VẺ ĐẸP CỦA SỰ… THẤT TÌNH!
(Bình bài thơ Lời thề lá sen của Nguyễn Đăng Luận)
HOÀNG DÂN
Có
không ít kẻ thường thích phát ngôn chẳng giống ai, tỉ như bảo: “Ba mươi chưa
phải là Tết”! Thì vưỡn! Nhưng khi bảo: “Hết chiều ba mươi là hết Tết” thì sinh chuyện… cãi nhau!
Đúng – sai thế nào, liệu giải quyết được gì? Thôi, ma-kê-nô! Nương theo cái “ma-kê-nô” ấy, chợt nhớ câu thơ: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!” (Xuân Diệu) và reo lên khoái chí: “Ừ, cái
dang dở trong tình yêu luôn có vẻ đẹp rạo rực, thổn thức của cái không khí
chiều ba mươi Tết!” Sáng mồng một Tết thì nhạt phèo! Nhạt bởi cái hằng mong đợi
đã đến, chẳng có gì mới mẻ thì chớ, lại rặt những lời chúc tụng cũ mèm, giả dối,
trơ trẽn. Tình yêu cũng vậy, cứ khao khát, hồi hộp, âu lo… thì hấp dẫn mê man,
mụ mị; nhưng khi được kết thúc bằng hôn nhân thì nó sẽ là… sáng mồng một Tết!
Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân
Từ cái lí “nhạt như sáng mồng một
Tết”, tôi cho rằng vẻ đẹp điển hình của bài thơ “Lời thề lá sen”nằm ở cặp lục bát cuối cùng. Đó là vẻ
đẹp của sự… thất tình! Trong
thơ đông tây - kim cổ, thất
tình luôn
là một vẻ đẹp, bởi chính nó khiến cho tình yêu trở nên lung linh, bất tử: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” (Thế Lữ). Mặc dù thất tình thì vô cùng đau khổ: “Hôm qua có kẻ thất tình/Dựa
quán quán đổ, dựa đình đình xiêu”! (Ca
dao). Nhưng đó là sự đau khổ cao thượng, bởi khi đó trong kí ức của ta, người tình mãi mãi là một báu vật; còn ta thành khẩn
tự thú rằng mình còn kém cỏi lắm, chưa xứng đáng với tình yêu!
“Lời thề
lá sen” có 4 cặp lục bát, nhưng 3 cặp đầu chỉ có sứ mệnh làm cái “giá đỡ”
nghệ thuật cho cặp cuối cùng. Bởi thế, đọc lên nghe rất trơn tru và nếu bai thơ
kết thúc ở cặp lục bát thứ ba:
Lời thề hôm ấy của em:/Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.
coi như… hết
phim! Thậm chí còn thua xa ca dao: Cây chi thơm lạ thơm lùng, /Thơm gốc thơm rễ, người
trồng cũng thơm!
Thế nhưng, đến cặp lục bát cuối
thì có đột biến cả về âm điệu lẫn tiết tấu. Có sự thay đổi này trước hết là do
cách ngắt nhịp hai dòng thơ. Thông
thường, thơ lục bát ngắt dòng 6 là: 2/2/2, dòng 8 là: 4/4; nhưng ở cặp lục bát
cuối của bài thơ này cách ngắt nhịp là: 2/2/2 và 3/5. Tất nhiên, sự thay đổi về
hình thức là nhằm biểu hiện một nội dung cũng mang tính đột biến. Nếu 3 cặp lục
bát trên gần như kể lại diễn biến của
mối tình đẹp như mơ thì cặp lục bát cuối lại khắc họa tâm trạng thất tình hụt hẫng, đau đớn:
Không ngờ! Anh thật không ngờ!/ Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?!
Tác giả không cần lí giải vì sao thất
tình và thực ra người đọc đâu có cần sự lí giải ấy?! Bằng sự trải nghiệm của
mỗi người, có thể liệt kê vô số lí do thất tình. Chẳng hạn: tình yêu đơn
phương, bị phản bội (đứng núi này trông núi nọ hoặc tham vàng phụ ngãi…), một
người chán người còn lại (vì phát hiện ra sự tầm thường không thể tha thứ…!),
cả hai cùng chán nhau (vì càng gặp nhau càng cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị!), vì
cách sông trở núi, vì cha mẹ ngăn cấm, vì không môn đăng hộ đối (về địa vị xã
hội hoặc kinh tế…), vì chiến tranh li tán…
Tóm lại, thất tình là cái
cớ để tác giả có thể gửi gắm những thông điệp tư tưởng thường là cao hơn
những niềm vui nhất thời, khi con người được thỏa mãn trong tình yêu. Thông
điệp ở bài thơ này là gì? Theo tôi, thông điệp nằm ở cụm từ “Lá sen rách”. Các câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách./Lá
rách ít đùm lá rách nhiều. Lá
sen cũng
là lá. Vậy lá sen rách là một cá nhân hoặc một hoàn cảnh bất hạnh. Mà bất hạnh thì
đáng thương, cần được che chở, giúp đỡ… Thế thôi!
Tình yêu đòi hỏi sự bình đẳng tối thiểu về kinh tế, chính trị, học vấn… Chỉ cần một bất bình đẳng thì tình yêu đã
mong manh rồi, đừng nói hai hoặc ba…! Tình yêu là một hành trình khám phá tâm hồn của nhau và của chính mình, mà khám phá tất phải có chọn lọc và đào thải. Vậy, lá sen
rách là sự bất bình đẳng hay là một “lỗ thủng” trong tâm hồn?... Là gì thì tình yêu cũng… chết!
Đến đây, tôi sinh nghi cái “lời thề” của nhân vật trữ tình “em”.
Lại càng nghi hơn cái “thơm như cốm ướp
hương sen giữa mùa”! Đó là lời thề
giả dối được che đậy dưới cái vỏ ngôn
từ du dương, mà nhân vật trữ tình “anh” đã nhất thời ngây thơ không nhận ra?
Hay trước khi “bỏ của chạy lấy người”,
nhân vật “em” đã dùng những lời lẽ ngọt ngào để an ủi nhân vật “anh”, mà nhân
vật “anh” lại cứ ngộ nhận đó là những
lời lẽ yêu đương gan ruột?!...
Dù lí do nào thì “anh” cũng chỉ là “một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ” (Phượng Hồng - Vũ Hoàng)! Và câu hỏi “Cốm bây giờ thơm
đâu?!” tự nó đã là câu trả lời rồi, thưa “những gã
khờ” khốn khổ!
Thạch Bàn, sáng 6.5.2015. HD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét