/ Tin là như thế.
Nhưng toàn viển vông/… Em về lễ hội Tam Thanh/ Phật trên tam bảo chưa lành
vết thương”. Câu thơ của tự vấn hay đối thoại với đời sống, với thời cuộc. Thực ra
trong quá trình chuyển đổi hệ hình thơ Việt Nam sau chiến tranh, câu chuyện này
không mới. Nhưng biểu đạt như thế nào lại là dấu ấn của cá nhân trong sáng tạo.
Phần lớn không gian và thời gian trong thơ Nguyễn Đức Bình thuộc trường cảm
thức của “thương nhớ đồng quê”, của sự trở về. Trở về trong ký ức, trong hoài
niệm, ngay “cái nắng vẫn nắng ngày xưa”, “vẫn bờ ruộng cũ mà không thấy
người”. Trở về với bản sắc, trở về từ nỗi nhớ: “Tha hương thương kẻ chiều nay
nhớ nhà”, “Nhìn tre ru gió nhớ đường về quê”, “Nhớ con sóng cũ vỗ nhàu lòng
sông”… Có một miền thương nhớ, hoài niệm trong lục bát Nguyễn Đức Bình. Tuy
xa quê rất lâu, sống trong không gian đô thị, nhưng ngôn từ lục bát trong thơ anh
vẫn đậm đà phong vị thôn hương, ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Biết bao hình ảnh
thân quen của vùng châu thổ sông Hồng hiện lên trong thơ: Cánh đồng, con đê, bờ
tre, giàn trầu, đò ngang, mái tranh…
Không chỉ trong tình yêu, “Ngày về” có mặt phía góc nhìn thế sự. Đó là sự trở
về trong tâm tưởng, trong tự vấn và cảm luận. “Ngày về” cũng là tên một bài khá
điển hình cho tạng lục bát, cho nội dung cơ bản thường trực trong thơ Nguyễn Đức
Bình: “Bảng vàng bia đá cũng mòn/ Huân chương rồi bạc mãi còn nỗi đau/ Cỏ
xanh xanh mướt một màu/ Đau oằn chín khúc vò nhàu lòng son/ Trường Sơn nắng
lửa mưa bom/ Vết thương là của hồi môn chiến trường/ Ngày về về lại cố hương/
Nửa con mắt trái dò đường đổi thay/ Gập ghềnh chạm vạt cỏ may/ Vấn vương níu
chặt găm đầy bước chân/ Gió làng lạc giọng người thân/ Nghĩa trang xóm đã bao
lần khói bay/ Ai người cắt cỏ nơi đây/ Nghiêng vành nón trắng khóc ngày sang
sông/ Nỡ ôm nước mắt theo chồng/ Gửi dòng lệ đắng người không còn về/ Sông
nghèo vỗ vẹt chân đê/ Tấm bia mộ mẹ! Đây quê hương mình!”. Trở về từ Trường
Sơn, từ con đường huyền thoại của máu, mang trong mình chất độc da cam, người
thương binh – nhà thơ ấy, lại bước vào con đường của thời bình mà xao xác, ngổn
ngang nỗi niềm. Bài thơ thảng thốt trước ấm lạnh cõi người và cõi mình. “Huân
chương rồi bạc, mãi còn nỗi đau”. Sự thật đời sống và số phận con người là hai
phẩm chất cốt yếu của văn chương, của thi ca muôn thuở. Không giáo điều, sơ
lược, nhưng cũng không cực đoan thê lương tăm tối, thơ Nguyễn Đức Bình nhiều
nghĩ ngợi và thấm thía. Nhạy cảm với thời cuộc, đọc thơ anh, nhiều khi linh cảm
có cái gì đó không yên lòng: “Ai tin giăng sáng cuối chiều/ Máu đâu nước lã. Nói
điều viển vông”. Nhạy cảm với nhân thế, chỉ là “Phơi áo” mà biết bao buồn vui
trong nắng gió: “Phơi là phơi lại cuộc đời/ Để hong hơi ấm từ thời xa xưa”. Hiện
thực trong thơ là hiện thực của suy tư, phản tư. Thay cho cảm hứng lãng mạn và
cái nhìn sử thi, thay cho “bè cao”, thay cho đại tự sự, thơ anh chọn phía “giọng
trầm”, hướng đến góc khuất của thân phận, hướng đến cảm hứng đời thường.
Trong mảng đề tài này, tiếp thu những giá trị của văn học thời kỳ đổi mới, thơ
Nguyễn Đức Bình tiếp cận cuộc sống với điểm nhìn hôm nay, điểm nhìn của chiều
sâu nhân bản.
Mạch trữ tình thường nghiêng về phía cần lao, phía mồ hôi nước mắt, nghiêng
về phía người phụ nữ. Rất nhiều những hình ảnh tương quan, tương phản hiện lên
cùng âu lo, mơ hồ dự cảm: Đi – về, sáng – tối, cũ – mới, quá khứ - hiện tại, giàu –
nghèo, buồn – vui, mất – còn…: “Ngày xưa đồng lúa chín vàng/ Bây giờ cỏ mọc
ngút ngàn bờ lau”, “Ra đi bùn níu bước chân/ Ngày về với đất hóa thân vào bùn”,
“Trường Sơn thuở ấy xa rồi/ Ra đi mắt ướt sao trời cùng đi/ Bây giờ cửa Phật từ
bi/ Còn ai ngày ấy ra đi không về”… Hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Đức
Bình rưng rưng và ám ảnh, nhắc nhớ một thời không quên: “Và tàn ba cuộc chiến
tranh/ Lưng mẹ dấu hỏi đã thành dấu than”, “Nắm xương bọc tấm vải cờ/ Mẹ ngồi
như tượng bên bờ nhân gian”.
Trong thơ anh đôi lúc vẫn còn thi ảnh cũ từ ước lệ. Có lẽ người đọc hôm nay
chờ đợi nhiều hơn những khoảng trống, những vùng mờ ảo của biểu đạt trong ngôn
ngữ thơ.
Thơ đọc trong đêm, có một giọng trầm thao thức phía trăng lên…
Khương Trung, Tháng 6/ 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét