Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

THÔI MIÊN với lời bình của Vũ Nho

                                                                        Vũ Nho chủ trang
THÔI MIÊN
    Tâm Dung

Xin đừng nhìn em như thế
Kẻo mình đắm vào mắt nhau
Để rồi chảy tan thành nước
Sông ơi! Sông trôi về đâu?

Xin đừng thì thầm như thế
Mỗi lời là một mũi tên
Thành quách lâu đài nghiêng ngả
Nói chi đến trái tim mềm

Xin đừng thôi miên như thế
Mộng vui thì cũng có mùa
Phiêu bồng bao nhiêu ...cũng tỉnh
Thế rồi một đời...ngẩn ngơ !

Xin đừng thôi miên như thế
Kiếp này và cả kiếp sau
Như là loài người muôn kiếp
Nhớ thương kiếp nào cũng đau !


Lời bình của Vũ Nho

Ai cũng biết sơ qua về thuật thôi miên. Tức là người thôi miên dùng ánh mắt, lời nói để làm cho đối tượng của mình bị mê mẩn, không còn tỉnh táo, không thể tự chủ và nhất nhất làm theo ý của người thôi miên dẫn dụ. Ở đây người con gái thấy ánh nhìn  say đắm, si mê của người con trai thì nghĩ ngay đến chuyện anh ấy đang thôi miên mình. Vấn đề là ở chỗ chính cô gái này cũng có cảm tình với anh ấy cho nên mới xưng mình. “ Kẻo mình đắm vào mắt nhau” nghĩa là cả hai cùng bị đắm đuối. Như vậy có một hiện tượng khác thường ở chuyện “thôi miên” này là cả người thôi miênngười bị thôi miên đều BỊ mê mẩn, đắm đuối. Và không chỉ thế. Còn vượt quá giới hạn của thôi miên là năng lượng si mê ấy, đủ làm cả hai đối tượng cô gái và chàng trai tan  biến thành nước, lẫn vào sông và không biết trôi đến bến bờ nào. Một nỗi sợ hãi mơ hồ   đang  ám ảnh cô gái.
          Người thôi miên, chàng trai ấy dùng ánh mắt si mê làm mê mẩn đối tượng. Chúng ta đã  từng biết đến câu ca dao Con mắt em lúng liếng dạ anh say lừ đừ.  Nghĩa là cô gái thôi miên chàng trai. Ở đây, ngược lại, chàng trai dùng ánh mắt để thôi miên để làm say cô gái. Nhưng thuật thôi miên không chỉ dùng mắt, mà còn dùng lời. Chẳng những nhìn, mà anh ta còn thì thầm những lời có cánh. Cô gái lại thấy một mối nguy hiểm về sức mạnh những lời thì thầm ngọt ngào của chàng trai. Mỗi lời là một mũi tên. Biết bao tên bắn đã làm thành quách lâu đài dù phòng thủ kiên cố cũng phải nghiêng ngả, huống chi những mũi tên đó lại nhằm vào trái tim mềm, trái tim chỉ biết yêu thương. Bạn đọc có thể  sẽ nghĩ đến những mũi tên của thần tình yêu Eros trong thần thoại Hi lạp. Ai dính tên đó chỉ có yêu mê đắm.
          Biết chàng trai tỏ tình bằng cách  như là thôi miên mình. Biết mình không thể cưỡng lại được tiếng gọi của con tim, cô gái đưa ra lời đề nghị. Lần nào cũng thiết tha:
-         Xin đừng nhìn em
-         Xin đừng thì thầm
-         Xin đừng thôi miên
-         Xin đừng thôi miên
Vì sao lại đề nghị tha thiết thế? Nếu là bình thường thì sao lại phải sợ hãi tình yêu? Có lẽ có một điều gì đó bí ẩn ở người con gái này. Đọc tiếp khổ ba và khổ bốn, người đọc chợt hiểu ra.
          Phiêu bồng bao nhiêu cũng tỉnh
          Thế rồi một đời… ngẩn ngơ
Cô gái sợ rằng đây chỉ là sự phiêu bồng, sự say đắm nhất thời. Rồi sau đó là ngẩn ngơ là tiếc nuối.
Và đây nữa :
          Kiếp này và cả kiếp sau
Như là loài người muôn kiếp
          Nhớ thương kiếp nào cũng đau !
Cũng vẫn nỗi lo lắng như thế. đây có  thể là trạng thái như thi sĩ Xuân Diệu viết « Em là yêu mến của ta/Mến yêu vô hạn em là nỗi đau ». Yêu nhau quá thành ra ...vết thương, thành ra nỗi đau. Nhưng  thông thường, thì yêu mà không đến bến bờ hôn nhân, hạnh phúc sẽ thành nỗi đau.Yêu nhau, say đắm nhau nhưng liệu có thành đôi, thành lứa hay  sau những phiêu bồng, say đắm nhất thời, lại mỗi kẻ mỗi nơi, mỗi kẻ mỗi phương trời xa xôi ? Để rồi đau trong thương nhớ. Hoặc giả nếu có gần gũi đễn nỗi « cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn » như trong thơ Nguyễn Bính nhưng vẫn không thể qua vì cái ngăn cách mỏng manh ấy nhưng lại là vạn lí trường thành không vượt nổi   bởi quan niệm đạo đức và dư luận xã hội.
          Bài thơ kết bỏ lửng. Chẳng hiểu là chàng trai, sau những lời cầu xin tha thiết, dịu dàng của cô gái, có ngừng thôi miên bạn tình hay không. Chẳng rõ cô gái với sự tỉnh táo và lo lắng  xa xôi có thoát ra ngoài trạng thái thôi miên đó hay không ? Nhưng có một điều chắc chắn là họ đang yêu nhau, đang say đắm nhau. Và khi say đắm như thế, vẫn có thoáng băn khoăn  lo lắng mơ hồ là điều bình thường. Tôi tin là lí trí của con tim sẽ mách bảo cả hai thế nào cho phải. Bởi vì tình yêu bao giờ cũng có những lí lẽ riêng, những con đường riêng bất ngờ mà hợp lí.
                                 
                                                   Hà Nội, mùa xuân 2015
Bài in trên  báo QĐND cuối tuần số 1010  ngày 10/5 năm 2015


7 nhận xét:

  1. Trải nghiệm trong tình yêu với nỗi đau cũ chưa nguôi,đặt cô gái vào thế giằng co.Bài thơ đã hay thêm lời bình chắp cánh.Thật tuyệt!Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Lý Đức Quỳnh ghé trang và để lại cảm nhận! Chúc bạn vui khi ghé trang của tôi giao lưu với mọi người!

      Xóa
  2. Bài thơ hay, bác bình quá hay, không biết có ai bình hay hơn được nữa. Tình yêu nơi người phụ nữ lạ lắm bác ạ. Mới đây bu tui đọc quyển sách CHUYỆN CHƯA KỂ HẾT của cô giáo Dư Khánh (con gái thượng thư Nguyễn Khắc Niêm, em bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê…) Sách cô không xuất bản chỉ để tặng bạn bè với người thân. Có chàng trai yêu cô, tài năng, đẹp trai, anh bất chấp gia đình cô là địa chủ quan lại, anh bị thôi miên mặc dù cô Khánh không định thôi miên. Nhưng cô ta sợ hãi từ chối với lý do: Mối tình của Thái cao như núi, rộng như biển, cánh tay mềm yếu của Dư Khánh không tài nào ôm xuể. Sau đó cô nhận lời lấy một ông giáo luôn luôn đặt đấu tranh giai cấp lên hàng đầu. Vợ chồng có hai con thì chia tay nhau. Cố gái trong bài thơ này cũng tâm trạng ấy sao??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất kính trọng và cảm phục chị Diên Khánh về sự hi sinh cho người yêu mình. Tôi có làm việc và quen biết GS Khắc Phi, có lần uống rượu với nhà văn Khắc Phê khi ông dự trại tiểu thuyết ở Quảng Bá. Bài thơ Thôi miên, tôi gặp tại quán thơ Tháp Bút nhân ngày thơ VN năm nay. Tôi không biết nhiều về tác giả, chỉ nghe nói bà có 4 người con và là một doanh nhân thành đạt. Bà sinh năm 1950. Có thể đây là những kỉ niệm thời trẻ của người viết...Giới phụ nữ luôn là bí ẩn đổi với giới mày râu. Tôi chỉ cảm mà bình thế, chẳng biết có đúng với tâm trạng của người viết...Dù sao, đấy cũng là một cách cảm và hiểu bài thơ. Cám ơn những lời khen hào phóng của bác Bu!

      Xóa
    2. Rất xin lỗi do nhầm lẫn. Xin sửa Diên Khánh thành DƯ KHÁNH như trong bình luận của bác Bu!

      Xóa
  3. Em cũng xin góp vài lời nhá. Bài thơ rất hay, lời bình của bác Vũ Nho rất hay. Nếu bác VN không chia sẻ thì em cũng không biết bài này. Tác giả không chọn thể loại khác mà chọn 4 khổ, 6 chữ, kết câu đầu đều vần trắc, niêm luật nghiêm ngắn, giọng thơ nhẹ nhàng mà da diết. Tuy nhiên em cứ tự thẩm lẩm một mình: Thơ viết già dặn lắm, từng trải lắm, giá như hơi con gái chút xíu...Hì hì, thôi, em góp vài lời lung tung vậy, các bác đừng cười nhá.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Nguyễn Xuân Lai! Thật tình chúng ta không biết tác giả làm bài thơ này khi nào. Lúc 18, đôi mươi hay khi cao tuổi nhớ lại. Không rõ ràng như trong bài Viên xá lị của NXL!

    Trả lờiXóa