Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG “DÒNG SÔNG NĂM THÁNG”


CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG
“DÒNG SÔNG NĂM THÁNG” CỦA HÀ CỪ
(Đọc “Dòng sông năm tháng” thơ Hà Cừ -
NXB Hội Nhà văn Hà Nội 2005)

                                    Nguyễn Thị Lan

I. Thời gian trôi như gió thổi trên đầu
Đó là câu thơ trong bài “Điệp khúc thời gian” của Hà Cừ. Hình như thời gian luôn là nỗi ám ảnh của anh - con người dịu dàng, tinh tế, thích hướng nội.
Thời gian luôn đồng hành với con người nhưng phải đến khi sang cái dốc bên kia của cuộc đời bấy giờ con người mới hay nghĩ đến thời gian, mới thảng thốt giật mình trước bước đi vùn vụt của thời gian. “Dòng sông năm tháng” - tập thơ thứ tư của Hà Cừ mang đậm cảm thức thời gian ấy.
Ai đọc “Dòng sông năm tháng” cũng thấy đầy ắp cảm giác thời gian. Thời gian không chỉ xuất hiện trong các từ chỉ năm, tháng, mùa, sáng, chiều mà còn biểu hiện trong ánh trăng, bầu trời, trong dòng nước chảy, trong sắc cỏ mùa thu, trong chiếc lá vàng, trong sắc mây cuối trời; rồi trong những âm thanh của cuộc đời: một nhịp chày giã cốm, một tiếng chim gù…
Đọc kỹ các biểu tượng thời gian được sử dụng lặp đi, lặp lại trong tập thơ, chúng tôi thấy có hai phạm trù thời gian nổi bật trong “Dòng sông năm tháng” của Hà Cừ đó là thời gian sinh mệnh cá thể và thời gian vũ trụ - tự nhiên.
1. Thời gian sinh mệnh cá thể
Với mỗi một con người thời gian sinh mệnh cá thể thật quý báu bởi nó chỉ có một lần và không quay lại; so với vũ trụ nó là khoảnh khắc ngắn ngủi
1.1. Thời gian quá khứ, thời gian trải nghiệm
Trong các chiều của thời gian đời người, chiều thời gian quá khứ ngày càng đi về nhiều trong thơ Hà Cừ, con người đã bước sang bờ mùa thu của đời người, quá khứ ngày càng trở nên da diết, ám ảnh anh hơn.
Tập thơ có ba mươi sáu bài, mỗi bài là một nốt nhạc trầm xao xuyến tiếc nuối thời gian. Hình như ở giữa các dòng thơ ấy vang lên câu hỏi “cái ngày xưa đâu rồi?”

“Cái ngày xưa” ấy có thể bất chợt từ cõi nhớ trở về khi người thơ bỗng gặp một sợi khói mỏng manh:
Bất ngờ gặp sợi khói bay
Lòng ta lại nhớ những ngày xa xưa
“Cái ngày xưa” ấy có thể bất chợt hiện diện từ sự sống mơn mởn của hiện tại:
Đường lầy lội cỏ bờ xanh như khói
Xanh như thể nỗi niềm tiếc nuối
Những ngày xa vĩnh viễn chẳng quay về
Và khi “cái ngày xưa”ấy đã trở về thì lòng người tràn ngập buồn thương, luyến tiếc. Khi thì thương nhớ một quá vãng đến… “bạc tóc”:
Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ
Khi là một nỗi buồn trong trẻo với tuổi thơ đã qua:
Thời gian trôi chẳng thể nào níu giữ
Tuổi thơ mình tít tắp cuối trời xa
Khi thì ao ước:
Bây giờ
Tôi ước
Ngày xưa
Thời gian là cái hư không mà chất chồng ký ức: một kỷ niệm đẹp, một  năm tháng đẹp mà người thơ ao ước sống lại:
Xin được đổi một ngàn ngày để sống lại một ngày xưa
Hướng về quá khứ một đi không trở lại làm cho tập thơ mang một điệu buồn bâng khuâng, tinh nhẹ. Chỉ những người giàu tình cảm mới có điệu buồn đó.
1.2. Thời gian và cái hữu hạn của đời người
Khi càng trải nghiệm Hà Cừ càng giật mình về tốc độ của thời gian. Nếu thời gian vũ trụ là vô hồi, vô hạn, là vĩnh hằng thì với kiếp nhân sinh thời gian thật mỏng manh ngắn ngủi:
Đời người như lá bay
Về điểm này Hà Cừ có tiếng nói chung với các bậc tiền nhân khi họ thấy đời là bóng câu qua cửa sổ, đời như giấc mộng kê vàng
1.3. Thời gian tâm lý
Trong cuộc sống, thời gian thường được đo bằng đồng hồ, bằng lịch; theo đó những năm tháng lần lượt trôi qua theo một trình tự từ quá khứ sang hiện tại và thời gian đó không bao giờ quay trở lại, đó là thời gian vật lý. Nhưng mỗi cá nhân lại có thời gian tâm lý gắn liền với cách cư xử không như nhau với thời gian sống bằng nhau. Trong “Dòng sông năm tháng” cái thời gian tâm lý ấy là lúc “người đi” (“người” ở đây đâu cần là nam hay nữ, tình cảm này có thể mở rộng đến tri âm, tri kỷ) làm tâm hồn thi nhân “hóa đá”. Lúc đó, thời gian như ngừng trôi:
Bỗng dưng
Trống rỗng cõi lòng
Thời gian chết lặng
Gió đong về trời
Đi kèm với cảm giác thời gian ngưng đọng là ảo giác về không gian:
Mưa không mưa nữa
Mưa ơi
Nắng vàng nhạt thếch
Vụn rơi chân ngày
Cái cảm giác “nhìn gà hoá cuốc” ấy là sản phẩm của một tâm trạng bàng hoàng, thảng thốt, mất mát
1.4. “Màu” thời gian sinh mệnh cá thể
Là một nhà thơ - họa sĩ, Hà Cừ hay giãi bày lòng mình bằng màu sắc. Gam màu chủ đạo trong thơ anh dịu nhẹ, mơ hồ. Tôi gọi đó là “màu tâm hồn” của anh.
Với Hà Cừ, thời gian là cái vô hình, nó trôi qua “như gió thổi trên đầu” nhưng cũng có lúc nó hữu hình. Lúc đó thời gian có thể nhìn thấy, cảm thấy. Thời gian lưu dấu vết trên mái tóc của con người: trong chiều thời gian quá khứ là mái tóc xanh; ứng với chiều thời gian hiện tại là mái tóc bạc. Cảm nhận thời gian lưu dấu vết trên mái tóc bạc là cảm nhận thường thấy trong thơ Hà Cừ những năm tháng gần đây; nó như một mô tuýp ám ảnh thơ anh:
Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ
Mái đầu xanh ngả màu bao sợi bạc
Thời gian như đổ thác
Mái đầu dù ngả bạc
Anh giật mình mất thêm mùa hạ
Mái đầu thêm sợi trắng mùa đông
2. Thời gian vũ trụ - tự nhiên
2.1. Nghệ thuật là sự giải thoát, là khát vọng tự do. Hà Cừ không chỉ tìm lối thoát trong thời gian hướng nội, trong sự kéo dài thuần tuý của thời gian tâm lý, anh còn tìm lối thoát trong thời gian vũ trụ vĩnh hằng. Đó là thời gian vời vợi, vô kỳ, vô hạn, bất biến, khoả lấp mọi cá thể. Với Hà cừ trong cõi thời gian ấy chỉ có gió, mây trắng, nước chảy là vĩnh viễn. Ở đây có cái cảm giác rợn ngợp trước cái vô thuỷ, vô chung của vũ trụ khi anh thấy:
Thời gian như đổ thác
Thời gian đi như gió
…năm tháng tựa mây bay/ Trôi ào ạt…
Thời gian vũ trụ ở đây đã đuợc không gian hóa thành một cõi vô cùng. Hoà nhập vào cái cõi vô cùng của tự nhiên đó, con người đánh mất cảm giác thời gian.
2.2. Thời gian mùa thu và buổi chiều
Nếu như mùa xuân và buổi sớm gợi cái mới, cái sinh sôi, nảy nở đầy sức sống thì ngược lại mùa thu và buổi chiều lại gợi lên cảm giác u hoài trống vắng của lòng người, gợi cái cũ, cái tàn tạ, cái đã qua. Khi buồn con người thường hay nhớ đến người thân, bạn bè, nhớ tới quê hương, nơi đem lại cho mình niềm vui và sự ấm áp. Đây là lô gích của lòng người. Nó cũng là mô tuýp thường gặp trong thế giới thi ca.
Với Hà Cừ, hình như mùa thu là mùa anh yêu mến hơn cả. Phải chăng ngoài cái “logic của lòng người”, mùa thu thích hợp với bản tính dịu dàng, tinh tế và hay “nhớ” của anh?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét một cách xác đáng: “Hình như… không có mùa thu thì anh không thể làm thơ”. Những cảnh thu: trời xanh, mây trắng, lúa đồng chín vàng, hàng nhãn xanh, giọt nắng; những âm thanh của mùa thu: tiếng chim gù, tiếng gió thổi, tiếng là xào xạc… là những cảnh sắc, âm thanh ta thưòng gặp trong “Dòng sông năm tháng”. Hà Cừ là nhà thơ của mùa thu.
Ta cũng thường gặp rất nhiều câu thơ phảng phất nỗi buồn trong tập thơ mà những buổi “chiều nay” là tín hiệu gợi nhớ; dường như nó trở nên quen thuộc với thơ Hà Cừ. Trong thời điểm ấy anh luôn tìm về những gì mà mình gắn bó tha thiết. Có thể viện dẫn rất nhiều câu thơ của Hà Cừ bắt đầu từ tín hiệu gợi nhớ đó.
Về lại Kim Thi một chiều thu
Trời xanh, mây trắng, tiếng chim gù
Lời mẹ xưa chiều nay như tiếng vọng
Gọi ta về
Ngày ấy
Một chiều mưa…
Anh một mình về lại giữa chiều nay
Lại gặp nắng ngày xưa em có nhớ
Chiều thanh minh, chiều lãng đãng xa xăm
Chiều thương nhớ mênh mông nơi trần thế
…….
Hình như không có buổi chiều thì Hà Cừ không thể làm thơ!?
2.3. “Màu” thời gian vũ trụ - tự nhiên
Như trên ta đã thấy, thơ Hà Cừ có màu sắc đặc biệt đó là “màu thời gian”. Với anh, thời gian là vật chất, là vật thể của vũ trụ. Hà Cừ có thể thấy thời gian trong “lá ngả màu”, trong “mùi quả chín”, trong “nắng vàng xưa”, trong “hương cau rơi trắng hiên nhà”, trong một chiếc lá vàng:
Chiếc lá vàng rơi như tờ lịch của trời
Rơi lặng lẽ trên một mùa đông giá
3. Thời gian cũng là không gian
“Dòng sông năm tháng” cùng với cảm thức về thời gian là cảm thức về không gian của người làm thơ vì thời gian là chiều thứ tư của không gian. Đến Côn Sơn anh thấy:
…sừng sững niềm kinh hãi
Sáu trăm năm vệt máu vẫn loang dài
Tấn bi kịch lịch sử sáu trăm năm trước được hiển hiện trong cảm xúc xót xa, đau đớn của thi nhân.
Trong chiều thời gian quá khứ của “Dòng sông năm tháng” là những màu sắc, âm thanh chốn quê nhà: một ngọn lửa hồng, một vầng trăng xanh, một nhịp chày giã cốm:
Bếp nhà ngọn lửa hồng tươi
Mẹ ngồi rang cốm tháng mười cho con
Vầng trăng đầu tháng xanh trong
Nhịp chày giã cốm lượn vòng bờ tre
Cũng trong chiều thời gian quá khứ một không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính được tái hiện:
Tôi về Thiện Vịnh chiều nay
Đi tìm hoa cải gió bay về trời
Hỏi người hàng xóm đâu rồi
Thắt lưng hoa lý vắt ngoài dậu thưa
Hoa chanh, hoa bưởi trái mùa
Ba gian nhà vắng gió lùa thênh thênh
Trong không gian nghệ thuật đó có những “chất liệu” làm nên cái “quê mùa” của hồn thơ Nguyễn Bính.
Như vậy Hà Cừ “đi tìm thời gian đã mất” để làm sống dậy những không gian.
II. Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa
Suy cho cùng thì khắc khoải với thời gian, giật mình vì thời gian, tiếc nuối thời gian và  có chút ngậm ngùi thời gian ở Hà Cừ cái chính không phải vì thời gian. Nó là thể hiện, là biểu hiện của một nỗi niềm yêu người, yêu đời sâu thẳm.
Là một người nặng tình, nặng nghĩa Hà Cừ không quay lưng lại với quá khứ. Trong từng chiếc lá rơi lặng thầm của thời gian ta nghe rõ tiếng trái tim anh thổn thức với muôn đợt sóng yêu thương. Trong “Dòng sông năm tháng” niềm yêu đời, yêu con người tha thiết ấy đã được anh giãi bày nhẹ nhàng, chân thành, đằm thắm.
Đây là nỗi lòng của người con thương mẹ pha lẫn sự ân hận, xót xa:
Ước chi trở lại ngày nào
Cho con tạ lỗi
Lệ trào
Nhớ thương!
Bao năm rời quê hương ra đi sống chốn thị thành nhưng trong anh vẫn khắc khoải một tình yêu làng quê và con người quê. Không phải ngẫu nhiên mà những câu thơ hay nhất trong đời làm thơ của Hà Cừ lại là những câu thơ viết về “cố hương”:
Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua con cá dính đầy bùn tươi
Chợ quê - một đốm lửa thiêng
Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa
Tôi ngồi lòng nhớ tháng mười
Ngổn ngang thương phố, thương người nhà quê
Thuỷ chung trong tình cảm, người tình nhân trong anh vẫn hoài nhớ và luôn giữ “sắc vàng của hoa” trong ký ức:
Đã bao năm xa rồi
Thời gian như đổ thác
Mái đầu dù ngả bạc
Hoa cứ vàng trong tôi
Thời gian như thác đổ có thể tàn phá tất cả nhưng không thể làm bạc màu một kỷ niệm đẹp
Và vầng trăng - em vẫn đau đáu trong anh:
Em gửi lại vầng trăng thời con gái
Sáng trong tôi - thăm thẳm bên trời
Và ánh nắng, gió thổi, hoa cau rơi trắng… gợi nhớ trong anh “những ngày xa”
Anh một mình về lại giữa chiều nay
Lại gặp nắng ngày xưa em có nhớ
Lại gặp gió thì thào như hơi thở
Trong hương cau rơi trắng hiên nhà
Anh một mình sống lại những ngày xa
Còn đây là tấm lòng của thi nhân với thi nhân:
Nén nhang tôi thắp lòng thành
Ấp iu sợi khói dáng hình thi nhân
Nghe như nhè nhẹ bước chân
Nhìn ra chỉ thấy trắng ngần mưa bay
Người ta không thể cảm thụ bất cứ cái gì ngoài thời gian và không gian. Tìm hiểu cảm thức thời gian trong thơ Hà Cừ ta tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và thẩm mỹ ở trong đó.
Toàn bộ tập thơ “Dòng sông năm tháng” thể hiện ý thức mãnh liệt về thời gian của người làm thơ. Cảm thức thời gian của Hà Cừ thật đa chiều, đa dạng. Đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong thi pháp của thi sĩ.
Mùa hoa phượng đỏ 2006







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét