Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

CUỐN SÁCH ĐỘC ĐÁO CỦA PGS.TS. TRẦN THỊ TRÂM

 

CUỐN SÁCH ĐỘC ĐÁO CỦA PGS.TS. TRẦN THỊ TRÂM

Đọc  Trần Thị Trâm - Văn học dân gian Việt Nam sau 1986, Nhà xuất bản Văn Học, 2022.

                              Vũ Nho



      Không biết do cơ duyên nào mà PGS.TS Trần Thị Trâm, giảng viên của Học viện báo chí tuyên truyền lại gắn bó với văn học dân gian nhiều như vậy. Trong 10 cuốn sách  đã công bố thì có tới 4 cuốn liên quan đến văn học dân gian ở dạng chuyên khảo hay giáo trình. Phải chăng, cuốn sách Văn học dân gian trong xã hội hiện đại công bố năm 2013, năm 2014 được trao giải 3A và năm 2017 được Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam tái bản là một sự cổ vũ,  khích lệ, động viên người viết? Chỉ biết rằng tác giả Trần Thị Trâm vẫn tiếp tục sưu tầm, tiếp tục nghiền ngẫm, tiếp tục đào sâu vào mảng đề tài để trên cơ sở của cuốn sách đã công bố, cho ra đời cuốn sách mới đồ sộ “ Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” với dung lượng 433 trang khổ 14,5 x 20, 5 cm. Vì sao lại đặt vấn đề lây mốc 1986 mà không phải là năm nào khác? Tác giả giải thích:

             Bởi vì văn học dân gian 30 năm kháng chiến ( từ 1945 đến 1975), đã được sưu tầm, đánh giá khá đầy đủ trong một số công trình của các tác giả khác. Còn từ 1975 đến năm 1986, theo quán tính, văn học dân gian vẫn phát triển theo dòng chảy sử thi, nên sự đổi mới so với giai đoạn 1945 – 1975 là chưa đáng kể”. ( trang 13)

            1986 , đất nước chúng ta bước vào thời kì đổi mới, tiếp sau đó  lại  trải qua thời kì đại dịch covid năm 2020 -2022. Đây là thời kì có những khác biệt rất lớn với các thời kì trước.

            Chúng tôi nghĩ rằng chọn được đúng và trúng cho hướng nghiên cứu đã là một bước thành công. Hơn thế nữa,  với tư cách là một chuyên gia về văn học dân gian, tác giả triển khai hướng nghiên cứu trong tinh thần so sánh đặc trưng,  hệ thống thể loại, đặc điểm thẩm mĩ của văn học dân gian các thời kì khác nhau, càng làm nổi bật đối tượng văn học dân gian Việt Nam sau 1986.

Chương 1. Đặc điểm phát triển của văn học dân gian Việt Nam sau 1986 là chương quan trọng, thể hiện những đóng góp mới của tác giả trong nghiên cứu. Để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về văn học dân gian Việt Nam nói chung và văn học dân gian Việt Nam sau 1986 nói riêng, Trần Thị Trâm đã nêu vắn tắt Khái niệm văn học dân gian, Đặc trưng của văn học dân gian Việt Nam, Hệ thống thể loại của văn học dân gian, Đặc điểm thẩm mĩ dân gian. (từ trang 20 đến 38). Những điều này đều đã có trong các công trình nghiên cứu, giáo trình của các chuyên gia văn học dân gian như Đinh Gia Khánh, Đỗ Bình Trị, Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Bích Hà,…Tác giả Trần Thị Trâm tóm lược những điều cốt lõi nhất.

           Đóng góp quan trọng  của tác giả chính là chỉ ra các nét khác biệt của văn học dân gian Việt Nam sau 1986. Cụ thể:

-         Khác biệt về tác giả và công chúng tiếp nhận.

Tác giả đã chính xác khi cho rằng “sự tham gia tích cực của tầng lớp trí thức, cùng những hỗ trợ hiệu quả từ nhiều ngành khoa học kĩ thuật tiên tiến khác đã làm cho văn học dân gian hiện đại dù vẫn mang hình thức dân gian nhưng lại hàm chứa một tư duy nghệ thuật bác học” (tr.49).

-         Sự thu hẹp về nội dung phản ánh.

       Xưa kia, văn học dân gian là một túi khôn, phản ánh mọi mặt về quan hệ con người với thiên nhiên, con người với con người. Người ta có thể tìm thấy nhiều mặt trong kho báu này. Đây là nơi “lưu giữ tất cả những gì là quốc bảo, quốc túy, quốc hồn, là tư liệu lịch sử vô giá, là bức tranh toàn cảnh phản ánh đầy đủ, chân xác, sinh động và nghệ thuật toàn bộ lịch sử xã hội và lịch sử tâm hồn dân tộc” ( trang 51). Hiện nay, văn học dân gian có xu hướng thu hẹp nội dung phản ánh. “Nó có vẻ chỉ quan tâm đến những điều bức xúc còn thiếu hụt trong văn học viết và các phương tiện truyền thông chính thống” ( trang 54).

-         Sự khác biệt về giọng điệu

            Tác giả Trần Thị Trâm đã so sánh cho thấy giọng  điệu văn học dân gian bây gời đã khác, rất khác.  Không còn đơn thanh, không còn ngợi ca, không còn nghiêm túc. ”Các tác giả văn học dân gian đã không “viết” như trước nữa và công chúng cũng không “đọc” văn học dân gian như trước nữa. Văn chương dân gian từ đơn thanh, xuôi chiều, giờ đây đã  trở nên đa thanh và đầy tính chất phản biện, đối thoại” ( trang 66).

            Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của giọng điệu, chính là yếu tố “giễu nhại”. Nhà nghiên cứu đã dành nhiều trang để phân tích về giễu nhại và sự “giải thiêng”. Không những thế còn phân tích các hình thức “nhại” : “ Nhại cả bài, nhại phong cách, nhại chi tiết. Nhại từ ca dao đến thơ cổ điển của các bậc tiên bối” ( trang 81). Kèm với những lập luận, phân tích là hàng loạt những dẫn chứng rất thú vị:

-         Hôm qua có tâm có tài

            Hôm nay  thì đã nằm dài trong lao

-         Chị em nổi máu thơ ca

Trên lục dưới bát tuôn ra tồ tồ

-         Đầy tớ thì đi ô tô

Ông chủ lộn ngược ba lô nhảy tàu

-         Việt Nam có chuyện lạ đời

Chưa qua lớp mười đã được giáo sư

-          Ngày xưa trí thức ngạo đời

Ngẩng lên xếch mắt coi trời bằng vung

Ngày nay trí thức anh hùng

Khom lưng uốn gối, coi vung bằng trời …

Rất nhiều các ví dụ cụ thể, sinh động, tươi ròng sự sống đã làm cho những phân tích, lập luận càng thêm thuyết phục.

Phần văn học dân gian thời covid ( từ trang 93 đến trang 128) là phần được viết kĩ, thể hiện sự bao quát tư liệu và khả năng phân tích, khái quát của tác giả. Chúng tôi đánh giá cao và coi đây là đóng góp độc đáo, mới mẻ của PGS.TS. Trần thị Trâm.

Chương 2 : Sự hóa thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hóa dân tộc. Đây là một chương dày dặn, nôi dung phong phú, thể hiện năng lực nghiên cứu tổng hợp, khái quát, và chi tiết của người viết.

Việc chỉ ra văn học dân gian hóa thân vào văn học viết cho thấy tác giả đọc nhiều và điều quan trọng là nhớ để liên hệ đúng lúc đúng chỗ.  Ví dụ liên hệ gữa câu thơ  của Bà Huyện Thanh Quan ở bài Qua Đèo Ngang với ca dao ( tr. 139- 140). Hay như câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi ( Tự hát) với câu ca dao : Yêu anh cốt rũ xương mòn/ Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh. ( trang 146).

Có lẽ là giảng viên của học viện Báo chí tuyên truyền, nên cô giáo  Trần Thị Trâm đã dành cho các sinh viên một chuyên đề quan trọng : Văn học dân gian hóa thân vào tác phẩm báo chí.  Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất công phu, tử công phu của tác giả khi  lấy tư liệu  dẫn chứng cho phần này.

Trong số 1465 bài báo có sử dụng chất liệu văn học dân tộc thì 816 lần sử dụng để đặt tên cho tác phẩm báo chí, trong số đó văn học dân gian là 612 lần, chiếm 75 % ( tít chính là  502 lần, tít phụ là 110 lần).

-         Sử dụng tri thức văn học ở sapô 132 lần

-         Sử dụng tri thức văn học dân gian trong nội dung bài báo  567 lần ( 185 lần mở đầu bài báo, 284 lần viện dẫn trong bài, 98 lần kết thúc bài báo) “ ( trang 167 – 168).

Chưa kể người viết còn theo dõi các chương trình trò chơi trên Truyền hình như Trò chơi Liên tỉnh, SV 96, SV 2000,  Đường lên đỉnh Olimpia,  Chiếc nón kì diệu,  Hành trình văn hóa, Hãy chọn giá đúng, Ai là triệu phú, Ai là ai?  Tam sao thất bản, Rung chuông vàng, Chúng tôi là chiến sĩ, Hành khách cuối cùng ( VTV), Đuổi hình bắt chữ,  Chơi chữ, Hộp đen, Rồng vàng (THHN) ( trang 198) và có những nhận xét, phân tích, đánh giá  thấu đáo.

            Chúng tôi đánh giá rất cao công phu của tác giả    giá trị thực tiễn của   chương 2.

            Có một điều lăn tăn nho nhỏ    Nhan đề sách : Văn học dân gian Việt Nam sau 1986. Chương 1. Đặc điểm phát triển của văn học dân gian Việt Nam sau 1986  ( tất cả dẫn chứng đều lấy từ mốc sau 1986). Chương 2 : Sự hóa thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hóa dân tộc.  ( Các dẫn chứng lại không lấy mốc sau 1986, mà là  không theo giới hạn đó). Nếu như chương 2 có nhan đề : Sự hóa thân của văn học dân gian sau 1986 trong các hình thức văn hóa dân tộc   thì mới rõ trình tự  chương 1 và 2. Để ý thì thấy phần kết luận, 6 điểm ( trang 222 -224), người viết không có dòng nào cụ thể cho chương 2).

 Chúng tôi đồ rằng  người viết đã sử dụng tư liệu của cuốn Văn học dân gian trong xã hội hiện đại nên chưa kịp chỉnh sửa cho cân xứng, thành ra có sự “xộc xệch” này!

            Có thể coi phần 2  như là phụ lục gồm 2 mảng :

Văn hoc dân gian Việt Nam từ 1986 đến cuối 2019 với 500 câu Thành ngữ, tục ngữ, 500 câu ca dao, 150 Truyện cười.

Văn học dân gian từ 2000 đến 2022 ( thời covid) với  60 câu Thành ngữ, tục ngữ, 150 câu Ca dao ,  40  Truyện cười.

            Đây là một tư liệu quý, rất quý  cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc nói chung.

      Tóm lại,  cuốn sách Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 của PGS.TS. Trần Thị Trâm là một cuốn sách độc đáo, công phu, giàu giá trị lí luận và thực tiễn.

                                                 Hà Nội, 19 tháng 7 năm 2023

           

           


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét