KHÔNG – CÓ - CÓ
– KHÔNG!...
(Nghĩ
thêm về bài Bạn đến chơi nhà của
Nguyễn Khuyến)
ĐƯỜNG VĂN
1. Nguyễn Khuyến làm thơ về tình bạn không nhiều.
Đại khái có thể kể tới mấy bài: Hỏi thăm quan tuần mất cướp, Hỏi thăm bác
Châu Cầu nhân lụt, Tạ người tặng chậu trà, Bạn đến chơi nhà, Khóc Dương
Khuê... Mỗi bài hay một vẻ. Nhưng ở bài nào cũng thấp thoáng nụ cười buồn,
hóm của nhà thơ quê Yên Đổ. Riêng với bài Bạn đến chơi nhà, giá như
người đọc ngày nay biết được chính xác người bạn đến thăm cụ Tam Nguyên hôm ấy
là ai và đến vào buổi sáng hay chiều thì thú vị biết mấy. Có người đoán là cụ
Dương Khuê, hoặc cụ Dương Lâm, hoặc cụ Châu Cầu... Nhưng dù sao cũng chỉ là võ
đoán mà thôi! Thực ra, đó chỉ là một bài thơ vui, thơ đùa, thơ ngẫu hứng, nhưng
với nhà thơ đầy tài năng và tâm huyết thì vẫn cứ tự nhiên gửi vào những lời đùa
cợt tâm tình sâu kín và tàng ẩn triết lí nhân sinh. Tôi cho rằng, đề tài và chủ
đề bài này không có gì mới, thể thơ
và ngôn từ cũng vậy. Nhưng Bạn đến chơi nhà vẫn được xem là một
trong những bài thơ hay nhất về thơ tình bạn xưa nay. Vậy cái hay ở đâu?
2. Về tình cảnh thanh bần, bài Bạn đến chơi nhà có
những điểm phảng phất giống bài Khách đến (Khách chí) của Đỗ Phủ:
Mâm cơm
vì chợ xa nên còn thiếu món ăn
Rượu, vì nhà nghèo nên
chỉ có thứ rượu cũ chưa lọc.
Ta hãy
cùng ông lão bên hàng xóm đối ẩm,
Hết
rượu thì qua hàng rào lấy rượu thêm.
Nhưng rõ ràng hoàn cảnh trong Bạn đến chơi nhà
ngặt nghèo hơn, điển hình hơn. Và giọng điệu của Đỗ Thiếu Lăng cũng không buồn,
hóm như giọng cười Nguyễn Khuyến.
3. Một mặt, ta thấy hiện lên đời sống thanh bần của thi
nhân làng Yên Đổ, mặt khác hiện lên tỉ mỉ cảnh đồng ruộng mà nhiều người trong
chúng ta, nhất là những trí thức thường không để ý. Nhất là cái hồn xanh
vườn tược (Xuân Diệu), cái ấm áp cảnh quê vào một buổi đẹp trời hình như
không phải là điều mà tác giả muốn đề cập nhưng cứ tự nhiên tỏa ra phảng phất
qua những hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, tiếng động... trong từng câu thơ, trong
tiếng ong bay rù rì nơi vườn mướp, tiếng gió thổi vào những quả bầu đu đưa,
trong tiếng sóng gợn tí nơi ao cá nước đầy ăm ắp, trong cái lao xao, ồn ào của
chợ Đồng đầu xóm, trong cả bầu thinh không vắng lặng... Hồn quê, cảnh quê đã thấm sâu lắm vào tâm hồn thi nhân.
4. Căn cứ vào cuộc đời và văn bản bài thơ, có thể khẳng
định Bạn đến chơi nhà được sáng tác khoảng sau năm 1884, trong
thời gian Nguyễn Khuyến đã cáo quan về lão giả an chi tại quê nhà. Bạn
đến chơi. Nhà nghèo chẳng có gì thết bạn, thì làm một bài thơ đãi bạn vậy. Cái
gì cũng có nhưng lại chẳng có, để cuối cùng, khi những hình thức không còn gì
nữa, thì ta thấy hiện lên tình bạn hết sức cao quí, đẹp đẽ. Những tên khác của
bài thơ này: Suông tình, Gặp bạn ngồi chơi suông, Gặp bạn đến nhà,
ngồi suông... Nhan đề nào cũng có một chữ suông không phải ngẫu
nhiên đặt, mà là muốn nhấn đến cái chẳng có gì, chỉ suông tình đón bạn mà thôi.
Như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Khuyến, ông không muốn vớt cái hương thừa của
cụ Tố Như, nên chọn thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thể trắc (bấy),
nhưng cảm xúc thơ tự nhiên, hồn hậu đã tự nó làm một phá cách trước cái bố cục đề
- thực - luận - kết muôn thuở. Đọc Bạn đến chơi nhà, bạn và tôi dễ
dàng thống nhất mạch kể - tâm tình của
Yên Đổ không tuân theo trình tự 2 - 2 - 2 - 2 mà là 1 - 6 - 1. Chỉ có 1 câu đề, cả 6 câu tiếp
đều là thực và cũng luận ngầm; câu cuối là câu kết. Nếu cứ
máy móc đọc - hiểu bài thơ này theo kết cấu cổ điển của bài thơ thất
ngôn bát cú Đường luật hẳn sẽ gặp nhiều khiên cưỡng. Một điều thú vị khác dễ
nhận thấy là cả bài thơ 56 chữ toàn thuần Việt, không xen một từ Hán
Việt. Đúng là thơ thuần Nôm.
5.
Câu thơ đầu tiên buột ra hệt như một lời nói thường, một lời chào, một tiếng
reo vui hân hoan khi cụ Nguyễn ngồi trong nhà chợt nghe tiếng chó sủa, rồi
tiếng gậy chống lộc cộc từ cổng tiến vào sân gạch Bát Tràng. Cụ vội bước ra hè,
ra sân, cung tay vái chào, đón cố nhân lai.
Có ý kiến bàn lại về cách ngắt nhịp câu thơ này: không
phải đọc:
Đã
bấy lâu nay / bác tới nhà
mà đọc: Đã bấy lâu / nay bác tới nhà
Và biện giải rằng nếu đọc như cách trên thì không rõ
khoảng thời gian xa cách khá lâu giữa hai người, không rõ tâm trạng mừng vui,
hồ hởi của nhà thơ khi chợt nhìn thấy bạn xuất hiện. Để khắc phục hạn chế này,
nên đọc theo cách thứ hai (*). Vì sao nhà thơ mừng vui đến thế? Vì ông yêu quí
bạn, nhớ bạn; vì về hưu, tuổi già như hạc độc, lắm bệnh, bạn bè
đi lại ít. Bản thân ông cũng ngại đi lại. Bởi vậy có được người bạn tri âm đến
thăm để hàn huyên, giãi bày cho vơi bớt nỗi cô quạnh thì sao mà không cảm động,
mừng vui cho được?
6. Thật ngạc nhiên, 6 câu nối tiếp lại là những lời như là thanh minh,
trần tình với bạn già về gia cảnh của mình. Hết trẻ đi vắng, chợ xa, ao sâu
nước cả, vườn rộng rào thưa đến bầu, mướp còn non ... cuối cùng, đến
miếng trầu là đầu câu chuyện tiếp khách cũng không có nốt. Càng nghe
càng ngạc nhiên, càng khó tin mà cũng khó cãi. Tại sao ông bạn lại không may
đến thế? lại nhè đúng lúc tất cả đều không, đều chưa có mà đến? Nhưng tại sao
nhà một ông quan lớn hồi hưu lại cũng có thể nghèo rớt mồng tơi đến mức ấy? Mấy
tiếng thời, cả, khôn, chửa, vừa, đương, đầu trò... thật là những
lời quê kiểng, rất nôm na, mộc mạc, chân thành và rất sống động. Bạn già lẽ nào
không tin? Chỉ có thể tự trách số mình không may! Nhưng nếu ngẫm kĩ thì vẫn có
thể có câu trả lời: Trong những câu giải bày, thanh minh ồn ào của ông bạn vừa
là nói đùa, vừa nói thật, vừa tố lên cho đậm vừa kín khéo tự hào cái lối
sống, cách sống thanh đạm của mình với người bạn cố tri.
Đến câu:
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Cũng có người đề nghị cách đọc:
Đầu trò tiếp khách / trầu không / có.
Nhưng
nếu đọc như vậy, sẽ mâu thuẫn trong mạch thơ. Câu tiếp theo sẽ không có lí để
tồn tại. Bởi vì: Ta với ta là tuyệt đối không có gì ngoài hai người bạn
ngồi suông. Vả, trong cuộc sống thực, có
những năm mất mùa cầy cấy vẫn chân thua, chiêm mất đằng chiêm,
mùa mất mùa, đến nỗi chợ búa, trầu, chè chẳng dám mua... thì chuyện
không có trầu tiếp bạn cũng là dễ hiểu.
Ta với ta.
Một cách chơi chữ - một quan niệm tư tưởng- thẩm mĩ.
Bạn quí đến chơi mà đến trầu tiếp khách cũng không có
vì túng quá nên giữa tôi và bác đã không còn quan hệ chủ khách
thông thường. Đó là lời thanh minh, lời an ủi, tự an ủi mình và bạn trong hoàn
cảnh trớ trêu, ngặt nghèo bằng nụ cười xòa, cười suông như cái hoàn cảnh
suông, cuộc gặp suông giữa hai người. Nhưng mặt khác, ta với ta
cũng là chúng ta với nhau, chỉ có và chỉ cần chúng ta, hai ta thôi cũng đã đủ,
quá đủ rồi. Bởi vì đời đục, riêng mình ta trong; đời ngủ, một mình ta thức. Ta
tự bằng lòng, hài lòng với cuộc sống lánh đục về trong này dù nhiều khi phải cố
quên đi thời cuộc, quên đi nỗi buồn mất nước với sự bất lực và yếu mềm của ta.
Và ta lại thấy tự thẹn, thấy xấu hổ, thấy cô đơn, thấy lạc lõng... trong tâm
hồn nhà thơ già vẫn cứ luôn luẩn quẩn những ý nghĩ giằng nhện, giày vò ấy. Bởi
vậy, ta với ta của Nguyễn Khuyến, về cơ bản, khác với ta với ta
kết bài Qua đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan: một vui một buồn, hai mà
một, hai mà hai, tôi với tôi và chúng ta - chúng tôi, khép và mở, hai
hoàn cảnh, hai con người, hai tâm trạng... gợi ra biết bao nghĩ ngợi, liên
tưởng trong lòng người đọc bao thế hệ.
7. Cấu tứ và cái Thần:
Tôi thử mô hình hóa cấu tứ hay mạch vận động của tứ thơ trong Bạn đến chơi nhà như sau:
Trong
dòng chảy thời gian
|
Quá
khứ
|
Hiện
tại
|
Tương
lai
|
Vật
chất (khả biến)
|
Đã
có
|
Không
có
|
Sẽ
có
|
Tinh
thần - tình cảm (bất biến)
|
Đã
có
|
Đang
có
|
Sẽ
có
|
Mạch
vận động của tứ thơ
|
Có
|
Không
|
Có
|
Giọng
điệu: vui đùa, hóm hỉnh
|
Tình
huống
|
trớ
trêu
|
bất
ngờ
|
Phạm
trù triết lý
|
Biến
mất
|
Hiện
tồn
|
Tiềm
năng
|
Theo tôi, cái
thần độc đáo nhất của bài thơ tình bạn này không phải là cách dùng từ giản
dị, cũng không phải là cụm từ ta với ta giàu sức gợi, cũng không phải là
cái tình huống sáng tạo bất ngờ mà hợp lí: bạn đến chơi nhà đúng vào lúc chẳng
có ai ở nhà, chẳng có gì trong nhà, thậm chí không phải ở cái không khí nhà quê
ấm áp nghĩa tình... mà chính là, trên tầng nổi cũng như dưới tầng sâu thẳm của
ngôn từ giản dị và điêu luyện bậc thầy, thấy thấm thía vô cùng cái quan hệ có
- không - có, cái triết lí về mối quan hệ giữa cái khả biến (vật chất)
và cái bất biến (tinh thần) lại được thể hiện trong một thể thơ cổ kính,
mực thước có phá cách chút ít về kết cấu và phả vào giọng cười buồn vui, hóm
hỉnh và không phải không lóe lên ít nhiều tinh quái!
Chẳng hạn, ngay ở câu kết cuối cùng, ngoài những ý nghĩa tâm lý, xã hội và từ chương như
nhiều người đã phân tích, bình luận: ta
là một, ta là hai, ta là riêng, ta hòa chung, ánh lên một triết lý vừa tâm
niệm thâm trầm vừa cao ngạo về tình bạn, về lẽ sống. Nhưng mặt khác, đọc câu
thơ này, thấy Nguyễn tiên sinh và ông bạn thân đang cô đơn biết bao, cô đơn, cay
đắng và bất lực về thời thế, về chính bản thân mình và lớp người như mình,
cùng mình, nỗi cô đơn thẳm thẳm, vô vọng, chẳng biết chia sẻ cùng ai!?
***
Tóm lại, sở dĩ Bạn
đến chơi nhà vượt qua được rất nhiều bài thơ khác cùng viết về đề tài tình bạn để trở thành 1 trong
những bài thơ vào loại Nam âm
tuyệt xướng; ấy là bởi vì, dưới lớp vỏ hình
thức cực kỳ giản phác là một nội dung
thế sự sâu sắc và một ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu xa hàm chứa một
trong những quy luật của xã hội và tình
cảm con người – quy luật muôn đời (như đã phân giải ở trên); lại được thể
hiện bằng một giọng điệu trữ tình - hài
hóm độc đáo – giọng điệu thơ
Nguyễn Khuyến - ông Hoàng làng Và (Tam
Nguyên Yên Đổ)… Nếu chưa tin ư? Bạn thử lục tìm trong thơ đông tây cổ kim về
tình bạn xem có một bài nào khác hội đủ được ở mức lý tưởng các yếu tố nội dung
– hình thức như thế để trở thành áng thơ vượt thời gian và khiến nhân dân Việt Nam mãi
mãi tự hào?!
* Đã đăng trên Văn học & tuổi trẻ, số 12 – 2013. Đọc lại và chỉnh sửa tiếp: 5
– 2015. ĐV
31 - 11 – 2013. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét