Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân
Chẳng
có gì quan trọng
Trần Nhương
Những cuốn sách
một thời như sấm trạng
Giờ bán cân bà
đồng nát mua về
Những qui phạm
một thời như thước ngọc
Thành vết hằn
ghi dấu sự ngô nghê
Dòng sông Đà
hùng dũng nhường kia
Giờ ngăn đập
sông luồn qua cửa cống
Biển Vũng Tàu
cứ tưởng mình dài rộng
Dàn khoan dầu
biển hoá mảnh ao quê
Người quan
trọng một thời bao thuộc hạ
Giờ vẩn vơ đợi
khách chẳng ai thăm
Em hoa hậu đẹp
như nhành lửa ấm
Bếp thời gian
để lại chút than hoa
Em của anh ơi,
chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu
cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư
như trẻ nhỏ
Sáng xuân này
lối ngõ nở đầy hoa…
Đại Lải, 12.11.2002
Lời
bình của Hoàng Dân
Số phận của
những kiệt tác một thời có thể:
Những cuốn sách
một thời như sấm trạng
Giờ bán cân bà
đồng nát mua về
bởi bây giờ
không phải là thời của văn hoá đọc, mà là thời “hoàng kim” (kim loại quí hiếm,
màu vàng, đắt tiền…) của động từ “đếm”, mà càng đếm thì càng mê man sung sướng;
càng đếm thì thao tác càng trở nên chuyên nghiệp, tế nhị. Điều đó là đúng qui
luật thôi. Chúa và Đức Phật đã chẳng từng kiên nhẫn đến khản cổ nhắc nhở con
chiên và chúng sinh tới cả ngàn năm rằng “Bản tính của con người là tham lam!”.
Chỉ có điều, một thời chúng ta lên án, thậm chí là “qui địa chủ, tư sản” cho
những kẻ nào dại dột bóp mồm bóp miệng ki cóp để dành chút ít của cải phòng
thân. Suy cho cùng, kiệt tác “bán cân” vẫn còn có ích, nó sẽ được nghiền thành
bột giấy để tái chế thành những cuộn sản phẩm trắng xốp khá bắt mắt mà chúng ta
vẫn dùng hằng ngày trong toa-lét!
Nhưng:
Những qui phạm
một thời như thước ngọc
Thành vết hằn
ghi dấu sự ngô nghê
thì đáng sợ hơn
nhiều, dai dẳng hơn nhiều, di căn khủng khiếp hơn nhiều, bởi nó vẫn đang hiện
hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và sẽ còn hiện hữu rất là lâu nữa…
Nói trắng ra, “sự ngô nghê” chính là sự dốt nát, mà đã dốt nát thì càng nhiệt
tình càng gây hậu quả nặng nề, càng ở ngôi cao càng gây tai hoạ lớn. Năm 1948,
trong truyện ngắn ĐÔI MẮT, Nam
Cao đã viết một câu mà hôm nay đọc lại, chúng ta vẫn toát mồ hôi hột, câu ấy
là: “Nó là anh bán cháo lòng thì nó chỉ biết đánh tiết canh, biết làm uỷ ban
thế nào mà bắt nó làm?”. Xưa, chúng ta ngây thơ tin rằng “tư tưởng hàng đầu,
chính trị thống soái”, cho nên chúng ta dị ứng với những người có bằng cấp, kẻ
nào mà dại dột khoe bằng cấp thì ngay lập tức bị chụp cái mũ “tạch tạch sè”;
nay thì ngược lại, người ta sính bằng cấp tới mức mê muội, chạy bằng cấp bằng
mọi giá. Báo chí đang rôm rả với cái tít: “24.300 tiến sĩ và 9.000 giáo sư –
các vị ở đâu và đang làm gì cho đất nước?!”. Cũng theo báo chí, nước ta hiện có
số lượng giáo sư, tiến sĩ cao nhất khu vực và thế giới; nhưng các công trình
khoa học thì lại đội sổ khu vực và thế giới; trong khi đó tác giả của những
phát minh sáng chế từ máy bóc vỏ sắn, máy làm cỏ, máy gặt, máy tuốt… cho đến
máy bay trực thăng mi ni, tàu ngầm mi ni… thì đều là các anh Hai Lúa! Báo Dân
Trí điện tử ngày 27.3.2014 có bài “Đừng để Việt Nam mang tiếng là quốc gia có
nhiều tiến sĩ” của Phước Minh, mà các học vị ấy chỉ dùng để “kiếm danh, kiếm
quyền, kiếm tiền” chứ không phải để làm khoa học – Quả là cười ra nước mắt! Tất
nhiên, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm, bởi cũng có những tiến sĩ suốt đời
miệt mài với khoa học, tiếc rằng số này hơi ít. Nói cách khác, “sự ngô nghê”
chỉ từ cực này (chủ nghĩa lí lịch) đột nhiên nhảy tót sang cực khác (chủ nghĩa
bằng cấp), chứ bản chất của “sự ngô nghê” thì đã thâm căn cố đế mất rồi!
Tôi thích hai
câu đầu ở khổ thơ cuối:
Em của anh ơi,
chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu
cũng có thể già
Ta hãy sống vô
tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này
lối ngõ nở đầy hoa…
vì cách lí sự
bằng thơ rất hóm của tác giả. Người ta bảo tình yêu không có tuổi: “Yêu nhau có
ai hỏi/Tuổi ít hay tuổi nhiều/Tình yêu không có tuổi/Tuổi tình yêu trong yêu”
(Hoàng Xuân Độ), thế mà tác giả lại bảo “Đến tình yêu cũng có thể già” là cớ
làm sao? Cái gì rồi cũng sẽ bị lão hoá,
mà bản chất của lão hoá là sự đào thải. Kết thúc của quá trình đào thải là cái
chết. Theo tác giả thì tình yêu cũng không là ngoại lệ, nhưng ông hóm ở chỗ đã
chen vào câu thơ hai chữ “có thể”! Nghĩa là có thể già hoặc có thể không già.
Vậy tình yêu nào sẽ già, còn tình yêu nào thì không? Tình yêu của hai vợ chồng
ư? Xin thưa, ngạn ngữ phương Đông có câu “Vợ chồng yêu nhau 3 tháng, thương
nhau 3 năm và chịu đựng nhau suốt đời!”. Như thế, sau 3 tháng thì tình yêu vợ
chồng “hấp hối” và sau 3 năm thì “chết thẳng cẳng”! Tất nhiên là có ngoại lệ
(bởi chuyện gì mà chẳng có ngoại lệ), trăm năm “chưa chết”, nhưng đã là ngoại
lệ thì cực hiếm! Tôi đoán rằng chỉ có tình yêu cái đẹp là bất tử mà thôi! Bằng
chứng thì nhiều lắm, xin miễn liệt kê chỉ tổ làm mất thời giờ của độc giả.
Hai câu thơ
cuối thì vui, lạc quan, nhưng hơi bị… ảo tưởng! Khi kêu gọi “Ta hãy sống vô tư
như trẻ nhỏ” thì có lẽ tác giả cũng hồn nhiên tin rằng đó là phép giải thoát
tối ưu cho chứng nan y “vỗ ngực tự cho mình là cái rốn của vũ trụ”? Nhưng làm
cách nào để “vô tư như trẻ nhỏ” được? Cái “vô tư” tự nhiên nhi nhiên trong ta
thì đã đào sâu chôn chặt từ đời tám hoánh rồi, không thể dựng dậy cái thây ma
ấy trong một con người đã già nua, meo mốc; mà nói như tục ngữ Việt thì “Già
sinh tật, đất sinh cỏ”!
Nếu (vâng, nếu
trái đất bằng quả cam thì ta có thể bỏ vào túi áo) vô tư được thì ước mơ “lối
ngõ nở đầy hoa” sẽ trở thành hiện thực nhỡn tiền, thế thì trên cả tuyệt vời rồi
còn gì? Và, xin hãy cứ mơ đi, ai cấm được ta, nhỉ?!
Thạch Bàn, 23.3.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét