Nguyễn Đức Tùng:
Thưa chị Lâm Thị Mỹ Dạ, là một nhà thơ nổi tiếng, lại là người bạn đời của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, chị có thể nói vài lời được chăng?
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Hôm nay xin dành cho anh Tường, chúng mình sẽ có dịp khác. Nếu nói về anh Tường thì tôi xin nói rằng tôi đã sống nhiều năm với anh ấy và hiểu rất rõ. Đó là một người tốt nhưng chỉ quan tâm tới công việc, mà không quan tâm gì tới vợ con.
Như một người đàn bà, tôi sống với anh ấy rất là khổ.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin chị nói thêm về bản thân mình.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tôi quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Cha tôi vào Nam trước năm 1954, mẹ tôi lọt lại một mình ở lại nuôi con. Chúng tôi có hai đứa con gái, một cháu là Hoàng Dạ Thi đã lấy chồng được qua định cư ở Mỹ, bây giờ chỉ còn hai vợ chồng ở với nhau. Mọi việc gì đều nhờ đến tay bạn bè thân thiết của anh Tường.
Nguyễn Đức Tùng:
Chị đã từng viết:
Cuộc đời em đơn thân đến nỗi
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Mình biết làm sao được, vui ít, buồn nhiều. Cái an ủi lớn nhất của mình là anh Tường rất thành thật, tính hồn nhiên nhiều khi như trẻ con. Có lần đi uống rượu gặp một cô tiếp viên nhà hàng, cô ấy than thở với anh là không có tiền nuôi mẹ phải bỏ quê lên tỉnh đi làm nghề không xứng đáng. Anh ấy liền cởi cái đồng hồ quý được một người bạn tặng đem cho cô ta. Mấy người bạn phải năn nỉ bà chủ quán để lấy lại, nhưng anh ấy nhất định không chịu, nói là đã cho rồi thì không lấy lại nữa.
Nguyễn Đức Tùng:
Có một người đàn ông như thế thì ít ra có thể lấy làm an ủi rằng sự hy sinh của chị cũng có phần xứng đáng, không đến nỗi phí hoài.
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Chăm sóc anh Tường trong những ngày ngã bệnh là nhờ sự giúp đỡ và thuốc men, công lao rất lớn của bè bạn khắp nơi, chứ một mình tôi cũng không làm gì được. Bây giờ anh ấy đã từ từ hồi phục một phần, viết được trở lại. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả những người bạn chung của hai chúng tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Một hôm về Sài Gòn, buổi chiều tối tìm đến quán cà phê gần Đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng vì nhớ Hoàng Thị Hạnh, người nữ sinh viên tóc xõa ngang vai năm cũ, tôi tình cờ được nghe một ca khúc phổ nhạc thơ anh. Bài hát bồi hồi xúc động.
Có buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa
Vết thương nào cố che khuất cũng sẽ bị nhiễm trùng, cần mở chúng ra, rửa sạch, khâu vá lại, rồi cùng nhau vượt qua phiền não, đó là mới thật sự là khởi đầu của hàn gắn. Tôi tin vào sự cứu chuộc của tình yêu và tha thứ.
Những câu thơ có thể anh đã viết riêng cho chị Mỹ Dạ. Mà người viết khi đọc lại cũng còn hạnh phúc.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cám ơn anh đã nhớ những câu thơ của tôi. Điều đó làm tôi thật cảm động.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin cảm ơn và chúc anh chị sức khỏe, bình an.
Hết.
Các chú thích mới, năm 2020:
(*) NĐTT.
(1) Các bài thơ từ trong tập Người hái phù dung, NXB Hội nhà văn, 1992.
(2) Bài thơ:
NẾU
tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường
Có kẻ đọc văn anh
Đoán anh là cộng sản
Có kẻ đọc văn anh
Đoán anh là phản kháng
Có kẻ đọc văn anh
Đoán anh là chết nhát
Bọn chúng đều trật lất
Nếu nước thật trong xanh
Anh mới đúng là anh
Nhưng nước không trong xanh
Nguyễn Đức Tùng
(3) Thân Trọng Một (nghe không rõ).
(4) Lê Hữu Bôi, chủ tịch Tổng hội SV Sài gòn 1964- 1965. Tài liệu về Tổng hội trên: https://vi.wikipedia.org/.../T%E1%BB%95ng_h%E1%BB%99i...
Tổng hội Sinh viên Sài Gòn quy tụ 17 phân khoa. Chủ tịch ban đại diện 17 phân khoa mỗi năm họp lại và bầu ra Ban đại diện Tổng hội. Hai bên, một là Chính quyền Sài Gòn, hai là Thành đoàn Sài Gòn đứng sau là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam bằng nhiều cách muốn nắm lấy Tổng hội Sinh viên. Thường có ít nhất hai liên danh tranh cử. Mỗi phân khoa được bầu một phiếu. Liên danh nào đạt 9 phiếu là thắng cử. Muốn có được 9 phiếu, trước hết phải ra tranh cử ở các lớp, vào ban đại diện các phân khoa, tranh cử chủ tịch ban đại diện sinh viên nhà trường.
• Nguyễn Hữu Thái là người được đề cử là chủ tịch Tổng hội đầu tiên (1963-1964)[2]. Tuy nhiên sau đó, các Ban Đại Diện của tất cả Đại học, trường Cao đẳng tại Sài Gòn họp tại số 4 đường Duy Tân bầu Võ Văn Trưng làm Chủ tịch đoàn cho Đại học Sư phạm rồi giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên. Phó Chủ tịch Nội vụ là Nguyễn Hữu Thái, Phó Chủ tịch Ngoại vụ là Tô Lai Chánh.[3]
• Nhiệm kỳ 1964-1965 chủ tịch Tổng hội là Lê Hữu Bôi và Nguyễn Trọng Nho là thành viên Quốc dân đảng, có khuynh hướng chống cộng sản.
• Nhiệm kỳ 1965-1966, Tô Lai Chánh thân chính quyền nắm vai trò chủ tịch. Giữa năm 1966, hàng trăm sinh viên y khoa đã kéo đến bao vây trụ sở Tổng hội (số 4 Duy Tân), chất vấn Tô Lai Chánh, khiến Chánh phải bỏ trốn về Cần Thơ. Sinh viên đấu tranh đã chiếm trụ sở và phát động phong trào "tự trị đại học" do Hồ Hữu Nhựt làm chủ tịch. Ngày 30-4-1967, tại số 4 Duy Tân diễn ra cuộc bầu cử lịch sử giữa hai liên danh là Hồ Hữu Nhựt và Lê Hồng Khanh, kết quả là Hồ Hữu Nhựt đã trở thành chủ tịch Tổng hội với 2/3 số phiếu[4].
• Nhiệm kỳ 1967-1968 Nguyễn Đăng Trừng làm chủ tịch.
• Nhiệm kỳ 1968-1969 Nguyễn Văn Quỳ làm chủ tịch
• Năm 1969, liên danh Nguyễn Văn Quỳ (Chủ tịch Ban đại diện Sinh viên Nông Lâm Súc) tiếp tục đắc cử, Huỳnh Tấn Mẫm làm phó chủ tịch, sau đó khi Nguyễn Văn Quỳ tốt nghiệp, Huỳnh Tấn Mẫm được đôn lên làm Chủ tịch (1969[5]-1971).
Hoạt động đấu tranh của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn chống Mỹ mạnh mẽ nhất trong các giai đoạn lãnh đạo của Hồ Hữu Nhựt (1966-1967), Nguyễn Đăng Trừng (1967-1968), Nguyễn Văn Quỳ (1968-1969), và Huỳnh Tấn Mẫm (1969-1970).
Đến 1971, liên danh Lý Bửu Lâm (khuynh hướng thân chính quyền Sài Gòn) đắc cử. Huỳnh Tấn Mẫm sau đó được bầu là Chủ tịch của Tổng hội Sinh viên Nam Việt Nam mới ra đời tháng 7/1971[4].
Các thành viên lãnh đạo khác của Tổng hội gồm: Lê Văn Nuôi (Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn), Nguyễn Hoàng Trúc (Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Hạ Đình Nguyên (phó chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Võ Như Lanh, Trịnh Đình Ban, Cao Thị Quế Hương, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Xuân Lập, Cao Lập, Lê Hiếu Đằng.
Khoảng thời gian 1969 - 1972 là giai đoạn phong trào học sinh - sinh viên lên cao trào. Khí thế đấu tranh lan tỏa khắp đường phố Sài Gòn, được sự ủng hộ của nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội, từ tăng ni Phật tử, các ba má phong trào, công đoàn, đội ngũ dân biểu đối lập… cho đến Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng Dương Văn Minh[6].
Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên đã tan rã từ giữa năm 1972, vì Chính quyền Sài Gòn tiến hành bắt hết các lãnh đạo sinh viên, song song với việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công Việt Nam Cộng hòa tại chiến trường Quảng Trị.
Nguyễn Đức Tùng
(từ: Fb)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét