LỜI
THỀ…, SAU 38 MÙA SEN…
Bình: LỜI THỀ LÁ SEN của NGUYỄN ĐĂNG LUẬN
ĐƯỜNG VĂN
Lá sen chưa kịp
đi tu,
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng.
Yêu em, mua cốm làng Vòng,
Nâng niu, anh gói trong lòng lá sen.
Lời thề hôm ấy của em:
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.
Không ngờ! Anh thật không ngờ!
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?!
(1987); báo VN, 1989. NĐL
Đường Văn
1.
Theo lời bình Ngô Quân Miện, và các chủ trang
blog Trần Nhương, Vũ Nho, Nguyễn Nguyên
Bảy: bài thơ được viết năm 1987, sau chuyến Nguyễn Đăng Luận về thăm quê
Sơn Tây (xứ Đoài mây trắng). 2 năm sau (1989), mới đăng trên báo Văn Nghệ. Lời thề lá sen được đông đảo bạn đọc mến mộ, có mặt trên nhiều tuyển
tập thơ và thơ tình Việt Nam .
Đã có vài ba lời bình tâm đắc, tán dương khá sâu sắc, tinh tế và có tới 64 bài thơ họa của các bạn thơ, người yêu thơ nhiều nơi trong nước hưởng
ứng… mà hầu hết là đồng thanh tương khí, đồng ý tương cầu, bình tán, mở rộng,
phụ họa, nối điêu, làm rõ…
Kể cũng đáng xem là 1 hiện tượng thơ
Việt hiếm hoi trong thời buổi nhà nhà làm
thơ, người người chơi thơ này!*
Bởi vậy, chiều nay, trôi theo chu
trình thời gian, lại bắt đầu mùa sen nở năm Ất Mùi, nhân nghe câu hỏi hơi bị tò
mò của anh bạn thân về 1 cụm từ trong câu
thơ đầu tiên, tôi ngẫu cảm viết đôi lời tạm gọi là phác thảo bình muộn, (sau những 38 mùa hè, mùa thu kể từ năm bài
thơ ra đời) góp vào số lời bình bằng thơ (đã quá nhiều), nhưng bằng văn xuôi
thì hãy còn thưa thoáng, ngõ hầu sẻ chia cùng bạn đọc và tác giả Lời thề lá sen năm nào.
2.
Không dám
đoan chắc, nhưng tôi cứ ngờ ngợ mà đoán phỏng rằng có lẽ khơi nguồn cảm hứng của Lời thề lá sen là tổng hợp từ hình ảnh ấn tượng về những đầm sen bát ngát chạy dọc
hai bên đường quốc lộ 11A từ Hà Nội lên Sơn Tây mà tác giả gặp lại trong chuyến
về quê cùng kỷ niệm những mối tình
xa, tình xưa, những mối tình lá sen tơ
thuở học trò trường làng, trường huyện, trường tỉnh… bảng lảng trở về như trong
ký ức thơ Nguyễn Bính:
Học trò
trường huyện ngày năm ấy,
Anh tuổi bằng
em, lớp tuổi thơ.
Những buổi
học về, không có nón,
Đội đầu,
chung một lá sen tơ.
Lá sen vương vấn, hương
sen ngát,
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ.
Lũ bướm tưởng
hoa cài mái tóc,
Theo về tận
ngõ mới tan mơ…
Em đi, phố
huyện tiêu điều lắm,
Trường huyện
giờ xây kiểu khác rồi!
Mà đến hôm
nay, anh mới biết:
Tình ta như
chuyện bướm xưa thôi!*
Biết đâu, Nguyễn Đăng Luận cũng từng có
1 mối tình lá sen, lời thề lá sen của mình. Mối tình thơ ấy
phát triển theo hướng tuy không thành, nhưng vẫn thoảng hương và rớm máu trong
tâm khảm, mỗi khi khơi lại quá khứ đã xa mờ…?! Tưởng bây giờ là bao giờ?!/
Sen hồng thơm đó, cốm ngờ thu đâu?! (Tập Kiều; ĐV).
Lần lần theo từng câu, từng hình ảnh,
4 cặp lục bát mượt mà, duyên dáng, man mác buồn hiện ra trong cái đầu lãng mạn
của thi sỹ họ Nguyễn Đăng, trong tưởng tượng nghèo nàn của tôi, bài thơ hoài tình
Lời thề lá sen, phải chăng được hoài
thai và ra đời như vậy đó?!
3.
Cụm từ mà anh bạn yêu thơ bên bờ sông Nhuệ lấy làm khó hiểu duy nhất trong bài
là: chưa kịp đi tu (?!): Lá sen chưa kịp đi
tu.
Tại sao lá sen lại đi tu? Tại sao
lại chưa kịp? Kịp hay chưa kịp là so
với ai? với cái gì?...
Tôi nhẹ nhàng nhắc bạn nên đọc kỹ lại lời bình
của nhà thơ Ngô Quân Miện gần 30 năm trước. Theo tôi, có lẽ đó là câu trả lời
khá thỏa đáng, hợp lý, giải thích lý do sự có mặt của cụm từ này. Ở đây, tôi
chỉ muốn nói rõ thêm đôi điều vân vi nho nhỏ về tâm lý của các cô gái mới chớm dậy thì, đang tuổi chanh cốm. Ấy là
cái tâm lý cảm mến, yêu đương người bạn trai: vừa thích vừa sợ, vừa mơ hồ, khao
khát vừa ngại ngùng nuốn tránh né, thậm chí muốn chống lại chính bản thân mình
vì tình cảm mới lạ, lớn lao này sao quá lạ lùng, không biết rồi sẽ ra sao?!...
Tâm lý ấy biểu hiện bằng những lời nói, hành vi rất khác nhau, có khi rụt rè, e
lệ, xấu hổ: Hình như họ biết chúng mình
với nhau!...(Nguyễn Bính). Có khi ngoài miệng nói ghê nói gớm. Những là: ghét
lắm, chẳng bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo
đẻ dưới nước…! Nhưng trong bụng thì đã nặng tình trúc mai đắm đuối, say mê,
đã muốn trao gửi cả trái tim vàng! Trong trường hợp cụ thể này, là lời nói ngoa, mạnh miệng như lời thề quả quyết, (thề cá trê chui ống!), thực
ra càng minh chứng cho tình yêu đang cháy lửa trong lòng:
- Không lấy được mình, ta sẽ nhất định
đội gạo lên chuà, xuống tóc, đi tu, chứ quyết không chịu ôm cầm thuyền ai!
Căn nguyên của cụm từ đi tu là thế.
Nhưng tại sao lại chưa kịp?
Cần đặt nó trong mối quan hệ ngữ pháp - ngữ nghĩa với câu
tiếp:
Mà
hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng,
với
kết cấu cú pháp:
E chưa
kịp A mà X đã B
thể hiện mối quan hệ hành động (A và B) trong cùng 1 thời gian của 2 chủ thể (E và X).
Nếu xét về nghĩa đen, có thể thấy, ở đây vừa chỉ quan hệ thời gian, thời gian
tự nhiên (từ mùa hè sang mùa thu,
tuần tự vẫn như thế) vừa ngầm chỉ thời
gian tâm lý (hình ảnh nhân hóa - tượng
trưng: mùa thu đến quá nhanh, quá bất ngờ, sen chưa kịp tàn, cúc đã nhuộm
vàng). Thêm nữa: Cây sen thường được trồng, thả ở ao chùa, đình, đền (Lên chùa bẻ một cành sen; Hôm qua tát nước
bên đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa
sen (Ca dao). Hoa sen thường được dùng làm hoa lễ cúng Phật, dâng Thánh, Thần. Các vị Phật, Bồ tát đều ngự hoặc thiền tọa tên tòa sen, đài sen (liên
đài)…
Nghĩa
bóng: hoa sen, lá sen được sử
dụng như 1 hình ảnh nhân hóa, biểu tượng
cho người thiếu nữ thanh tân, cho lời thề
tình yêu ban đầu mới hé là rất phù hợp với những phẩm chất cao quý, tốt đẹp:
trong trắng, tinh khôi, man mác, ngọt ngào… Nhưng lời thề lá sen non tơ, thánh thiện ấy vừa mới, thậm chí chưa kịp nói nên lời thì đã tắt nghẹn
nửa chừng, bởi sắc óng vàng của muà thu
đã nhanh chân tới thay thế; hay là hình ảnh một chàng trai khác đã nhanh tay, nhanh mắt chen ngang, giành trọn trái
tim ai?!
Ngay từ cặp lục bát đầu tiên, tuy rất nhẹ nhàng, nhưng cũng đã rất
rõ ràng màu sắc bi kịch về sự đổi
thay, tan vỡ hiện diện trong sự tiếc nuối khôn nguôi của 1 tình yêu đầu mới
khởi hành đã không có đích, của 1 lời thề
hoa chưa ráo chén vàng mà sao đã
vội vàng, đắng đót, phôi pha?!
Cách thể hiện tâm lý, tâm trạng, tình
cảm của 1 người đang yêu (chàng trai) ở đây không có gì lạ. Kể cả trước sự bất
ngờ thay đổi của đối tác (cô gái)! Hình ảnh ngữ ngôn, ngữ pháp cũng không có gì
mới mẻ, tân kỳ, thậm chí còn rất cổ điển, truyền thống, như thấp thoáng dáng Truyện Kiều, hình bóng ca dao xưa… Nhưng
đọc lên vẫn ám ảnh, day dứt lạ! Phải chăng vì đó là 1 cảm xúc, tâm trạng, hoàn cảnh
hiện thực – tâm lý rất thật, rất đời, khá tiêu biểu, điển hình gặp được
những hình ảnh lá hoa thiên nhiên quen thuộc mà tương hợp, tương tác
lạ lùng?! để biểu hiện tinh vi, cụ thể một trạng huống tự tình của nhân vật trữ
tình khi gặp cảnh đồng tâm, đồng điệu?!
4.
Cặp lục bát thứ hai êm ái,
mượt mà, thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình anh: thảng thốt, ngạc nhiên chợt nhớ về những kỷ niệm yêu đương,
với biết bao tình nâng niu, đằm thắm:
Yêu em, mua cốm làng Vòng,
Nâng niu, anh gói trong lòng lá sen.
Không
chỉ giúp người đọc thêm quý yêu một trong những phong tục tập quán ẩm thực
thanh lịch của người Tràng An – Thăng Long – Hà Nội tự bao đời (cốm lúa non làng Vòng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thơm, dẻo, gói trong lá sen già ủ hương thoảng thơm ngan
ngát, giữ mùi bền, dậy mùi lâu) mà còn bộc lộ tình yêu thương, trân trọng, chi
chút, toàn ý, toàn tâm của chàng trai dành cho cô gái…
Có thể, trong 1 lần cầm tay nhau đi dạo trên con đường Láng thơm bạc hà, kinh giới,/ Trăng
xanh trên tán lá xà cừ (Xuân Diệu)
hay đường Thanh niên, Hồ Tây thì thầm sóng vỗ… đôi tình nhân đã vừa nhấm nhót
từng dúm cốm xanh ngát, dẻo bùi, vừa thề
nguyền, tình tự cùng nhau. Lần ấy, em đã thề với anh - lời thề lá sen thơm mùi sen, mùi hương lúa chưa kịp ngậm đòng:
Lời thề hôm ấy của em,
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.
Cái mới lạ và thú vị của phép tu từ so sánh này là ở chỗ nó cụ thể hóa một lời thề, một câu nói thì thầm, rất đỗi
trang nghiêm với mùi thơm dịu ngọt, thanh tao của cốm ướp hương sen giữa mùa hè
– mùa yêu đương nồng nhiệt.
Nếu cặp lục bát thứ hai chủ yếu là văn
kể nhịp nhàng, chậm rãi, tuần tự, có phần trạng trọng, và hoàn toàn tin
tưởng, với các động thái, động tác tỏ tình của chằng trai: Yêu à muaà nâng niu à gói – (tặng
em) thì cặp lục bát thứ ba là văn
luận - tả sự tiếp nối và hô ứng của
cô gái (biểu hiện qua lời thề),
trong cảm nhận của chàng trai lâng lâng hạnh phúc viên mãn. Chính cái lõi cảm xúc và tâm lý trữ tình – tự sự chân thật ấy đã khiến người đọc đồng
cảm, sẻ chia sâu sắc mà không để ý tới cách diễn đạt ngôn từ trôi chảy, hồn
nhiên, hợp cảnh, hợp tình.
Ở đây, người đọc dường như quên đi câu thơ, quên đi hình ảnh, tu từ, vần điệu mộc mạc
hay réo rắt; chỉ còn thấy dâng dâng ấm dịu, thắm thiết tình người (Tố Hữu).
5. Không ngờ! Anh thật không ngờ!
Lá sen rách, cốm bây giờ thơm đâu?!
Cặp
lục bát thứ tư – cuối cùng
quả đã gây bất ngờ, sửng sốt nơi người đọc, từ bản chất đến hiện tượng, từ nội
dung đến hình thức. Câu lục là một
lời than, không! Một tiếng kêu thảng thốt, ngỡ ngàng như sét đánh ngang tai, không thể nào tin được dù đó là sự thật! đã hiển nhiên bày ra trước mắt,
trớ trêu và tàn nhẫn. Ngôn từ lặp lại hai tiếng không ngờ như không thể đơn giản hơn. Mà tự đáy lòng, nỗi đau đớn,
nghẹn uất, trách cứ ai kia cồn lên từng đợt như sóng bể Đông mùa gió nồm.
Lời
thề lá sen đang giữa mùa tươi tốt
mà thoắt cái, bỗng lá sen rách (không
rõ vì sao?!) chỉ biết thực sự là đã rách.
Lá bọc rách, tất nhiên những hạt cốm
nhỏ bé, mỏng mảnh sẽ rơi vãi tứ tung, (vẫn chưa cần để ý)! Cái quan trọng hơn
là mùi thơm hương cốm ủ lá sen sẽ không còn chỗ, không còn không gian để tồn
tại nữa. Hương sẽ bay, sẽ biến mất trong nuối tiếc vô vọng. Lời thề ngỡ vẹn
tròn, sắt đá tri tri, thoắt cái biến thành ảo vọng, vô nghĩa. Dẫu có muốn đi tu ngay cũng không thể kịp!
Người bạn đọc nhân ái - tri âm đừng nên
hoài công tìm hiểu xem vì những lý do gì mà nên cơ sự ấy? Tác giả không muốn
nói ra, không cần thiết bộc bạch với người đọc, chỉ thu vào 1 mình mình chịu, 1
mình cay đắng thấm sâu trong tâm khảm mà mắt, môi, mũi, lưỡi dường như vẫn chưa
tan hết hương vị ngọt ngào của cốm ướp hương sen, bọc trong lá sen xanh giữa mùa…, vẫn còn đây trong rách tướp,
ngổn ngang…! Xác thì còn mà hồn đã bay đâu xa lắm! Môtip nghệ thuật dân gian –
cổ điển: cảnh đó, người đâu? được
phát triển thành: xác đó (cốm – lá sen
rách), hồn đâu? (hương sen, hương cốm
quyện hòa) khiến trái tim yêu của chàng trai quê nhân hậu, trung thực run
rẩy, rạn vỡ:
Trái tim
nghiêng như thần tượng lở dần…
Ta cầm lấy
trái tim mình và bóp chặt,
Tiếng yêu
thầm, rên rỉ dưới bàn tay!
(Chế Lan Viên)
Lời bài thơ đã khép lại bằng 1 từ để hỏi – nói trống (đâu) vang vào mông lung không một tiếng vọng lại, mang chở nỗi u
hoài đau đáu khôn nguôi của một lời thề
lá sen tưởng sắt son bền chặt, mà hỡi ôi! không biết đã bị ai đó xé rách tự
bao giờ!?
6.
Khảo sát về kỹ thuật, thủ thuật ngôn từ,
hình tượng, cấu trúc nghệ thuật bài lục bát 8 câu này, thấy thật chẳng có
gì mới lạ, cầu kỳ, dụng công; ý nổi, tình chìm cũng dễ dàng nắm bắt, gợi khơi.
Vậy thì nguyên nhân nào đã khiến nó được đông đảo bạn đọc đồng cảm, sẻ chia dài
lâu đến thế?
Tôi cho rằng bởi nó nói lên được một
cách thành thực và mộc mạc theo kiểu ca
dao trữ tình giao duyên một hiện
tượng xã hội không quá hiếm hoi, một tình
huống tâm lý - tâm trạng trong tình yêu thuở thiếu thời khắc sâu vào trái tim
con người như một vết thương lòng dai
dẳng, bằng những hình tượng – biểu
tượng nghệ thuật quen thuộc (lá sen, hương cốm, lời thề lá sen) mến
thân với đời sống vật chất và tâm hồn người Việt Nam, người Hà Nội tự ngàn xưa
cho tới bây giờ. Ngợi ca tình yêu thủy chung, lời thề yêu thương chung thủy lứa
đôi như lá sen ướp hương cốm giữa mùa. Đó là bản chất tình cảm con người Việt Nam, là
ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam .
Nhưng hiện thực cuộc sống đâu có hoàn
toàn thẳng băng, 1 chiều, đơn giản! Có những lời thề đã bị vi phạm, phụ bạc. Có những lá sen đã bị thủng, rách; có những làn hương cốm tình yêu đã bay đi, bay mãi trong hoài vọng của lá sen và xác cốm ngậm ngùi!... Tất
cả chỉ còn ướp hương thời gian trong kỷ niệm thoang thoảng một thời ấu thơ, mà
mỗi khi nhớ lại, ta vẫn không ngăn được một tiếng thở dài…hiu hắt!
Bài thơ không chỉ tự phân ưu nỗi lòng tác giả mà hình như là chính tiếng tâm hồn ta, cũng là kỷ niệm nào đó thời hoa học trò, đuổi bướm cạnh
cầu ao (Giang Nam )…
Lời thề lá sen cơ hồ đã động vào tới
vùng đáy thẳm của hồn quê, tình quê, tình người, tình đời… ám ảnh mỗi
chúng ta, nên dễ hóa thành đồng điệu.
Bởi thế, tôi hoàn toàn tán thưởng lời bình cách đây hơn 30 năm của nhà thơ Ngô
Quân Miện:
“Lời
thề lá sen” như khúc dân ca xinh xắn,
như khúc Kinh Thi Việt Nam, chân
thật, duyên dáng và ý nhị, một trong những nét đẹp truyền thống thanh lịch,
tao nhã của con người văn hóa Tràng An – Thăng Long – Hà Nội./.
* CHÚ GIẢI:
- Nguyễn Bính: Trường
huyện; trong sách Nguyễn Bính:
Tác phẩm và lời bình (Nguyễn Anh Vũ biên soạn); NXB Văn học, 2012; tr.
81)
- Đọc tham
khảo bài
thơ LỜI THỀ CỎ MAY (Phạm Công Trứ), cũng là một
trong những bài thơ tình hay được nhiều bạn đọc ái mộ (tuy chưa được nhiều
người làm thơ họa lại như với Lời thề lá sen.) để thấy được phần
nào sự gần gũi và khác biệt giữa
thi đề, thi ảnh và giọng điệu của
2 bài thơ lục bát Việt Nam hiện đại
cùng ra đời vào những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước. Dễ nhận ra, có lẽ
cả hai đều chịu ảnh hưởng ít nhiều, đậm nhạt hơi hướng của thơ tình hương đồng gió nội Nguyễn Bính xưa
(Chân quê, Hoa cỏ may: Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió, vương đầy áo em! (sđd;
tr. 27, 34).
Điều đó
càng chứng tỏ, rằng trong thơ tình yêu:
thất
tình đã, đang và sẽ còn là một trong những thi đề, cảm hứng thơ phổ biến, vĩnh cửu, không bao
giờ cũ và luôn cuốn hút, hấp dẫn đại đa số các thi nhân đông tây - kim cổ.
Riêng ở đất nước hình tia chớp (Trần Mạnh
Hảo) này, hơn nửa thế kỷ qua, môtip
tự tình – trữ tình LỜI THỀ + X (lá sen,
cỏ may…) đã trở thành môtip quen
thuộc, được ưa chọn và được biến thể phong phú biết bao! (ĐV)
LỜI
THỀ CỎ MAY
Phạm
Công Trứ
“Làm
sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai !
Thuở ấy tôi mới lên mười,
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày.
Quần em dệt kín cỏ may,
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm.
Tuổi thơ chân đất, đầu trần,
Từ trong lấm láp, em thầm lớn lên.
Thế rồi, xinh đẹp là em,
Em ra tỉnh học, em quên một người…!
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi,
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò;
Gặp tôi, em hỏi hững hờ:
- "Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?!"
Em đi, để lại chuỗi cười,
Trong tôi, vỡ một khoảng trời pha lê…!
Trăng vàng, đêm ấy, bờ đê,
Có người ngồi gỡ… lời thề… cỏ may...!”
Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai !
Thuở ấy tôi mới lên mười,
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày.
Quần em dệt kín cỏ may,
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm.
Tuổi thơ chân đất, đầu trần,
Từ trong lấm láp, em thầm lớn lên.
Thế rồi, xinh đẹp là em,
Em ra tỉnh học, em quên một người…!
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi,
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò;
Gặp tôi, em hỏi hững hờ:
- "Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?!"
Em đi, để lại chuỗi cười,
Trong tôi, vỡ một khoảng trời pha lê…!
Trăng vàng, đêm ấy, bờ đê,
Có người ngồi gỡ… lời thề… cỏ may...!”
PCT; (Nguồn: Báo Tiền phong, số ngày 19 – 4 - 1988)
Trèm,
Thụy Phương, 5 – 5 – 2015.
ĐV
Lên chùa bẻ một cành sen; Hôm qua tát nước bên đình / Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen (Ca dao). Chào các bác. Em cứ tưởng " cành sen " ở đây không phải là giống sen trồng ở dưới ao, hồ.
Trả lờiXóaBài thơ của nhà thơ NĐL hay. Lời bình của bác ĐV em đọc rất thích. Cảm ơn bác Vũ Nho đã chia sẻ.
Có loại sen cây có cành trên cạn mà ta có thể thấy ở cùa Bối Khê, chùa Phật Tích.
XóaCòn lá sen gói cốm là sen thông thường...
Cám ơn bạn đã chia sẻ!
Có vẻ như Đường Văn nhớ không chính xác một vài từ trong bài : Lời thề cỏ may. Bởi VN viết lời bình cho bài thơ này nên nhớ khá kĩ!
Trả lờiXóa