Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Đóng góp của một đời văn




Đóng góp của một đời văn
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Ths Đinh Thanh Hương
    Với người làm nghề nghiên cứu lý luận phê bình thì cả một đời văn có một tuyển tập xứng đáng là một niềm hạnh phúc lớn. Vì nghề ấy khó, khô khan lại khổ nữa. Phải cần cù, siêng năng, lầm lũi đọc, tra cứu, đối chiếu, ghi chép, hệ thống, phân loại…Mà không chỉ có sách trong nước, còn cả sách nước ngoài, vì phải có lý thuyết để soi vào vấn đề nghiên cứu, nếu phù hợp thì may ra mới có một phát hiện. Bảy mươi tuổi đời với hơn bốn mươi năm viết, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện chuyên đi sâu nghiên cứu lịch sử, lý luận, phê bình văn học thế kỷ XX đã có hàng trăm bài nghiên cứu, công bố 6 cuốn sách in riêng nay tuyển chọn thành một công trình dày dặn, bề thế, có đóng góp đáng quý, có tiếng nói riêng. Thế là rất đáng trân trọng.
   Thế mạnh trước nhất của anh là khảo luận, nghiên cứu về lý luận, nhất là lý luận Macxit và đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng. Được đào tạo bài bản, khoa học ở trung tâm châu Âu (Cộng hoà dân chủ Đức trước đây) được nghiên cứu, tiếp thu nhiều trường phái lý luận hiện đại nhưng không sa vào các lý thuyết mang tính thời thượng mà anh càng nắm vững hơn các nguyên lý triết mỹ của chủ nghĩa Mác rồi soi chiếu vào thực tiễn văn hoá văn nghệ nước ta để khẳng định những chân lý nghệ thuật mang tính kinh điển. Đồng thời nhờ nắm vững đường lối Đảng ta về văn nghệ mà anh có những góp ý đúng đắn, thẳng thắn, kịp thời về sự phát triển văn học nghệ thuật nói chung cũng như chỉ ra những động lực mới để thúc đẩy nghiên cứu, lý luận, phê bình. Tất nhiên để được như vậy còn phải hiểu rõ mặt bằng tri thức cũng như sự vận động của văn học nghệ thuật, không chỉ của nước ta mà còn chung cả thế giới. Chỉ cần hình dung như vậy ta cũng thấy chân dung vạm vỡ nhà lý luận Nguyễn Ngọc Thiện, cần cù, say mê, tâm huyết, có một phông nền cả lý thuyết và thực tiễn chắc chắn, điềm đạm, đúng mực với phong cách thực chứng nên hàm lượng khoa học của bài viết có sức thuyết phục. Chùm bài về đường lối văn nghệ, về ý kiến của các nhà tư tưởng, của Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) sẽ mãi mang tính thời sự, vì bàn đến những vấn đề đường lối, những nguyên lý, nguyên tắc mang tính quy luật phù hợp với văn hoá Việt Nam. Chúng tôi không phản đối thậm chí ủng hộ việc ứng dụng những lý thuyết mới vào nghiên cứu thực tiễn văn hoá, văn học Việt Nam. Nhưng qua trường hợp Nguyễn Ngọc Thiện, chúng tôi cho rằng, với người nghiên cứu thì việc trước hết là phải nắm vững đường lối văn hoá của Chủ nghĩa Mác, của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vậy mới đủ vốn, đủ bản lĩnh để tiếp thu những lý thuyết mới.

                            PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện nhận hoa của nhóm " Chúng tôi yêu nghệ thuật" chúc mừng


   Tác giả tuyển tập cho ta thấm thía hơn về tác phong thái độ cẩn trọng, đúng mực trong nghiên cứu, trước hết là phải đầy đủ tư liệu, lại phải là tư liệu gốc, đủ tin cậy. Có lẽ anh là người có công đầu trong việc in lại cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh. Dĩ nhiên là việc không dễ dàng, phải dò dẫm, tìm hiểu, sưu tầm từ nước Pháp qua bao cầu nối, bao công phu…Qua cuốn sách quý hiếm này ta hiểu sự nghiệp Hoài Thanh trước 1945 không chỉ gói trong quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà còn là “hành động”, văn học nghệ thuật phải tham gia vào xã hội để thúc đẩy sự tiến bộ. Cũng phải khẳng định là nhờ anh bỏ công lao, thời gian, sự kiên nhẫn, trên hết là tình yêu với di sản lý luận phê bình văn học nước nhà mà bạn đọc mới được đọc một cách hệ thống 13 tập lý luận phê bình văn học thế kỷ XX. Đó là những cứ liệu chắc chắn nhất, tin cậy nhất, toàn cảnh nhất làm cơ sở, làm dữ liệu để giúp công việc nghiên cứu của đồng nghiệp hôm nay và mai sau được thuận lợi hơn.
    Ngòi bút phê bình Nguyễn Ngọc Thiện cũng không kém phần tinh tế, sâu lắng khi phân tích các tác phẩm, tác giả tên tuổi thơ Phạm Tiến Duật, Mai Văn Phấn, văn xuôi Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao…Có điểm tựa lý luận chắc chắn phê bình của anh thường đi thẳng vào vấn đề, xoáy vào những điểm mạnh ưu trội rồi đối sánh, đối chiếu trong những tương quan phù hợp, nhờ vậy bài viết cô đọng, khúc chiết, có thể còn thiếu sự mềm mại của bay bổng cảm xúc nhưng thuyết phục ở lập luận “nói có sách mach có chứng”. Phê bình của anh thuộc trường phái lý tính hơn là trực cảm, với thao tác thực chứng hơn là cảm xúc ấn tượng nên phù hợp với văn xuôi hơn là với thơ. Những lời bình 14 truyện ngắn Việt Nam đương đại là một tham khảo về lối phê bình khoa học kết hợp lý thuyết loại hình cùng các thao tác phân tích tự sự học và lối thẩm bình luôn dựa vào các điểm “loé sáng”, “độc sáng” của đối tượng. Nhưng đúng với chất phê bình Nguyễn Ngọc Thiện phải là đối tượng nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm của Ma Văn Kháng. Cũng là bài học, phải tìm được đối tượng phù hợp mới thể rõ nhất thế mạnh của phê bình, là phải hiểu tác giả (gần gũi càng tốt) về đời tư, quá trình công tác, sở thích cá nhân, hoàn cảnh sáng tác, phong cách chung, thi pháp từng tác phẩm…Có thể nói anh là nhà “Ma Văn Kháng học”, nhất là về nghệ thuật tự sự của nhà văn nổi tiếng này. Điều này được chính nhà văn Ma Văn Kháng trong Lời bạt thật hay, ân tình tri ngộ mà cũng thật chí lý sâu sắc, khẳng định anh là người đọc nhiều nhất, kỹ nhất các sáng tác của mình, từ tiểu thuyết dài tới bài tản văn vài trăm chữ. Cũng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là người hướng dẫn thành công 24 luận văn Thạc sỹ, 3 luận án Tiến sỹ về văn chương Ma Văn Kháng.
    Ở phần thứ ba về “Chân dung văn học một số nhà lý luận, phê bình” anh tuyển chọn 42 gương mặt tiêu biểu. Cách chọn toàn diện về không gian có cả miền bắc, miền nam, về thời gian cả trước 1945 và sau này, tiêu biểu về các trường phái, các khuynh hướng học thuật nên nhìn vào đó không thấy sự cá biệt mà là sự tổng thể của cả môi trường, bối cảnh học thuật. Còn toát lên sự khách quan khoa học, không vì bất kỳ một thành kiến nào, những ai có đóng góp thì cần phải khẳng định đúng với những gì họ có. Nên những Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung…vốn sống trong chế độ khác vẫn xứng đáng được trân trọng.
   Đây là cuốn sách để đời của tác giả, dày dặn (dài 831 trang khổ lớn), in đẹp, trang nhã, bìa cứng sang trọng. Cái tên sách cũng hay Thăng hoa Sáng tạo Thẩm mỹ Tiếp nhân Văn chương, ghi rõ mốc thời gian 1974 -2017. Cách làm sách cũng khoa học, ngoài văn bản có ảnh tác giả và ảnh bìa sách kèm theo, có Tiểu sử tự thuật, có Thư mục nghiên cứu về tác giả. Tất cả toát lên sự nghiêm cẩn, công phu, tâm huyết. Đọc quyển sách quý này mà khâm phục, kính trọng anh mà lại thấy có điều gì tiếc, vì những người có tài, có tâm, có tầm, có tình như anh, hôm nay thật không có nhiều!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét