Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Cây liễu Chương Đài còn xanh tốt?

 

Cây liễu Chương Đài còn xanh tốt?

0:00/0:00
0:00
GD&TĐ - Hàn Hoành là một người giao du rộng, giỏi văn chương, thích làm thơ, uống rượu, được nhiều văn nhân, tài tử, hiệp khách yên mến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng đầu những năm 740 niên hiệu Thiên Bảo thời Đường Minh Hoàng, lúc đó Hàn Hoành 21 tuổi. Trong một lần đến kỹ viện Chương Đài vui chơi cùng bạn bè, chàng gặp một kỹ nữ họ Liễu, hiệu là Tiểu Sơn nữ và hai người luyến ái nhau vô cùng.

Do nhà nghèo không đủ tiền chuộc nên bạn bè Hàn Hoành phải xúm vào quyên góp, mới đủ tiền mang Tiểu Sơn nữ ra khỏi kỹ viện để hai người lấy nhau.

Đôi vợ chồng trẻ rất hòa hợp, thỉnh thoảng họ mời bạn hữu đến ngôi nhà lá chật hẹp để chén thù, chén tạc vui vẻ. Trong số các bạn bè, có một hiệp khách trẻ là Hứa Tuấn đặc biệt thích thú, quý mến gia đình chủ nhân. Hàn Hoành làm thơ, phổ nhạc điệu rồi hát cùng Tiểu Sơn nữ còn Hứa Tuấn thì múa kiếm góp vui.

Năm 743, Hầu Hy Dật - Tiết độ sứ ở Thanh Châu có dịp về triều đình. Có người tiến cử Hàn Hoành với Hầu Hy Dật nên ông mời chàng đến phủ đàm đạo. Là người giỏi tướng pháp, Hầu Hy Dật biết Hoành là người giỏi giang, trung tín do có tư thế “tọa tựa sơn, hành tựa thủy” (Ngồi vững như núi, đi như nước chảy), dẫu gặp khó khăn cũng có hậu vận tốt.

Ngồi nói chuyện hơn hai giờ mà Hoành không nhấp nhổm, không quay ngang quay ngửa nên Hy Dật rất ưng. Hy Dật tâu vua Đại Tông xin đặc cách phong Hàn Hoành làm quan hàm cửu phẩm giúp việc trong phủ Tiết độ sứ ở Thanh Châu. Do tình hình chiến tranh, nhiễu loạn, Hoành không thể mang theo người vợ yêu mà dặn vợ chờ ít lâu sẽ thu xếp sum họp sớm.

Hơn 5 mùa thu đã qua, hai vợ chồng bặt tin nhau, lúc này Hoành tích luỹ được một ít vàng bạc và nhân có người về kinh nên gửi cho vợ cả tiền bạc cùng một bức thư mà đến nay vẫn nổi tiếng trong sử sách. Bức thư gửi vợ của Hoành đại ý như sau:

“Hỏi thăm cây liễu Chương Đài

Ngày xưa xanh tốt, bây giờ còn xanh?

Liễu buông tơ vẫn xanh rờn

Hay là có kẻ vin cành, bẻ cây?”.

Nhận được thư, nàng Liễu thị - Tiểu Sơn nữ liền phúc đáp lại một bài thơ với dự cảm rất buồn:

“Cành dương liễu độ xuân tươi,

Năm năm chẳng thể tặng người biệt ly,

Lá vàng đã báo thu sang,

Ngày về chẳng biết cây mất hay còn?”.

Được ít lâu, Sa Tra Lợi - một viên tướng người Phiên có công giúp nhà Đường đánh dẹp người Đột Quyết, Tiên Ty và loạn An Lộc Sơn nên được mời về triều lĩnh thưởng. Về quán dịch nghỉ ngơi mấy hôm, Tra Lợi buồn nên nhờ người trong nội cung dẫn đi kỹ viện và vào đúng kỹ viện Chương Đài nằm trên một con phố nhỏ ở thành Trường An.

Tra Lợi muốn nghe hát nhưng không hài lòng với những ca kỹ trong viện khiến cả viện lo lắng. Sau các kỹ nữ mách với Tra Lợi rằng trước đây kỹ viện có Tiểu Sơn nữ tài sắc vẹn toàn nay đã xuất giá nhưng chồng vắng nhà, thử đến xem sao.

Thế là Tra Lợi và tùy tùng vội tới nhà Tiểu Sơn nữ, vừa đúng lúc nữ chủ nhân ra mở cửa khiến Tra Lợi nhìn thấy mê mẩn đến hồn xiêu, phách lạc. Do có công trạng lại được một số quan lại, tướng lĩnh ủng hộ nên Sa Tra Lợi ép được Tiểu Sơn nữ phải theo hầu mình.

Được mấy tháng thì Hàn Hoành được triệu về kinh, khi biết tin vợ bị Sa Tra Lợi ép theo đi thăm nhà người quen ở huyện gần đấy, Hàn Hoành bàng hoàng, buồn bã, nước mắt cứ rơi lã chã….

Suốt ba ngày Hàn Hoành không ngủ, chỉ uống rượu, lúc đó thì có tráng sĩ Hứa Tuấn chuyên làm việc nghĩa đến thăm. Nghe kể nguồn cơn, Hứa Tuấn vội hỏi địa chỉ Sa Tra Lợi rồi xách kiếm đi ngay.

Biết Sa Tra Lợi thích bài bạc, Hứa Tuấn rủ thêm vài người bạn làm thành một đám đánh bạc, cá cược lưu động, tìm đến nơi ở của Sa Tra Lợi. Hứa Tuấn mài, sửa con xúc xắc to sao cho khi Hứa Tuấn lắc rồi thả xuống sàn thì lật đúng số mà Hứa Tuấn chủ định khi cầm cái.

Họ giả vờ đánh xúc xắc gần nhà Sa Tra Lợi, la hét om sòm, khiến nhiều người qua đường đều xúm lại tham gia và xem. Sa Tra Lợi có việc ra ngoài thấy thế liền đến xem rồi chơi. Đánh mấy ván đầu, Hứa Tuấn thả cho Tra Lợi được, sau nhờ xúc xắc đặc biệt nên thu lại hết tiền rồi vét nhẵn túi viên tướng Phiên khiến hắn càng hăng tiết.

Bị khích bác, hắn nói có nàng hầu rất đẹp nếu có thể thì đánh cược, Hứa Tuấn đồng ý và Sa Tra Lợi bị thua. Khi người hầu đưa nàng Tiểu Sơn nữ ra thì hắn tiếc quá, rút kiếm ra gây sự với Hứa Tuấn. Chỉ mấy đường kiếm, Hứa Tuấn đánh bay kiếm của Tra Lợi, dí mũi kiếm vào cổ hắn, nhưng Tra Lợi cậy công từng phản An Lộc Sơn, góp phần tiêu diệt loạn họ An, nên chẳng sợ hãi.

Hắn quát người hầu về phủ chuẩn bị kêu với triều đình và xin vua Đại Tông bênh vực đòi trừng trị Hứa Tuấn và Hàn Hoành, làm mọi người hoảng sợ. Bằng hữu của 2 người kíp đến cấp báo với Hầu Hy Dật, nghe xong chuyện, Hy Dật vuốt râu cười nói to: Thời trẻ ta vẫn hay giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, thích xen vào việc thiên hạ, nay Tuấn trẻ tuổi lại cùng chí hướng ta, thật đáng khen!

Ngay lập tức, Hy Dật sai sư gia thảo nhanh một tờ biểu và lên xe ngựa vào triều xin dâng biểu lên vua, đàn hặc Sa Tra Lợi tội cướp đoạt vợ người. Đúng buổi chầu sớm, vua Ðại Tông xem biểu, suy nghĩ một lúc đoạn phê vào tờ biểu: “Ban cho Sa Tra Lợi hai ngàn tấm lụa; còn Liễu thị thì trả về cho Hàn Hoành nối duyên cũ” rồi nói thêm: Thiên hạ thiếu gì đàn bà, Lợi hãy tự tìm người tương hợp, không được ỷ mạnh hiếp đáp nhà lành.

Được mấy ngày, do phía Bắc có xung đột, nhân đó vua lệnh cho Sa Tra Lợi về nơi đồn trú ở biên giới ngay, Hứa Tuấn ôn tồn tìm lời nói chuyện với Sa Tra Lợi, động viên rằng: Chuyến này về quan ngoại, chắc ngài lập công cao, lúc về nhận ấn phong hầu, tha hồ tuyển mỹ nhân hầu hạ.

Sa Tra Lợi lúc đó mới vui vẻ tạm biệt tráng sĩ Hứa Tuấn. Tuấn chắp tay bái biệt viên tướng Phiên rồi mang Tiểu Sơn nữ về cho Hàn Hoành. Về sau hai vợ chồng sống yên ấm đúng như lời Hầu Hy Dật dự đoán.

Thi nhân kiệt xuất Nguyễn Du của Việt Nam dựa vào điển tích này để viết 2 câu sau trong truyện Kiều: “Khi về hỏi liễu Chương Đài/ Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?” (“Truyện Kiều” 1261 - 1262). Còn Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh trong thơ mình cũng viết: “Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ/ Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” (Chiều hôm nhớ nhà).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét