Có một người con gái…
Hoàng Dân
Hãy bắt đầu từ cái “dải yếm” trong
câu ca dao: Ước gì sông rộng một gang/Bắc
cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Ai từng sinh ra và lớn lên ở một
làng quê thuần nông với đủ cây đa, bến
nước, sân đình, lũy tre thì trong kí ức hẳn còn đọng lại những lời ru, mà
phần nhiều lời ru thường là những câu ca dao được cất lên bằng một giọng điệu
tha thiết nao lòng. Dường như người ru đang giãi bày tâm sự của chính mình? Có
nỗi niềm của thân phận lênh đênh. Có nỗi hờn giận của số phận hẩm hiu. Và có cả
nỗi sầu tủi của duyên tình lỡ dở... Những nỗi niềm ấy thì đời nào mà chẳng có?
Nhưng, ngày xưa, trong một không gian quá hẹp của lũy tre làng và trong sự
cương tỏa khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến thì những nỗi niềm ấy có thể đậm đặc
hơn, nghiệt ngã hơn và dễ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tuyệt vọng hơn?! Có lời
ru rằng:
Ước gì sông rộng
một gang
Bắc cầu dải yếm để
chàng sang chơi*
Có biết bao con sông và cái cầu
trong ca dao? Có lẽ nhiều lắm! Bởi mỗi con sông, mỗi cái cầu là một mảnh tâm
trạng, một nỗi niềm, thậm chí là một cuộc đời! Thử xem:
- Ước gì sông Cái có cầu
Để em sang giải cơn sầu cho anh
- Ước gì bể hẹp như ao
Bắc cầu đòn gánh mà trao nhân
tình
- Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Muốn sang anh ngả
cành hồng cho sang
- Qua cầu ngả nón
trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu
bấy nhiêu
...
Con sông và cái cầu cứ trở đi trở
lại trong ca dao như một món nợ cách sông trở hói không sao lấp đầy trong tâm
trạng của những lứa đôi từ xưa tới nay và có lẽ cả mãi mãi sau này. Con sông
thường là sự vật tự nhiên (có con sông nhân tạo, nhưng số lượng hẳn không đáng
kể!), tượng trưng cho sự ngăn cách; trong câu ca dao, con sông còn là một
khoảng không gian trống vắng rợn ngợp của tâm trạng con người. Con sông thì bao
giờ cũng có, nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, nghĩa là sự ngăn cách,
nỗi bất hạnh dường như là vĩnh cửu. Cái cầu là sự vật nhân tạo, tượng trưng cho
sự nối liền; trong câu ca dao nó là biểu tượng cho gặp gỡ, hòa hợp, hạnh phúc.
Nhưng oái oăm thay, không phải ở đâu, lúc nào và bao giờ con người cũng có thể
dễ dàng bắc được một cây cầu qua sông. Có cây cầu là ước mơ của nhiều đời...
Không thể bắc được cầu vì con
sông quá rộng! Không thể đến được với nhau vì khoảng cách quá xa! Không thể với
tới tình yêu vì hình như nó quá cao?... Với bao nhiêu cái không thể như vậy, thử hỏi
con người còn biết làm gì nếu không ước mơ? Có một giai thoại kể rằng, sau khi
hoàn tất việc sinh ra muôn loài trong vòng sáu ngày, tới ngày thứ bảy (tức chủ
nhật), Chúa nghỉ ngơi để chuẩn bị về Trời. Đến cuối ngày chủ nhật (Chúa
nhật-ngày Chúa nghỉ), trước khi về Trời, Chúa trao cho một bà già một cái túi
vải có dây thắt kín miệng và dặn: “Ta đã nhốt tất cả các tai hoạ của loài người
ở trong này, nay ta giao cho con cất giữ. Tuyệt đối không được mở miệng túi
ra!”. Thế nhưng, sau khi Chúa đã về Trời, với bản tính tò mò cố hữu của con
người, bà già bèn mở miệng túi ra. Ngay lập tức, các tai hoạ như chiến tranh,
bão lụt, dịch bệnh… ào ạt tuôn ra. Bà già kinh hãi, vội túm chặt miệng túi và
áp sát vào ngực mình, miệng lầm rầm cầu xin Chúa rủ lòng thương. Từ trên cõi
cao xanh vòi vọi, Chúa mỉm cười độ lượng: “Rất may cho con là trong túi vẫn còn
sót lại một cái hạt hi vọng đang nảy mầm…”. Nghĩa là, trong bất kì hoàn cảnh
nào, dù thân phận có bèo bọt đến đâu chăng nữa thì ai ai cũng có cái quyền được
ước mơ và hi vọng! Phải chăng đây cũng chính là một ân huệ mà Chúa dành cho
loài người?!
Cô gái mơ ước điều gì? Cô ước cho
khoảng không gian thu hẹp lại trong tầm với của mình. Cái nghịch lí giữa sông rộng với một gang thật ra chẳng có gì phi lí bởi nó chỉ là ước mơ thôi mà!
Nó là một mảnh tâm trạng hoang mang vô vọng trước dòng sông thời gian vô hình
đang lạnh lùng cuốn theo cả tuổi xuân của người con gái để ném vào quên lãng.
Sẽ có một kiếp người trở thành hư vô ngay trong khi đang sống giữa nhân quần
bởi vì nó chưa hề được nếm trải hương vị của tình yêu và hạnh phúc, cái mà lẽ
ra đương nhiên con người phải được tận hưởng. Từ ước mơ ấy sẽ dẫn tới một hành
động khá là táo bạo, quyết liệt. Hành động gì? Hành động bắc cầu. Với một
khoảng cách vừa đủ thì cô gái sẽ quyết tâm hành động, điều đó cũng bình thường
thôi, chẳng có gì đáng nói! Điều đáng kinh ngạc là cái vật liệu mà cô gái sẽ dùng để bắc cầu: bắc cầu dải yếm! Có lẽ ngày nay rất ít bạn trẻ có thể hình dung ra
nổi cái dải yếm ngày xưa nó như thế nào? Nó là một tấm vải diềm bâu (loại vải
dệt bằng phương pháp thủ công, thô, dày, bền), nhuộm nâu (bền hơn nữa), cắt lựa
theo thân người phía trước, che kín cả ngực và bụng, có ba đôi dải (buộc sau
gáy, sau lưng và trên thắt lưng). Nhà giàu thì có yếm lụa, yếm sa tanh, yếm
vóc... với đủ sắc màu rực rỡ, nhưng thường là yếm đào, yếm thắm. Với cô gái
nghèo thì bên ngoài cái yếm nâu sồng là cái áo cánh nâu, ngoài áo cánh nâu có
thể còn áo tứ thân, ngoài áo tứ thân là thắt lưng bao (một kiểu ruột tượng bằng
vải mềm). Tóm lại, dải yếm là sự vật nhân tạo, nhỏ bé, bất li thân, cực kì kín
đáo, không thể tuỳ tiện tháo cởi để trao tặng như các đồ trang sức khác (nếu
có). Người con gái xưa chỉ được phép trao tặng dải yếm cho một người con trai
duy nhất và trao tặng có một lần là kể như chấm dứt một đời con gái. Đối với
người con gái bình thường thì dải yếm là bằng chứng cho sự trinh tiết, còn đối
với một cô gái nghèo thì dải yếm là một báu
vật của tình yêu. Lại thử điểm qua một số câu ca dao có cái dải yếm:
-
Thuyền anh mắc cạn lên đây
Mượn
đôi dải yếm làm dây kéo thuyền
-
Trầu em têm tối hôm qua
Giấu
trong dải yếm lấy ra mời chàng
-
Đêm đông gió rét kìn kìn
Đắp
đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông
-
Yêu chàng biết để vào đâu
Đùm
đầy dải yếm lâu lâu lại dòm
...
Ngày xưa, tình yêu và hôn nhân là hai việc
hoàn toàn khác nhau. Trai gái có thể phải
lòng nhau (bây giờ gọi là tình yêu!),
nhưng có nên vợ nên chồng hay không lại là chuyện khác. Tình yêu vấp phải một
cái ba-ri-e lễ giáo phong kiến khắc
nghiệt với những nam nữ thụ thụ bất thân;
nam đáo nữ phòng nam tắc loạn, nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm... Còn hôn nhân
lại là việc quá ư hệ trọng và phiền toái. Nó phải thỏa mãn những quyền lợi của
làng xã, của gia tộc rồi mới đến quyền lợi của lứa đôi. Nó có cả một sê-ri những nghi thức, những thủ tục quá
nhiêu khê, rườm rà. Tóm lại, nó phải môn
đăng hộ đối theo một thứ đạo lí mang tính áp đặt cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy! Như thế mà dám mơ ước lấy được người
mình yêu thì quả là quá khó! Nhất là đối với người con gái. Do đó hôn nhân mang
tính may rủi thật khó lường! Tình cờ vớ được một người đàn ông tử tế thì cũng
bõ một kiếp đàn bà con gái, nhưng chẳng may bị buộc vào một gã vũ phu thì coi
như hết phúc. Hết phúc nhưng vẫn có chồng, có chồng thì lấy con làm lãi, vì thế
người phụ nữ vẫn cắn răng chịu đựng những ông chồng bất hảo để hi vọng vào con
cái. Tính nhẫn nhịn và đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam thật đáng cảm động khi mà họ
cất lên lời ru:
- Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa có
đời nào khê?
hoặc:
- Chàng ơi giận thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng!
Nói như thế để thấy rằng méo mó có hơn không! So với những người
phụ nữ đi hết một kiếp người mà không được hưởng quyền làm vợ, làm mẹ thì những
người phụ nữ bất hạnh kia vẫn có phần may mắn hơn!
Xin trở lại với cô gái trong câu
ca dao đang bàn. Cô gái sẵn sàng tháo tung cái dải yếm ra giữa thanh thiên bạch
nhật, giữa trời mây sông nước mênh mang để trao tặng nó cho chàng! Vậy chàng là ai? Chàng sẽ ứng xử
với hành động dâng hiến tuyệt đối của cô gái ra sao? Xin thưa, chàng ở đây chỉ
là một gã trai vãng lai, một gã cha vơ chú váo... nào đó mà thôi! Chàng chỉ sang chơi thôi chứ không phải sang để
chạm ngõ, bỏ trầu và càng không thể có chuyện đón dâu! Vậy mà cô gái dám cả gan
bất chấp lễ giáo phong kiến để manh động đến
như vậy? Liệu có nhẹ dạ và dễ dãi quá hay không? Có là con thiêu thân mù quáng
quá hay không? Có thể! Nhưng phải đặt tâm trạng của cô gái trong một hoàn cảnh
thật cụ thể. Đó là khoảnh khắc khủng hoảng của một cô gái lỡ làng duyên phận.
Dòng sông thời gian vô hình thì cứ lạnh lùng cuốn đi cả tuổi xuân và những niềm
hi vọng mong manh của cô. Cô đã từng trải qua những giờ phút hi vọng, âu lo,
hồi hộp... để cuối cùng rơi vào trạng thái tuyệt vọng! Khi đã không còn gì để
mà ngóng đợi cũng có nghĩa là chẳng còn gì để mất và những dồn nén tích tụ tất
phải bùng nổ thành một cuộc nổi loạn, đó là cuộc nổi loạn của bản năng vô thức.
Vì vậy, cô gái đáng thương hơn là
đáng giận, cần được sẻ chia thông cảm hơn là hắt hủi xa lánh... Phải chăng đó
chính là chút dư vị buồn của một lời ru?!
Núi Bò – Hà Nội. 14.2.2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét