NGHĨ THÊM TỪ “MẠ TUI” - Nguyễn Khắc Phê
Nhà giáo Nguyễn Viết An Hòa
Ở
đời có những cái hạnh duyên, thiện duyên hy hữu, kỳ thú.
Nhà
văn cao niên Nguyễn Khắc Phê là gương mặt rất quen thuộc của văn giới Huế nói
riêng và cả nước nói chung. Tui và "trưởng lão" có biết nhau chút ít
từ 20 năm trước. Nhưng cũng như nhiều thân hữu khác, ông không hề biết tui là
Nguyễn Viết An Hòa.
Sáng
23.8.2018, khi tui đón tiếp, chuyện trò với khách đến dự ra mắt tự truyện
"Mạ tui", ông có vẻ sốt ruột hỏi: "Anh Kế nì, sao không thấy anh
An Hòa đâu cả hè?". Tui ôm chầm ông. "Dạ thưa anh, em đây ạ".
Ông trố mắt hơi ngạc nhiên và ánh lên niềm vui...
Cách
đây mấy hôm, sau khi tạp chí Sông Hương tháng 10.2018 phát hành, tui đã nhận được
email bài nầy của bậc niên trưởng quan tâm đến đàn em...
Xin
chân thành cám ơn tác giả tự truyện nổi tiếng " Số phận không định trước"
(2016) và xin trân trọng giới thiệu bài:
(Đọc
“Mạ tui” - Tự truyện của Nguyễn Viết An Hòa, NXB Thuận Hóa, 2018)
Nhiều người đến dự buổi giới thiệu Tự truyện “Mạ
Tui” do Tạp chí Sông Hương và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán phối hợp tổ
chức không biết Nguyễn Viết An Hòa (NVAH) là ai, nhưng khi Ban Tổ chức cho
hay đó là bút danh trên Facebook (FB) của thầy giáo Nguyễn Viết Kế, thì đều
vui vẻ thốt lên: “À…” Trong giáo giới và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên -
ít ra là ở Huế - Nguyễn Viết Kế là một tên tuổi được kính nể. Từ năm
1974, anh đã là Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên Đại học Sư phạm Huế; và 35
năm (1977-2012) anh là người thầy dạy văn được hàng chục ngàn học sinh
trung học yêu mến, ngưỡng mộ - từ Pleiku Tây Nguyên xa ngái đến các Trường
Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ (Huế)… Hơn thế, thầy Kế là người có lắm…
“tài”, hăng hái hoạt động đoàn thể, biểu diễn văn nghệ, nên có nhiều
“fan”, đến mức học trò ở Tây Nguyên làm đám cưới, cũng mời bằng được
thầy Kế vào “dẫn chương trình.” Trong Tự truyện, bên cạnh những “tổng
kết” với rất nhiều thành tích về giáo dục, thầy đã dẫn chương trình trên
300 đám cưới!...
Nhưng trong làng văn, NVAH thuộc hàng… “cây bút mới”,
tuy anh đã xuất bản một số sách như “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” (sưu tầm
- biên soạn, NXB Đà Nẵng, 1994), “Hướng dẫn sinh hoạt ngoài giờ” (NXB Thanh
niên, 2001), “Luyện thi Tú tài Văn” (viết chung, NXB Thuận Hóa, 1996), “Nhịp
chày thác nước” (Thơ in chung, Sở VHTT Gia Lai Kontum, 1980). Với một cuộc đời
phong phú như thế, nên Tự truyện tuy mang tên “Mạ tui”, nhưng ôm chứa rất
nhiều số phận, nhiều điều gợi chúng ta suy ngẫm về thế sự, về đạo làm người…
1.- Hiện đại chuyên chở “cổ tích”:
Có lẽ cũng nên nói đôi điều về “xuất xứ” tác phẩm.
Thiên hạ làm văn từ FB không hiếm, nhưng tác phẩm văn học đầu tay của thầy
giáo NVAH trước ngưỡng cửa “thất tuần” xuất hiện gần như 100% nhờ có FB vẫn
đáng gọi là độc đáo. Khi biết người mẹ sống thọ hơn một thế kỷ đang ở
bên cửa tử, tác giả đã miệt mài qua 700 đêm, viết nên 100 số “Mạ tui” đưa
lên FB và đúng vào lễ Vu Lan báo hiếu PL 2562 - 2018, đồng thời là Lễ
Tiểu tường (1 năm Mạ đi xa), cuốn sách “Mạ tui” được giới thiệu trân trọng
với đông đảo độc giả ở Huế. Nhà văn Trần Thùy Mai - người cùng trưởng
thành từ “lò” Đại học Sư phạm Huế trước 1975 như NVAH - trong lời “Tựa” cho
tác phẩm đã viết: “Tự truyện Mạ tui này là một lăng mộ tinh thần vô giá mà
NVAH dâng cho mẹ. Ít người con nào làm được như anh…”
Ở một khía cạnh khác, qua trường hợp “Mạ tui”,
chúng ta có cách nhìn đúng đắn hơn về FB nói riêng và “mạng xã hội” nói
chung. Đã từng có không ít chỉ trích FB và mạng xã hội hay tung tin thất
thiệt, nhảm nhí, gây “nhiễu” dư luận…; nhưng với “Mạ tui”, công nghệ
hiện đại đã “chuyên chở” ngon lành những câu chuyện “cổ tích”, ít ra đã
truyền đến hàng ngàn độc giả khắp mọi miền những vẻ đẹp truyền thống của
dân tộc đang có nguy cơ bị tàn phá bởi lối sống đua chen chạy theo hưởng
thụ vật chất. Với “Mạ tui”, chúng ta hiểu ra, FB cũng như “mạng xã hội” và
công nghiệp hiện đại không có “lỗi” gì. Vấn đề là con người sử dụng
chúng phải có bản lĩnh, có cốt cách văn hoá…
2.- Một con người bình thường vẫn chứa đựng một phần
lịch sử:
Sau khi đọc các hồi ký và tự truyện của Phan Thị
Thu Quỳ (“Áo tím đồi sim”), Bảo Cường (“Sau một cuộc đời”), Trương Thị
Thu Cúc (“Những người muôn năm cũ”), Song Cầm (“Cánh chim trong bão tố”),
tôi đã nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”. Với “Mạ
tui” của NVAH, một lần nữa, điều này được khẳng định. Tuy vậy, trong cuộc tọa
đàm "Hồi ký - chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội" do Sống -
thương hiệu sách tác giả Việt của Alpha Books tổ chức hồi tháng 6 năm 2018 tại
Hà Nội mà sau đó nhiều báo chí đưa tin, xem ra các diễn giả và dư luận chỉ
chú ý đến tự truyện của người nổi tiếng, những người làm nghệ thuật trong
showbiz... có nhiều độc giả nhưng cũng từng bị chỉ trích về tính chân thật
và nhất là các tình tiết xúc phạm đến những người xung quanh. Những điều đó
cũng như những cuộc tình “tay ba”, “tay tư” gây scandal là có thật, chủ yếu
diễn ra trong giới nghệ sĩ, diễn viên; tự truyện của họ chủ yếu đáp
ứng sở thích những kẻ tò mò hậu trường các “ngôi sao”, chứ không hẳn
có giá trị về văn chương, càng không nêu được các vấn đề xã hội, lịch sử của
đất nước.
Gần đây, chính một số hồi ký, tự truyện của những
người chưa nổi tiếng, không thuộc giới “showbiz” lại đạt được những giá trị
đó, tiêu biểu như “Lính bay” của Phạm Phú Thái (viết về các chiến sĩ
không quân) và “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sĩ… Tôi không có ý so sánh
“Mạ tui” với 2 tác phẩm vừa dẫn, nhưng có thể gọi đây là “dòng” tự truyện
viết từ lớp người “cơ sở”, nền tảng của xã hội (thời M. Gorki thì gọi là
“Dưới đáy”) - những trang sách không nhiều “mầu mỡ” như của giới “showbiz”,
cũng thiếu tầm “vĩ mô”, nhưng đầy ắp chi tiết chân thật của cuộc sống, của
lịch sử.
Người mẹ trong “Mạ tui” là một con người bình thường
- rất bình thường, chỉ có “chức vụ” duy nhất là mẹ của 9 đứa con, suốt năm
tháng chạy chợ “đầu tắt mặt tối, đòn gánh đè vai… bàn tay chai sạn, bàn
chân nứt nẻ vì nắng mưa gió chướng”; vậy mà qua cuộc đời bà và những người
con - kể cả mấy người “con-dâu-hụt” - cũng đều là người bình thường, chúng
ta như được gặp lại, được sống lại những năm tháng đầy biến động của dân tộc.
Nói cách khác, những con người bình thường trong “Mạ tui” vẫn chứa đựng một
phần lịch sử.
