Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Giới thiệu tiểu thuyết MẪU Ỷ LAN của Ngô Ngọc Liễn


                                                               GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn

Giới thiệu tiểu thuyết MẪU Ỷ LAN của Ngô Ngọc Liễn
         
                                    Vũ Nho

Lịch sử luôn đồng hành với mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền, dòng họ và mỗi con người. Nhân thức lịch sử để suy ngẫm quá khứ, sống cho hiện tại và hướng tới tương lai là một nhu cầu quan trọng trong đời sống. Tháng 12/2012, Hội đồng Lí luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học : “ SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ”, có  22 tham luận  bàn tới Sáng tạo văn học về đề tài Lịch sử. Các cuốn sách viết về Lịch sử tiếp tục xuất hiện : Trăm năm li hợp của Lê Khắc Hoan, Bắc Cung Hoàng hậu của Nguyễn Vũ Tiềm, Mẫu Ỷ Lan của Ngô Ngọc Liễn,…
          Kì sinh hoạt CLB tháng trước, chúng ta đã bàn đến cuốn sách Trăm năm li hợp ( Lê khắc gia phả kí) của tác giả Lê Khắc Hoan, một cuốn sử sinh động, hấp dẫn về dòng họ Lê Khắc. Kì này CLB lại tổ chức tọa đàm và giới thiệu cuốn MẪU Ỷ LAN, một cuốn tiểu thuyết Lịch sử được viết bởi một nhà khoa học tự nhiên, GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn.
          Tôi đã đọc cuốn sách và xin nêu lên một số cảm nhận coi như đề dẫn.
1.    Là nhà khoa học tự nhiên viết văn, tác giả đem sự tỉ mỉ, thận trọng và chắc chắn, tỉnh táo của người làm khoa học vào một lĩnh vực không quen là văn chương nghệ thuật. Nhưng một thuận lợi là tác giả vốn say mê với Lịch sử, trăn trở với số phận con người, nên có thể nói là ông đã có những thành công đáng ghi nhận.  Trước khi viết tiểu thuyết, tác giả đã dày công sưu tầm, đọc và suy ngẫm 20 đơn vị sách sử rất cơ bản, trong đó có những cuốn quý giá như 2 tập sách của học giả Hoàng Xuân Hãn về nhân vật Lí Thường Kiệt ( Lí Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao triều Lý,  tập 1, 2, nxb Sông Nhị, Hà Nội, 1949). Các chương được viết mạch lạc với tên chương ngắn gọn, phản ánh nội dung chính được triển khai. Mỗi chương, đều có trích tóm tắt chính sử ( Chủ yếu là Đại Việt sử kí toàn thư) để bạn đọc có thể so sánh, đối chiếu. Chính sử thường ngắn gọn, súc tích, chỉ cốt ghi sự việc. Nhưng bằng trí tưởng tượng và niềm say mê văn chương, tác giả đã giúp người đọc hình dung ra không gian,  tình cảm, tâm lí nhân vật. Đã làm cho câu chuyện có chất văn chương, giàu cảm xúc. Về cơ bản, có những chương, đoạn đọc khá hấp dẫn không chỉ bởi những chi tiết lịch sử mới mẻ mà còn bởi sự miêu tả, trình bày, phân tích của tác giả.

2.     Tác giả đã suy nghĩ, nghiền ngẫm khá kĩ về nhân vật chính Ỷ Lan. Đây chính là một trong những nữ kiệt của Lịch sử dân tộc. Một phụ nữ nông thôn thông minh, xinh đẹp, quyết đoán; đã hai lần nhiếp chính trong thời kì huy hoàng nhất của triều Lí : Bình Chiêm, phá Tống, đánh bại cuộc xâm lược của quân thù; bảo toàn được lãnh thổ quốc gia. Không những thế, Ỷ Lan còn có quyết sách đúng đắn là dựng Nho, hưng Phật, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Một sự kiện trong đời nhân vật không thể không đề cập là việc giết Hoàng hậu Thương Dương cùng với 72 cung nữ.

”Cũng vì thảm án kể trên mà các nhà chép sử khi xưa tỏ ra khá dè dặt khi đề cập đến Ỷ Lan, dù ghi nhận công lao của bà trong việc tạo dựng nên một nền văn hóa rực rỡ thời Lý.

Cho đến tận thời hiện đại, các sử gia vẫn tranh cãi về tính chất của tội lỗi mà Ỷ Lan đã mắc phải.

TS sử học Đinh Công Vỹ cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan không thể được dung thứ vì đã phạm tội giết người hàng loạt chỉ vì sự tham lam quyền lực, sự ích kỉ cá nhân đã giết chết mọi nhân tính.

Một số nhà sử học khác thì biện hộ cho Ỷ Lan với lý lẽ rằng, trong nền chính trị cung đình thời xưa, những hành động thanh trừng như vậy là điều thường gặp.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) lưu ý rằng dưới triều Lý có tục “tuẫn táng”, tức là khi vua, hoàng hậu hay thái hậu mất thì triều đình có thể chôn theo cung phi để hầu hạ ở thế giới bên kia. 72 cung phi của Dương thái hậu có thể đã phải chết vì nguyên cớ này”.

“Giải” ẩn số Ỷ Lan bức chết vợ vua, 72 cung nữ

(Kienthuc.net.vn).
Tác giả Ngô Ngọc Liễn trình bày sự kiện như một sai lầm có tính ngộ nhận, bực bội nhất thời và sám hối suốt đời của Ỷ Lan.


Tác giả chú ý nhấn mạnh đến những nét độc lập về văn hóa của “ Thời đại Ỷ Lan”. Đó là “ Triều Lý không theo như quy định Trung Quốc, trong cung thất duy chỉ có một hoàng hậu mà vua có thể lấy vài vợ và đều phong là Hoàng hậu, ngay đức tiên đế Lý Thái tông cũng có ba hoàng hậu” ( tr. 60), việc mở khoa thi Minh kinh bác học, xây dựng Văn miếu và Quốc tử giám, việc thờ Chu công và Khổng tử cũng một nơi, nhưng không đặt tên là Không miếu, mà là Văn miếu… Việc đối đáp với các nhà sư và bài kệ của Ỷ Lan cho thấy nhân vật am hiểu đạo Phật. Tất cả đều cho thấy ý chí tự cường và độc lập của chúng ta.
3.     Việc nghiên cứu sử sách, đi sâu khảo sát thực địa đã làm cho tác giả có cơ sở để xác định tên thật của nhân vật, làng quê của Ỷ Lan. Đây cũng là một đóng góp thiết thực của tác giả. Bản thân chúng tôi rất quý các bài báo phụ lục, những ảnh chụp của tác giả về làng Sủi ( Thổ Lỗi), Dương Xá, chùa Đại Dương Sùng Phúc, võng kiệu ở đình Yên Thái, đền thờ Thái Giám Nguyễn Bông. Điều đó thể hiện sự ngưỡng mộ và thái độ làm việc khoa học, thận trọng, tỉ mỉ của tác giả.
4.     Bằng con mắt của một nhà khoa học tác giả cũng đã lí giải hiện tượng “ mang thai tâm linh”, hiện tượng hoàng tử “ hóa thú” khi mọc lông, la hét. Đặc biệt là tác giả đã “minh oan” cho Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ đạt đầu tiên của khoa thi Minh kinh bác học, thầy dạy của vua, bị vu oan “hóa hổ” hãm hại vua. Đặt vấn đề các thế lực hoàng gia bị mất đặc quyền, đặc lợi khi Lê Văn Thịnh  thực hiện dựng Nho hưng Phật, Ỷ Lan đã sáng suốt khuyên Vua không giết thái sư mà chỉ lưu đày, thể hiện ân đức cao sâu của nhà Vua. Thái sư Lê Văn Thịnh trong vở chèo của nhà viết kịch Tào Mạt khác hẳn với một số nhà sử học và nhân dân vùng quê Lê Văn Thịnh đánh giá về ông. Đây cũng là một cách góp phần làm sáng tỏ Lịch sử.
5.    Thật là khó khăn khi phải hình dung, mô tả các nhân vật sống cách chúng ta hang ngàn năm, mà không có căn cứ cính xác về trang phục, ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ cung đình. Thêm nữa các nhân vật vừa theo đạo Phật. lại vừa dựng đạo Nho, ngôn ngữ của nhà chùa, của nhà nho, của vị Nguyên phi vừa biết chữ nho, vừa sùng Phật với các nhân vật khác như vua, quan, tướng lĩnh,…Tất cả đều được vượt qua. Tuy nhiên không khỏi có những chỗ khiến người đọc phân vân. Ví dụ, chiếu phế truất Thương Dương Thái hậu ( tr. 139); hoặc câu thơ nổi tiếng về ngô đồng ( tr. 258); hoặc bản dịch bài Cáo tật thị chúng ( bản dịch Ngô Văn Phú, trang 311); bản dịch Quốc tộ (tr.316),…
6.    Là nhà khoa học yêu Lịch sử, mong muốn góp phần nhỏ vào việc lí giải lịch sử, giúp các bạn trẻ yêu mến Lịch sử:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Tôi nghĩ, tác giả đã thành công với cuốn sách của mình. Chí ít, ông đã bổ sung những hiểu biết về một nhân vật nữ kiệt trong Lịch sử dân tộc, người đã làm nên thời đại Ỷ Lan hùng cường của Đại Việt.


                                                    Hà Nội, tháng 3/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét