MỘT QUAN NIỆM MỚI MẺ VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Cuốn “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” (VHDGVN sau 1986) của tác giả Trần Thị Trâm vừa ra đời (NXB Văn học, 2022) là một cuốn sách lý thú, có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong đời sống đương đại hôm nay.
Có thể nói, đây là công trình đầu tiên sưu tầm, nghiên cứu VHDG sau 1986 một cách nghiêm túc bài bản, phong phú, độc đáo và phần lý luận được viết khá sâu sắc. Công trình “Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986” của chị có thể coi là sự kế cận, nối tiếp các cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, in năm 1971 (hơn 500 trang), “Ca dao Việt Nam 1945 – 1975” của Nguyễn Nghĩa Dân in năm 1997. Bởi chị biết “ngắt đoạn thời gian” có nhiều sự kiện xã hội đặc biệt, mới mẻ, tác động làm nảy sinh dòng văn học này. Đồng thời chị biết cần phải nối tiếp giai đoạn văn học dân gian từ năm 1986 trở về trước chưa từng nảy sinh các vấn đề của thời hiện đại. Điều chị muốn là công trình kế tiếp của chị phải quy mô, khoa học, đầy đủ thể loại và thực sự là cuốn sách có giá trị mà từ năm 1986 đến nay chưa có công trình nào tổng hợp được.
Vì vậy, “Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986” bao gồm hai nội dung lớn: Phần Chuyên luận và phần Sưu tầm, Tuyển chọn.
Phần Chuyên luận là những bài nghiên cứu kỹ lưỡng đã từng viết thành giáo trình giảng dạy ở Học viện Báo chí tuyên truyền nơi chị công tác và đã được bổ sung, phát triển thành thành cuốn “Văn học dân gian trong xã hội hiện đại” (In năm 2013 – NXB Văn học). Đây là phần đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu công phu, có sự so sánh đối chiếu đồng đại, lịch đại, có luận cứ luận chứng rõ ràng… làm nên giá trị cần thiết nhất của cuốn sách. Chuyên luận đã trình bày ngắn gọn, hệ thống, rõ ràng những vấn đề cơ bản nhất về đối tượng nghiên cứu, như: văn học dân gian là gì? vai trò của văn học dân gian đối với sự phát triển của các loại hình văn hóa khác (văn học viết, báo chí, âm nhạc, sân khấu điện ảnh…).
Điều đáng bàn là từ thực tiễn, chị đã tìm ra được đặc điểm khác biệt của dòng VHDGVN sau năm 1986. Đó có sự khác biệt về tác giả và công chúng tiếp nhận: “Sự thay đổi về trình độ của công chúng, sự tăng cường về cơ cấu tri thức trong lực lượng sáng tác là nguyên nhân chủ yếu đã tạo nên cho văn học dân gian hiện đại một diện mạo khác biệt so với truyền thống” (Trang 41) “Phát triển với tốc độ lớn, có sự thay đổi nhanh chóng về số lượng và chất lượng, có sự gia tăng chất hài, tăng cường tính thời sự, tăng cường chất triết luận và chất trí tuệ” (Trang 42) hoặc: “Văn học dân gian hôm nay nhằm phản ánh những nỗi niềm tâm sự của con người giữa cuộc đời với bao biển động phức tạp… Càng ngày càng trở nên đa thanh mà chủ âm là tiếng nói đầy chất trí tuệ và đầy tinh thần phản biện của kẻ sĩ trước những bất công ngang trái trong xã hội” (Trang 46). Chị cũng phát hiện ra VHDGVN sau 1986 có sự thu hẹp về nội dung phản ánh: “Nó có vẻ chỉ quan tâm đến những điều bức xúc còn thiếu hụt trong văn học viết và các phương tiện truyền thông chính thống” (Trang 54), “Sau năm 1986, bộ phận văn chương này hầu như chỉ hướng tới những vấn đề nhạy cảm và đã mạnh dạn phanh phui những điều khuất tất trong đời sống xã hội” (Trang 55). Ngoài ra Tiến sĩ Trần Thị Trâm còn tìm ra những đặc điểm khác biệt nữa của VHDGVN sau năm 1986 là khác biệt về giọng điệu và thu hẹp về hệ thống thể loại… Tôi nghĩ, nếu không đọc hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, nghe hàng trăm câu chuyện truyền miệng, xăm soi từng từ từng ngữ… làm sao Tiến sĩ có được những kết luận trên.
Đặc biệt, trong cuốn “VHDGVN sau 1986”, Tiến sĩ Trần Thị Trâm đã sưu tầm, nghiên cứu bổ sung thêm phần VHDGVN thời Covid. Bởi nạn dịch Covid từ năm 2020 đến năm 2022 là sự kiện kinh hoàng đối với cả nhân loại trong đó có Việt Nam. Mà ta đã biết, Văn học dân gian thường nhanh nhạy, đi trước và luôn có “vạn con mắt nhân dân” nhìn thấy “không gian 4 chiều” của cuộc đời, không lẽ gì sự kiện dịch Covid kinh hoàng ấy không cống hiến cho nền VHDGVN hiện đại hôm nay một kho ca dao, tục ngữ, chuyện hài và những câu nhại bật cười rơi nước mắt, kiểu như:
Bao người đang sống yên lành
Bỗng đùng một cái hoá thành ép không (F0)
Ngày xưa ao ước đủ điều
Bây giờ chỉ ước hai liều vắc xin
Tiếng hát át tiếng ho
Nghe tiếng ho, lo hơn tiếng súng
Với một quan niệm rất mới mẻ về văn học dân gian đương đại, áp sát cuộc sống, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn Trần Thị Trâm đã nhanh chóng sưu tầm , tập hợp được các câu ca dao, tục ngữ, câu nhại, câu chuyện… vừa xuất hiện tại thời điểm dịch Covid để lưu giữ và nghiên cứu. Không ngờ các tư liệu ấy đã giúp chị hình thành một giai đoạn đặc biệt của dòng VHDGVN đương đại mang tên VHDG thời Covid. Bằng phương pháp phân tích quy nạp từ những tư liệu thu thập được, chị đã tìm ra đặc điểm của dòng văn học dân gian thời Covid. Đó là nó “Phát triển bùng nổ và mang tính thời sự cao” (Trang 93), “Có sự tham gia đông đảo của lực lượng tri thức vào quá trình sáng tác làm cho chất trí tuệ, chất hài được tăng cường rõ rệt” (Trang 98, 99). “Tiếng cười nghiêng về tính giải trí, như một liều thuốc tinh thần, giúp con người giảm strees, giảm áp lực khi phải đối diện với căn bệnh đại dịch đáng sợ” (trang 111). “Giọng điệu chủ âm là khẳng định, ngợi ca, tin tưởng” (Trang 112). Việc bổ sung dòng VHDG thời Covid là một đóng góp đáng kể và độc đáo, làm phong phú, hấp dẫn cuốn sách của chị.
Trong phần Chuyên luận của cuốn “VHDGVN sau 1986”, còn có nội dung thứ hai làm nên giá trị cuốn sách, giúp các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian có thêm lý luận và thực tiễn cần thiết. Đó là Sự hoá thân của văn học dân gian trong các hình thức văn hoá dân tộc. Ở phần này, Tiến sĩ Trần Thị Trâm đã nhấn mạnh việc hoá thân của VHDG vào 3 loại hình chính là văn học viết, vào tác phẩm báo chí và vào các loại hình văn hoá khác. Ở mỗi loại hình chị đã chứng minh được VHDG hoá thân một cách sáng tạo thế nào, Vì sao nó hoá thân và Tác dụng của việc hoá thân đã làm cho mỗi loại hình thêm sinh động, hàm súc, phong phú hơn. Ví dụ: câu thơ của Xuân Quỳnh “Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát) Xuân Quỳnh đã chắt lọc được từ câu ca dao truyền thống: “Yêu anh cốt rũ xương mòn/ Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh”. Vì thế nó “dệt nên những câu thơ hay nhất…thánh thiện và đằm thắm thiên tính nữ của nhà thơ” (Trang 146).
Còn những ai, không chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu VHDG hiện đại mà còn đặc biệt thích thú với kho tàng VHDG, hoặc những ai yêu thích tính giải trí của VHDG thì hãy đọc Phần hai cuốn sách, nhan đề: Một số tác phẩm văn học dân gian Việt Nam sau 1986. Đọc rồi mới thấy không “một số” chút nào. Những 560 câu thành ngữ - tục ngữ, 650 bài ca dao, 190 truyện cười. Cả thảy 1.400 tác phẩm, chứ đâu có “một số”?. Đọc rồi mới thấy tác giả cuốn sách công phu, chịu khó, bền bỉ, tỷ mẩn và có tâm trong công trình sưu tầm này. Bởi không chị thì ai? Ai trong những tháng năm này có được lòng say mê và tự nguyện xây dựng một kho tàng VHDG thời hiện đại như chị? Cả hơn ngàn câu ca dao tục ngữ thành ngữ, gần 200 câu chuyện truyền miệng, tôi nghĩ rằng chị phải chắt lọc ra từ hàng ngàn câu ca dao tục ngữ thành ngữ, hàng trăm câu chuyện tếu táo vui vẻ nghe được, đọc được từ quần chúng nhân dân, bạn bè, trong sách vở báo chí, đài phát thanh truyền hình, báo mạng và trên facebook…Tất cả phần lớn truyền miệng và ít đi vào văn bản chính thống. Tuy nhiên người có tâm sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tỉnh táo sẽ nhận ra cái gì cần lưu giữ và cái gì cần gạt bỏ. Vì thế, 1.400 tác phẩm VHDG hiện đại đưa vào đây được sắp xếp rất khoa học, được lựa chọn khá kỹ càng nên đều là những tác phẩm có tính xây dựng tốt:
Dạy con từ thuở còn thơ
Phòng dịch hiệu quả là nhờ 5 K
Đầu thì chỗ bạc, chỗ thưa
Áo quần xanh đỏ, vẫn chưa chịu già
Nhiều khi gây cười giải trí để bớt căng thẳng
Chiều chiều ra ngó AT (ATM)
Trông về tài khoản ruột ê chín chiều
Hôm nay ngày đã bao nhiêu
Mà sao chưa thấy mẹ yêu gửi tiền
Hay
Ai xui em mặc áo phông
Để cho anh thấy cái không có gì
Nhiều tác phẩm cười phê phán thói hư tật xấu trong đời thường:
Thân em như tấm lụa đào
Quỷ tha ma bắt lại vào tay anh
Ngày nào cũng chạy loanh quanh
Tới các quán nhậu “thỉnh” anh về nhà
Không nói gần, chẳng nói xa
Lấy nhầm chồng nhậu quả là cực ghê
Nhìn chung, những tác phẩm được sưu tầm và chọn lọc in trong cuốn “VHDGVN sau 1986” đều rất hiện đại, đúng thời cuộc, đúng phẩm chất văn hoá đương thời và đúng ngôn ngữ thời đại. Nhiều tác phẩm (nhất là ca dao tục ngữ) được phát triển, sáng tạo từ những tác phẩm gốc, cũ khiến bạn đọc ngỡ ngàng thích thú vì nó rất đúng với thời đại hôm nay. Ví dụ “Hồng nhan bạc tỉ”. “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ Ép không”
Tiến sĩ Trần Thị Trâm vốn đã viết tới hơn 10 cuốn sách gồm Lý luận phê bình, tiểu luận, nghiên cứu… cuốn nào cũng để lại dấu ấn và có giá trị với bạn đọc. Đến cuốn “VHDGVN sau 1986” này là chị có một công trình nghiên cứu đặc biệt, độc đáo, nhiều ý nghĩa.
Giá trị của cuốn sách trước hết giúp làm tài liệu cho người học và nghiên cứu văn học. Tiếp nữa là giúp bạn đọc cùng các nhà nghiên cứu VHDG thấy rõ sự tồn tại và phát triển khác biệt của dòng VHDG hiện đại giai đoạn sau 1986 so với với dòng VHDG cổ truyền ( trước cách mạng Tháng tám ) giai đoạn từ 1945 đến 1975, thấy rõ VHDG ở giai đoạn nào cũng góp phần làm phong phú, sinh động cho văn học viết, cho báo chí và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Với ý tưởng đúc kết lý luận từ thực tiễn, tác giả còn khẳng định vai trò, vị trí của VHDGVN hiện đại đã góp phần xây dựng nền văn hoá bản sắc dân tộc và đổi mới hôm nay. Một đóng góp đáng kể nữa là cuốn sách đã loại bỏ, ngăn chặn được những ảnh hưởng tiêu cực của một số tác phẩm thiếu tinh thần xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý văn hoá, hình thành những định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho xã hội.
Xin chúc mừng PGS.TS Trần Thị Trâm - người say mê và tự nguyện, công phu và bền bỉ đã rất ý thức lưu lại được dòng VHDGVN hiện đại có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống đương đại hôm nay.
(Bài đăng trên báo Văn nghệ số 10, ngày 9/3/2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét