NHÀ GIÁO- NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN - NGƯỜI CẦN MẪN VỚI
THƠ HAY
Qua 2
tập Nơi biên cương Tổ quốc , nxb Hội
Nhà văn, 2022 và Tiếng lòng nơi đầu sóng, nxb Quân Đội Nhân Dân,
2023
Vũ Nho
Nhà giáo - nhà văn Nguyễn Thị Thiện,
hội viên Hội nhà văn Hà Nội là một cây bút giàu đam mê. Chị cần mẫn, không
ngừng tìm tòi, phát hiện và lan tỏa vẻ đẹp của thơ văn. Những năm
gần đây, người đọc gặp nhiều bài viết của chị trên các báo giấy, báo mạng viết
về tác phẩm của các nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Thị Mai,
Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Sĩ Đại; các nhà văn
Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Hoài Nam, Thu Lâm... Cũng có khi chị viết về chân
dung tác giả như: nhà văn Thế Hùng, nhà thơ Vương Trọng. Gần đây chị còn viết
về nhân vật lịch sử như cụ Nghè Nguyễn Đăng Huân…
Nhưng với bạn đọc, trước hết nhà văn Nguyễn Thị Thiện là người đam mê với thơ. Chưa kể một tập truyện ngắn và tập phê bình tiểu luận, tác giả đã xuất bản đến tám tập bình thơ : Trang thơ trang đời (2017), Tình quê tình người, tập 1 (2018), Tình quê tình người, tập 2 (2019), Thơ dâng Mẹ (2020), Quê hương Việt Nam (2020) , Tình Cha con (2021), Nơi biên cương tổ quốc (2022), Tiếng lòng nơi đầu sóng (2023).
Bình quân mỗi tập
khoảng 32 bài thơ được bình, nhà văn Nguyễn Thị Thiện đã viết lời bình cho khoảng
trên 250 bài thơ từ cổ chí kim, mà
chủ yếu là thơ hiện đại . Một con số ấn tượng! Lại một con số ấn tượng khác là
rất nhiều bài bình thơ trước khi đưa vào sách đã được đăng trên các báo Văn Nghệ, Tạp chí Thơ, Phụ nữ Việt Nam, tạp
chí Đời sống gia đình của báo Phụ nữ Thủ đô và tạp chí Gia đình Hạnh Phúc của
báo Phụ nữ Việt Nam. Trong 2 tập bình thơ này, con số bài đã đăng báo là 26
bài. Điều đó cũng phần nào nói lên chất lượng các bài bình của nhà văn Nguyễn
Thị Thiện.
Có thể ai đó
nghĩ rằng vốn là cô giáo dạy văn cấp THPT, nhà văn dễ dàng lấy các bài thơ
trong sách giáo khoa để bình, như một công đôi việc. Thật ra không phải như vậy.
Các bài có trong SGK là số ít. Nhà bình thơ đã tìm, chọn, lấy thơ của các tập thơ, lấy thơ trên trang
Blog hay Phay búc cá nhân, lấy thơ trên mạng. Tất cả đều là sự tìm tòi cần mẫn,
công phu của tác giả. Những bài có trong SGK là Nam quốc sơn hà, Tây Tiến, Đất nước ( Tập Nơi biên cương Tổ quốc); Phú sông
Bạch Đằng, Cửa biển Bạch Đằng, Biển, Đoàn thuyền đánh cá, Mẹ Tơm, Những cánh buồm, Quê hương (
Tập Tiếng lòng nơi đầu sóng). Chỉ có 10
trên tổng số 64 bài thơ được chọn. Đáng
chú ý là bên cạnh những bài thơ cổ điển, người bình thơ đã chọn những bài thơ
hay của các nhà thơ hiện đại như Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Phạm Tiến
Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng
Việt, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn
Quang Thiều, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Khuất Quang Thụy,…
Các nhà thơ nữ góp bài trong 2 tập sách gồm
Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ,Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn
Thị Mai, Phi Tuyết Ba, Chử Thu Hằng, Nguyễn Phan Quế Mai, Phạm Minh Tân, Vũ Minh Thu,… Một số nhà thơ
chưa thật nổi danh cũng được người bình
trân trọng giới thiệu như Quang Thiên Phú,
Đặng Toán, Chu Linh, Ngô Bá Hòa, Lê Tú Lệ,…Việc tìm những bài thơ hay cùng chủ để đã công phu. Việc
tìm ra nét độc đáo về tư tưởng và đặc sắc
nghệ thuật của mỗi bài còn khó hơn rất nhiều. Nhưng với tấm lòng say mê thơ ca,
với kinh nghiệm đã bình hàng trăm bài trong các tập bình thơ trước đó, nhà văn
Nguyễn Thị Thiện đã vượt qua thử thách này khá ngoạn mục.
Trước
tiên phải kể đến việc đặt tên (rút tít)
cho các bài bình. Tác giả đã khá tinh tế, thông minh đặt những tên cho các bài
bình rút từ chính một câu thơ hay chủ đề , tư tưởng nổi bật của bài thơ. Chúng
tôi cho rằng việc “rút tít” thành công cũng là thể hiện định hướng
đúng cho việc triển khai bài viết. Ví dụ có không ít những nhan đề bài bình gợi cảm như : Tây Tiến ( Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh);
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Đường ra
trận mùa này đẹp lắm); Chiếc gương
soi trên buồng lái ( Vì chính em là một tấm
gương), Cây xấu hổ ( Và chuyện này chỉ
cây biết với anh), Đêm sông Cầu ( Giữ
tình yêu như giữ lửa),… ( Tập Nơi biên cương Tổ quốc). Còn tập Tiếng lòng nơi đầu sóng, thì có :
Con rùa đội núi ( Biển Đông vạn dặm
dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm đất trị
bình), Quê hương ( Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ), Mẹ
Tơm ( Những trái tim như ngọc sáng ngời),
Những cánh buồm ( Cha gặp lại mình trong
tiếng ước mơ con), Thơ viết ở biển (Vì
sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em), Thuyền và Biển ( Nếu phải cách xa anh/Em chỉ còn bão tố), Gửi em và con (Con là cánh buồm cha gửi đến mai sau),…
Với một
loạt các bài thơ từ trung đại, qua kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống
Mĩ, rồi đất nước hòa bình thống nhất, đôỉ mới, hội nhập,… với các bút pháp và
phong cách vô cùng khác nhau, ngươì bình đã có cách xử lí linh hoạt mềm dẻo. Vẫn
là cách bình câu thơ, khổ thơ, cách phân tích hình ảnh thơ, biện pháp tu từ, nhưng
gia giảm thế nào, kết hợp theo tỉ lệ ra sao để không rơi vào trùng lặp, đơn điệu.
Khi thì giới thiệu tác giả, khi thì giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bài thơ,
khi lại trực tiếp nói về các bài thơ cùng chủ đề, khi so sánh bài thơ được bình
với một bài thơ khác, khi giới thiệu cảm hứng của nhiều thi sĩ,…
Cách
kết thúc mỗi bài viết cũng khá đa dạng. Khi người ta đã viết mở đầu và kết thúc
cho hàng trăm bài bình thơ thì việc này quả là không dễ dàng. Làm sao để cái kết
như là sự tất yếu, như là một gói lại, nhưng đồng thời lại như một sự mở ra. Làm
sao cái kết có thể như bỏ lửng, mời gọi bạn đọc suy nghĩ tiếp. Chúng tôi có lần
đã nghiên cứu về các kiểu kết thúc của một bài thơ. Khá thú vị khi thấy tác giả Nguyễn Thị Thiện kết thúc các bài
bình thơ một cách linh hoạt, tự nhiên. Xin dẫn một vài ví dụ ngẫu nhiên. Kết bài
“Thuyền và Biển”, tác giả dẫn ca khúc và kết luận : “ bài thơ và ca khúc như chim liền cánh, cây liền cành đã được lan tỏa rộng rãi trong đời sống tinh thần của người Việt và sẽ
còn sống mãi với thời gian”. Kết thúc bài “ Gửi em và con” người viết bình
luận: “Thơ hay luôn nhận được sự cộng hưởng
của lòng người. Với bài thơ này, đúng như Sel-xlây ( Anh) đã nói : “ Thơ ca
làm cho tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời này trở thành bất tử”. Kết luận
bài bình Biển : “Có
người nói : Thơ chị nghiêng về phía những cảm xúc tinh tế, tơ mỏng với tấm lòng
đôn hậu. Biển là một minh chứng về phong cách thơ ngọt ngào, sâu lắng, giàu nữ
tính của Lâm Thị Mỹ Dạ nên được nhiều bạn đọc yêu thích”. Còn đây là kết thúc
bài bình cho “Biển đêm” : “Cám ơn nhà thơ
Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nói hộ tiếng lòng dào dạt rung ngân của bao trái tim phụ
nữ khi xa cách người yêu” ( trong tập Tiếng lòng nơi đầu sóng).
Có thể
coi lời tâm sự của tác giả Nguyễn Thị Thiện trong mở đầu tập “ Tiếng lòng nơi đầu sóng” cũng là lời bày
tỏ chung cho cả hai tập bình thơ này, vì đều viết lời bình các bài thơ nơi biên
cương, hải đảo:
“Ngày thường, các anh canh gác cho Tổ quốc
bình yên. Khi có giặc, các anh sẵn sàng chiến đấu kiên cường, hi sinh anh dũng
cho em thơ yên giấc ngủ say nồng; cho cháu nhỏ tung tăng đến trường học tập,
cho bạn trẻ lên giảng đường tích lũy tri thức, chắp cánh ước mơ để ngày mai bay
vào bầu trời cuộc sống, cho người già được an vui bên cháu con…Công lao của người
chiến sĩ không lời nào nói hết được…Qua cuốn sách nhỏ này, người viết muốn bản thân cũng như nhiều người hiểu thêm
về cuộc sống của người chiến sĩ, bày tỏ lòng yêu quý, ngưỡng mộ, tri ân đối với
các bậc tiên hiền và Anh Bộ Đội Cụ Hồ”.
Chúng
tôi cho rằng với 2 tập sách tuyển chọn công phu, với những lời bình giản dị, dễ hiểu, có những chỗ thăng hoa,…nhà
văn Nguyễn Thị Thiện đã đóng góp đáng kể vào đời sống văn học hiện nay.
Nếu có
điều gì muốn góp thêm với tác giả để lần
tái bản sẽ tốt hơn. Đó là lai lịch bài
thơ Nam
Quốc Sơn hà. Các tài liệu cũ cho là của Lý Thương Kiệt. Nhưng sách giáo
khoa THCS cũng đã đính chính ( xem Ngữ văn 7 tập 1, Nxb Giáo Dục, 2003, tr.
63). PGS Bùi Duy Tân cũng đã khẳng định bài thơ này có trước khi Lý Thường Kiệt
đánh nhau với quân Tống, nên không thể
do Lý Thường Kiệt viết. (xem: Bùi Duy Tân: Truyền thuyết
về một bài thơ: "Nam quốc sơn hà" là vô danh không phải của Lý Thường
Kiệt. Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 (72) - 2000,
tr.32-42.).
Cho đến
nay, theo những gì chúng tôi biết còn hạn hẹp thì có lẽ người viết lời bình nhiều
nhất cho các bài thơ ( chủ yếu là thơ cổ) là nhà văn cựu chiến binh Vũ Bình Lục,
khoảng 2000 bài; tiếp theo là tập “Bình thơ” đồ sộ của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Một người xứng đáng có tên trong “kỉ lục bình thơ” chính là nhà văn Nguyễn Thị
Thiện.
Từ giáo viên Văn trở thành
nhà bình thơ, lại là bình thơ có kỉ lục với 8 tập đã in, Nguyễn Thị Thiện đúng
là con ong chăm chỉ luôn tìm tòi và lan toả vẻ đẹp của thơ văn đáng trân trọng
và mến phục!
Hà Nội, 30 tháng 6 năm 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét