Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

THƠ LÀ GÌ? THI SĨ LÀ GÌ?


VNNB  vừa nhận được bản mềm cuốn sách "THƠ trong nhà trường với lời bình" của nhà văn, nhà giáo Hoàng Dân, một cộng tác viên thường xuyên của trang. Trân trọng cám ơn tác giả và giới thiệu bài viết cuối sách "Thơ là gì?", " Thi sĩ là gì?".

Thơ là gì?
     Có rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ tới muôn đời, ví như: Con người là gì? Tình yêu là gì? Hạnh phúc là gì? Thơ là gì?...
     Riêng thơ cũng có tới hàng trăm định nghĩa, nhưng xem ra một định nghĩa có vẻ… hơi “cùn”, song lại “được” nhất: Thơ là Thơ!
     Thơ là Thơ! Vậy thôi! Tạo hoá sinh ra chẳng ai giống ai, cho nên mỗi người  có một cách hiểu khác nhau về thơ cũng là chuyện bình thường. Người làm ra thơ, do đó thơ mang hồn vía của người làm ra nó. Thế nên, chúng ta mới có cái thế giới “Thơ và Người thơ”.
     Khi làm thơ, thi sĩ thăng hoa thiên chức của mình. Còn khi bình thơ, ta mượn bài thơ của thi sĩ để sáng tạo tiếp. Đúng-sai, hay-dở không quan trọng, điều cốt yếu là bài thơ đã gợi ra cho ta những suy cảm mà nếu không có nó thì có thể chẳng bao giờ ta đụng tới cái vùng cảm xúc tiềm thức ấy.
     Khi bình thơ, ta cũng hiểu thêm về một người thơ với tất cả những vui buồn mà ta có thể đã trải nghiệm hoặc cũng có thể là lần đầu ta chợt giật mình ngộ ra. Còn khi làm thơ, ta có thể tạm thời vùng thoát khỏi con người trần tục để phiêu diêu trong thế giới của kí ức, của tưởng tượng và cả những khát vọng. Khát vọng nào thánh thiện thì nhận được sự đồng cảm của người đọc. Khát vọng nào tầm thường thì bị người đọc quăng sách đi.
     Thơ là Thơ, tự nó đã là cái đẹp, một cái đẹp toàn khối được cảm nhận bằng các ấn tượng thẩm mĩ, do đó hình như, nếu ta càng cố gắng kể ra nó đẹp như thế nào thì có khi lại càng làm hỏng thơ. Vì vậy, tôi coi việc bình thơ, điểm qua vài nét về người thơ và làm thơ chỉ là những thú vui cá nhân, hoàn toàn tự nguyện.
     Và đó là một thú vui lương thiện!

Thi sĩ là gì?
     Nhiều người nói vui: “Việt Nam là một cường quốc… thơ!” hoặc “Nước ta là nước thơ (thi quốc)!”…, nghĩa là ai cũng có thể làm thơ, ít thì vài ba bài, nhiều thì dăm bảy tập, in ấn đàng hoàng. Nhưng trong số hàng triệu người làm thơ thì những người “biết làm thơ” có lẽ chiếm tuyệt đại đa số, còn thi sĩ đích thực thì may ra chỉ có một vài. Nói như nhà thơ Phạm Công Trứ là chí lí:
Biết làm thơ chưa hẳn là thi sĩ
Như người yêu khác hẳn với tình nhân

     Có lẽ không phải ai làm thơ cũng mơ thành thi sĩ, nhưng có một sự thật là ai cũng thích được người khác khen thơ mình, cho dù “thơ mình” chỉ là anh em sinh đôi với thơ con cóc! Xét cho cùng, đây là sự “hồn nhiên” đáng cảm thương hơn là để giễu cợt.
     Như thế, để trở thành thi sĩ đích thực thật khó. Và hiểu được thơ của thi sĩ cũng không dễ, bởi trước một bài thơ hay giống như trước một giai nhân vậy, mà xưa nay mọi lời bình phẩm về giai nhân thường rất chủ quan, thậm chí là cực đoan. Tuy nhiên, nếu thiếu cái chủ quan và cực đoan ấy thì cuộc đời sẽ nhàm chán và buồn tẻ biết bao?!
     Cho dù mọi lời bình có thể chủ quan, phiến diện và rất chi là tương đối thì hãy cứ thử bình xem sao? Bình bài thơ mà ta tâm đắc cũng như được trò chuyện với một người tri kỉ. Hình như thi sĩ đã gọi ra chính cái tâm trạng của ta? Và thế là ta bình để thay cho lời cảm ơn thi sĩ, cho dù có thể cả đời ta chẳng có cơ hội nào được hạnh ngộ thi sĩ ấy.
     Nhắc lại, thơ hay cũng như giai nhân. Có giai nhân lộng lẫy huy hoàng khiến ta choáng ngợp ngay từ phút đầu gặp gỡ, nhưng cũng có giai nhân khiêm nhường giản dị, phải ngắm kĩ ngắm lâu mới cảm được vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Có những bài thơ nổi tiếng và có những bài thơ chưa ai nhắc đến. Phát hiện ra một bài thơ hay trong số những bài thơ chưa ai nhắc đến vừa là cái thú của người bình, vừa là một phần thưởng cho tính kiên nhẫn của người đọc.
     Bình thơ còn cho ta cái quyền tự chọn thơ. Một bài thơ, một đoạn thơ, một khổ thơ, một câu thơ, một hình ảnh thơ… Tất cả đều có thể viết thành một lời bình dài, ngắn tuỳ ý. Lời bình thuyết phục, được bạn bè đồng tình thì vui. Lời bình chưa tới, bị bạn bè chê cũng vô sự. Điều cốt yếu là ta cảm thấy hạnh phúc!
     Cùng với việc bình thơ của thi sĩ, ta cũng nên là người “biết làm thơ” để phần nào đồng cảm với nỗi nhọc nhằn của các thi sĩ. Cho dù chỉ là loại thơ không bao giờ được ai đó ghé mắt để viết lời bình thì cũng chẳng nên lấy đó làm điều, vì ta có mơ thành… thi sĩ đâu?!
     Ngoài bình thơ, làm thơ còn có nhiều chuyện liên quan đến thơ lắm. Ví như: cuộc đời của tác giả bài thơ, xuất xứ bài thơ, số phận chìm nổi của bài thơ, những câu chuyện xúc động xung quanh bài thơ, giấc mơ về một tác phẩm thơ…
     Lan man như trên để thưa với bạn đọc rằng, cuốn sách nhỏ này giống như một sự góp nhặt tất cả những gì mà tôi suy nghĩ, cảm nhận về thơ trong một thời gian cũng không phải là quá ngắn.
     Một lần nữa, xin tri ân các thi sĩ!
                                                                                Thạch Bàn, 30.4.2015
                                                                                                                                                          


5 nhận xét:

  1. Một bài viết ngắn rất hay. Cảm ơn bác Vũ Nho đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết hay
    Theo Salam thơ thì nhiều , muôn hình vạn trạng , nhiều thể loại . Người đọc không phải ai cũng cảm nhận được cái hay , cái tinh tuý trong một bài tho . Vì thế cần đến những nhà phê bình . Nhà phê bình là người gắn kết tác giả với độc giả . Nhưng không phải nhà phê bình nào cũng chạm tới được cảm xúc của nhà thơ , vì vậy bài thơ lại được hiểu theo một nghĩa khác . Hơn ai hết nhà phê bình là người khoác thêm môt. Chiếc áo mới cho bài thơ

    Trả lờiXóa
  3. Vậy bác có thể giải thích sự khác nhau giữa thi nhân và thi sĩ là gì không ạ?

    Trả lờiXóa