Thơ Trần Đăng Khoa trong tranh của họa sĩ Pháp
Cuộc triển lãm mang tên "Tôi mang sắc màu của biển về quê" trưng bày 37 bức tranh của họa sỹ Pháp, bà Dominique De Miscault, đang diễn ra tại thành phố Choisy-le-Roi, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.Đây là một cuộc triển lãm đặc biệt vì ở đó những bức tranh của tác giả được bắt nguồn từ cảm hứng và ý tưởng dựa trên những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, do Michèle Sullivan dịch sang tiếng Pháp.
Triển lãm do Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi phối hợp với Hội hữu nghị Pháp-Việt, Ủy ban kết nghĩa và Trung tâm thông tin Aragon của thành phố tổ chức, thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn bè Pháp và cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.
Đến với triển lãm, người xem như được hòa mình vào một cuộc gặp ngẫu duyên mà kỳ thú giữa một nhà thơ Việt Nam với một họa sỹ Pháp và cùng cảm nhận được sự giao hòa thú vị giữa nghệ thuật và văn hóa của hai nước Việt Nam và Pháp.
Họa sỹ Dominique De Miscault cho biết tình cảm của mình khi lần đầu tiên bà thành công trong việc chuyển tải đến người xem bằng ngôn ngữ hội họa những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa như "Mùa xuân lính biển," "Khi mẹ vắng nhà," "Gà con liếp nhiếp," "Tiếng võng kêu," "Trăng ơi…! Từ đâu đến," "Trận địa bỏ không," chú gà trống gáy ò ó o, chú chó Vàng tội nghiệp trong "Sao không về Vàng ơi ?"
Bà cho rằng cũng qua những bức tranh, bà được "ngắm" hình ảnh thân thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam. Từ những con chữ giản dị, bà đã biến hóa và nghệ thuật hóa bằng những đường nét, màu sắc kỳ diệu để đưa những cảnh sắc của Việt Nam đến với công chúng Pháp. Bằng tài nghệ của mình và dưới cái nhìn từng trải của một họa sỹ Pháp, họa sỹ Dominique De Miscault đã phát hiện ra những vẻ đẹp Việt Nam mà nhiều khi vì quá quen thuộc, chúng ta lại không cảm nhận được.
37 bức tranh được trưng bày lấy cảm hứng từ 37 bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết khi còn nhỏ tuổi từ những năm 60, 70… cũng như sau này; cả tranh và thơ được tập hợp trong một cuốn sách chung cũng được giới thiệu tại buổi triển lãm. Sự kết hợp đó đã giúp người xem thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua con mắt trong trẻo của cậu bé Trần Đăng Khoa - một hiện tượng văn thơ Việt Nam được bạn bè Pháp thán phục.
Được hỏi về cơ duyên đã giúp bà gặp và hợp tác với nhà thơ Trần Đăng Khoa, bà Dominique De Miscault cho biết đầu tiên bà được biết đến những vần thơ của Trần Đăng Khoa qua một cuốn thơ đã dịch sang tiếng Anh và những vần thơ đó đem lại cảm hứng đặc biệt cho bà.
Bà Dominique De Miscault kể lại những lần gặp gỡ Trần Đăng Khoa ở Việt Nam và bà cảm mến anh, đến với thơ của anh, đặc biệt nhờ có được một dịch giả giỏi để chuyển tải những vần thơ đó sang tiếng Pháp, mà bà đã có được những tác phẩm trưng bày trên đây. Rồi sau đó xuất phát từ niềm say mê những nét đẹp rất Việt Nam, cũng như cái chân thật và trong sáng trong thơ của Trần Đăng Khoa, từ những chú gà, cơn bão, mưa rơi, ngôi làng, mảnh đất, những chú cá… mà bà đã cố gắng hết sức để thể hiện những vẻ đẹp đó vào trong các tác phẩm của mình. Theo bà, từ năm 2006 đến nay, hai người có cuộc triển lãm và cùng cuốn sách in tranh và thơ chung này.
Tại cuộc triển lãm, khi được xem những bức tranh của họa sỹ Pháp Dominique De Miscault và nghe đọc những vần thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhiều bạn bè Pháp thực sự bị cuốn hút trong một sự kết hợp đầy nghệ thuật.
Bà Nicole Trampoglieri, chủ tịch Hội hữu nghị Pháp- Việt tại thành phố Choisy-le-Roi, cho biết cuộc triển lãm này là thành quả của sự kết hợp và hợp tác giữa 3 con người nhà thơ, nữ họa sỹ và nữ dịch giả- là biểu tượng quan trọng của tình bạn, tình đoàn kết, của những cảm nhận nghệ thuật và văn hóa chung giữa người dân Việt Nam và Pháp. Nền văn hóa Việt Nam luôn rất hấp dẫn chúng tôi.
Về phần mình, ông Daniel Davisse, thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, cho biết cuộc triển lãm là một sự mở màn thú vị cho nhiều hoạt động mà thành phố đăng cai tổ chức nhân dịp Năm giao lưu chéo Việt Nam và Pháp 2013.
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 4/3 tới./.
"
http://www.vietnamplus.vn/tho-tran-dang-khoa-trong-tranh-cua-hoa-si-phap/130150.vnp
Chép lại từ Giao' Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét