VI THÙY LINH TỪ MỘT GÓC NHÌN
(Nhân đọc tập thơ thiếu nhi”Chu du cùng ông nội " của Vi Thùy Linh)
Trần Thị Trâm
Nhận được sách là Linh tặng tôi ngay. Quả là phong cách năng động của một nhà báo làm thơ: tốc độ, nghiêm túc và luôn giữ đúng lời hứa. Vừa mới dự kiến, vậy mà sau vài tháng Chu du cùng Ông nội đã ra mắt bạn đọc. Năm tập thơ trước (Khát, Linh, Đồng Tử, Vili in love, Phim đôi - tình tự chậm) của Vi Thùy Linh tôi đều có đọc nhưng dè dặt, không bàn luận bởi vì giữa chúng tôi là khoảng cách của hai thế hệ. Vẫn biết, cái mới ra đời rất khó khăn ở một số ít người thôi, nên với thái độ trân trọng tôi luôn lặng lẽ dõi theo từng bước đi của chị.
Có thể nói, tài năng của Vi Thùy Linh phát lộ khá sớm. Năm 19 tuổi (1999), cô sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có trong tay tập Khát, một thi phẩm ngay lập tức đã tạo được dư luận rộng rãi và trái chiều trong công chúng. Còn những truyện ngắn có vẻ già dặn, trải đời trên báo Văn nghệ của Linh ngày ấy đã khiến nhiều người cứ ngỡ đó là văn phẩm của một người đàn bà từng trải.
Dường như tất cả những bài thơ trong Chu du cùng ông nội (Do NXB Kim Đồng ấn hành tháng 7/2011) đều đã được đăng rải rác trong các tập trước nhưng khi đứng cạnh nhau một cách hệ thống chúng đã bất ngờ mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về bức chân dung tâm hồn của nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh. Nó góp phần lý giải tại sao Linh lại tổ chức được những đêm thơ thành công, với sự hội tụ của rất nhiều người nổi tiếng ở những lĩnh vực khác nhau đến thế. Họ luôn trân trọng yêu quý, bao dung, sẵn sàng ủng hộ cô bởi Linh bao giờ cũng làm việc với mục đích trong sáng; làm việc rất hiệu quả với niềm nhiệt huyết đam mê - lúc nào cũng như cháy lên để sáng. Và đằng sau cái vẻ cực đoan, Linh là một con người có chân cảm và chân tài, luôn sống trung thực và thẳng thắn.
Tập thơ gồm 22 bài, được chia làm 3 phần mạch lạc. Phần I: Giao cảm, 7 bài; Phần II: Giáng sinh con, 7 bài; Phần III: Đi đến ngày xưa, 8 bài. Một tập thơ thiếu nhi xinh xắn, thú vị bởi lối viết thơ rất chuyên nghiệp và còn bởi giữa lúc lối sống vô cảm đang có nguy cơ tràn lan, tác phẩm đã được ra đời với niềm khao khát mãnh liệt, luôn róng riết vì trẻ thơ và cũng rất róng riết vì thơ:
Tất cả người lớn
Sống vì trẻ con
(Như là đồng dao)
Mặt khác, nhờ tài vẽ bìa và minh họa của Nguyễn Thị Hiền mà tập thơ càng thêm hấp dẫn: bắt mắt và dễ thương.Có lẽ nữ họa sĩ đã gửi gắm vào đây rất nhiều tình cảm mến yêu, trân trọng. Chẳng thế mà trong một dịp triển lãm đặc biệt, nhân Đại lễ ngàn năm Thăng Long, tại Việt phủ Thành Chương, bên cạnh những câu văn, câu thơ đắt giá của các tác giả lớn: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… và các bậc lão làng: Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,… bà đã ưu ái chọn câu thơ: Môi ngậm lời yêu để hóa thành bất tử của Vi Thùy Linh trang trọng đưa vào một bức tranh sơn dầu của mình.
Giữa cuộc sống ào ạt, gấp gáp, lâu nay như một sự mặc định, nhiều người quen nghĩ rằng với lối sống quá hiện đại, Vi Thùy Linh thuộc nhóm nhà thơ đi đầu của khuynh hướng thơ tình yêu và đơn giản khuôn chúng vào thứ tình cảm giới tính thông thường. Đến với Chu du cùng Ông nội, độc giả bỗng nhận ra có một Vi Thùy Linh khác, một Vi Thùy Linh thật đáng yêu của tuổi thơ và Chu du cùng Ông nội chính là món quà chị ấp ủ, nâng niu dành tăng cho những bé em thế kỷ XXI, những đứa trẻ không chỉ thông minh một cách ngây thơ và khôn ngoan hóm hỉnh một cách dại khờ mà mang dấu ấn của thời đại công nghệ thông tin, chúng rất sâu sắc và trí tuệ. Còn tác giả của nó, một người cũng vừa mới qua tuổi niên thiếu chưa lâu, lòng đầy tiếc nuối, đã quyết định mua một vé để về lại tuổi thơ huyền diệu (Cho tôi xin một vé về tuổi thơ, tên tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh).
Phần I: Giao cảm là những bài thơ được viết khi Linh ở độ tuổi trăng tròn. Với một tâm hồn trong sáng, nhậy cảm, người thiếu nữ 16 ấy đã dâng cho đời những vần thơ đẹp và dịu dàng, báo hiệu một tài năng hé lộ:
- Em ngắt vài cọng cỏ
Thả lên dấu thời gian
Vừng ơi! Em niệm chú
Ước mơ về xênh xang”
(Giao cảm)
- “Lá rơi như thuyền nhỏ
Chơi vơi giữa dòng đời
Và mùa rất thu rồi
Trời se nỗi nhớ”
Chuông thả giọt bình yên
Trăng dịu dàng hôn tóc
Thì thầm qua ánh mắt
Đêm tròn một cõi thiêng...
(Với mùa)
Song, người đọc cũng đã thấy thấp thoáng một cá tính mạnh khi cô bé quyết không để mẹ cha buộc dây cương mà luôn muốn một mình cùng con bạch mã tung bờm phi nước kiệu giữa cuộc đời đầy những phong ba.
Có lần, trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Hà Nội tôi đã cho rằng, thanh nữ bây giờ, so với thế hệ chúng tôi, họ có phần kém lãng mạn. Còn không ít người lại nhận xét: giới trẻ hiện nay lười đọc. Có lẽ những nhận xét ấy cơ bản là đúng nhưng chỉ đúng ở những trường hợp khác.
Phần II: Giáng sinh con là khát vọng muôn thưở của người phụ nữ về một niềm hạnh phúc giản dị nhưng thật thiêng liêng. Đó là một tổ ấm bình yên mà tâm điểm là những đứa trẻ đáng yêu hay ăn chóng lớn:
Bầy con tôi phúng phính
Răng sún má lông tơ
Ham ăn như heo đói
Dắt bố mẹ vào mơ...
Thật bất ngờ, ở tuổi 20, Linh đã có một quan niệm rất nghiêm túc trong tình yêu. Với cô gái trẻ ấy, cái đích của tình yêu là hôn nhân và những đứa con mang bức thông điệp của niềm hạnh phúc bất tận phải là kết quả của một tình yêu duy nhất trong cuộc hôn nhân lý tưởng và hoàn hảo:
“Mẹ chờ con, hiện thân của tình yêu mẹ với người đàn ông duy nhất ngự trị trái tim tâm hồn mẹ”.
Thậm chí, trong lúc nhiều người đang có xu hướng sống một mình, hoặc chỉ muốn làm những bà mẹ đơn thân thì cô lại mong con đàn cháu lũ. Dường như trong cô vẫn nguyên vẹn những quan niệm đạo đức kinh điển về sự thiêng liêng quan trọng của tình yêu và hạnh phúc gia đình:
Con ơi...con ơi!
Không biết bao lần mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời...
Con ơi! Con ơi!
Con đang bay ở đâu? Con đang bay ở đâu?
Hãy theo tình yêu của Cha, đậu vào lòng Mẹ
(Những mặt trời đang phôi thai)
Điều đó đủ thấy, Linh không chỉ giàu tình cảm mà còn là một người sống có trách nhiệm, trách nhiệm với mọi người, với xã hội, với thiên nhiên với môi trường. Vì thế mà cô công dân trẻ ấy lúc nào cũng đau đáu niềm nuối tiếc, xót xa cho những biểu tượng văn hóa thiêng liêng của kinh thành Thăng Long yêu dấu: dòng sông Hồng “Sông ngày một cạn, hẹp lại hai bờ. Còn đâu hướng gió cho thuyền làm thơ” và cây cầu Long Biên già đang phải “Căng vai nhịp võng, cố gồng mình sáng cho người thờ ơ”. Cô hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và luôn giữ lối sống nề nếp: dù bận thế nào thì chậm nhất 10g30 tối cũng có mặt ở nhà. Lúc rảnh rỗi thì giúp mẹ cơm nước, rửa bát, dọn dẹp, giặt giũ. Không dám nói chuyện điện thoại to sợ làm mất giấc ngủ của mẹ cha,…
Phần 3: Đi đến ngày xưa, được viết khi tác giả ở cuối tuổi thanh niên. Khi đã đi nhiều, biết nhiều, đã ngộ ra giá trị đích thực của cuộc sống, khi đã biết cách học thua rồi, con người càng khao khát được trở về những năm tháng của tuổi thơ trong sáng thần tiên, để được sống với những kỷ niệm êm đềm tươi đẹp. Nhưng xưa nay không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông nên tất cả chỉ còn là những hoài niệm. Mọi mơ ước trong cô rồi mãi mãi cũng chỉ là ước mơ thôi. Cuộc trốn chạy về miền cổ tích dù cố gắng mấy cũng chẳng thành:
“Bây giờ, bây giờ đây con không bao giờ muốn chạy đua với trăng, với ai nữa, dẫu là chính con
Con chỉ muốn chạy về tuổi nhỏ!
Bố bảo không thể ư, như Bố đã không thể kiệu con lên vai xem pháo hoa, cho con ngồi chân”cần cẩu, máy bay”trèo lưng “cưỡi ngựa”.
Chiếc“Phượng Hoàng” cũ bán rồi”
(Đi đến ngày xưa)
Sinh ra và lớn lên ở một giai đoạn bản lề, sau chiến tranh và trước thời kỳ đổi mới, khi đất nước rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, đã trải qua quãng thời gian đói nghèo, vất vả nên Linh luôn biết quý trọng những kỷ niệm, biết trân trọng những cảm thiêng liêng. Ở Linh dường như có 2 con người: trong thẳm sâu cô là một con người tình cảm, mềm yếu rất đàn bà, nhưng bề ngoài lại tỏ ra hết sức bản lĩnh, cứng cỏi; cứ tưởng là vô tâm nhưng lại rất tận tình, chu đáo; cảm tính đấy mà vô cùng sâu sắc…Như một quy luật; mỹ học bao giờ chẳng là sự gặp gỡ giữa hai mặt đối cực. Gặp một cụ già còng lưng đạp xe, hay bước đi liêu xiêu trên đường, Linh lập tức ứa nước mắt nhớ Ông nội Vi Kiến Minh - người họa sỹ tài hoa, đã mất khi cô bé vừa một tuổi và trong cô dâng tràn một niềm hiếu kính, khát khao được chia sẻ, bù đắp những ngày thiếu thốn nơi Ông:
Suốt đời con là người thiếu hụt
Hễ thấy ông lão nào đạp xe, bách bộ con đều nhìn rất lâu và khóc”
Đây món ngon, thuốc bổ mời Ông, con đưa Ông chu du khắp nơi,toile trắng chất đầy, ông tha hồ vẽ
(Chu du cùng Ông nội)
Rồi bỗng tưởng tượng cảnh mình được nắm tay Ông nội đưa Ông về quê mình, về lại cội nguồn Cao Bằng, nơi kinh thành Ánh sáng, chốn Thiên đường, trong cõi mơ trên cánh đồng hoa của tuổi thơ, trong ngan ngát mùi vị quê hương xứ xở:
“Mùi hoa, mùi rau, mùi xôi bảy màu. Có mùi rừng núi gió cây.
Chim yến, nhạn dệt những đường bay
Khói lam, áo chàm, rượu bát”
Và cũng chỉ cần thoáng chút hương bưởi thôi đã thức dậy trong Linh nỗi nhớ thương da diết Bà nội kính yêu- người phụ nữ suốt đời chỉ biết như mặt trăng tỏa sáng vì con, vì cháu mà nào có được hưởng một ngày hạnh phúc:
“Khổ thân bà, vắng Ông, chèo chống đàn con bốn đứa
Những tấm ảnh Bà gầy xanh, bệnh tật mà vẫn dẻo dai chịu đựng, nỗ lực nuôi các con nên người
Khi còn trẻ ngất đi vì đói
Lúc về già lại phải ăn kiêng
(Trên đường làng đá xanh)
Có lẽ luôn ý thức được rằng, chữ bầu lên nhà thơ nên ngôn từ trong thơ của Vi Thùy Linh được chọn lựa rất tinh tế, chứng tỏ cô điều binh khiển tướng rất tài. Nếu tất cả các danh từ chỉ các bậc cao niên mà cô yêu quý như Ông, Bà, Bố, Mẹ, (và cả Anh trong những tập khác) đều được nữ thi sỹ trân trọng viết hoa, thì để tạo ra những bài thơ chất lượng cao cho các bé, Vi Thùy Linh đã tìm được một lối đi riêng. Biết mình là một diễn viên tồi trên sân khấu phi lý của cuộc đời, “bởi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác (Tôi) nên cô không chọn cách đóng giả những chú bé ngây thơ, mà chọn lối viết chuyên nghiệp, hiện đại. Từ điểm nhìn của chính mình cô có thể thoải mái đối thoại và độc thoại một cách thành thực với quá khứ, với lũ trẻ em hôm nay và cả thế giới ngày mai. Thơ thiếu nhi của Vi Thùy Linh luôn được biểu đạt bằng một cách cảm, cách nghĩ thông minh và một thứ ngôn ngữ trong sáng, tươi mới do được kết hợp và trưng cât kỹ càng từ ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ trẻ thơ, nên khi tất cả đồng loạt phát sáng thì lớp ngôn từ giản dị mà gần gũi: “ứ thích bơi nữa, lên bờ măm măm”... đã làm nên nhiều câu thơ mà lũ con trẻ yêu thích.
Đồng thời, việc sử dụng đắc địa thủ pháp nhân hóa cũng góp phần quan trọng để tạo ra được cho thơ thiếu nhi của tác giả những biểu tượng nghệ thuật rất mới. Nhờ chúng mà những vật vô tri vô giác bỗng trở nên lung linh huyền ảo, tạo nên cảm giác: cái thế giới nghệ thuật trong thơ thiếu nhi của Vi Thùy Linh dường như được dệt bằng những sợi tơ mong manh của thứ tình cảm tinh túy, nguyên khôi. Nếu thơ là tiếng nói tình cảm thì sự thành công của Chu du cùng Ông nội trước hết là bởi cả 22 bài thơ tâm đắc của chị đều thấm đẫm “những tình cảm thân thương nhất với mỗi chúng ta: tình cảm gia đình, mơ ước tuổi thơ, khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp…”(1). Mà ngoài những tình cảm chân thành và mãnh liệt, để có những bài thơ hay cho thiếu nhi người viết lại phải biết nhìn đời bằng con mắt xanh non mới lạ của trẻ thơ, sao cho “mắt sông biết thao thức”, “sóng biết gọi nhau về”, mảnh trăng kia biết co mình lại”…Còn những quả mướp trên giàn cao như cũng biết đợi chờ và khát khao dâng hiến:
Lẳng lơ giàn mướp
Đợi nấu cua đồng
(Như là đồng dao)
Thành công trong Chu du cùng Ông nội một phần còn do tác giả của nó cũng đã đưa vào rất nhiều chất liệu dân gian, nhưng là chất liệu dân gian của một thế giới phẳng. Nên bên cạnh lối hát đồng dao, những trò chơi dung dăng dung dẻ, những chú cuội chị Hẳng, những đêm Trung thu rộn ràng tiếng trống, những cánh diều, cánh én tuổi thơ… trong nhiều bài thơ của chị còn xuất hiện một cách rất tự nhiên những phi thuyền đưa bé bay vào vũ trụ, những đêm Nôel, những khúc giao hưởng, những bản Sérénade… Bên cơ man nào tiên nữ là sự có mặt của những thiên thần đang tha thướt gọi mời. Bên cạnh những ngôn ngữ dân giã:
Buôn một bán mười, một vốn bốn lời, phú quý xa hoa, thăng quan tiến chức hết sức dung dị là những câu văn của thời @ trẻ trung nhưng vẫn trĩu nặng âu lo của thời hiện đại:
Người ta đang lý giải El Nino thiên nhiên
Mà lãng quên một El nino xoay vần nhân tình thế thái
Sự tiến hóa làm con người xa nhau hơn
Thậm chí có ít thời gian để cười và càng ít khóc
(Đôi mắt lửa Puskin)
Rõ ràng, cái mới chân chính chỉ có thể ra đời khi hội tụ được toàn bộ những giá trị truyền thống với những tinh hoa của nhân loại.
Và sự hiện đại hóa thơ thiếu nhi của Linh còn nằm ở ý thức về việc đổi mới ngôn ngữ của chị. Linh thật tinh tế khi phát hiện được một vạt nắng dùng dằng vỡ đôi, mùa thu đi bạc tóc và đặc biệt chị cũng có được cách cấu tạo từ rất mới như “trời rất Thu, trời sẽ Đông” rất giống với cách tạo từ của Lê Đạt- một trong những nhà thơ tiên phong trong công cuộc đổi mới thi ca dân tộc với kiểu kết hợp ngôn từ rất lạ: rất hồ, rất ô, rất đường, rất em,…
Đọc tập thơ thiếu nhi của Vi Thùy Linh người ta dễ dàng nhận thấy không thiếu những bài mang đầy tính triết lý và rất gần với văn xuôi. Những đứa trẻ em quá thông minh thời nay không chỉ hiểu mà còn thích những câu thơ sau đây của tác giả:
Tại sao nước mặn chiếm 3 phần tư trái đất
Tại sao con người ít cười hơn khóc
(Những đối lập)
Và có lẽ đây chính là mặt mạnh, đồng thời cũng là giới hạn của một người dám một mình tiến lên phía trước trên con đường độc đạo, sẵn sàng dấn thân cho nghệ thuật. Nhưng với Chu du cùng Ông nội, Linh thật sự là người hạnh phúc. Bởi tác phẩm của chị chắc chắn sẽ được đông đảo công chúng trân trọng đón nhận, là một trong không nhiều tập thơ thiếu nhi hôm nay muốn đọc.
Tư liệu tham khảo
1. Lời giới thiệu tập thơ Chu du cùng Ông nội, NXB Kim Đồng, H., 2011, trang 3
Tất cả cảm xúc:
24Bạn, Nguyễn Lan, Đỗ Bạch Mai và 21 người khác8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét