Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Minh!

 VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TRẦN MINH!
TIN BUỒN
Nhà thơ TRẦN MINH
HỘI viên Hội nhà văn Việt nam
HỘI viên Hội nhà văn HÀ NỘI
Thành viên CLB văn học huyện Đông Anh -Hà Nội
Đã từ trần hồi 12h+..ngày 29/10/2018 lễ viếng hồi 08h/30/10/2018
BCNCLBVH huyện Đông Anh
Kính báo

 Đọc mạng, biết tin nhà thơ Trần Minh qua đời, xin chia buồn với gia đình và vĩnh biệt anh! Cầu chúc cho linh hồn anh siêu thoát miền Cực Lạc!
Chủ trang xin đăng lại bài viết về thơ Trần Minh như một nén nhang cho anh!

 
THẾ GIỚI XUNG QUANH QUA MẮT NHÌN CỦA BÉ
Đọc Trần Minh - Vầng trăng non của bé, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2014

                                               
Trẻ em làm thơ trực tiếp nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Người lớn làm thơ cho trẻ em thì có thể vẫn bằng đôi mắt của riêng mình. Nhưng Trần Minh chọn cách nhìn bằng đôi mắt trẻ em. Một cách lựa chọn thông thường của phần lớn những nhà thơ người lớn. Chúng ta đều biết người lớn không phải tự nhiên sinh ra. Trong mỗi một người lớn/ Có một đứa trẻ con. Có thể phần lớn những người bình thường thì đứa trẻ đó nhanh chóng trưởng thành, già đi và không bao giờ trở lại. Nhưng với một số người, nhất là những người làm thơ cho trẻ em thì đứa trẻ đó hình như không chịu lớn, không chịu già. Mỗi khi họ làm thơ thì đứa bé hồn nhiên quay trở lại. Nó giúp người viết luôn có cái nhìn tươi mởn, trong trẻo và hồn nhiên.
          Một trong những đặc tính của trẻ thơ là luôn luôn muốn khám phá, luôn luôn lạ lùng trước thế giới xung quanh, luôn luôn đặt câu hỏi về chúng để nhận thức, để hiểu biết.
          Bé, nhân vật chính trong tập thơ “VẦNG TRĂNG NON CỦA BÉ” là em bé như vậy. Cái gì cũng ngạc nhiên, cũng gây tò mò. Bé đã từng biết đến quả lựu, quả na, quả ổi, quả thị… Quả nào cũng có nhiều hạt. Vậy thì chắc quả mưa phải to lắm nên mới có bao nhiêu là hạt mưa. Câu hỏi của Bé bật ra từ hiểu biết về hạt và quả:
          Quả mưa có to không
          Mà hạt mưa nhiều thế
          Rơi khắp cả cánh đồng
             Quả mưa
Cũng một lối tư duy, một cách phán đoán như thế, trong mắt Bé, mùa xuân phải rất vui tươi, rất hào phóng, có rất nhiều quà tặng cho mọi người:
          Chắc xuân có nhiều tuổi lắm
          Nên tặng cho khắp cả nhà
          Xuân mừng tuổi bố tuổi mẹ
          Còn mừng tuổi cả ông bà
Mùa xuân vui tươi và ngoan ngoãn như thế cho nên Bé mới mơ ước:
          Bố ơi ngày mai con lớn
          Con sẽ là mùa xuân cơ
                             Mùa xuân của bé
Một loạt các sự vật, hiện tượng đều gây cho Bé tò mò muốn hiểu biết. «Bé thấy gì cũng lạ».Từ chuyện Trâu có sừng, chắc là khó mà đội mũ hay đội nón, Bé lo lắng:
          Làm sao đội mũ được
          Nó cảm nắng mất thôi
                   Thăm quê ngoại

Đến chuyện cây gạo có hoa, sẽ có quả, vậy thì «hạt gạo» của cây có ăn được như hạt gạo của lúa hay không « Hoa gạo nở như vậy/ Hạt có ăn được không »? Người đọc không thể không mỉm cười vì cách cảm nhận bằng con mắt trẻ thơ của Bé. Ví như chuyện ve cứ kêu hoài giống chuyện học trò đọc bài:
          Chắc gặp câu khó thuộc
          Nên đọc mãi không thôi
                   Trưa hè
Rồi cây trứng gà đẻ trứng mà không cục ta cục tác như gà mái, trứng không nằm trong ổ, mà lại ở tít ngọn cây, gây cho Bé băn khoăn:
          Trứng gà không nằm trong ổ
          Leo lên tít tận cành cao
          Mẹ ơi nếu gà con nở
          Rơi xuống biết làm thế nào?
                   Cây trứng gà
Chuyện cây cầu, gọi là «cây» mà chẳng giống cây vì «Không có cành có lá/ Chẳng có hoa có quả/ Chẳng mọc ở ngoài vườn» (Cây cầu).
Bé nhìn sự vật quanh mình, phán đoán và suy luận theo cái lí của Bé. Bởi vậy mà luôn luôn có những nét ngộ nghĩnh. Thấy đàn cò, Bé nghĩ cò cũng như trâu, như dê, như gà... chắc phải có người chăn. Mà đàn cò nhiều như vậy thì Bé có thể xin một con về nuôi:
          Ai chăn cò bà nhỉ
          Để cháu xin một con
Nhìn vầng trăng non, Bé liên tưởng đến quả chuối chú Cuội không ăn. Chú chàng không ăn vì ... ăn tham, cái tính của những người không ngoan, không biết nhường em bé:
A! Tại tính ăn tham
Không muốn nhường em bé
Thấy mẹ cho một quả
Cuội chê ít chứ gì
          Trăng non của bé
Bé gọi mưa về vì Bé thấy cây cối buồn rầu, nhất là lúa của mẹ cấy ngoài đồng nghẹn lòng. Bé trò chuyện với mưa:
Mưa ơi có biết không
Chỉ đợi mưa đi vắng
Thế là cái anh nắng
Thả sức mà oi nồng
Lúa mẹ cấy ngoài đồng
Nghẹn lòng vì cơn khát
          Gọi mưa

Tất cả thế giới xung quanh Bé đều được khám phá từ cái nhìn trẻ thơ, từ cách phán đoán, suy luận trẻ thơ. Bởi thế mà cả Bé và người thân, rồi người đọc luôn cảm thấy thích thú. Đấy chính là điểm quan trọng nhất làm nên thành công của tập thơ này.
Có thể thấy nhìn chung các bài thơ đều được viết chắc tay, với sự quan sát tinh tế, sự diễn đạt trong trẻo, hồn nhiên. Có điều giá như tác giả trau chuốt kĩ hơn, lập tứ chắc hơn nữa thì chất lượng của tập thơ còn có thể được nâng lên cao hơn. Sự hứng thú cũng sẽ theo đó mà tăng cường hơn. Chẳng hạn so sánh năm ngón tay của Bé «Như năm mẩu phấn tròn» thì quá thô (trong khi Hiền Mặc Chất viết: Tay con xòe ra như năm cánh hoa đào/ Khi chụm lại hồng lên sắc quả). Tên bài thơ là «Nhà của Bé» nhưng không thấy nhà của Bé là gì, toàn là nhà của chim chích, chị gió, buồm nâu, chú Cuội, ông mặt trời. Và kết thúc bài thơ: Bàn tay xinh của Bé/ Nhà của những chữ o thì gượng. Chữ O từ tay bé tạo ra, nhưng chữ O không ở trong tay Bé như ở trong nhà. Một vài bài thơ khác, tính lo- gic không chặt (Vườn cây của bà, Cánh diều ngoan, Bé tập làm cô giáo).
Dẫu vậy, nhưng nhìn tổng thể, tập thơ của Trần Minh là một tập thơ hay viết cho thiếu nhi trong những năm gần đây. Nó càng có giá trị hơn khi mà những người viết cho các em càng ngày càng thưa hiếm và các tập thơ cho các em lại càng hiếm hoi hơn nữa.
                         
                                                          Hà Nội, 13 tháng 11 năm 2014



         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét