Nhớ ngõ 275 đường Âu Cơ
(Tản văn)
Kính tặng nhà Bảo tàng văn học Việt Nam.
Nguyễn Thị Lan
Nằm trong lòng làng Quảng Bá xưa, nay thuộc
phường Quảng An quận Tây Hồ thành phố Hà Nội, con ngõ nhỏ dài khoảng bốn, năm
trăm mét này có nhà Bảo tàng văn học Việt Nam. Nơi đây là một địa chỉ quen
thuộc với nhiều người viết văn và yêu văn chương của cả nước bởi những
"trầm tích" văn hoá chứa trong nó và cũng bởi khung cảnh thiên nhiên
thật tuyệt vời.
Trước khi đi dự lớp tập huấn về lý
luận phê bình, tôi được anh bạn đồng môn - nhà thơ ĐQT, gọi điện
"rủ": "Đến đây đi, ở đây đẹp lắm!". Vốn yêu thích thiên
nhiên và trong tâm trạng háo hức sắp đến lớp, thế là từ quê nhà vượt qua hơn 70
km tôi đến đây. Thật khó mà diễn tả hết sự ngỡ ngàng của tôi khi bắt đầu từ
đường Âu Cơ, xuống dốc, đi vào ngõ nhỏ.
Giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt,
người xe như mắc cửi, ngõ 275 thật mát mẻ, thanh bình, tĩnh lặng - một khoảng
tĩnh lặng hiếm có ở chốn đô thành. Bước chân đến đây bạn sẽ đi thật thong thả,
trân trọng những gì thuộc về nơi đây như món quà hiếm hoi của thiên nhiên ban
tặng. Đến đây các văn nghệ sĩ sẽ có một khoảng lặng cần thiết để sống chậm, để
nghĩ suy và cảm xúc, để học tập và sáng tạo.
... Một con đường nhỏ yên tĩnh mát
rượi những bóng cây. Nhiều ngôi nhà trong ngõ lùi vào nằm cách mặt đường, nép
mình bên những hàng cây tùng bách diệp, cau... vươn lên cao vút. Những cổng phủ
kín dây leo với những chùm hoa rất dễ thương, buông một vẻ đẹp lãng mạn. Ngõ
vắng, rất ít người qua lại. Trong ngõ, hầu như không có hàng quán, cửa hiệu.
Nếp sống đô thị không tràn vào nơi đây. Con ngõ nhỏ không phải là nơi mua bán
trao đổi mà là nơi nghỉ dưỡng. (Rất nhiều khách nước ngoài thuê nhà ở đây để
làm việc và ở). Nó như một con ngõ ẩn cư của những ngôi biệt thự xinh xắn.
Ngõ 275 là ngõ của cây, nói như một
người dân sở tại: "Ở đây chỉ có cây...". Đến đây, bạn sẽ được đắm
chìm trong "cõi lá" xôn xao với ngót ba chục loài cây gồm những cây
bóng mát như: thông, phượng vĩ, sấu, lược vàng, tre, trúc, đa... đến những cây
ăn quả như: bưởi, ổi, xoài, hồng bì... rồi cây hoa, cây dây leo. Phần lớn những
cây này có gốc gác nội địa nhưng cũng có những cây như cây Ô xa ca... nhập
ngoại về.
Trước cửa nhà Bảo tàng có hai
"cụ" cây là cây phượng và cây ổi. Cây phượng rất to, gốc xù xì, thân
mốc thếch, tán lá rộng che rợp cả một góc đường. Bây giờ đang là mùa thu, mùa
hè rực rỡ đã qua đi, cây không còn nhiều những chùm hoa đỏ rực như lửa nữa, lấp
ló trong tán lá xanh, một chùm hoa nhỏ còn sót lại như cố níu kéo mùa hè. Cây
ổi chắc cũng già lắm rồi. Nghe nói xưa kia đây là một vườn ổi. Bây giờ chỉ còn
cây ổi găng chíu chít những quả trên cành, hương ổi chín thơm ngát, sau một đêm
mưa gió, sáng ra quả rụng đầy hè.
Ngõ 275 còn là ngõ hoa. Làng Quảng
Bá xưa kia là làng trồng hoa nổi tiếng ven hồ Tây cùng với những làng Nghi Tàm,
Nhật Tân. Nơi đây là thế giới của hoa với những cây hoa đường phố, những dây
hoa leo, những chậu hoa rải rác trên hè. Hoa ở đây rực rỡ đủ sắc màu, từ màu
tím của hoa bìm bìm, hoa rau muống, hoa bằng lăng đến màu vàng của hoa giáng
hương, hoa hoàng lan, hoa mướp; rồi màu trắng của hoa ngọc lan, hoa thuỷ tiên,
hoa nhài, hoa mộc, hoa mai; màu hồng của hoa đào, hoa hồng gai; màu đỏ của hoa
lộc vừng, hoa phượng; màu tím đỏ của hoa giấy, hoa mười giờ, hoa dâm bụt... Bốn
mùa, hoa lần lượt đua nhau khoe sắc. Người đi dạo trong ngõ ngắm hoa, thấy lòng
xao xuyến, chợt nhớ đến câu thơ của Thi Hoàng: "Không có hoa ta không thành người lương thiện", bỗng
thấy như gặp Đà Lạt ở đâu đây...
Nhưng đẹp nhất mùa này có lẽ là cây
lộc vừng trước cửa ngôi nhà số 36. Cây rất nhiều hoa, những chùm hoa đỏ dày đặc
buông xuống dịu dàng, bông hoa không khác gì bông pháo hoa vừa bùng nổ trên bầu
trời; từng cánh hoa mỏng manh rơi chầm chậm như những giọt mưa thu. Dưới mặt
đất là một thảm hoa phủ dày kín một khoảng vỉa hè. Về đêm, hoa lộc vừng không
chỉ khoe sắc mà khoe cả hương, một mùi hương dịu dàng, man mát...
Dọc con đường nhỏ cạnh hồ Quảng Bá
(bên kia là làng Nhật Tân trồng đào) có những ngôi nhà xinh xắn với tường rào
gạch mộc sơ sài (sự sơ sài mộc mạc cố ý), với những vườn đào, vườn trúc xanh
mướt. Con người ở đây sống giữa thiên nhiên, chan hoà cùng thiên nhiên.
Đến ngõ 275 ta gặp cái "hồn
làng" trong phố. Bất chấp ngoài kia những ồn ã, những vội vàng, những chen
lấn chật chội, con ngõ này như có một "bầu trời khác", một "thế
giới khác" trong trẻo, an lành.
Một ngày ở đây thanh thản trôi trong
tiếng gà gáy sớm, tiếng chim ríu rít; trong hương hoa ngọc lan, trong mùi ổi
chín, trong sắc xanh êm đềm, trong chùm hoa buông hững hờ trước hiên nhà...
Nhưng có cảnh nào không gợi nhớ con
người. Ngõ 275 cách đây mấy chục năm từng có "Nhà sáng tác Quảng Bá",
"ngôi đền thiêng", một địa chỉ thân thuộc của nhiều nhà văn lớp những
năm đầu chống Mỹ. Những người lớn tuổi ở đây còn nhớ một ông Nguyễn Đình Thi,
một ông Tô Hoài, một ông Đốc Hồng (Nguyên Hồng) làm giám đốc Nhà sáng tác, và
bây giờ một ông Hữu Thỉnh, giám đốc đầu tiên của nhà Bảo tàng. Đây là nơi khởi
tạo nhiều giá trị văn chương, nơi ươm mầm nhiều tài năng văn học.
Quảng Bá còn là nguồn cảm hứng thi
ca cho những thi sĩ từng đến và học tập ở nơi đây. Ta gặp một Xuân Quỳnh nồng
nàn yêu thương trong bài thơ "Mùa hoa doi":
"Bây giờ mùa hoa doi
Trắng
một vùng Quảng Bá
Sóng
ven hồ cứ vỗ
Xanh
một vùng cây che"
Cây doi không còn nữa, người làm thơ đã đi xa, nhưng
vẫn còn mãi một mùa hoa doi nở trắng trong trái tim người yêu thơ.
Ta gặp một Thái Bá Tân đầy hoài niệm
khi trở về vườn cũ, chốn xưa trong bài thơ "Nhà sáng tác Quảng Bá":
"Một thời xanh, rợp lá
Đầy
tiếng trẻ và hoa
Khu
vườn nay tàn tạ
Vẹo
xiêu mấy vách nhà
...
Lòng
buồn buồn im lặng
Trên
viền đất tôi ngồi
Kỷ
niệm như đốm nắng
Đang
chập chờn trước tôi
Một
phần đời đẹp nhất
Tôi
bỏ lại nơi này
Và
những gì để mất
Tôi
cố tìm hôm nay"
Cũng như Thái Bá Tân, có bao nhà văn nhà thơ đã có "một phần đời đẹp nhất" gửi
lại nơi này và giờ đây đang "đi tìm thời gian đã mất"?
Là một kẻ đến muộn nơi đây, đi trong
khuôn viên nhà Bảo tàng tôi lại nghĩ đến bao nhà văn, nhà thơ, những "hội
viên sáng lập" ra Hội Nhà văn Việt Nam, những tài năng lớn của văn học
nước nhà. Họ đã từng sống, học tập và viết ở đây. Đứng trước cây ổi tôi bâng
khuâng thầm hỏi: Đã có bao nhà văn đã từng ngắm cây, đã từng hái quả?
Như một sự tiếp nối truyền thống,
trên nền Nhà sáng tác Quảng Bá cũ, nhà Bảo tàng văn học Việt Nam được dựng lên.
Nằm trọn vẹn trong không gian văn hoá hồ Tây, mặt tiền hóng gió từ hồ Quảng Bá,
nhà Bảo tàng vừa cao lớn uy nghi đẹp đẽ, vừa trầm mặc thâm nghiêm. Công trình
này gồm hai hạng mục: Bảo tàng (3 tầng) và Trung tâm văn hoá (6 tầng). Nếu nhà
Bảo tàng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hoá
của công chúng thì Trung tâm văn hoá lại rộng mở đón những văn nghệ sĩ xa gần
của cả nước về bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.
Với chức năng biên niên suốt 20 thế
kỷ văn chương gồm văn học dân gian và gần 1000 năm tồn tại và phát triển của
văn học viết, khách đến chiêm quan Bảo tàng khi về có cảm giác như vừa được
xuyên qua lịch sử văn học nước nhà với 40.000 hiện vật, với những tác giả tiêu
biểu nhất, những tác phẩm xuất sắc nhất của văn chương nước Việt. Nhà Bảo tàng
đã làm cho mảnh đất này trở nên "thiêng liêng" hơn với những người
cầm bút và người đọc.
... Ôi ngõ 275 đường Âu Cơ, giờ đây
xa ngõ nhỏ rồi tôi mới hiểu con ngõ ấy đã ở lại một góc nho nhỏ trong trái tim
tôi. Chiều nay nhớ về nơi ấy, chợt lòng tôi run lên câu hát: "Ngõ nhỏ, ngõ nhỏ, hồn tôi ở
đó..."
Hải
Dương, mùa Thu 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét