Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

HOÀI NIỆM CHỢ QUÊ…



                                                                                       Đường Văn

HOÀI NIỆM CHỢ QUÊ…



 (Bình bài thơ Chợ quê tôi của Chu Hỗ)

Tặng LD & CH



ĐƯỜNG VĂN



Chợ quê, con tép cũng gầy,

Con cua, con ốc dính đầy bùn non.*

Chợ quê có thứ nào ngon,

Đều mang ra tỉnh, hỏi còn gì đâu?!



Chắt chiu hạt gạo, mớ rau,

Quả cà, quả bí, quả bầu, củ khoai,…

Con gà, con vịt chăn nuôi,

Bóp mồm, đem bán cho người ta ăn!

Hai sương một nắng nhọc nhằn,

Thắt lưng buộc bụng, khó khăn trăm bề,



Người quê đi chợ nhà quê,

Vội vàng, chẳng dám cà kê, lượn lờ!

Còn bao nhiêu việc đang chờ,

Lúa cần nước mát, cỏ ngô chưa làm…



Oằn vai, cả gánh khoai lang,

Chỉ mua được mấy thứ hàng thiết thân:

Chai nước mắm, muối nửa cân,

Thuốc lào, bật lửa cũng cần mua ngay!



Khi đi, một gánh nặng đầy,

Lúc về, vài thứ xách tay, nhẹ nhàng!

May mà còn có khoai lang,

Mất mùa đành chịu, lo toan khó mà!



Gió vào nhà trống, thật là

Dám đâu tính chuyện mua quà ăn chơi!

Miếng ngon, nhịn miệng cả đời,

Loanh quanh cái chợ giữa nơi quê mùa…



  • Báo Hà Nội mới, số 16623, ra ngày chủ nhật, 31 – 5 – 2015 (tr. 5). * Biên tập báo HNM cắt 2 câu đầu. Nay, in phục nguyên toàn vẹn văn bản.

CH

·       ĐƯỜNG VĂN  bình



            Cũng băn khoăn như tác giả, tôi ngờ rằng BBT báo HNM đã cắt đi 2 câu thơ đầu, 2 câu vào loại ấn tượng nhất, làm nên hồn vía bài Chợ quê tôi. 2 câu thơ gợi cảnh chợ quê xưa lam lũ, người nông dân quê nhọc nhằn, nghèo cực tới mức: con tép cũng gầy, con cua con ốc dính đầy bùn non. Hai câu thơ man mác tấm lòng thương làng quê, thương dân quê, thương mình của người thơ hiện hình lên, trĩu nặng, bởi cụm từ: cũng xót xa, cam chịu.


            Nhưng dù đã bị cắt 1 cách rất đáng tiếc như thế, bài thơ còn lại vẫn không thể biến thành bài thơ tả cảnh chợ quê thời nay; mà vẫn 100% là cảnh, tình và hoài niệm chợ quê ngày xưa; chí ít cũng là chợ quê Trèm – Vẽ từ xa xưa cho đến cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước.

            (Chợ quê thời đổi mới, thời @ nay khác lắm! Từ ngoài đường 69 vào đến sân chợ, các quầy trong chợ, hàng hóa bày bán ê hề, thực phẩm, hoa quả…tươi ngon, từ quê mùa đến hiện đại, giá cả phải chăng, bạt ngàn, mùa nào thức ấy, kém gì chợ tỉnh, chợ phố, Hàng xịn, hàng nhái, hoàng ngoại, hàng nội… chẳng thiếu thức gì! Chỉ cần có tiền là mua được hết!)

            Thật ra, thi đề và cảm hứng chợ quê từng đã được khai thác và thể hiện thành công từ lâu trong Thơ mới (1932 – 1942) của những Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính, đặc biệt là Đoàn Văn Cừ, với bài thơ nổi tiếng đặc tả Chợ tết. Tuy nhiên, nếu đặt bài Chợ quê tôi bên cạnh những bài thơ đã thành cổ điển ấy, vẫn thấy nét riêng, dù không mới của họ Chu, khi ông cố tả cái nết, cái tính cách chắt chiu tằn tiện, nhịn miệng đãi khách của người dân quê, trải mấy trăm, mấy ngàn năm mà hầu như vẫn không thay đổi, bằng tấm lòng cảm thông, chia sẻ ân tình với giọng điệu buồn, ngậm ngùi thương thân, thương mình pha 1 chút tự hào ngấm ngầm, kín đáo:

Chợ quê có thứ nào ngon

Đều mang ra tỉnh, hỏi còn gì đâu?!

            Câu hỏi hay lời thở than, hay tiếng thở dài về những phận người cái khó nó bó cái khôn, vất vả cả cuộc đời bạc bẽo, không may…?

            Hai câu:

Người quê đi chợ nhà quê,

Vội vàng, chẳng dám cà kê, lượn lờ!

            Cũng trong mạch ngẫm nghĩ ấy, nhưng thêm một chút hóm hỉnh, tự trào ánh ra từ cụm từ chẳng dám cà kê, lượn lờ. Đi chợ bán, mua cũng cần phải khẩn trương, vội vàng, ba nhanh bốn chóng. Thời giờ đâu mà con cà con kê, lượn là lượn lờ, buôn dưa lê, thấy hàng chả chó thì lê trôn vào (ca dao) như mấy ả nhà giàu, lắm tiền, rửng mỡ, toòng teng xách lần đi chợ!...

            Hình ảnh – chi tiết bán hết cả gánh khoai lang nặng oằn vai mà chỉ đủ tiền mua được vài thứ con con, nhỏ nhặt, thiết yếu (mắm, muối, thuốc lào, bật lửa…), phục vụ cho cuộc sống hằng ngày… là 1 một điểm nhấn chân thực và cảm động.

            4 câu kết bài càng làm tăng cảm giác ngùi ngùi thương người, thương thân, thương đời, thương và cám cảnh cho số phận cả kiếp đời nghèo rớt mồng tơi, không ngóc đầu lên được, chỉ lo toan những lam làm chứ đâu dám một ngày, một giờ tưởng mảng chuyện ăn chơi, hưởng thụ:

Gió vào nhà trống, thật là

Dám đâu tính chuyện mua quà ăn chơi!

Miếng ngon, nhịn miệng cả đời,

Loanh quanh cái chợ giữa nơi quê mùa…

            Chợ quê mùa, người quê mùa, loanh quanh luẩn quẩn, nhếch nhác, nheo nhóc, không biết bao giờ mới ngẩng đầu lên được, mới khá lên được, mới đổi đời được!? Nhưng rõ ràng, đó hoàn toàn không còn là hình ảnh, con người, tâm lý và suy nghĩ của người dân quê hôm nay, khi sớm sớm, chiều chiều các bà, các chị, các cô đi chợ bằng xe đạp, xe máy; mua, bán bằng máy tính cầm tay, ở chợ quê hôm nay, chợ Thụy Phương mới xây, 2 tầng khang trang, tiện lợi…

            Cho nên bài thơ của Chu Hỗ, theo ý tôi, nên mang tựa đề: Hoài niệm chợ quê xưa… mới phù hợp với ý tứ, nội dung chủ yếu của nó.



            Ngoài ra, về câu chữ: 1 ưu điểm làm nên dáng quê, nét quê, hồn quê của Chợ quê tôi là sự vận dụng khéo léo, hiệu quả không ít tục ngữ, thành ngữ quen thuộc: Miếng ngon nhịn miệng (đãi khách), (Tiền vào nhà khó) như gió vào nhà trống, con cà con kê, lượn là lượn lờ, thắt lưng buộc bụng, bóp mồm (bóp miệng); hai sương một nắng, khó khăn trăm bề…

            Và, giá như tác giả mạnh tay lược bớt một số câu kể, tả theo kiểu liệt kê, bày biện, dài dòng; một vài từ tả sinh hoạt dễ dãi, thật thà… thì bài lục bát hẳn sẽ ngắn gọn, thanh thoát và gợi cảm hơn./.





Trèm, chiều rớt bão số 2; 11 – 7 – 2015. ĐV




2 nhận xét:

  1. Bài thơ cứ bàng bạc trôi chậm rãi , không có điểm nhấn , nghe rất quen thuộc . Câu từ hình như đã nghe ở đâu đó , có cảm giác như tác giả lắp ráp vào . Chợ quê này là cảnh trước năm 1975 ở miền Bắc thì đúng hơn , một thời tự cung tự cấp . Còn chợ quê bây giờ không thua gì ở thành phố , người dân quê bậy giờ chở hàng bằng xe máy hay xr đạp , ít ai gánh nữa đâu . Ăn uống họ cũng biết trồng rau riêng để ăn , và trồng rau riêng để bán, dân quê giờ khôn lắm rồi . Đồng ý với bác Đường Văn , bài thơ này chỉ là một hoài niệm về những phiên chợ quê một thời xa xưa mà thôi , thì mới thuyết phục được độc giả . Theo Salam có thể đặt tên " Chợ quê của tuổi thơ tôi " hay như bác Đường Văn gọi ". Hoài niệm về những phiên chợ quê ". Cũng rất được đó các Bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé trang và bình luận!
      Cả Đường Văn và bạn đều có chung ý là chợ quê bây giờ đa khác. Hoàn toàn đúng.

      Xóa