Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

CHÚT CHIU CÒN LẠI VỚI ĐỜI


                                                       TS Đường Văn

CHÚT CHIU

CÒN LẠI VỚI ĐỜI
                  
              (Nhân đọc Tuyển thơ của Đường Văn
                         “Lá nhặt cuối chiều”)

NGUYỄN HIẾU
                Nhà văn Nguyễn Hiếu
                
1
            
          Đường Văn, ấy là bút danh của Nguyễn Văn Đường, tên quen gọi thời mảy trấu là Tạo - bạn tôi. Có nhẽ trên thế gian ít có tình bạn nào như thằng tôi với gã Tạo - Đường này. Bởi cùng làng nên chúng tôi biết nhau từ hồi cùng học cấp 1, lần lần lên cấp 2, cấp 3. Ngay trong cả ba cấp, hai đứa tôi cũng chẳng lấy gì làm gắn bó cho lắm, trừ ba lần thi cuối mỗi cấp. Bình thường, cũng chỉ thi thoảng gặp nhau lúc gã mua được cuốn sách mới ở hàng sách Mến dện – hiệu sách ở phố Vẽ, độc nhất vô nhị của cả chuỗi làng ven sông tính từ Kẻ kéo xuống tới Yên Phụ. Đường ta bỏ tiền ra mua. Còn tôi, từ căn nhà lá, nền đất nện làm trên đất của bà ngoại ngoài xóm ÔTô, ngồi chòm chõm chờ gã đọc xong là nhót vào nhà gã để mượn về đọc ké. Vậy mà cứ đến mỗi kì thi cuối mỗi cấp là hai thằng chúng tôi lại dính vào nhau cùng ôn, xào nấu bài vở để vượt qua các vũ môn lớn, nhỏ.
          Quả tình, từ hồi nhỏ cho đến khi lên học tới cấp 3, tôi và gã không mấy thân nhau. Đơn giản, vì nhà hai thằng không gần nhau (tôi ở xóm ÔTô, gần làng Vẽ; còn Đường ngụ tận xóm Đại Đồng - Đông Chi, gần chùa Hàm Long Tự, Cầu Sông). Nhà tôi là dân thủ công nghèo, bố là cán bộ nhà nước. Nhà Đường làm nông nghiệp. Chiều chiều, tôi chẻ giang, đan nan dây; Đường thả bò, cắt cỏ, vun khoai… Nhưng phần lớn hơn có lẽ bởi tình tình tôi và gã khác biệt nhau như màu đỏ so với màu xanh. Gã Tạo - Đường này chỉn chu, từ chữ viết, cách chép bài vào vở đến sự hay bắt chước chữ kí của thầy chủ nhiệm họ Đoàn. Đường lại là thằng nghịch ngầm, nghịch tinh quái, ít lộ liễu mọi trò mà vẫn dại! Lạ một điều là hắn chẳng hề ham mê môn thể thao nào!? (Sau này có dịp, hắn thổ lộ rằng chỉ thích môn bơi và món tập nâng tạ!).Thằng Hiếu tôi thì loang toàng, nghịch nổi. Chữ viết chậm cũng tàm tạm, viết nhanh thì đến mình viết ra có chỗ còn phải luận chán mới đọc được! Món thể thao nào tôi cũng ham. Riêng bóng đá thì tạm xem là có đôi chút sở trường. Bàn thắng của tôi trong trận chung kết giữa lớp 10A và 10 B, trường  cấp 3 Xuân Đỉnh, khoá học 1965-1966 có thể coi là sự kiện lịch sử của đời tôi. Không có bàn thắng ấy, thầy Triệu Hải – chủ nhiệm lớp 10A năm ấy - có lẽ không cho điểm hạnh kiểm của tôi lên mức 5 – (năm trừ; theo thang điểm của Liên Xô hồi ấy)! Tức là tôi sẽ không được vào Đoàn, tức là không được chọn vào đoàn học sinh giỏi Văn tuyển từ cấp trường qua cấp huyện lên thành phố, vào đội tuyển học sinh của Hà Nội đi thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Đường vốn có năng khiếu, khẩu khiếu văn nghệ từ nhỏ. Hắn hát được và hay hát. Từng dám đơn ca bài Tiếng hát người chăn bò (Thanh Phúc) trước tập thể lớp 8A (với bạn Long móm (cầu cho linh hồn của bạn tôi siêu thăng miền cực lạc cũng đã gần chục năm rồi! Hỡi ôi!) hát bài Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu). Đường còn cùng với Phúc Lê đóng kịch câm Tham thì thâm! do thầy Đoàn (1935 – 2004) đích thân dịch kịch bản nước ngoài và kiêm đạo diễn. Đường đam mê học đàn. Càng có tuổi, tay chơi ghita (ghitarixt) nghiệp dư làng Trèm này chơi càng bợm! Tôi, về hát hò, giỏi lắm được ghi tên danh sách vào đám hát bè trong dàn hợp xướng “Ca ngợi tổ quốc”(Hồ Bắc) hay Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận). Đàn địch, trông dáng cầm thì tưởng vào tay lão luyện; nhưng thật ra cũng chỉ phừng phừng, không bài nào ra bài nào!...
          Cứ như vậy, mà hồi nhỏ, lúc cần cho cuộc đời thì hai thằng lại dính vào nhau! Sau lại chảng mảng như hai bẹ măng rời khỏi gốc cây!

          Hết phổ thông. Tôi vào Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội. Đường lận đận hơn, nhưng có lẽ chính nhờ đó, lại bộc lộ sự có chí hơn. Gã học trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội 10 + 2 thì phải? Rồi sang Đông Anh dạy cấp II. Rồi đi bộ đội mấy năm. Chuyển ngành về Từ Liêm lại làm giáo làng, cấp THCS, dạy môn Văn – Sử ở Thượng Cát, Từ Liêm. Rồi bằng bản lĩnh và sự thông minh, kiên trì, bằng cách cố tìm cho mình một suất sinh viên sang tận trời Tây (CCCP - Liên xô cũ) để học đại học. Hắn lại về nước học nữa, làm cái bằng Thạc sỹ rồi chuyển tiếp nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công học vị Phó tiến sỹ (Tiến sỹ) Giáo dục học, chuyên ngành Phương pháp dạy học Văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội vào giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước. Ấy là khi hắn đã ngoài 45 tuổi, cái tuổi nhi bất hoặc. Rồi về dạy văn học Nga – Xô viết và PPDH Văn ở trường CĐSP Hà Nội, nơi chuyên đào tạo đội ngũ giáo viên THCS cho Thủ đô. Nghe đâu sau này hắn cũng có tham gia quản lý (cũng vớ vẩn như tôi): Tổ trưởng chuyên môn Văn, phó khoa Xã hội… gì gì đó…!
          Cuộc đời rong ruổi, ông Trời xếp đặt cho mỗi đứa chúng tôi một phương, một nghề, có dễ đến hơn hai mươi năm chẳng gặp nhau, tuy tôi có biết lờ mờ ít tin mòng về gã. Còn gã có hay tin về thằng tôi hay không, thì chịu!? Ai ngờ lối độ năm, sáu năm nay, hai cái cây mọc thẳng về gìà mệt mỏi bởi tháng năm khiến ngọn trĩu lại đìu hiu, ai hay lại gục vào nhau để tri âm hơn, để chia sẻ và cảm thông nhau hơn. Những khác biệt tính tình một thời tuổi trẻ, về già như bị san bằng, để hai thằng tôi lại được kề bên nhau mà tâm tình, mà thoảng thi đối ẩm, đàm đạo, luận bàn. Kể cái vòng tròn của hai thằng tôi cũng lạ mà cũng quen trên cõi đời gió bụi này. Mọi sự gần nhau để trò chuyện, để tâm giao ấy thật hữu duyện, thật tự nhiên và tất nhiên mà vẫn đâu có ngờ lại bắt đầu từ những câu, chữ hình tượng, tác phẩm văn chương của người, của ta, của thiên hạ và của tôi và Đường. Kì thú thay sự tri âm được nối lại, chảy dài qua con chữ, qua thi văn đầy hứng khởi.
            Thanh tao mà cũng mỏng manh sao!

2.
       
          Gần mãn tiết thanh minh Giáp Ngọ (4 – 2014),  Đường Văn hối hả đến mức hình như hấp tấp (?!) gọi tôi về. Tưởng gì! hoá ra gã đưa tôi tập bản thảo Tuyển thơLá nhặt cuối chiều” của gã và muốn tôi đọc thật kĩ để ít nhiều ghi nhận gia tài thơ của gã ra sao. Gã còn vênh lên với tâm thế ích kỉ, cửa quyền của thằng bạn thân đã hiểu tính nhau, mà rằng: ”Đọc kĩ rồi viết một bài cảm nhận xem xem thế nào!?”.
        Cầm tập bản thảo vi tính khổ A4 nặng trĩu tay, liếc qua mục lục thấy dư ba trăm bài thơ dài, ngắn, Đường Văn nheo mắt nhìn tôi, đầy tự tin: “ Về khối lượng, không kém “Hư ảo thơ“ của cậu đâu!”…Leo lên xe buýt, tôi đã lôi ngay tập tuyển ra đọc, rồi về đến nhà tiếp tục ngốn, với tâm trạng của người muốn ngay lập tức hiểu được những cung, nhịp tâm hồn của kẻ mà ta đã nắm được từ lâu hình dạng, tính tình, còn tâm hồn gã qua con chữ, hồn thơ thì chưa hiểu được một cách hệ thống, kĩ càng bao nhiêu…!
        Ngay những dòng thời gian sáng tác ghi dưới những bài thơ ngắn ở vài ba trang đầu đã khiến tôi chợt giật mình. Bài “Nhớ “ghi tháng 10/1962. Khiếp thật! Bởi so với giấy khai sinh của gã thì thằng cha này làm thơ từ năm 13 tuổi – tức khi chúng tôi mới học lớp cuối của cấp 2. Khi ấy, tôi còn chưa có khái niệm là mình tự tay có thể viết nên một bài thơ có vần điệu, câu chữ, giống như một bài trong sách giáo khoa mà thầy, cô bắt phải học thuộc lòng hồi lớp 4. Kiểu như bài:
                                      Làng tôi, làng anh
                                    Có luỹ tre xanh
                                      Có con vàng anh…        
        Sự giật mình thứ hai là bài thơ hắn viết đúng là thơ như tôi biết. Một thằng học trò nhãi ranh mới 13 tuổi mà cũng đã biết buồn buồn, biết bâng khuâng nhớ tưởng một người con gái. Kì diệu hơn là mớ cảm xúc hỗn độn, bong bóng đó được diễn tả mạch lạc, thành vần vèo, nhịp điệu thì thật … Đúng là thằng Tạo này khá hơn Hiếu tôi từ thể xác, tâm hồn, dám nghĩ ngợi đến tài năng xuất chúng trong thơ ca thật.
                              Bâng khuâng, tôi nhớ người con gái,
                              Yêu vụng, thương thầm dăm tháng nay.
                              Đã bẵng ba tuần chưa được gặp,
                              Gặp ai bầy tỏ chút tình… ngây!...
          Một thằng trẻ con vừa nứt máu mũi đã dùng chữ “ngây” thần kì của thơ thì quả là sớm tài thật! Tôi lật vội đến bài thơ gần đây nhất, chép khoảng cuối Tuyển tập, tay Đường này viết. “Nếu làng chẳng còn tre!” là một bài thơ tôi hắn đề tài và mời hắn cùng viết với tôi xem xem thi tài của hai thằng dị biệt nhau đến đâu? Đọc kĩ bài thơ này, thấy mấy câu đầu của gã hình như là hay hơn cả. Còn cả bài lại ép ý, ép vận trong sự cố nói cho hết, cho kĩ về sự đô thị hoá nông thôn như một bài báo bằng văn vần mà tình thực với tôi, còn không thể làm đắm, làm mê, làm phục như bài thơ gã viết năm 13 tuổi. Mấy câu mở đầu của bài gã này viết khi vào 65 - 66 tuổi thế này: .
                          Một mai, làng chẳng còn tre
                   Còn đâu rã rượi đêm hè đà đưa.
                           Mỏi mòn guốc võng ầu ơ,
                    Ru băng non nỉ, đổ thừa tình ai?    
          Một sự chủ động trong tìm tứ, tìm chữ và cả tìm nhịp; nhưng tôi vẫn thấy lộ ra sự thẩm thấu của văn hoá thập phương ngấm vào hắn. Đó là chữ “ầu ơ” của miền Tây Nam bộ. Chứ “ru băng” không phải chữ của thơ. Có thể do nó đặt chưa đúng tầm của cảm xúc chăng?                                             
          Tự nhiên tôi lại làm một việc hơi vội vàng khi so sánh hai bài thơ xa nhất và gần nhất của Đường Văn, không phải định rút ra MỘT ĐIỀU GÌ TRONG SỰ TRƯỞNG THÀNH THI PHÁP của gã bạn thơ mà chỉ đơn thuần muốn tính thời gian của đời sống thơ ở Đường Văn. Dù trồi, sụt, dù lúc xao lãng, khi dồn dập, khi nhiều thơ hay, lúc nhiều thơ chưa hay…, thì quá trình thơ của gã này đã kéo dài dặng dặc tới 52 năm ròng.
            Hơn nửa thế kỉ đánh đu với cảm hứng, với câu chữ, Đường Văn đã có được một gia tài thơ không thể xem thường với ngồn ngộn đề tài, với đủ những trải nghiệm qua những cảm xúc, những vùng đất, những chiêm nghiệm, những kỉ niệm khuôn trong một bút pháp thơ, một khả năng thơ khó trộn giữa bức tranh về nền thơ Việt Nam ở đủ mọi cung bậc: thơ phong trào, thơ chuyên nghiệp. Thơ của kẻ yêu thơ, rất sẵn sàng chết vì Thánh đường Thi ca, thơ của kẻ nguỵ yêu thi ca, lấy thơ ca, văn vần để trang điểm cuộc sống trọc phú và cằn cỗi tinh thần của mình!
           Trong Tuyển thơ này, Đường Văn cũng có ý thức phân chia quá trình thơ của gã thành nhiều thời kì, giai đoạn, với những chùm thơ nọ, kia... Tôi cũng không muốn làm kẻ phụ hoạ cho sự thành đạt của gã theo lối bình tán, tụng ca vóng vót, nhàm sáo; mà tôi xin làm kẻ ngao du trên cánh đồng thơ cũng kha khá bát ngát của Đường Văn. Chỗ nào hứng lên thì dừng lại chút, hái đôi đóa hoa thơ để mong hi vọng khảo sát được thi pháp thơ nhà giáo yêu thơ làng Trèm, qua từng giai đoạn và qua tổng thể.

3.

Giai đoạn thơ đầu tiên, gã ghi tiêu đề “Tập tọng ghép vần”. Ấy là cách gọi khiêm tốn của một tay làm thơ đã hơn nửa thế kỉ nhìn lại giai đoạn khởi thuỷ thơ của mình. Đọc phần này, điều khâm phục đầu tiên của tôi là hướng vào sự bảo tồn di cảo thơ của Đường Văn. 52 năm trôi qua với biết bao thăng trầm, xáo trộn mà gã vẫn giữ được bản thảo chắc giờ đã úa vàng màu giấy nhưng vẫn xanh mởn nhưng cảm xúc đầu đời. Nhưng câu thơ ngô nghê nhưng lại hé lộ ra một khẩu khiếu vần vèo:
         Ngày thường em vẫn ước ao
   Lớn đi bộ đội, hay vào Nông lâm
                                                           (Em tôi)
Hay :
           Văn nghệ làng:làng nhàng
           Tốp ca “Tâm sự bốn anh chàng”
                                                             (Văn nghệ làng)
Rồi:
Ghita thùng đập phừng phừng
Dăm chú nhóc ca từng bừng …
Rồi mấy bài thơ sặc mùi chính trị, chắc do ảnh hưởng của những lần nghe đài galen, hoặc trong những buổi họp Đoàn, họp lớp, hay đọc những cuốn sách tấm gương về những người cộng sản, gương anh hùng như ”Viếng hồn mẹ Tơm”.”Từ Ruồi Trâu qua Paven đến Nguyễn Văn Trỗi”….Nhưng nhiều nhất là những bài thơ ghi lại cảm xúc, sự việc tác động đến tâm hồn  đầu đời của cậu thanh niên mới lớn. Đó là những “Khóc ông nội”,”Hoa cải”,”Ma trơi”,”Tiếng vạc”,’Thăm trường cũ”,”Nỗi nhớ tháng 2”, “Nỗi nhớ tháng 3”
Nhìn khái quát: bên cạnh những tứ thơ, câu thơ và cả nhịp thơ tươi non và ít nhiều ảnh hưởng của một gã chịu khó đọc nhiều sách vở đã thấy hé lộ, phôi thai những nét cơ bản của thi pháp Đường Văn.
Đó là sự tìm từ mới, tìm nhịp mới, cách thể hiện cho đủ ý cần diễn đạt ở một tứ thơ.
 Sự cắt nhịp:
                Lòng trời
                Sâu thẳm
                Lấp lánh
                Muôn sao…
                                (Sao, sao chẳng trả lời)
Tìm từ:
          Kìa, thuyền ai sang Đông Anh
          Hồng hà lắng, hoàng hôn lặng   
                                                          (Chiều thu 1964)
Hay:
          Kiếm ăn về
          Vác, vác.
         Nẫu trời khuya
                                                    (Tiếng vạc)
Cố nói cho đủ ý, nặng chất văn xuôi
          Nhớ những đêm mùa đông,
          Hồi cháu con bé tí,
          Nằm chơi bên ông.
          Cháu cười đùa khúc khích.
          Ông kể chuyện đời xưa…
                                                  (Khóc ông nội)
Hay :
          Bầu trời miền Bắc chúng ta,
          Thanh Hoá tỉnh nhà,
          Cửa Lạch Trường:
          Ba máy bay tan xác
                                       (Viếng hồn Mẹ Tơm)
          Nhược điểm của thơ Đường Văn giai đoạn này là bên cạnh những tứ thơ, câu thơ khá thơ thì lại có quá nhiều tứ thơ không nằm trong diện có thể chuyển hoá thành thơ, quá nhiều câu văn xuôi được chuyển thành thơ một cách gượng ép. Kiểu như
                      - Xạo, đèn Bêtông mình đấy!
                      - Nhát chưa? Ai khúc khích cười? 
                                                                            (Ma trơi)
Ngay trong những bài thơ lục bát, nhược điểm “văn xuôi hoá thơ” cũng không tránh khỏi:
            Vắt vẻo trên tường cao cao,
       Gớm chưa, con gái nhà nào ghê không?! 
                                                                        (Tình ca bỏ dở)
          Một nhược điểm nữa ở phần này lại không nằm trong bút pháp thơ mà lại nằm trong việc biên tập, sửa chữa bản thảo. Khá nhiều bài Đường Văn ghi năm sáng tác vào những năm 1962, 63, 64, 65…nhưng lại thêm ghi chú thời gian vào tháng 3/2014.?! Dường như gã cảm thấy sự non dại, ngô nghê của những câu thơ viết cách đây hơn nửa thế kỉ từ thời trẻ con, nay muốn chữa lại, hoàn thiện thêm. Kẻ đọc này nhận ra khá nhiều những câu thơ được làm mới một cách không nên và không cần này:
                      Trung du
                      Thoang thoáng thu thơm  
                                                                     (Trung du)
    Hoặc:
                     Ông nội!... ơ hờ!
                                                   (Khóc ông nội)
    Hay:
                     Chỉ nghe câu hát ỳ y
              Thuyền ai khẳm, gíó vu vi… qua rồi
                                                                               (Thuyền ai) 
            Việc biên tập, sửa chữa với mục đích nâng cao, làm mới, đánh bóng mạ kền này, theo tôi, thực sự đã làm giảm rất nhiều nét, màu tươi nguyên của những dòng thơ nguyên thuỷ. Tác giả quên rằng chính sự non dại, thật thà của những câu thơ  tập tọng đấy mới là sự minh xác của tài thơ trong buổi đầu đời, khi gã chọn cho mình một sứ mệnh chông chênh của nghiệp làm chữ nghĩa.                    

4.
         
          Như thằng tôi đã viết ở trên về cuộc khảo sát tuyển thơ của Lá nhặt cuối chiều rằng tôi sẽ không trườn theo những phần thơ của gã chia ra như một cách nhàn du lần qua những hàng rào thi ca để nếm náp, phẩm bình, tán tụng. Mà sau khi đọc đi đọc lại dư nhiều lần “Lá nhặt cuối chiều”, tôi hi vọng nhặt ra, tìm thấy những đặc điểm nổi trội trong bút pháp thơ Đường Văn.
          Ngay khi khảo sát khá kỹ phần “Tập tọng ghép vần”, tôi cảm thấy như đã nhìn ra những đặc thù chủ chốt chi phối sáng tác thơ của gã này. Rồi liên tiếp qua “Chùm thơ viết ở Nga…”, “Chùm cảm tác”, “Chùm thơ về nguồn”,”Chùm quà ông tặng cháu”, chùm vô đề, chùm lộc vừng, chùm thù tạc, xướng – họa…Tôi cảm thấy khá rõ đây là thơ của một người chỉ muốn dùng thể loại thơ để viết ra, bày ra những cảm nhận, rung động của mình về cuộc sống. Gã không hề và hình như chưa bao giờ có ý định thành một nhà…một lều thơ nào hết! Sự tự thoả mãn trong việc nếm náp những vần thơ của mình ở phương thức ”tự sướng” đã khiến gã nhiều khả năng tung hoành trong mọi đề tài, kể cả những đề tài vụn, rất vụn không mấy được các nhà thơ lưu ý… để chuyển hoá thành thơ. Kiểu như chùm về nguồn, chùm ông tặng cháu …Gã sẵn sàng lập tứ để rồi viết rất hứng khởi và đôi khi thăng hoa và đẻ ra những bài thơ mang tính diễn ca kể tên những đồng môn học cùng lớp phổ thông, đại học…Những bài thơ “đố - giải”. Đường Văn cũng là tác giả thơ sẵn sàng và rất chân thành ném tên mình vào những bài thơ giao đãi: “Đường Văn xin hứa tặng liền bài thơ!” . Tác giả cũng rất chân thành làm ra những câu thơ mang phong vị vè, nói vần kiểu như nhà thơ dân gian nổi danh cùng làng Nguyễn Thiên Tuế. Chẳng hạn:
                           Để cho con cháu càng xằng,
                   Nát tan cũng bởi thiếu thằng mấu tre  
                                                                               (Đất)
           Gã cũng sẵn sàng diễn ca những chuyến du ngoạn, hay những buổi tập văn nghệ, hát hò, với những câu văn vần mộc chen vào những câu thơ chuẩn. Bài “Ghi nhớ tản mạn một chuyến đi” khá tiêu biểu cho nhận xét này.
                 Văn vần:
                  Chưa bước chân đi đã bực mình,
                  Đột ngột, ai hay …chuyện lình sình
                 Thơ:
                  Em thả hi vọng, trôi sông Hương,
                  Câu hò mướt, ngân nga đêm hường
        (Riêng chữ “hường’ở đây đáng khuyên đỏ).
      Vì lấy Thơ làm phưong tiện thù tạc, là trò chơi ngay từ thủa vẫn chưa rũ áo từ quan cho đến khi quy khứ lai từ nên ĐV rất ham và có thể nói tâm đắc với trò “xướng - hoạ” trong thơ, hoặc biến thơ thành một phương tiện nhật kí trước mọi việc to, việc nhỏ thường nhật, trong cuộc sống. Nguyên về anh cu chàng Tễu, cháu đích tôn yêu quý của gã, tôi đếm đã có hơn chục bài nói về các trạng thái tinh thần và cuộc sống sinh hoạt trẻ thơ của Tễu. Rồi các cháu Su Su, rồi Pháo…Ở chùm này, ĐV tự hiện ra chân dung một người đàn ông cơ chỉ, phải đạo trong vị trí, vai trò người chồng, người cha, người ông với những câu văn vần kể lể, rất đỗi nôm na, vụng về:
                  Tễu đang sốt
                  Viêm họng, sốt dịch,
                   Khó thở a, a!
                   Đắp lá khế giã,
                   Dán cao hạ nhiệt….
                                                       (Ốm Tễu)
         Tiếc thay chùm thơ rất chân tình, thành thật này chỉ mới dừng lại ở mức ghi chép mà chưa nâng lên mức phổ quát, tạo sức lay động cho độc giả; kiểu như “Nghệ thuật làm ông”của V. Huy gô….
         Nhưng dù viết về điều gì chăng nữa, người đọc vẫn thấy lộ ra tác giả tuyển ”Lá nhặt cuối chiều” là một người có nền tảng trí thức cơ bản rộng rãi, sâu sắc, chắc chắn, đọc nhiều thơ ta, Tây, Tàu…và am hiểu khá cặn kẽ, tường tận các luật lệ thơ. Chính vì vậy, nên Tuyển thơ này phản ảnh trung thành tố chất ấy. Mặc dù không hề chủ định chuyên nghiệp hoá thơ và cách làm thơ của mình nhưng đôi khi với kiến thức đã thành máu thịt trong mình nên ĐV dù muốn hay không vẫn giẫm lại bước chân của các thi nhân cổ kim, trong cảm xúc, cảm hứng, viết ra không ít ”cảm tác”, “ngẫu cảm” khi vịnh các nhân vật Tam Quốc, Thuỷ hử, trong chưởng bộ của Kim Dung…Khi tức cảnh làm thơ trước các thắng cảnh của làng, của nước…. Trong nghệ thuật, cùng với các thể thơ tự do, lục bát trường thiên… ĐV cũng  rất niêm luật khi dùng thể thơ thất ngôn cổ điển:
                             Ghita trên vách đợi bạn hiền
                             Bạn hiền chưa đến lại triền mien
                             Bồng bềnh thơ nhạc, ngâm hoà gẩy
                            “Cư trần, lạc đạo thả tuỳ duyên”!
                                                                                         (Ngày khác)
         Hoặc tập tễnh đến thể “quốc thi” Haicu của thơ đất nước Phù tang (Nhật Bản), tuy gã chưa đạt mấy thành tựu và chưa chuẩn về luật:
                           Học trò mải viết bài thi.
                           Thầy nặn thơ.
                           Khổ sai. 
                                                          (Tập Hai cư)
                                                    ***
            Tựu trung lại, với”Lá nhặt cuối chiều”, bút pháp thơ của Đường Văn đã hình thành và tạo một dáng riêng khó lẫn trong giới thi nhân, từ việc bất kì một sự gì, một vấn đề gì dính đến con người cũng có thể viết thành thơ. (Về khả năng này, tôi chợt nhận ra trong thời gian gần đây: tuổi càng cao thì sự thường trực cảm tác thơ của gã càng mạnh, càng tức thời!)Học trò mê mảiHO đến việc tạo câu, chữ, tạo nhịp thơ mới mẻ…
          Mặc dù cũng làm thơ có dễ ngỏn ngoẻn gần năm chục năm, nhưng tôi không thuộc những người khuyến khích cho sự lạm dụng thơ, coi thơ như một công việc dễ dãi, lấy thơ làm phương tiện cho mục đích ngoài thơ; song tôi thực sự trân trọng khả năng Thơ của Đường Văn. Khả năng ấy đã và đang tạo nên một dòng thơ khu biệt, đủ phản quang tâm hồn một con người trước những buồn vui, âu lo, cùng những chiêm nghiệm, kỉ niệm gần trọn một cuộc đời trên cõi đời phù du, đầy bất ngờ này./.
                                         
                                 
Trại sáng tác Điện ảnh - Đà Lạt,
                                 trung tuần tháng 4/2014.
NH
 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét