Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

PHÊ BÌNH VĂN HỌC TỪ TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA

 PHÊ BÌNH VĂN HỌC TỪ TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA

(Đọc Lý lẽ của trái tim, bình luận & chân dung của Cao Ngọc Thắng, Nxb Văn học, 2020)

 bui-viet-thang

                       NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG

   Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa là phẩm chất đáng quý, không phải ai trong nghề cũng “chạm” tới được. Nó là phương pháp căn cốt, hữu hiệu hơn nhiều lần những phê bình Hậu hiện đại, Phân tâm học, Sinh thái học, Nữ quyền luận, Ký hiệu học, ...đang ào ạt đổ bộ từ nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây khiến không ít người thiếu bản lĩnh hào hứng đến độ đê mê vì thấy chúng “mới” (lạ), thậm chí “khai tâm” (!?). Tôi được thụ giáo viết phê bình văn học vào cuối những năm bảy mươi thế kỷ trước từ người thầy uyên bác, tinh tế - GS, NGND, nhà văn Lê Đình Kỵ. Trong bước đầu chập chững làm nghề, thầy khuyên tôi phải cố gắng đọc của thiên hạ nhưng đừng bị “ám” bởi các lý thuyết vì “Lý thuyết thì xám, còn cây đời mãi mãi tươi xanh” (Gơt). Thầy cho tôi bài học nhập môn “viết bằng cảm xúc nhưng cần sự kiểm soát của lý trí”.

    Lý lẽ của trái tim là bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (1919-2019) được dùng làm đặt tên cho cả tập sách. Xét về năng lực trải nghiệm sống, trải nghiệm văn chương, trải nghiệm văn hóa, tôi thấy đồng nghiệp của mình đủ thẩm quyền viết về những vấn đề của văn học từ góc nhìn văn hóa. Hai mươi bốn (24) bài viết được đưa vào sách Lý lẽ của trái tim, tôi thấy nổi bật hàng đầu là những vấn đề về lịch sử (Dân ta phải biết nước ta), chủ quyền quốc gia (Biển đảo Tổ quốc tôi - Bản hợp ca nhiều cung bâc), thống nhất giang san (Hai chữ bình thường trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên), truyền thống văn chương dân tộc (Trở về vốn thơ xưa),... Những bình luận này thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề vĩ mô của đời sống tinh thần dân tộc. Hay nói cách khác là tinh thần công dân tích cực của nhà văn khi coi ngòi bút của mình luôn phụng sự chính nghĩa, dĩ công vi thượng, nuôi dưỡng ngọn lửa nồng nàn yêu giang san đất nước, yêu truyền thống văn hóa/văn chương dân tộc, yêu hòa bình và khát vọng hạnh phúc của toàn dân, đề cao tình đồng bào, đồng chí. Tôi biết, tác giả là một cựu chiến binh, đã thấm nhuần “máu người không phải là nước lã”, nên hiểu rõ giá trị của sự sống, của hòa bình, của khát vọng hạnh phúc bình thường, đơn sơ, chân chính. Tôi thấy tác giả viết bằng tất cả sự đồng cảm, đồng điệu để trải lòng cùng người đọc: “Khi Văn Cao viết thơ - ca từ cho ca khúc Mùa xuân đầu tiên, thì ông không viết cái “bình thường” của bình thường, mà là cái “bình thường” của rất - đỗi - bình - thường, vì vậy cái “bình thường” ấy không còn bình thường nữa”. Ngẫm kỹ sẽ thấy cách viết này là của một người đã trải nghiệm sống/văn chương/văn hóa. Ca khúc  bất hủ này của nhạc sỹ Văn Cao thật vô lý khi một thời đã bị cố tình hiểu lầm, thậm chí hạn chế công diễn, nay thì nghiễm nhiên trở lại trong giai điệu tự hào cùng với thời gian, nó có giá trị “vượt gộp” (chữ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc) (!?).

   Tôi và nhiều người đọc thích phần viết của tác giả về bạn văn Thy Ngọc (Người bạn của trẻ em), Lâm Quang Mỹ (Thăm thẳm chiều...sóng xô), Trần Hòa Bình (Một Khau Vai số phận), Trần quốc Thực (Chiết xuất từ giấc mơ), Trần Quốc Huấn (Tiếng kèn của người lính). Trong mỗi bài viết vừa kể trên (như là những ví dụ tiêu biểu), cách viết của tác giả là từ xa đến gần, từ văn đến đời, từ chữ đến nghĩa. Thêm nữa, tác giả có cái khả năng, tôi gọi là “thông linh”. Nghĩa là cái khả năng giao tiếp, hiểu biết những đối tượng có thể mình chưa gặp trực tiếp, thậm chí khả năng nối dây giữa thế giới âm và dương, giữa những cách trở biền biệt không gian - thời gian. Tôi chỉ muốn dừng lại ở bài viết Tiếng kèn của người lính, về bạn văn Trần Quốc Huấn (1952-2014). Xét về tuổi tác thì Trần Quốc Huấn (1952), Cao Ngọc Thắng(1953) và tôi (1951) cùng thế hệ. Tôi và Trần Quốc Huấn là đồng môn cùng khóa 14 (1969-1973), Khoa Ngữ văn,  Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm thứ nhất tôi cùng anh trọ trong một nhà dân ở xóm La Khê (làng lụa nổi tiếng), Hà Đông. Học hết năm thứ hai thì anh nhập ngũ, vào lực lượng Công an vũ trang (bây giờ thuộc Bộ đội Biên phòng). Sau 1975, anh trở về Trường học tiếp, rồi ra công tác ở một vài cơ quan khác nhau, những năm cuối đời anh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh. Anh là con rể của GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học. Trần Quốc Huấn là người tài hoa (cầm, kỳ, thi, họa), lúc trẻ rất đẹp trai. Ai cũng nghĩ anh là người đào hoa, a-ma-tơ,... Nhưng ở gần Trần Quốc Huấn hai năm tôi biết, trái lại, anh rất chỉn chu, nghiêm ngắn, cầu thị, đàng hoàng, sống hướng nội nên sau này viết văn là thường, hay ‘tìm vào nội tâm”. Sự nghiệp văn chương của Trần Quốc Huấn, có thể nói, không hoành tráng, lừng lẫy như ta thường nói bây giờ. Anh khiêm tốn trong nghề viết, chỉ để lại vẻn vẹn có một tác phẩm Người lính kèn về làng (tập truyện, Nxb Trẻ, 2015), một Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1987. Trong làng văn, có thể nói Trần Quốc Huấn không phải là một “sao”. Nên ít người biết và sáng tác cơ hồ bị lãng quên cùng với thời gian khi các thế hệ 7X, 8X, cả 9X bây giờ đồng loạt xông lên  chiếm lĩnh văn đàn. Tôi là người thuộc số rất ít hiểu Trần Quốc Huấn khá kỹ như thế. Nhưng khi đọc bài viết của Cao Ngọc Thắng, thì mới ngộ ra, “ông” này có khả năng “thông linh”. Sau điều tra mới biết, Cao Ngọc Thắng chơi thân với nhà thơ Trần Trung (anh trai Trần Quốc Huấn), một giáo viên dạy văn giỏi nức tiếng Trường Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định trước đây, sau lên Hà Nội dạy Trường Chuyên thuộc Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nay đã rửa tay gác kiếm ...làm thơ và... viết phê bình thơ. Một đôi lần tôi có kể với Cao Ngọc Thắng chuyện về Trần Quốc Huấn thưở chúng tôi đầu xanh tuổi trẻ.  Nghe chuyện. Đọc văn. Hình dung và tưởng tượng. Kể cả “ướm” mình vào đối tượng mà viết. Nên cuối cùng bài Tiếng kèn của người lính (về bạn văn Trần Quốc Huấn), theo tôi, là một trong ba bài hay nhất của tập sách (về Trần Hòa Bình, về Trần Quốc Thực, về Trần  Quốc Huấn). Tôi có cái cảm giác đặc biệt, những câu văn do Cao Ngọc Thắng viết về bạn văn Trần Quốc Huấn cứ như chính mình viết: “Đọc truyện ngắn của Trần Quốc Huấn tôi hình dung dáng ông ngồi tư lự, dáng ông cúi đầu trên trang viết đăm chiêu, nhọc nhằn, xoay xở, ánh mắt xa buồn, mông lung. Những con chữ ông tung ra tãi bày dày đặc trên từng trang sách như nói rằng: đằng sau chúng, bên dưới chúng còn ẩn vô khối điều phải đọc! Đọc Trần Quốc Huấn không thể vội được. Văn của ông có vẻ giản dị đấy, nhưng không hề đơn giản. Nó thầm thì chứ không gào thét, thâm trầm nhưng không nặng nề, buồn nhưng là buồn thấm thía, lặn xuống rồi  lại trồi lên, loang ra thành những vòng tròn giao thoa trên mặt nước”. Viết như thế là làm bật lên được thần thái Trần Quốc Huấn bằng cái năng lực gọi là “thần giao cách cảm” (!?).

    Biên độ phê bình văn học (mở rộng ra cả ngành hội họa) chứng tỏ cái vốn văn hóa của Cao Ngọc Thắng được bồi đắp kỹ lưỡng, thường xuyên. Ngoài các bài bình về văn chương, anh còn mở rộng ra hội họa khi viết về họa sỹ Tô Ngọc Thành (Tươi nguyên miền ký ức), họa sỹ Ngọc Linh (Người giữ ấm mùa xuân), họa sỹ Hoàng Hà Tùng (Hoàng Hà Tùng - Một cá tính đầy bản lĩnh). Không phải là chuyện lấn sân trong phê bình (tác giả gọi là bình luận), mà chứng tỏ khả năng bao quát nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật của tác giả. Cao Ngọc Thắng làm thơ, viết ký, truyện ngắn, chân dung. Anh hiện tham gia Hội Điện ảnh Hà Nội (có chân trong BCH). Trải sức lực và tình yêu nghệ thuật như thế hiếm lắm ru trong thời buổi gạo châu củi quế (thật mạnh bạo khi anh vươn tay ra xa viết cả về những tác giả, tác phẩm của Cu Ba, Trung Quốc). Đôi khi tôi cứ vân vi: Cao Ngọc Thắng lấy đâu sức lực và thời gian để cùng lúc làm được nhiều việc có kết quả tốt như thế? Tôi thì chịu, cứ thâm canh tăng năng suất chỉ trong phê bình văn xuôi, đã thấy mệt.

   Tôi biết, Cao Ngọc Thắng gốc người Hà Nội, từng đi lính, từng dạy đại học, từng làm báo, làm phim nên văn của anh có cái biệt sắc chốn kinh kỳ: kinh lịch, trang nhã, tinh tế và kỳ khu. Xin mời quý độc giả đọc trực tiếp tác phẩm Lý lẽ của trái tim của nhà văn Cao Ngọc Thắng để thấy những nhận xét của tôi về bạn văn là hoàn toàn có cơ sở./.

                                                            Hà Nội, tháng 8-2020

 muadong

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét