Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

VỀ THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU



VNNB: Đây là bản gốc của VN, đăng lại như một tư liệu


VỀ THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU
                                                          Vũ Nho
Chắc là những người viết nghiên cứu và phê bình sẽ còn tốn không ít giấy mực về trường hợp Nguyễn Quang Thiều và thơ của anh. Nhân dịp nhà thơ in cuốn thơ tuyển lần thứ nhất CHÂU THỔ ( 2010), đã có 25 bài viết xung quanh thơ và cách tân thơ của tác giả.  Sau khi đọc  cẩn thận hết tập thơ tuyển, đọc kĩ càng hết 25 bài viết, tôi  muốn ghi lại mấy cảm nhận của mình.
1.    Tiềm năng của một nhà thơ lớn
Nguyễn Quang Thiều có bằng Đại học nước ngoài, điều đó không quan trọng lắm. Nhưng một nhà thơ bắt đầu viết khi có bằng Đại học nước ngoài, khi có thể đọc thành thạo thơ thế giới bằng tiếng Anh như Nguyễn Quang Thiều, thì nước ta không có nhiều. Tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau là một lợi thế lớn để Nguyễn Quang Thiều mở rộng, làm giàu có vốn văn hóa của người cầm bút. Vả chính điều đó làm tăng nội lực của nhà thơ, làm cho người viết có thể tự tin viết những bài thơ tầm cỡ không giới hạn ở biên giới nước mình.
          Đấy chỉ là điều kiện cần cho một nhà thơ lớn chứ không phải là điều kiện quyết định. Cái quyết định nhất chính là tài năng bẩm sinh của thi sĩ được phát triển một cách mạnh mẽ nhờ hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Có thể thấy rằng Nguyễn Quang Thiều đạt đến độ chín của tài năng không quá sớm, nhưng cũng không quá muộn mằn. Chỉ sau tập thơ đầu tay trình làng, anh đã có tập thơ “ Sự mất ngủ của lửa” gây được tiếng vang, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Cái chính là phẩm chất thi sĩ được phát lộ, được khẳng định. Phải nói rằng bài thơ “Dâng trà” của anh viết là một bài thơ hay, một trong các bài thơ khá toàn bích theo bút pháp thông thường.
          Thưa cha con đã dâng trà
          Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
nắng hắt, có nắng reo, có nắng lên, có nắng xuống,... nhưng hiếm nắng đi, mà nắng đi đã nửa mái nhà là dấu hiệu của chiều. Những câu thơ tiếp theo là nỗi niềm ăn năn hối lỗi của người con “ ba dại bảy điên”. Hai câu kết của bài thật đặc sắc:
          Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.
Dâng trà cho cha, không biết cha có nhận cho, có tha thứ những lỗi lầm thuở ấu thơ. Vì cha chỉ như bóng mây im lặng, nên người con xót xa. Hồn trà dâng cha, mung lung không thấu được, còn xác trà con giữ lại, trần trụi, cầm nắm được, lạnh và đầy lòng con.

          Tôi dám đoan chắc rằng bài thơ “Bây giờ đang cuối mùa đông” cũng là một bài thơ đặc sắc không phải người làm thơ nào cũng viết được. Nó thể hiện thật tài tình tâm trạng của một chàng trai muôn vợ ở cái làng mà lớp lớp cô gái theo nhau lớn lên, đi lấy chồng. Có một vài câu làm duyên độn vào, nhưng chí ít đó cũng là những câu thơ  bình thường làm nền tôn vẻ đẹp những câu thơ hay.
          -Chút chiều hoe nắng ngõ nhà
          Tôi đi tôi đứng để mà vu vơ
          -Ra đường gặp tiếng  xưng em
          Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau
Có một sự khác  biệt rất lớn giữa sự tìm tòi và cách tân của Nguyễn Quang Thiều với các nhà thơ khác “nhân danh cách tân”. Đó là Nguyễn Quang Thiều đã chín với cách viết truyền thống, thường gặp, anh tìm cách diễn đạt mới. Còn những cây viết khác thì làm một nhà thơ bình thường cũng chưa xong, đã bập vào cách tân để  mong đi tắt trên đường sáng tạo.
          Nguyễn Quang Thiều do tiếp xúc văn hóa rộng, nên chắc chắn anh có chịu ảnh hưởng của các nhà thơ phương Tây, viết có vẻ Tây. Nhưng người Việt chúng ta vốn khá mau quen với những gì lạ nhập từ Tây vào. Như Hoài Thanh đã từng viết, chúng ta mau quen với  thắp dầu Tây, mặc quần Tây, đi giầy Tây, …Cả cách xã giao bắt tay cũng là theo kiểu Tây, chứ các cụ nhà ta ngày xưa chào nhau và dạy con cái cách chào không như thế.( Bây giờ là thời hội nhập và toàn cầu hóa nên những cái Tây  càng được quen rất nhanh).
          Xuân Diệu khi mới xuất hiện cũng bị coi là Tây, nhưng chỉ ít lâu sau, thơ Xuân Diệu là thơ Việt hoàn toàn, mà Việt rất hiện đại. Những câu thơ:
          Tôi muốn tắt nắng đi
          Cho màu đừng nhạt mất
          Tôi muốn buộc gió lại
          Cho hương đừng bay đi
viết từ thời thơ mới, nhưng thật không khác gì câu thơ của nhà thơ Mĩ viết bây giờ.
( Xem Sam Hamill  :
            Cơn gió này để trôi đi
mọi thứ nó chạm tới
Tôi muốn được giữ nó lại
        Sự giằng xé của một người đang yêu,  trong tập Tiếng vọng từ bờ kia thế giới, nxb Hội nhà Văn, Hà Nội, 2012)
Nguyễn Quang Thiều không bị coi là Tây, nhưng bị coi là thơ Tây dịch. Bởi vì những bản dịch của chúng ta thường là trúc trắc, không mượt mà. Đấy là một nhược điểm làm hạn chế sức thuyết phục của thơ anh.
Nhưng những bài thành công khi đổi mới của Nguyễn Quang Thiều là những bài thơ  vẫn gắn bó và phát triển trên nền thơ truyền thống. Lấy ví dụ bài thơ  “LỄ TẠ” chẳng hạn. Kết cấu đầu cuối tương ứng. Có thủ pháp đối lập trong “Tĩnh dạ tứ “ của Lí Bạch , có câu hỏi tu từ, có cách nói ngoa dụ… Đáng tiếc là những bài thơ như vậy không nhiều.
Có thể thấy ham muốn đổi mới, viết khác đã làm cho Nguyễn Quang Thiều từ bỏ phần lớn ( chứ không phải từ bỏ tất cả) cách diễn đạt  hàm súc, nhịp điệu với ngôn từ chắt lọc, cô đúc.  Nhưng như đã nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ có tài năng, vì thế mà vẫn có nhiều những câu thơ hay, vẫn có nhiều những đoạn thơ có thể găm vào trí nhớ bạn đọc. Hoàn toàn không phải như một nhận định thiên lệch rằng “ Không có câu thơ hay. Không tứ thơ. Không có chữ thơ. Không có hình ảnh chính. Đọc xong một vài bài thơ hoặc một tập thơ mỏng nào đó của nguyễn Quang Thiều, người đọc thực dụng sẽ trắng mắt, khi không thu về được gì” ( Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, nxb Hội nhà Văn, 2012, trang 145). Nhưng có cảm giác ít hay vắng thiếu là do những câu này bị khuất lấp trong những triền miên liên tưởng, triền miên ẩn dụ, và những câu thơ văn xuôi, thơ-tản văn, những câu  thơ “ Từ ngữ […] kềnh càng, thậm chí không hiếm chỗ là “vô lối”, là “ông chẳng bà chuộc”  “ ( Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, đã dẫn, trang 173). Đây, một số ví dụ ngẫu nhiên về những câu thơ ám ảnh của Nguyễn Quang Thiều:
Mẹ con đứng vùi chân trong cát
Nước mắt buồn bay ướt một triền sông
                                   Tiếng cười
Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ
Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn
              Mười một khúc cảm, I
Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc
Như lang thang qua bãi chiến trường
Đầy mảnh thịt của gia sức
Đầy xác chết của rau thơm
Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát
Bầy kiến ôm lên đắng cay nhòa mắt
Bò qua da
Bò qua xương
Trong rền rĩ cơn lốc quạt
              Bầy kiến qua bàn tiệc
Xa hơn nữa…một mùa thu thắm đỏ
Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong
Xa hơn nữa…tôi khóc cùng mùa hạ
Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn
Xa hơn nữa…và, xa hơn nữa
Là nơi tôi ngồi trước lửa
Một cơn sốt ngồi ôm một cơn sốt
             Thời gian
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé nhỏ chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
                         Những người đàn bà gánh nước sông
Nếu không theo đuổi ý tưởng đổi mới, tôi nghĩ Nguyễn Quang Thiều vẫn đủ sức ghi tên mình vào tốp những nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ của dân tộc. Bởi vì tài năng của anh là một điều không thể phủ nhận.

2.    Bước quá đà của sự cách tân
Nếu xem xét đơn lẻ từng  yếu tố cách tân trong bút pháp  thơ Nguyễn Quang Thiều thì có thể thấy rằng cũng không có gì gọi là đột phá, mới mẻ, chưa từng có trong thơ Việt như một vài cây bút viết về anh đã ngộ nhận.
Tưởng tượng và liên tưởng ư? Đâu phải đến Nguyễn Quang Thiều mới có tượng tượng và liên tưởng phong phú. Dù cố chứng minh rằng sự liên tưởng và tưởng tượng ấy “lạ lẫm” với tâm thức chung của cộng đồng thì điều đó chỉ nói lên rằng sự quá đà của Nguyễn Quang Thiều đã làm hạn chế sức lan tỏa của thơ anh.
Thơ văn xuôi ư? Đâu phải một mình Nguyễn Quang Thiều viết thơ văn xuôi. Nhiều nhà thơ Việt đã thứ thách rồi. Đã có cả một tuyển tập thơ văn xuôi Việt. Nhưng hình như các bài thơ thành công thật hiếm hoi.
Từ chối vần nhịp thông thường ư? Cũng chẳng phải Nguyễn Quang Thiều là người đầu tiên. Mà từ chối vần, nhịp cũng chỉ là một cách làm khác đi mà nguy cơ thất bại nhiều hơn  là thành công.( Không kể có ý kiến cho rằng “ Nhịp - điệu – Nguyễn- Quang- Thiều, nếu có thể nói như vậy, là thứ nhịp điệu thơ tìm thấy tương đồng ở rất nhiều người viết trước, cùng thời và sau;”
( Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều,  sách đã dẫn, trang 151).
Sử dụng ngôn ngữ không đặc tuyển cho thơ và không sử dụng những quy phạm vần luật thơ truyền thống ư? Điều đó không riêng Nguyễn Quang Thiều. Mà làm như thế dễ dẫn đến thất bại nhiều hơn là thành công nếu không có các yếu tố khác hỗ trợ.
Trùng điệp các thi ảnh ư? Cũng không phải. Vấn đề không nằm ở chỗ trùng điệp hay không trùng điệp. Thi ảnh đẹp, gợi cảm, gây ấn tượng là thi ảnh mới mẻ, được đặt đúng nơi, đúng chỗ trong bài thơ. Mà hệ thống thi ảnh thì mỗi nhà thơ có những đặc điểm khác biệt khi xử lí.
          Ca ngợi làng quê, người phụ nữ, đất đai ( cánh đồng), ngọn lửa…cũng chẳng phải là độc quyền của ngòi bút Nguyễn Quang Thiều. Khác chăng chỉ là ở chỗ cái làng ấy có tên cụ thể : làng Chùa. Nhưng cánh đồng rau khúc, dòng sông, đầm sen, bầy chó, đàn bò đâu phải là sở hữu riêng của làng Chùa?
Những giấc mơ như là mê sảng ư? Cũng chẳng có gì đặc biệt, khi nhà thơ nói về nhưng giấc mơ đẹp đẽ, dữ dội, kinh hoàng. Vấn đề là điều đó đem lại cảm xúc gì cho người đọc chứ không phải mơ để mà mơ, mê sảng để mà mê sảng.
Vậy Nguyễn Quang Thiều  làm mới ở chỗ nào : Chính là ở chỗ vận dụng tất cả các yếu tố đó một cách tổng hợp. Khi vận dụng một cách chừng mức và tỉnh táo, Nguyễn Quang Thiều thành công. Khi vận dụng quá đà, Nguyễn Quang Thiều thất bại. Tôi không cho rằng càng viết, càng đổi mới thì thơ Nguyễn Quang Thiều càng hay. Mà chỉ thấy khi không chừng mực, say sưa với sự khác lạ, Nguyễn Quang Thiều tự làm hỏng thơ mình. Tôi đọc nửa đầu của tuyển tập “Châu thổ” với sự  thích thú, ngưỡng mộ, còn phần sau của tuyển tập, quả thật là mệt mỏi. Vì thế mà nảy sinh ý nghĩ “ Tôi buồn khi Nguyễn Quang Thiều đã đem một thi sĩ đích thực tài năng để đổi lấy một nhà cách tân  tầm tầm. Mà  với thơ thì  bạn đọc cần một nhà thơ đích thực chứ đâu có cần danh hiệu nhà đổi mới thơ?”.
            Để  chứng minh rằng không phải riêng tôi phát hiện ra sự thất bại trong việc đổi mới của Nguyễn Quang Thiều, xin dẫn ra đây những ý kiến của những người viết cổ xúy cho nhà thơ. Tất nhiên, những dòng này thường chiếm vị trí khiêm tốn, và thường rất ngắn ngủi, được nói ở mức độ giảm nhẹ nhất có thể. Nhưng đó là những điều “nói thật”, thật hơn nhiều so với những ngôn từ ca ngợi trong đó không ít những bốc đồng, thái quá và nói lấy được. Các nhận xét này được chia làm ba loại. Một là dẫn lại những ý kiến của người khác để rồi phản bác (ít thôi); hai là dẫn các ý kiến của người khác, một cách khách quan, dù ở các mức độ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, thể hiện sự đồng tình ( phần lớn); và ba là bộc lộ trực tiếp nhận xét của người viết.
“Thơ Nguyễn Quang Thiều có cả những mặt hạn chế như sự rườm lời bởi quá nhiều định ngữ nghệ thuật, cảm xúc nhiều khi chưa được tiết chế làm tổn hại đến nhưng bí mật cần giấu kín để kích thích sự khêu gợi sâu xa…” ( Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, sách đã dẫn, trang 33 – Tiếp theo là những trang dẫn của cùng cuốn sách này).
Ngay cả một vài cây bút bình luận với đầy thiện cảm vẫn phải nói rằng thơ Nguyễn Quang Thiều “khó hiểu” “ (  trang 60).
Để tìm được chất thơ trong mênh mông “Châu thổ” quả thật không dễ” ( trang 82).
Tôi có dịp đọc trích đoạn  ( trường ca Lò mổ VN chú) trên mạng. Thú thật là thấy nặng nề. Không chỉ trong thơ dài, cả trong thơ ngắn của Nguyễn Quang Thiều cũng ngày càng vơi đi chất lãng mạn, hoang dại”. ( trang 132).
Hai lí do làm  thơ  Nguyễn Quang Thiều bị hiểu như “thơ dịch”, bị đọc là “đơn điệu”. Một, thơ này gần như mất nhịp thở của thơ Việt : nhịp thơ lục bát; hai, tận dụng việc văn xuôi hóa khi tạo ra một thể thơ  tự do khác và lạ” ( trang 150).
Các biến đổi tốt đẹp của giọng điệu thì chìm ẩn; những cái dở hoặc chưa đạt lại nổi lên. Một số độc giả đã ngưng đọc thơ Nguyễn Quang Thiều ngay khi gặp vài bài, thậm chí vài câu,  đoạn vô tình lọt mắt. Tiếc! “ ( trang 153)
Chưa kể, thơ Nguyễn Quang Thiều hầu hết là một giọng, lại kéo dài lê thê. Bởi vậy, đọc Nguyễn Quang Thiều, trừ những bài đặc sắc về ý tưởng, còn thì đa phần là rất mệt” ( trang 173).
Vì vậy, nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều ảnh hưởng thơ Tây và khó hiểu. Tất cả lại được anh viết bằng lối dồn dập hình ảnh, ngôn ngữ, bằng liên hoàn các đoản khúc, nhưng bài thơ dài nên người đọc có mệt trí và khó bắt kịp cấu trúc chỉnh thể văn bản” ( trang 224).
Lại không ít người cho rằng thơ ông là “tây dịch”, là mịt mù, hũ nút, là làm hỏng thơ ta” ( trang 236).
Những câu thơ ( của Nguyễn Quang Thiều- VN chú) còn dư thừa, chen chúc hình ảnh, chưa hiển lộ được cảm xúc và ý tưởng một cách nhuần nhị” ( trang 256).
Chất liệu mang tính cá nhân này khiến cho thơ Nguyễn Quang Thiều trở nên khó hiểu, khó cảm hơn; lại cũng là một cơ hội đẩy thơ Nguyễn Quang Thiều về phía tượng trưng, siêu thực” ( trang 301).
Tôi chỉ nêu ra những dẫn chứng có tính chất tiểu biểu, được viết bới những người có thiện cảm với Nguyễn Quang Thiều, cổ xúy cho sự đổi mới của anh. Những người ấy còn nói vậy, hỏi làm sao bạn đọc không có nhiều  sự kiên trì, không có nhều sự cố gắng có thể đọc  và thích thơ Nguyễn Quang Thiều? Đành rằng, nhà thơ có thể không cần nhiều sự tán đồng của người đọc, có thể kén người đọc; tuy nhiên, ngay cả những người đọc “chuyên nghiệp” cũng còn phải thừa nhận như thế, vậy thì sự cách tân của Nguyễn Quang Thiều sao có thể gọi là thành công trọn vẹn? Bênh vực anh, có người đã kêu gọi: “ Ngày nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới” ( trang 308). Nhưng người đọc không thể cố gắng quá nhiều, bởi vì họ có quá nhiều thứ cần đọc, cần xem. Sự cố gắng của họ là có chừng mực. Khi sức hấp dẫn không đủ, họ bỏ sách xuống và sẽ không bao giờ trở lại.
          Dù sao, tôi vẫn nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều có thành công, nhưng sự thất bại cũng không ít. Mà nguyên nhân chính là anh đã quá đà, đã không tiết chế được mức độ làm mới và sai lầm khi  nóng vội định tước bỏ hoàn toàn những yếu tố truyền thống làm nên nền thơ dân tộc.


3.                 Thật khó khăn cho Nguyễn Quang Thiều
      Tiếp xúc với Nguyễn Quang Thiều trong đời rất ít, nhưng trong thơ, trong tản văn của anh thì sự tiếp xúc  có thể đủ để gây một ấn tượng mạnh: Nguyễn Quang Thiều là người có tài, thông minh. Anh đã thử nghiệm một cách đổi mới thơ gây nhiều tranh cãi trên văn đàn. Hẳn nhiên sau khi làm tuyển tập, sau khi lắng nghe những ý kiến nhiều chiều về thơ mình, nếu viết tiếp, chắc chắn Nguyễn Quang Thiều sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Tôi không nghĩ như có người đã khích lệ anh : “Nếu tiếp tục sáng tạo, thơ anh sẽ phải khó hiểu hơn nữa, dĩ nhiên không phải để đánh đố người đọc” ( trang 307). Tôi nghĩ rằng nếu muốn thành công, Nguyễn Quang Thiều cần phải tỉnh táo hơn nữa, tiết chế hơn nữa, đồng thời quay trở lại với những yếu tố cơ bản ăn sâu trong tiềm thức của người Việt khi tiếp nhận thơ ca.
          Những điều này chắc là không cần thiết với một người thông minh, sắc sảo như Nguyễn Quang Thiều. Tôi vẫn nhớ câu chuyện đùa đùa khi Nguyễn Quang Thiều với tư cách Phó Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam tiếp đoàn nhà thơ Mĩ đến từ Đại học bang IOWA. Đại khái anh kể khi chưa làm thơ đổi mới, anh đi gội đầu,  nhân viên nhà hàng nhận ra anh là Nguyễn Quang Thiều, dù anh không xưng tên. Còn khi anh làm thơ cách tân, cũng đi gội đầu, anh xưng Nguyễn Quang Thiều nhưng cô tiếp viên không biết ông Thiều ấy là ai, làm gì.
          Dù nói thế nào, một nhà thơ thành công là nhà thơ phải có công chúng. Câu chuyện đùa ấy cho thấy Nguyễn Quang Thiều không phải là không biết cái giá “ đổi mới” mà anh phải trả và tiếp theo anh cần phải làm gì.
                                     

                             Bangkok 21/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét