Nhà văn Nguyễn Thị Lan
VỀ TẬP TRUYỆN NGẮN “CÔ
ƠI, ĐỪNG KHÓC”
(Đọc "Cô ơi,
đừng khóc" - Tập truyện
Nguyễn Thị Việt Nga - NXB Thanh niên 2003)
Nguyễn Thị Lan
Với
Nguyễn Thị Việt Nga, “Tuổi học sinh - sinh viên” là đề tài hấp dẫn, là nguồn
cảm hứng dồi dào cho những sáng tác của cô. Trước “Cô ơi, đừng khóc”, Việt Nga
đã có 5 tác phẩm viết về đề tài này: Hoa cúc tím (NXB Trẻ 1998), Đường đời (NXB
Trẻ 2000), Trò chơi cuối cùng (NXB Trẻ 2002), Bạn bè ơi (NXB Kim Đồng 2002),
Giao thừa (NXB Trẻ 2003). Trong tập thơ “Cõng mình qua những cơn mưa”, “Tuổi
sinh viên” lại hiện về trong hoài niệm Việt Nga như một dòng lấp lánh:
“Xa rồi đấy cổng trường
xưa lối cũ
Đường Cầu Giấy ồn ào tắc
nghẽn lối chợ xanh
Ngày giã biệt vẫn dùng
dằng ngoái lại
Gọi nghẹn ngào ba tiếng:
tuổi-sinh-viên.”
(Giã từ Hà Nội)
“Cô ơi,
đừng khóc”, tập truyện thứ 6 của Nguyễn Thị Việt Nga lại tiếp tục đề tài ấy.
Tập
truyện xinh xắn này gồm 13 truyện ngắn. Có những truyện rất ngắn có thể coi là
truyện ngắn “mini” dài khoảng 350 chữ như truyện “Ba tôi”. Một tập truyện rất
thích hợp với những độc giả nhỏ tuổi.
“Cô ơi,
đừng khóc” là tập hợp những truyện Nguyễn Thị Việt Nga viết rải rác trong
khoảng thời gian ngót chục năm. Có những truyện được tác giả viết khi vẫn còn
là cô sinh viên “áo trắng” như: “Cô ơi, đừng khóc”, “Gia sư”, “Thầy trò”, “Thực
tập”; Một số truyện được Việt Nga viết sau khi ra trường như: “Theo mẹ đi học”,
“Ba tôi”, “Thầy giáo cũ”, “Thầy giáo thương binh”; Thời gian gần đây Việt Nga
hoàn thành nốt những truyện: “Người thầy đầu tiên”, “Thầy dạy quân sự”, “Cầu
tình”… Như vậy tác phẩm là một tuyển tập từ những truyện ngắn đầu tay cho đến
những truyện khi cây bút Việt Nga đã trưởng thành. Qua tập truyện này người đọc
có thể thấy được những nét cơ bản nhất trong thi pháp truyện ngắn của nữ tác
giả.
Nói đến
truyện là phải nói đến nhân vật. Theo Tô Hoài, “nhân vật là trụ cột của sáng
tác, phải chuẩn bị nhân vật trước tiên.” Thế giới nhân vật trong “Cô ơi, đừng
khóc” là những nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm của Việt Nga: Phần lớn họ
là những nữ học sinh, sinh viên tuổi đời còn rất trẻ: Nhân vật kể chuyện “tôi”
ở đây có thể là một cô bé mới 5, 6 tuổi (“Theo mẹ đi học”, “Người thầy đầu
tiên”), một cô học sinh chuyên văn lớp 12 (“Thầy trò”), một nữ sinh học xong
phổ thông trung học chuẩn bị thi vào đại học (“Ba tôi”), một cô sinh viên năm
thứ nhất (“Thầy dạy quân sự”), một cô giáo trẻ mới ra trường (“Cầu tình”).
Nhân vật
chính trong truyện tuổi nhiều nhất là trên dưới 20. Đó là tuổi đời của chính
tác giả. Vì vậy ta hiểu tại sao Việt Nga lại am hiểu sâu sắc và viết về họ với
tất cả tâm hồn, tình cảm như vậy.
Viết về
tuổi học trò, tuổi sinh viên, Việt Nga đã khai thác nhiều mối quan hệ: tình bạn
bè (“Nỗi buồn gặp lại”), tình thầy trò (“Thầy trò”, “Thầy giáo cũ”, “Thầy giáo
thương binh”, “Thầy dạy quân sự”), tình yêu (“Thầy trò”, “Cầu tình”), rồi tình
yêu sách (“Người thầy đầu tiên”).
“Cô ơi,
đừng khóc” là những trang viết đẹp về tuổi học trò. Một nhà thơ đã viết: “Ôi êm
ái là thời gian cắp sách”. Thời cắp sách là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi
đời người. Đó là quãng đời vô tư lự với những tình cảm hồn nhiên, trong sáng,
ngây thơ. Đó là quãng đời ta sống lãng mạn nhất với bao hoài bão, ước mơ. Đó là
lúc lòng ta còn như tờ giấy trắng…
Với Việt
Nga: “Tuổi học trò cuối cấp phổ thông
trung học của mình, với màu áo xanh và những cánh phượng đỏ, với những bài thơ
viết trên lá bàng ở sân trường. Rồi cuốn sổ tan tác những cánh phượng ép khô…
Bao nhiêu điều ước trẻ con gửi cho mây gió, tiếng ve râm ran khắp những nẻo
đường… Và nắng… Và mưa mùa hạ… Cuối cùng là xa xôi…” (Cô ơi, đừng khóc)
Đã bao
lần màu hoa phượng bước vào trong những trang văn, trang thơ của Việt Nga như
một nhân vật có hồn, có đời sống, có nội tâm. Đó là “hoa phượng - kỷ niệm cứ rừng rực xô nhau”, là “hoa phượng tan tác”. Rồi hoa phượng trong lời hát của nhân vật: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao.”
Những dòng viết về hoa phượng của Việt Nga là những trang viết đẹp, giàu chất
thơ: chất thơ của tuổi học trò, chất thơ trong ngòi bút của một nhà thơ viết
văn cùng cộng hưởng. “Màu hoa phượng” là một mô tuýp ám ảnh trong những trang
viết của Việt Nga về tuổi học trò.
Ngòi bút
của Việt Nga đặc biệt tinh tế khi miêu tả tình yêu tuổi học trò. Đó là những
rung động đầu đời của một cô nữ sinh lớp 12 sắp từ giã cuộc đời học sinh trong
truyện “Thầy trò”. Truyện như một bài thơ bằng văn xuôi mà âm hưởng của nó là
man mác buồn - một nỗi buồn trong trẻo, dịu ngọt mà thấm thía.
Tuổi học
sinh gắn liền với sách. Sách là người bạn thân yêu của mỗi cô, cậu học trò.
Trong truyện “Người thầy đầu tiên”, Việt Nga viết về tình yêu sách của một cô
bé chưa đầy 6 tuổi đang tập làm cô giáo. Có thể thấy ở đây nhân cách văn hóa
của người viết: từ lời dặn của người ông: “Phải
biết nâng niu sách vở, chữ nghĩa, đừng bao giờ coi thường.”… đến suy nghĩ
của nhân vật “tôi”: “Tuy không hiểu nhiều
về những điều ông nói” nhưng “tôi” “cũng lờ mờ nhận ra sự thiêng liêng của
những con chữ ông dạy cho mình” “mãi sau này trưởng thành rồi, tôi vẫn có cảm
giác buồn buồn tiêng tiếc mỗi khi bắt gặp những trang sách, tờ báo tả tơi nơi
bãi rác công cộng.”
Đọc truyện này tôi chợt nhớ đến những dòng viết của Gorki
về sách: “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con
thú để lên tới gần con người, tới quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và sự
thèm khát cuộc sống ấy.”
Tuy cô bé 6 tuổi trong truyện của Việt Nga không nói hay
bằng nhân vật Aliôsa của Gorki nhưng cũng tình yêu ấy - tình yêu sách. Và với
tình yêu ấy nhân vật của Việt Nga sẽ vững bước trên đời, trên hành trình đi tìm
tri thức văn hóa của nhân loại.
Tuổi học
sinh là tuổi thiên về cảm xúc hơn lí trí. Viết về lứa tuổi này, Việt Nga đã chú
ý tới phẩm chất “tâm hồn” của nhân vật. Đến những nhân vật đang bước vào đời
Việt Nga lại khai thác những khía cạnh khác: những suy nghĩ về nghề nghiệp,
những quan niệm sống, cách sống… Về những vấn đề này, Việt Nga có những truyện
đạt đến độ khá sâu sắc như truyện: “Ba tôi”, “Mai búp bê”, “Thầy giáo cũ”.
Với Việt
Nga - một nhà văn, nhà thơ đã từng là cô giáo thì nghề cao quý nhất vẫn là nghề
giáo dạy học. Trong truyện “Thầy giáo cũ”, nhà văn kể: Người thầy giáo già
trước lúc ra đi đã để lại cho học trò mấy dòng từ biệt. “Lá thư thầy để lại
chắc được viết trong lúc thầy rất mệt nên chữ run lắm “Các con ơi, hãy quay về với nghề dạy học đi! Hãy làm tiếp những gì
thầy chưa làm hết”. Đó là ước nguyện của một tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ,
yêu sự nghiệp “trồng người”.
Có một
loại nhân vật nữa cũng hay được Việt Nga xây dựng, đó là những nhà giáo. Ta có
thể gặp những hình tượng nhân vật này trong hàng loạt truyện: “Ba tôi”, “Thầy
giáo cũ”, “Thầy giáo thương binh”, “Thầy dạy quân sự”. Phẩm chất chung ở họ là
lòng yêu nghề, yêu người, tâm hồn cao thượng, nhân ái, đức độ, mực thước… Họ
xứng đáng là những “tấm gương” đẹp cho học sinh ngưỡng mộ, noi theo. Họ được
học sinh kính trọng, yêu mến. Dân tộc ta có truyền thống tôn sư, trọng đạo.
Những trang viết của Việt Nga là những trang viết đẹp, cảm động về người thầy,
về tình thầy trò.
Trong
nghề viết, sự trải nghiệm của nhà văn luôn quyết định điểm nhìn sáng tác và sự
lựa chọn đề tài của nhà văn. “Cô ơi, đừng khóc” là tập truyện mang rất nhiều
yếu tố “tự truyện” của tác giả. Có thể dễ dàng nhận thấy bóng dáng của tác giả
qua những nhân vật dẫn chuyện “tôi”, những nhân vật nữ chính của truyện. Tác
giả rất nhiều lần “phân thân” trong các nhân vật. Điểm nhìn của tác giả hầu hết
trong các tác phẩm trùng với điểm nhìn của nhân vật. Hay nói cách khác cả tác
giả và nhân vật “cùng nhìn về một phía”. Ngoài ra ở các nhân vật khác ta cũng
thấy bóng dáng của người thân, bạn bè, thầy giáo… của tác giả. Phải chăng “Cô
ơi, đừng khóc” đứng về một số mặt nào đó là “bức chân dung tinh thần tự họa” của
chính tác giả?
“Cô ơi,
đừng khóc” cùng với những tác phẩm khác của Việt Nga có một sự nhất quán trong
thi pháp viết truyện.
Sức hấp
dẫn của ngòi bút Việt Nga trước hết là ở nghệ thuật kể chuyện, dẫn chuyện. Đó
là lối kể chuyện chân thực, hồn nhiên có duyên, lời văn trẻ trung, mềm mại, pha
chút hóm hỉnh, tinh nghịch. Chính ưu điểm này đã hạn chế nhiều “sở đoản” của
tác giả.
Ngòi bút
của Việt Nga đầy xúc cảm. Cô là một nhà thơ viết văn. Việt Nga đặc biệt thành
công với những truyện giàu chất thơ: “Thầy trò”, “Cô ơi, đừng khóc”.
Nếu
“ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” thì Việt Nga có một vốn từ ngữ khá
phong phú; cô đặc biệt thành công trong cách dùng những động từ, tính từ. Chính
vì vậy câu văn của Việt Nga sinh động, có hồn, như động đậy trên trang giấy.
Có thể
thấy vẻ đẹp của truyện Việt Nga (cũng như thơ của cô): tính chất tươi sáng, hồn
nhiên yêu đời và nhu cầu yêu thương vô hạn. (Điều này giải thích tại sao độc
giả trẻ yêu mến thơ và truyện của Việt Nga).
Có sớm
quá không khi ta nói rằng: Đó chính là phong cách của cây bút Nguyễn Thị Việt
Nga. Phong cách đó như một nét bền vững trong sáng tác của cô suốt đời?
Tuy
nhiên, bên cạnh những mặt mạnh đó, ngòi bút của Việt Nga còn bộc lộ một số “sở
đoản”. Truyện của Việt Nga chưa đa dạng về bút pháp. Phần lớn truyện của cô
thường triển khai từ lời lẽ của nhân vật dẫn truyện - ngôi thứ nhất “tôi”.
Truyện kể lần lượt theo trình tự thời gian - đó là thứ “thời gian trực tuyến”
(theo đường thẳng). Trong truyện của cô ít “thời gian hồi cố” vì vậy nó dễ tạo
nên ấn tượng đơn điệu, nhàm nhạt. Việt Nga rất coi trọng cốt truyện, nặng về
kể, ít tả (mặc dù đôi lúc cô tả rất hay). Tác giả cần chú ý hơn trong nghệ
thuật dựng cảnh, dựng truyện, khắc họa tính cách nhân vật để tạo nên một tình
huống đứng được, một nhân vật đứng được. Và sau hết đề tài truyện của Việt Nga
chưa phong phú, truyện ít màu sắc.
“Cô ơi,
đừng khóc” là một tập truyện ngắn đọc khá hấp dẫn của Nguyễn Thị Việt Nga. Nó
ghi nhận một thành công nữa của cây bút trẻ này. Trong tương lai người đọc có quyền
hy vọng ở cây bút rất sung sức này.
Hải Dương, mùa Đông 2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét