CẢO THƠM LẦN GIỞ TRƯỚC ĐÈN
( Về dịch giả Hán Nôm Mai Xuân Hải)
Vũ Nho
Người trai Hà Nội ham đá bóng, tốt nghiệp khoa tiếng Trung
Quốc Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội năm 1967 không ngờ lại có ngày trở thành
dịch giả. Anh chỉ là người học khá, ra trường lại dạy tiếng Trung Quốc cho sinh
viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, rồi sau chuyển sang dạy Cổ văn. Các thế
hệ sinh viên từng bái phục một thầy giáo trẻ mà có khả năng đọc nguyên bản Chiếu dời đô, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô
đại cáo không một thoáng ngập ngừng hay vấp váp. Đặc biệt là những kiến giải
sâu sắc và mới lạ của thầy. Nhưng hành trang
cho công việc dịch thuật Hán Nôm thì quá mỏng, nếu không nói là chẳng có
gì. Thật ra, anh có theo học một lớp Hán –Nôm của Viện Văn học. Nhưng nhu cầu dạy
học của khoa Văn đã khiến người thầy giáo
trẻ bỏ lớp nửa chừng, ngược tàu lên Việt Bắc.
Năm 1975 được
chuyển về Viện Hán Nôm. Nhận nhiệm vụ mới, ông giáo Trung Văn kiêm tí Cổ Văn chưa
hề biết nguyên tắc viết đài, kiêng húy, chấm câu. Nhìn vào văn bản cổ cứ như nhìn
vào bức vách. Nản quá, thầy giáo trẻ đã định xin chuyển về trường Đại học Văn hóa
để tiếp tục nghề giáo. Ý định không thành. Thế là đành bắt đầu “vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay”.
Các cụ túc Nho Lê Duy Chưởng, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Văn Lãng không tiếc công sức
giảng giải cho người học trò có chí, thông minh, hiếu học. Đích thân Viện trưởng
Nguyễn Đổng Chi khích lệ, động viên, kèm cặp và giao việc. Cuốn “ Thơ văn Nguyễn
Trãi” ( nhà xuất bản Văn học 1980) là thành quả đầu tiên của anh. Mặc dù chỉ góp
phần khiêm tốn trong công trình đó, nhưng anh đã khẳng định được năng lực của mình.
Điều cơ bản nhất là trong quá trình làm việc, anh đã tự học hỏi, tự trang bị những
gì cần thiết để có thể đi xa.
Năm tháng lặng
lẽ trôi qua, kiến thức và kinh nghiệm giúp
cho những bản dịch của anh ngày càng hoàn thiện. Như có duyên nợ với nhà Phật,
anh quen biết với nhà sư Thích Thanh Quyết. Thầy Quyết đã tiến cử anh với Thượng
tọa Thích Thanh Ninh, người phụ trách Trung tâm tư liệu Phật học Việt Nam. Với
kinh nghiệm dịch thuật, sự thông tuệ và có thể là do làm những việc “chí thiện”,
anh nhanh chóng trở thành người “thỉnh kinh”, cộng tác chặt chẽ với Trung tâm tư
liệu và phân viện Phật học Hà Nội. “ Từ điển Phật học Hán- Việt”. “ Lịch sử Phật
giáo thế giới tập 2”, “ Truyện ngụ ngôn nhà Phật” là kết quả của mối duyên lớn đó.
Điều đáng nói là nhờ dịch sách Phật, dịch giả Mai Xuân Hải có điều kiện để làm
rõ những tồn nghi trong văn thơ cổ. Chẳng hạn câu thơ:
Thiên nhẫn
tằng loan cổ hóa thành
Các cụ dịch là
Trong dãy núi cao ngàn nhẫn ở Hóa
thành thời xưa
Đây là bài thơ nói về núi Long Đội, sao lại nói Hóa thành?
Nghi vấn, nhưng phải đợi đến khi đọc kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa thành dụ, anh mới
rõ hóa thành là chỉ ngôi chùa. Câu thơ
đó vì thế phải dịch:
Trên đỉnh núi
cao ngàn nhẫn có ngôi chùa cổ
Còn có thể kể ra đây khá nhiều ví dụ tương tự nữa.
Trong các bản
dịch, Mai Xuân Hải có đóng góp nhiều về mảng dịch thơ. Bạn đọc hẳn còn nhớ bộ Tây
Du Kí nổi tiếng trong bản dịch của Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Như Sơn. Phần lớn
các bài thơ là do anh dịch. Những câu thơ được dịch trang nhã, giàu thi vị cổ:
Thấm thoát đời người tựa bóng câu
Kiếp người bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu
Hoặc đây nữa, những câu thơ dịch từ thơ chữ hán của Lê Thánh
Tông:
Nước triều lên giải sóng mênh mông
Chót vót non xưa cắm giữa dòng
Cổ thụ lờ mờ nhô trước vách
Hoa đồng nhộn nhịp nở quanh song
Bây giờ ngoài
công việc dịch thuật và nghiên cứu, anh còn làm công tác quản lí. Chức vụ nhỏ
thôi. Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng của
Viện Hán Nôm thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Những chuyện lớn như dịch văn bia, gia phả,
thần phả, sắc phong, câu đối, hoành phi đến những chuyện thường nhật như xem ngày
cưới, làm nhà, hướng nhà, hướng cổng…đều là công việc của phòng. Bận rộn, nhưng
người trưởng phòng vẫn dành nhiều tâm huyết cho thơ văn, cho sách Phật. Những bạn
bè theo nghiệp Hán Nôm như Nguyễn Tá Nhí, Ngô Đức Thọ, Ngô Thế Long, Đỗ Thị Hảo,… cộng tác và làm việc
rất hiệu quả với anh. Nói đến Mai Xuân Hải, bạn bè không chỉ nghĩ đến những đóng
góp về việc phiên dịch, khảo cứu, chú giải sách Hán Nôm, trên hết và trước hết đó
là sự mến yêu, khâm phục một tấm gương tự học, tự vươn lên để thành đạt trong công
việc.
Từ một thầy
giáo ngoại ngữ trở thành một dịch giả Hán Nôm với trên một chục đầu sách và hàng
ngàn trang dịch, thầy Mai Xuân Hải đã làm việc thật cần mẫn, siêng năng. Ham muốn
lớn nhất của thầy là dịch thật nhiều những bản dịch hay. Khu nhà của người dịch
Hán Nôm người người đua nhau lên tầng thấp, tầng cao. Nhưng nhà của trưởng phòng
vẫn là ngôi nhà cổ của gia đình với nhiều cây và hoa trong mảnh vườn nhỏ xíu. Đêm
đêm trong hương ngâu, hương nhài, hương bưởi,
người dịch lại lặng lẽ “cảo thơm lần giở trước đèn” thành kính đưa các bậc
tiền nhân trở về với cuộc sống hiện tại đầy sôi động.
Phương Liệt, mùa hè năm 1994
Đã in trong mục “Người gặp hàng ngày” của báo NGƯỜI HÀ NỘI, 1994.
Thầy Mai Xuân Hải đã mất tháng 8/2011. Vì tính khách quan của báo chí, nên khi viết, tôi gọi thầy là "anh". Thầy đã đọc bài này khi bài in báo và tôi gửi tới gia đình.
Cảm ơn Vũ Nho đã có bài viết hay! Bài viết tuy ngắn nhưng đã phác họa được những nét cơ bản chân dung nhà giáo,nhà nghiên cứu và dịch giả Hán Nôm Mai Xuân Hải! Ông là một người sống giản dị, chân thành, vị tha, khiêm tốn, làm việc chăm chỉ, nhiệt tình, không màng danh lợi. Với tôi ông là một kẻ sĩ QUÂN TỬ,hay nói theo khái niệm mới là NGƯỜI CHÂN CHÍNH! Tiếc thay ông mất sớm chưa đến tuổi 70! (Thái A-Trần Ngọc Chùy)
Trả lờiXóaCám ơn bác Thái A!
XóaKhi thầy Mai Xuân Hải còn, tôi đã đưa bài này cho thầy xem, sau đó in báo Người Hà Nội. Thầy Mai Xuân Hải là người thông tuệ, sống giản dị. Tôi chịu ơn gia đình thầy nhiều, khi đi ôn thi nghiên cứu sinh. Khi về HN, tôi vẫn thường qua lại gia đình.
Vâng đúng vậy. Trong số những Gv Hán Nôm ở khoa Văn ĐHSPVB, Mai X. Hải là người mình quý trọng cả về học vấn lẫn nhân cách. Dù mình là đồng môn với Cung Khắc Lược và Nguyễn Thanh Hải, nhưng 2 ông này chỉ thân với nghĩa đồng môn, còn tính cách không hợp nhau mấy. Mình thân với MXH, về Hà nội bao giờ mình cũng đến thăm cả hai vợ chồng MXH. Hồi đi học lớp Hán Nôm ở Viện Sử, cũng ở nhà MXH những nửa năm! Hồi MXH bị tai biến làn 1, lần 2 mình đều đến thăm. Hôm ông Hải mất mình cũng về viếng và chia buồn cùng cô Giang và gia đình. Hôm ấy học trò của ông Hải ở khoa văn không có ai, chỉ có cậu Tuấn sinh viên mới giữ lại và 2 sv cao học về viếng!(T.A)
XóaHồi thầy Hải tai biến tôi cũng có đến thăm. Khi thầy mất tôi cũng đến viếng. Lúc đó Viện trưởng Viện Hán Nôm là ông Nguyễn Khắc Mạnh đọc điếu văn viết theo lối văn biền ngẫu. Bây giờ các cháu làm ăn giỏi giang, nhà thầy xây 4 tầng khang trang. Thi thoảng tôi đến thăm cô Giang và các cháu.
Xóa