Nhiều năm qua, do dân tộc ta liên tục phải trải qua
chiến tranh tàn khốc nên nói đến “lịch sử”, hầu như ai cũng nghĩ là phải có
cảnh bom rơi đạn nổ. có các sự kiện đấu tranh bên thắng bên thua; trong
“Mạ tui” cũng có những điều đó (xin trình bày phần sau), nhưng “lịch sử”
còn là việc gìn giữ nguồn cội, truyền thống văn hoá một vùng đất, nền
nếp gia phong… Trong cuộc đấu tranh hai phe dai dẳng, người mẹ trong “Mạ
tui” không đứng về bên nào, tưởng như bà ở ngoài dòng chảy lịch sử hào
hùng và bi tráng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ -
ngoại trừ một lần vào dịp Tết Mậu Thân 1968, bà phải ôm con đi sơ tán
kèm với nắm rơm ủ ấm cho mấy mẹ con. Vậy nên “công lao” lớn nhất của bà
trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc vừa qua là nuôi dưỡng,
giáo dục đàn con, xây dựng một gia đình “ngũ đại đồng đường” theo khuôn
phép của một “tín đồ Phật giáo thuần thành; từ nhỏ Mạ đã theo bà
ngoại đi chùa làng An Hòa tụng kinh niệm Phật…. Đã thọ “thập thiện giới
ăn chay một tháng mười ngày…”; nhờ đó, bà đã đưa gia đình vượt qua bao
sóng gió, cùng tiến bước với xã hội cho đến ngày hôm nay. Đây là một sự
nghiệp không thể xem thường, thậm chí là quan trọng, khi chúng ta nhận ra vấn
đề giáo dục trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng một xã hội
tốt đẹp, khi không ít người “bất ngờ” thấy ra nhiều khía cạnh “tích cực”
trong đời sống xã hội ở Lào và Miến Điện - hai nước xem đạo Phật như là
“quốc giáo”...
Đọc mấy trang hồi ức của Nguyễn Viết Huy - cháu
nội đích tôn của bà - viết ở phần cuối cuốn sách, nhắc lại những bài học
về sự tiết kiệm, về sự nhường nhịn mà bà răn dạy con cháu hàng ngày,
chúng ta càng thấy giá trị “công lao” của người mẹ bình thường ở làng An
Hòa phía Bắc thành Huế vừa ra đi ở tuổi 104…xuân!
3.- Bàn cờ chính trị, Tôn giáo, Tình yêu & số
phận con người:
Tự truyện của NVAH dành khá nhiều trang viết về những
cuộc tình dang dở của mình khiến “Mạ tui” thêm sức cuốn hút bạn đọc. Nhà
văn Trần Thùy Mai, trong lời “Tựa” có nhận xét: “Thật là “trong cái rủi
có cái may”, sự lận đận tình duyên của anh, làm cho mẹ anh âu lo thấp
thỏm suốt chục năm trời, nay lại trở thành kho vốn liếng để anh xây dựng
nên hàng trăm trang viết hấp dẫn…”
Điều tôi quan tâm hơn là các chuyện tình trắc trở của
anh không phải để “câu khách”, càng không phải kiểu tình yêu chụp giật hay
buông thả, chạy theo danh lợi của không ít người trong “giới showbiz” từng
bị dư luận chỉ trích; tình yêu ngang trái của NVAH không thiếu vẻ đẹp mà
chính tác giả gọi là “Mối tình thơ” và “Chuyện tình xuân”, nhưng rồi bất
thành vì sự trớ trêu của số phận. Đó là một cách nói ngắn gọn thôi, còn
những chuyện tình tan vỡ của NVAH không chỉ khiến người trong cuộc và bà mẹ
già của anh buồn đau mà còn gợi chúng ta nghĩ đến bao điều về thân phận con
người trước những đổi thay trên bàn cờ chính trị, về sự ràng buộc tình yêu
đôi lứa vì tín ngưỡng tôn giáo…Đã có nhiều tác phẩm viết về sự cô đơn của
con người trước những va đập của lịch sử; với các trường hợp của NVAH, chúng
ta xót xa vì cảm thấy các “guồng máy” hầu như không chút bận tâm trước
sự tổn thương, đổ vỡ của mỗi số phận; và trong hoàn cảnh đó, con người
tỏ ra thật là yếu ớt. Các học trò yêu đã trách thầy Kế yếu đuối và
chính tác giả cũng tự nhận mình không đủ mạnh mẽ để vượt qua trở lực.
Nhưng có ai đó đã nói rằng vẻ đẹp thường yếu ớt (như một bông hoa hồng,
một tiếng đàn thánh thót trong đêm…) rất dễ bị “tổn thương”; mà con người
là một vẻ đẹp - tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa - con người đang sống như
trong mơ với mối tình đẹp, càng dễ bị xiêu đổ. Giá như mọi người hiểu điều
đó và biết quan tâm, biết gượng nhẹ khi buộc phải đụng chạm đến mỗi số
phận con người!
Trên thế gian, không ít người chỉ một lần thất tình
đã tìm đến cái chết, NVAH thì “quá tam ba bận” phải “giương cờ trắng”
trong cuộc tìm con dâu cho mẹ. Lần đầu, với một nữ sinh Đồng Khánh, vào lúc
“giao thời” của lịch sử Việt Nam: Năm 1974, chàng vay tiền mẹ nàng để tổ
chức Đêm Sư phạm hàng năm vào dịp Tết, dự tính khi nhận học bổng sinh
viên sẽ trả. Nhưng ai ngờ, sau 26/3/1975, “Huế giải phóng và… học bổng
sinh viên cũng được “giải phóng” luôn!” Ban Đại diện thì chỉ mình chàng ở
lại Huế “chịu trận”. Thế là Mạ phải “bán gần hết tra lúa được chừng gần một
cây vàng” cho con trả nợ. “Làm cái Ban đại diện chi cho khổ cả nhà rứa
con ơi!... Trời ơi là trời, trời không có mắt !”
Quả là chỉ có kêu… Trời, chứ biết hỏi ai? Biết
trách ai bây chừ!
Lần thứ hai, với người đẹp làng Ngọc Anh (Phú
Vang) mặc cho chàng “xách ba lô cơm đùm gạo bới… đi nhận nhiệm sở ở
vùng đất bazan có cúc quỳ vàng”. Mối tình nồng thắm bất chấp khoảng
cách không gian và không “môn đăng hộ đối” - nàng là Tôn nữ (dòng dõi Tôn
Thất), đặc biệt hơn nữa là thân phụ nàng đang phải “cải tạo” ở Bình
Điền! Vậy mà đôi bên đã vượt qua bao nghi ngại, cho làm lễ ăn hỏi, nhưng sự
đời, ai học hết chữ “ngờ”! Đúng lúc chàng và nàng tình ngày làm lễ cưới
thì tin như “sét đánh ngang tai”: Chính quyền “quyết định trưng thu ngôi
nhà, vườn tược 2000 mét vuông, chỉ để lại căn bếp và 100 mét vuông cho
gia đình, mẹ em đã ngất xỉu…” Thế là tan nát một mối tình đẹp vì “với ba
em, tui là “cán bộ Đoàn, người của cách mạng”, đáng căm ghét... Ta đành
phụ nhau em ơi!...”
Cũng chỉ có kêu… Trời, chứ biết hỏi ai để phân giải
được sự đúng-sai? Biết trách ai đã làm cho đôi trẻ khóc hết nước mắt vì
biệt ly bây chừ!
NVAH thì hiểu nghĩa vụ người con trai độc nhất của
mẹ, thấy mình có lỗi để mẹ già mãi mong chờ cô dâu hiền, nên dù đang
đau đớn vì chia tay nàng Tôn Nữ làng Ngọc Anh đến mức mang bệnh dạ
dày, chàng lại “dấn thân” vào cuộc tình lần thứ ba với cô y tá chăm sóc
chàng tại bệnh viện. Cũng nhờ đám học trò xứ sở hoa cúc vàng vun vô
và nàng lại là người Huế lên xây dựng Tây Nguyên như chàng. Lo cho con đau
ốm và chắc cũng nóng lòng muốn biết mặt con dâu tương lai, người mẹ già
cùng bà chị NVAH, không quản đường xa còn đầy trắc trở hồi đó, bới đùm
quà bánh lên Gia Lai. Bà chưa kịp mừng thấy cô y tá đẹp người tốt nết
thì đã hoảng hồn khi biết cô theo đạo Thiên Chúa và đã ăn “bánh Thánh”.
“…Răng mi lại để cho hắn ăn? Ăn thứ nớ vô là như ăn bùa mê thuốc lú mi
nạ…” Trong suy nghĩ rất đơn giản mà nghiệt ngã của Mạ tui, không thể có
chuyện kết hôn với người ngoại đạo. Bởi vì Mạ sợ lấy vợ, lấy chồng như
thế là bỏ đạo luôn. Mà bỏ đạo tức là bỏ thờ cúng, bỏ hương khói ông
bà tổ tiên. Bất hiếu!” Thế là chuyện tình đẹp với Thánh nữ miền cao
nguyên tan vỡ ngay sau “Đêm Thánh vô cùng” mùa Giáng sinh năm đó!...
Lại chỉ còn biết kêu… Trời, chứ biết hỏi ai, rằng
Đạo nào cũng dạy con người điều thiện mà sao nỡ chia lìa đôi lứa đang
yêu? Và biết trách ai bây chừ!
NVAH còn “trắng tay” trong cuộc tình lần thứ 4 với
nàng “Radio” xinh đẹp, ngâm thơ hay trên Đài Phát thanh Gia Lai. Mà đâu chỉ
NVAH, trong “Mạ tui” còn có một số nhân vật chịu đựng mất mát, bất hạnh
vì thời cuộc đảo lộn khiến người đọc không khỏi xót xa. Như người chị của
tác giả, “mồng 4 Tết Mậu Thân 1968, chồng chị là lính “Xây dựng nông
thôn” chế độ miền Nam về nghỉ Tết, sau đó thì đi tải thương cho bộ
đội…” rồi mất tích; chị mòn mỏi chờ đợi suốt gần 50 năm, ở vậy nuôi hai
cháu khôn lớn và chăm sóc mẹ già… Cặp đôi “thầy trò lớp Toán” cũng có
cuộc tình thật đẹp trên đất cao nguyên, nhưng rồi thầy theo gia đình vượt
biên, trò mỏi mắt chờ đợi mãi, thi đại học thì không đậu vì lý lịch(!),
rồi cũng phải “chọn lấy một trong những người đàn ông theo mình bấy lâu làm
chồng dù nàng không yêu. Trái tim nàng rớm máu…” Gần 40 năm sau, họ
tình cờ “gặp lại nhau trong một quán cà phê nổi tiếng giữa phố núi mù sương…
trong tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh “Còn chút gì để nhớ, để quên”…”
Nhưng thôi, chỉ 3 cuộc NVAH “lỡ đò” cũng đủ để
chúng ta phải suy ngẫm về những bất trắc và sự “vô thường” trên đường đời
không phải lúc nào cũng êm đẹp. Một tác phẩm đầu tay, đặt được vấn đề như “Mạ
tui” khiến người đọc phải 3 lần “chỉ còn biết kêu …Trời”, là một thành công
không nhỏ của NVAH.
Tác giả cuốn tự truyện "Mạ Tui" - Nguyễn Viết An Hòa
Tác giả cuốn tự truyện "Mạ Tui" - Nguyễn Viết An Hòa
***
Còn có thể nêu ra một số điều đáng chú ý trong
“Mạ tui”, như cách sử dụng tiếng địa phương khá “đậm đặc”, nhưng không
làm độc giả khó hiểu mà lại tạo được “không khí” Huế rõ nét; về kết
cấu truyện, Trần Thùy Mai khen tác giả “sáng tạo khi thỉnh thoảng lại
cắt lớp thời gian, kéo người đọc về thời hiện tại”, nhưng thực ra, đây là
thủ pháp nhiều cây bút đã thực hiện rất giỏi; còn cách “xen kẽ” chuyện
“xưa-nay” của NVAH có chỗ chưa… khéo, hơi “xôi-đỗ”, mặc dù trong các “lát
cắt” đan xen có những “màn” thú vị như cuộc gặp thầy trò “Có thể nào
quên” tại Pleiku sau gần 30 năm xa cách, với chuyến bay trở lại Huế có thể là
“độc nhất vô nhị” bằng chuyên cơ H.344 của người học sinh cũ đã thành nhân vật
nổi tiếng Bầu Đức (“sếp” Tập doàn Hoàng Anh Gia Lai) do anh hùng không
quân Nguyễn Thành Trung cầm lái!…
Cuộc đời vốn bất toàn, sao có thể đòi hỏi sự toàn
bích của một tác phẩm đầu tay, lại sinh thành từ những trang FB, nhất là khi
tác giả phải chạy đua với thời gian để có sách kịp ra vào ngày giỗ đầu của
mẹ - mùa Vu Lan báo hiếu. Được biết thành công của NVAH đã đưa “Mạ tui”
vượt không-thời gian, đến với nhiều độc giả ở xa Huế và tác giả đã phải
“nối bản”. Thật vui khi sách ra mùa Vu Lan sẽ được đọc cả… bốn mùa!
Hy vọng sau thành công này, NVAH với sự từng trải
trên đường đời sẽ tiếp tục đi xa trên đường văn…
Nguyễn Khắc Phê
(Bài
vừa in trên Tạp chí “Sông Hương” số tháng 10/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét