Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Nhà thơ Vũ Bình Lục: Người khát khao “giải mã” kho báu văn chương





Nhà thơ Vũ Bình Lục: Người khát khao “giải mã” kho báu văn chương

07:55 28/09/2018

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục vừa cho ra mắt bạn đọc một bộ tuyển tập đồ sộ "Giải mã kho báu văn chương" gồm 5 tập. Ông đã dành thời gian nhiều năm trời để tập trung nghiên cứu, dịch thơ và bình giải thơ Lý - Trần. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà thơ Vũ Bình Lục đã làm được một công việc nhiều ý nghĩa. Nhân dịp này, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với ông.




- Thưa nhà thơ Vũ Bình Lục, giữa thời đại mà e rằng, thơ không còn chiếm vị trí cao trong các thú thưởng thức, giải trí, và thơ cổ thời Lý - Trần lại càng xa lạ hơn với đời sống hiện đại hôm nay, vì sao ông lại chọn công việc "cũ kỹ" và hao tâm tổn sức, tốn thời gian, không mang lại lợi ích kinh tế để làm?

+ Không phải chỉ mình chị mà có nhiều người hỏi vui rằng, vì sao tôi phải lao tâm khổ tứ mất mấy năm trời cùi cũi làm bộ sách "Giả mã kho báu văn chương" (dịch và bình giải thơ Lý - Trần)  vừa dài vừa rộng về dung lượng, lại vô cùng gai góc về những vấn đề lịch sử và văn học bấy lâu còn chìm nổi như thế?

Một công trình lớn và rất khó khăn như vậy, lẽ ra phải là công việc của một tổ chức chuyên môn ở cấp Nhà nước mới có thể đảm đương nổi, một mình ông nhỏ bé, học vấn thì sơ sài, sao dám "liều mình như chẳng có", cứ lầm lũi làm cái việc quá sức mình, mà hình như chẳng mấy hi vọng đem lại chút lợi ích kinh tế nào cho riêng ông cả.

Tôi ngẫm lại những thắc mắc của bạn bè thấy phải lắm. Bản thân tôi cũng không giải thích được vì sao. Có lẽ, một khi đã vướng vào DUYÊN NGHIỆP, thì sự đam mê, đắm đuối cũng là điều dễ hiểu, mặc dù kết quả chưa dám chắc đã đong đếm được là bao.

- Vâng, có lẽ lý giải do "duyên nghiệp", do tình yêu và lòng đam mê với thơ Lý - Trần là chính xác nhất. Tuy nhiên, mọi tình yêu lớn đều phải xuất phát từ những cơ duyên ban đầu. Ông có thể chia sẻ cơ duyên đến với việc nghiên cứu thơ Lý - Trần?

+ Thực ra, năm 2013 tôi đã làm cuốn "Hồn thiền trong thơ Lý - Trần", cuốn sách dày 704 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Nhưng cuốn sách ấy mới chỉ là tinh tuyển, tư liệu sử dụng còn ít ỏi và thậm chí một số tư liệu cũng đã lạc hậu; kinh nghiệm làm sách lại chưa có bao nhiêu, cho nên cuốn sách ấy vẫn còn một số khiếm khuyết đáng tiếc.

Thêm nữa, nếu không để nhiều thời gian nghiên cứu kỹ càng toàn bộ thời kỳ văn học Lý - Trần, đi sâu vào nghiên cứu từng tác phẩm, từng tác giả, để có thể bao quát đầy đủ hơn, thẩm thấu rộng hơn, sâu hơn vào bóng chữ, vào các văn bản hiện có, thì những suy đoán về nhân vật trữ tình chủ thể, về nội dung và xuất xứ từng tác phẩm của các tác giả sẽ không giải mã được chính xác và đầy đủ.

Sau cuốn "Hồn thiền..." năm 2013, sang năm 2014 tôi làm tiếp cuốn "Thánh thơ Cao Bá Quát". Cuốn này cũng dày 704 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Năm 2015 tôi lại tiếp tục làm xong bộ sách bao gồm 2 quyển về thơ chữ Hán và thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Trãi, gần 1.600 trang, cũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Cả hai quyển tôi cũng dịch thơ và bình giải thơ chữ Hán và chữ Nôm của cụ. Từ việc làm những cuốn sách trên, trong quá trình đó tôi nung nấu một quyết tâm sẽ phải quay trở lại với thơ Lý - Trần để hoàn thiện nốt những gì mình đang còn dang dở.



- Ông có thể nói rõ hơn mục đích ông muốn để lại cho hậu bối những kiến thức, hay triết lý nhân sinh sâu xa ở những bộ sách này?


+ Thật ra tôi làm cũng hết sức giản dị thôi. Tôi muốn sử dụng những kinh nghiệm nghiên cứu và tình yêu, sự hiểu biết về thơ Lý - Trần để dịch thơ, bình giải toàn bộ thơ chữ Hán, đồng thời chỉnh lý một số khiếm khuyết hoặc chi tiết chưa làm rõ, với mong muốn đem lại cho bạn đọc một cảm nhận mới, một cách thưởng thức mới về kho tàng di sản thơ ca vô cùng quý báu của cha ông ta để lại.

Do vậy, bộ sách 5 tập "Giải mã kho báu văn chương" lần này là kết quả của sự mong mỏi ấy. Gần 560 bài thơ chữ Hán của hơn 100 tác giả được chuyển ngữ sang tiếng Việt chủ yếu là thể thơ lục bát truyền thống, kết hợp với bình giải chu đáo.

Hầu như các điển cố, điển tích hay giai thoại văn học có trong các bài thơ đều được chuyển cả vào Văn, vào cả phần dịch Thơ nữa để mọi đối tượng đều có thể sử dụng, tiếp thu văn bản một cách dễ dàng. Trộm nghĩ chúng tôi đã làm hết sức mình, nói như học giả Phan Huy Ích thì cũng đã "tự tín suy minh tác giả tâm", nghĩa là có thể tự tin rằng đã làm sáng tỏ cái tâm, cái tầm của các tác giả qua từng bài thơ như vậy!

Còn về triết lý nhân sinh qua thơ Lý - Trần, tôi nghĩ hãy để bạn đọc và hậu bối cảm nhận. Tôi xin chia sẻ bốn câu thơ tôi đã dịch:

“Thân ta tạm ở cõi người
Cái tâm của Phật kho trời vô biên
Sáng soi khắp chốn thần tiên
Nhưng tìm đâu thấy trong miền hư vô”

(Phạm Thường Chiếu - Vũ Bình Lục dịch)

- Ông có thể chia sẻ cho độc giả Văn nghệ Công an vài nét khái quát sâu sắc nhất về kho tàng di sản thơ ca quý báu của cha ông ta để lại?

+ Cả một di sản thơ đồ sộ của cha ông ta để lại như thế này thì khó mà khát quát trong vài câu được. Nó là kho báu văn chương, kho báu thi ca, kho báu của đời sống tinh thần và văn hóa của người Việt xưa. Tóm lại tư tưởng Phật giáo, sự hướng thiện thật sự đã bao trùm cả không gian lịch sử, văn hóa và văn chương rộng lớn kéo dài gần năm trăm năm của nước Đại Việt ta.

- Một câu hỏi cuối. Ông từng chia sẻ, với vốn văn tài có hạn, kiến thức hiểu biết chưa bao giờ là đủ, ông "liều mình" làm một công trình nghiên cứu tầm quốc gia, tầm Nhà nước, và phải là cộng hưởng trí tuệ tập thể, ông có sợ có thể có những sai sót trong bộ sách gây ra những phản biện "cay nghiệt" từ độc giả đang ngày một tinh tường và vốn kiến văn đầy đặn, thông minh hôm nay? Bởi những phản biện kiểu "mạng xã hội" rất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí hủy hoại cả một sự nghiệp nghiên cứu gian khổ của ông?

+ Tôi là dân nghiên cứu, xuất phát từ thầy đồ dạy học, tôi biết mình đang làm gì. Với lại khi làm bộ sách đồ sộ này, tôi sử dụng và đối chiếu các nguồn tài liệu rất kỹ lưỡng. Tôi sử dụng tài liệu nguồn từ bộ sách 3 cuốn "Thơ văn Lý - Trần" của Viện Văn học. Tôi cũng xin phép được sử dụng lại phần dịch nghĩa và các bản dịch thơ ở cuốn sách trên, có đối chiếu so sánh với một số bản dịch của một số sách trước đó để bạn đọc rộng đường tham khảo. Phần dịch thơ của chúng tôi chủ yếu dịch ra thơ lục bát truyền thống với hy vọng dễ hiểu và phù hợp hơn với thị hiếu bạn đọc nhiều lứa tuổi hôm nay. Dẫu vậy, như trên đã nói, đây là công trình lớn, khối lượng nhiều, trình độ người làm sách còn hạn chế, rất mong các nhà nghiên cứu và bạn đọc chỉ giáo thêm để có dịp tái bản chúng tôi sẽ chỉnh lý kịp thời.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Một bộ hồ sơ đặc biệt

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc -Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Bộ sách đã dựng lên một cách khoa học và nhiều cảm xúc toàn bộ lịch sử của nền thơ ca Đại Việt trong gần 500 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Điều tôi muốn nói rằng: Thơ ca giai đoạn đó là một văn bản nghệ thuật nhưng lại là văn bản quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất, có sức chứa toàn bộ tinh hoa của văn hóa, triết học, tư tưởng, tôn giáo, hiển lộ khí chất, tâm thế, tình cảm của dân tộc Việt và cả những vấn đề của thế nước như chính trị, quân sự, chiến tranh… trong suốt gần năm thế kỷ.

Những văn bản liên quan đến lịch sử của một dân tộc mà đặc biệt một dân tộc bị thống trị bởi ngoại bang thường bị đội quân xâm lược ngoại bang tìm cách bóp méo, che giấu, đánh tráo hoặc xóa đi sự thật về lịch sử đó, xóa đi ký ức của dân tộc đó về nguồn cội và văn hóa của mình.

Nhưng có một thứ văn bản có thể lưu giữ sự chính xác của lịch sử dưới những tầng vỉa ngôn từ: đó là thi ca nói riêng và văn hóa nói chung. Đó cũng là lý do mà kẻ thù phương Bắc muốn xóa đi toàn bộ những gì thuộc về văn hóa của dân tộc ta để nhằm thống trị dân tộc ta mãi mãi. Bởi một dân tộc đã không còn “hồ sơ gốc” nền văn hóa của mình thì dân tộc đó sẽ rơi vào rối loạn và biến mất. Vì thế, việc làm bộ sách này cũng là một trong những cách bảo tồn “hồ sơ gốc” nền văn hóa của dân tộc chúng ta.

Nhà thơ Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky, giải Nobel văn học năm 1987 nói đại ý rằng: Để hiểu được một con người, một dân tộc của hàng ngàn năm trước thì chỉ thi ca mới có thể làm được. Thi ca là văn bản tin cậy nhất về văn hóa của một dân tộc.

Vì thế mà bộ sách này chính là bộ hồ sơ đặc biệt chứa đựng những văn bản tin cậy nhất cho người đương thời và mãi mãi các thế hệ sau hiểu được dân tộc mình trong chiều dài lịch sử gần 500 năm với các triều đại Lý - Trần làm nòng cốt. Bộ sách này là công trình công phu nhất, đầy đủ nhất và mở ra những điều mới mẻ về thơ ca đời Lý - Trần từ trước tới nay.

Chính điều đó mà bộ sách đã làm sáng tỏ nhiều “khoảng mờ” của lịch sử, đồng thời dựng lên chân dung nhân vật văn học xác thực hơn, đầy đủ hơn trong khoảng gần 500 năm ấy của lịch sử dân tộc, thông qua những bài thơ và cuộc đời các nhà thơ đó!

Bộ sách “GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG” của nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Bình Lục là một công trình mang tính nền tảng không chỉ về di sản thơ ca Lý - Trần đồ sộ mà còn là một bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa của dân tộc thông qua một văn bản đặc biệt là thơ ca. Bộ hồ sơ đặc biệt này chứa đựng thông điệp lớn về văn hóa, tư tưởng, tâm hồn và khí phách của con người Việt Nam trong sự tồn vong của dân tộc trước bất kỳ đội quân xâm lược nào.

Như Bình (Thực hiện) 

Chép lại trên Văn Nghệ Công An


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét