Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

VỀ BÀI THƠ "CÂY ĐÁNH ĐU" VÀ "ĐÁNH ĐU"

 


BÀI “CÂY ĐÁNH ĐU” CỦA LÊ THÁNH TÔNG VÀ

BÀI “ĐÁNH ĐU” ĐƯỢC CHO LÀ CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG
Vũ Nho
Trong số những bài thơ của Hồ Xuân Hương do hai ông Lê Quý và Nguyễn Văn Đại được Antony Landes thuê về tận nhà của Trưởng tràng Tử Minh, học trò cụ Hồ Phi Diễn sưu tầm, có một số bài nghi là hai ông đã chép lại của Lê Thánh Tông, sửa đổi một số chữ nhằm lấy…thưởng! (Vì càng nhiều bài sưu tầm được thì tiền trả càng hậu). TS. Phạm Trọng Chánh từng viết rằng : “Tập thơ này nhiều bài lẫn lộn với thơ vua Lê Thánh Tôn, tôi cho rằng đó là những bài thơ Hồ Xuân Hương yêu thích, là mẫu mực thi ca của bậc thầy, cần thiết trả lại các bài thơ Chợ Trời, Đánh Đu, đền Khán Xuân.. cho ông Vua Thơ Nôm Lê Thánh Tôn”. ( nguồn : https://vietbao.com/.../ho-xuan-huong-chan-dung-va-tac-pham.).
Đây là bài thơ của vua Lê Thánh Tông:
CÂY ĐÁNH ĐU
Bốn cột lang, nha cắm để chồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ, khom khom cật,
Vái hoàng thiên, ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
( nguồn : thivien.net)
Lang, nha được chú thích - Lang: Cây cau. Nha: Cây dừa, những thứ cây cứng dùng làm cột cây đu.
Còn bài ĐÁNH ĐU được xem là của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐU
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Giai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Mầy điều nhận xét
Một đằng là thơ của thi sĩ nhà vua từ thế kỉ 15, một đằng là thơ được cho là của Hồ Xuân Hương, thế kỉ 18. Có khác biệt ở nhan đề: Cây đánh đu – Đánh đu. Khác biệt là nhà vua nói vật liệu dựng đu gồm cau và dừa. Nhà vua tả các cô gái chơi đu: Ả thì đánh cái, ả còn ngong (1). HXH không nói vật liệu, lại tả đu đôi, một nam một nữ. Nhà vua miêu tả động tác của người nhún đu mô phỏng lễ nghi : tế hậu thổ khom khom cật, vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng. HXH tả giới tính của người chơi đu: Giai du gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Nhà vua tả : Tám bức quần hồng (2) bay phới phới/Hai hàng chân ngọc đứng song song. Hai cô gái nên tám bức quần hồng. HXH tả: Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Vì tả 1 cô nên giảm số quần hồng xuống còn một nửa ( Tám/ Bốn). Nhà vua viết “đứng”, HXH thay bằng “duỗi”.
Câu thơ kết, nhà vua nhận xét:
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
HXH thì nêu câu hỏi:
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Đáng chú ý là cột dựng đu, nhà vua hai lần nhắc “cột”, HXH đầu bài viết “cột”, cuối bài lại viết là là “cọc”!
Có thể nhận xét tổng quan rằng bài “Đánh đu” rõ ràng dựa trên bài “Cây đánh đu” có làm khác biệt đi một số điều. Việc làm sai khác này rõ nhất là tả một NAM, một NỮ chơi đu. Lại còn tả cụ thể:
Giai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Rồi thay cho “chân đứng” bằng “chân duỗi”, thay “cột” bằng “cọc”!
Những sự thay đổi này nhằm gợi chuyện “đánh đu” với “chuyện ấy”! Đây không phải là HXH chép lại thơ của vua Lê Thánh Tông như là “mẫu mực thi ca” như TS Phạm Trọng Chánh nhận định. HXH đã nhuận sắc bài “Cây đánh đu” thành bài “Đánh đu”. Và xu hướng gợi “chuyện ấy” rõ ràng, nổi trội hẳn lên so với bài của nhà vua. Bài “Đánh đu” là một bài thơ khác hẳn bài “Cây đánh đu”!
Trong cuốn khảo cứu của mình, tôi xếp bài “Đánh đu” vào mục tồn nghi ( Vũ Nho – Hồ Xuân Hương đời và thơ trên những tư liệu mới, nxb Hội Nhà Văn, 2022, trang 175-176). Nay so sánh 2 bài, có thể nghĩ rằng HXH đã nhuận sắc bài thơ kia thành một văn bản mới, đậm chất HXH. Nếu bài “Cây đánh đu” của vua Lê Thánh Tông chỉ nói về việc đánh đu của chị em phụ nữ, thì rõ ràng bài “Đánh đu” của HXH không chỉ nói chuyện đánh đu, mà con gợi chuyện dục tình. Nó đúng với thơ HXH mà GS. John Balabal ( Mĩ), người đã dịch thơ HXH ra tiếng Anh và xuất bản hơn 20.000 bản ở Mĩ đã nhận xét : “…Sự thực gây kinh ngạc nhất chính là : một phần lớn các bài thơ của bà – mà mỗi bài là một kiệt tác viết theo thể thơ đường luật - đều chứa đựng hai nghĩa song trùng. Mỗi bài ẩn giấu trong chính nó một bài thơ khác với ý nghĩa dục tình”. ( Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, tập 1, Nhà xuất bản Nghệ An, 2022, tr. 123).
Có thể coi đây là bài riêng của HXH mà hai ông Lê Quý và Nguyễn Văn Đại đã về tận làng Nghi Tàm, gặp con của Trưởng tràng Tử Minh để ghi chép lại.
Xin các vị cao minh chỉ giáo cho!
Hà Nội, 4 tháng 5 năm 2024
-------
1) Có thể coi việc chơi đu là môn thể thao chủ yếu dành cho chị em phụ nữ. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông tả các chị em chơi đu. Sau này Nguyễn Khuyến cũng viết:
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
( Hội Tây)
2) Quần hồng - Hồng quần : chỉ chị em phụ nữ. Quần màu hồng, con gái nhà quyền quý thời cổ Trung Hoa thường mặc. Chỉ phụ nữ nói chung. Đoạn trường tân thanh có câu: “Phong lưu rất mực hồng quần”.
Có thể là hình ảnh về hoa
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Dương Đoàn Trọng, Nguyễn Thế Kiên và 14 người khác
3
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét