Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

MẤY SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ TỪ TÁC PHẨM

 


MẤY SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ TỪ TÁC PHẨM

  Tham luận của P. Gs, Ts Vũ Nho

Chúng tôi giới hạn từ tác phẩm bởi vì những suy nghĩ này được rút ra khi bản thân chúng tôi đã đọc và  phần lớn đã viết những bình luận về một số tiểu tuyết Lịch sử sau đây:
          Sóng hận sông Lô, Quỷ Vương, Kẻ sĩ thời loạn của Vũ Ngọc Tiến
          Đinh Tiên Hoàng của Vũ Xuân Tửu
          Mẫu Ỷ Lan, Vụ án Thái sư Lê văn Thịnh của Ngô Ngọc Liễn
          Mộng đế vương của Nguyễn Trường
          Nữ sĩ thời gió bụi của Lê Phương Liên
          Nguyên khí ngàn đời của Lục Hường
          Cuộc đời xa khuất  của Lê Hoài Nam
          Lá cờ thêu  sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng
          Tiếng vọng Hồ Xuân Hương của Nghiêm Thị Hằng
          Hoa Dạ hương của Nguyễn Xuân Nhuận
          Hội thề của Nguyễn Quang Thân
          Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh
          Bão táp triều Trần  của Hoàng Quốc Hải

  1. Những tiểu thuyết lịch sử có những điểm gì đáng lưu ý?
  2. Quan hệ giữa Văn chương và Lịch sử

Xưa kia có thời kì  văn - sử - triết bất phân. Rồi sau này mới tách riêng. Thế nhưng Văn với Sử vẫn duy trì sự gắn bó khá khăng khít.

Lịch sử cung cấp cho văn chương một nguồn  tư liệu và cảm hứng dồi dào không bao giờ cạn. Văn chương  viết về Lịch sử làm tăng tính thẩm mỹ, thêm phần  mới mẻ và lãng mạn khi truyền tải thông điệp lịch sử. Các tác phẩm văn học  viết về Lịch sử là những tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp lịch sử vừa có tư tưởng, triết lý  riêng của nhà văn.

          Chính văn chương  góp phần làm cho những giá trị lịch sử trở nên sâu sắc hơn, nhờ vào những khám phá của nhà văn, khi  họ tự coi viết tiểu thuyết lịch sử là một hành trình thám hiểm cuộc sống, không chỉ của quá khứ mà chính là hiện tại và hướng đến tương lai.

  1. Tiểu thuyết lịch sử viết theo cách nào?

Bàn về  viết tiểu thuyết lịch sử, có nhiều quan điểm khác nhau.

  • Có nhà văn khẳng định “ Lịch sử “ chỉ là “cái đinh” ( A. Đuyma) để nhà văn treo lên đó những bức tranh của mình,  hình dung của mình về nhân vật và thời đại lịch sử. Nghĩa là nhà văn tha hồ tưởng tượng và xây dựng các nhân vật theo ý riêng của mình. Lịch sử chỉ là “cái cớ”!
  • Một loại khác khẳng định viết tiểu thuyết lịch sử là để bù đắp vào những chỗ khuất lấp hoặc khuyết thiếu của Lịch sử. Bổ sung thêm những gì mà chính sử và dã sử đều không có. Vì vậy mà không quá câu nệ vào chính sử. Họ sáng tạo những  chi tiết mới, nhân vật mới  miễn là phù hợp với nhân vật lịch sử trong hình dung của mọi người.
  • Một số nhà văn khác thì viết tiểu thuyết lịch sử là để khẳng định, nhấn mạnh thêm những gì có trong chính sử hay dã sử. Họ dựng lại sử bằng văn và tô đậm thêm nhân vật lịch sử, các vấn đề của lịch sử. Loại này thường an toàn và ít gây ra tranh cãi.
  • Nhà tiểu thuyết lịch sử vừa phải đảm bảo được tính chính xác tương đối theo phương diện nào đó về “cái đã có” (sự thật lịch sử), vừa phải nói lên được “cái có thể có” (hư cấu nghệ thuật) về lịch sử trong tác phẩm của mình.  Nếu không thế,  tác giả hoặc là biến mình thành nô lệ  một cách cứng nhắc của thông tin chính sử , hoặc là trở thành một kẻ phản bội, bóp méo Lịch sử.
  • Nhà văn không tranh phần, không làm thay nhà Sử học chính là ở chỗ làm cho nhân vật Lịch sử sống động trong thời đại đó, nổi bật  trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Có khi nhà văn  “dựng thêm nhân vật khác” để làm nổi bật nhân vật chính.
  • Vấn đề “hư cấu” trong tiểu thuyết Lịch sử  chắc chắn là cần có. Nhưng hư cấu đến mức nào là vừa, hư cấu đến đâu để không trái, không phản Lịch sử? Có thể về lí thì thông, nhưng khi viết lại không đạt như mong đợi. Những tranh cãi thường xảy ra ở chỗ này!
  1. Về một tiểu thuyết lịch sử gần nhất “Tiếng vọng Hồ Xuân Hương” của Nghiêm Thị Hằng

     Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng về cơ bản đã chọn lọc những chi tiết đời  sống, các bài thơ nôm truyền tụng, các dấu ấn lịch sử quan hệ với Nguyễn Du, với Chiêu Hổ, với Mai Sơn Phủ Trần Phúc Hiển để dựng lại chân dung một người phụ nữ  tài hoa, thông minh, sắc sảo;  cuộc đời vất vả, long đong trong tình duyên, hai lần lấy chồng hai lần đều làm lẽ,…

          Nếu trong tiểu sử nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ là một số dòng ngắn ngủi thì đọc tiểu thuyết này, người đọc hiểu rõ về Hồ Xuân Hương với những chi tiết đời thường của một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, nổi tiếng thơ hay. Và người đọc cũng rõ vì sao lại có tin đồn trong dân gian là Hồ Xuân Hương lấy thầy lang xóm Tây.  Bà mẹ Xuân Hương có hứa gả. Nhà thơ Phạm Đình Hổ, bạn của Nguyễn Du viết bài thơ “Nhớ xưa”. Nên dân gian càng tin là Xuân Hương đã lấy thầy lang. Thật ra,  bài thơ  “Khóc chồng làm thuốc” không phải là Hồ Xuân Hương khóc chồng là anh thầy lang xóm Tây, mà là bài thơ nàng làm hộ người vợ anh thầy lang đó tên là Nguyệt! ( tr. 167 – 171).

          Một số bài thơ của Hồ Xuân Hương  được  Nghiêm Thị Hằng dẫn vào trong tiểu thuyết, nhằm giải thích vì sao bài thơ đó ra đời. Đấy là một cố gắng rất lớn của người viết tiểu thuyết. Vì đa số các bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đều không ghi năm tháng ở cuối bài. Đây là một điều mới mẻ chứng tỏ người viết rất tự tin vào khả năng thẩm thơ của mình. Chính tác giả Nghiêm Thị Hằng đã khá thành công  vận dụng “khảo thơ tìm sử” trong cuốn “Giải mã bí ấn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết này không phải lúc nào nhà  khảo cứu Nghiêm Thị Hằng cũng thành công. Chúng tôi xin lưu ý về mối tình của Xuân Hương với tổng Cóc. Tất cả những lí giải của người viết tiểu thuyết đều thuyết phục đối với  câu đối  giữa hai người và các bài thơ  Trách Chiêu Hổ 1, 2, 3. Việc Đội Kình viết câu đổi xúc phạm nặng nề Hồ Xuân Hương với vế đối “Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn, Li, Đoài, khéo nói rằng Khôn” đã rõ khi mối tình tan vỡ, chỉ còn lại sự thù hận ở Đội Kình. Tuy nhiên gán câu giai thoại “ Nay đã mần cha thằng xích tử, Rày thì đù mẹ cái hồng nhan” cho Đội Kình ( trang 235) lại tỏ ra không ổn và thiếu thuyết phục. Vì sao? Vì cũng chính trong tiểu thuyết này, trang 232 tác giả viết “Tháng trước nàng ấy đẻ non con gái, đứa trẻ xấu số đã yểu mệnh”. Thằng xích tử là thằng con đỏ. Con gái sao có thể gọi là thằng? Vả lại cũng không nên tô đậm sự cạn tàu ráo máng của Đội Kình như thế!

          Ngoài nhân vật chính là Xuân Hương, tác giả cũng xây dựng thành công các nhân vật có liên quan trực tiếp đến nàng là cha ( cụ đồ Hồ Phi Diễn), mẹ ( bà Hà thị), và nhất là các nhân vật có liên quan đến Hồ Xuân Hương gồm Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ tức Trần Phúc Hiển.

          Điều mới về nhân vật Hồ Xuân Hương trong tiểu thuyết này là việc nàng Xuân Hương đã chạy đôn đáo  để kêu oan cho chồng. Tác giả tiểu thuyết đã cắt nghĩa có sức thuyết phục vì sao Phúc Hiển lại bị kiện. Vì sao đơn kiện không được thẩm tra, xét xử công minh? Vì sao có sự giúp đỡ của Nguyễn Du, nhưng  án Phúc Hiển vẫn không được giảm, mà chỉ được gia ân sống thêm  sáu mươi ngày và được tự xử chết ở quê nhà? Đồng thời người viết cũng đoán định câu thơ “ Cán cân tạo hóa rơi đâu mất” trong bài “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” của Hồ Xuân Hương là có ý nói đến việc “trời cao chẳng thấu oan chồng”, không xét xử minh bạch vụ án Trần Phúc Hiển. Phần này tác giả cũng làm sáng tỏ thêm  bí ẩn về “Mộ giày thầy Lánh” được đề cập ở cuốn sách  “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.

          Nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không tuyên bố mình viết tiểu thuyết lịch sử theo trường phái nào. Chỉ với lòng tôn kính và ngưỡng mộ nhà thơ kì nữ, bà chúa thơ Nồm Hồ Xuân Hương mà  tác giả cầm bút vượt qua mọi khó khăn để dựng lại chân dung cuộc đời của nữ sĩ. Lần đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử mà viết được thành công như Nghiêm Thị Hằng cũng là việc đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Tất nhiên, có thể có người băn khoăn vì một số chi tiết về năm tháng Nguyễn Du gắn bó với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du kết hôn với bà Đoàn Thị Huệ, Nguyễn Du viết Truyện Kiều tức “Đoạn trường tân thanh” vào thời gian nào và ở đâu  chưa được khẳng định thống nhất.  Nhưng không sao. Đây là tiểu thuyết chứ không phải là công trình biên khảo.

 Hà Nội, 15 tháng 8 năm 2023. V.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét