Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

SÂU TRONG MIỀN RỪNG ẤY

 


BÚT KÍ CỦA CAO NGỌC THẮNG 

 

SÂU TRONG MIỀN RỪNG ẤY

Bút ký

 IN TRONG "BẠN VĂN LÁNG HẠ", NXB DÂN TRÍ, 2023

 

Chuyến đi này tôi lại có dịp ngược dòng Lô. Đó là những ngày cơn bão số 10 vừa đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho đồng bào ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hoàn lưu sau cơn bão vẫn còn gây mưa lớn cho các địa phương miền núi phía bắc. Nước sông Lô lên cao, cuồn cuộn và đỏ ngầu.

Ừ nhỉ. Năm nay vừa tròn 70 năm chiến thắng Sông Lô oai hùng (1947-2017), một chiến thắng làm thay đổi cục diện chiến lược, từ thế phòng thủ chuyển sang thế tiến công ở quy mô lớn với những chiến dịch quan trọng trong Kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Mùa đông cách đây 70 năm, ngay tại chiến trường Khoan Bộ, cách bến Then không xa, làng mạc hai bên bờ sông Lô còn nghi ngút khói, Văn Cao đã bật reo lên những nốt nhạc bi hùng cùng ca từ xao xuyến lòng người: “Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công/ Tiếng trái phá quân thù gục chìm dòng Lô” và khẳng định Thiên nhiên cũng trở thành lực lượng của kháng chiến: “Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người/ Sông xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi/ Dòng sông Lô trôi...”. Kia rồi! Trên bến Bình Ca, nơi con sông uốn khúc, đã hiện ra dưới nắng thu vàng óng tượng đài Chiến thắng Sông Lô 1947. Trường ca Sông Lô của Văn Cao cũng là một tượng đài bằng âm nhạc ngợi ca binh chủng pháo binh non trẻ ngày đầu Kháng chiến.

 

*

 

Xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, cách thành phố Tuyên Quang 20 km về phía tây, trải rộng trên diện tích hơn 3 nghìn ha. Quốc lộ 37 nối hai tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái chạy vắt qua làm nổi lên một thị tứ khá sầm uất - trung tâm xã Mỹ Bằng. Thôn, bản của các tộc người Kinh, Tày, Dao, Mông, La Chí, Sán Dìu, Tống, Cao Lan, phân bố xen kẽ và phân định bởi những dải đồi chè thoai thoải, xanh mướt, dịu dàng con mắt. Cách hái chè bằng tay trước đây, giờ được máy móc thay thế, cũng một phần nhờ ở sự ra đời và trợ giúp của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, giảm bao công sức mà năng suất thu hái tăng gấp cả trăm lần, đời sống nâng cao, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm trên 20 triệu đồng.

Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Côi, vợ là Nguyễn Thị Mạnh người Cao Lan, làm giàu bằng việc nuôi gà giống. Trong khuôn viên rộng một mẫu, từ năm 2003 họ xây chuồng trại, nay rất quy củ, nuôi 700 con gà đẻ lấy trứng (giống lấy từ Viện Chăn nuôi trung ương), 3 lò ấp, mỗi lứa mỗi lò cung cấp 500 gà con (tổng số mỗi lứa là 1500 con) cho đồng bào địa phương và khách tứ xứ đặt hàng trước. 70 năm trước, tuy còn “thò lò mũi xanh”, khoảng 4-5 tuổi, cậu bé Côi đã chạy quanh những con đồi ngó nghiêng người lớn vận chuyển máy móc, sắt thép từ đâu đó xa lắm về quê mình. Đó là cơ sở quân giới đầu tiên của bộ đội Cụ Hồ, về đây dựng nhà lập xưởng chế tạo vũ khí, đạn dược phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày đó, ông Côi nhớ đã gặp các ông Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, những người danh nổi như cồn, góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển ngành quân giới Việt Nam. Những đơn vị chủ chốt sau này trong lực lượng kỹ thuật quân sự đều trưởng thành từ đây, từ những Z1-Z2, ông Côi tươi cười khẳng định. Nụ cười của ông Côi ánh lên niềm tự hào, bởi chính ông sau này cũng trở thành thành viên trong đội quân sản xuất vũ khí và đạn dược lớn mạnh, lập nhiều chiến công. Trước khi nghỉ hưu, ông Côi có mười lăm năm, trong tổng số hai mươi hai năm đời quân ngũ, làm việc tại Kho 28 thuộc Quân khu 2 ngày nay, đóng ngay trên địa bàn Mỹ Bằng quê hương thứ hai của ông (nguyên quán của ông ở xã Liên Báo, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nơi người con rể đang công tác, Trung tá Dương Đức Cường - Trưởng ban Chính trị, thành thân với cô con gái út của ông bà hiện đang theo nghề dạy học của mẹ.

Kho 28 hình thành từ sự sáp nhập của Kho 18 và Kho 20, đến nay tròn 22 năm, địa bàn đóng quân ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh khác nhau, nơi gần nhất, ngoài Mỹ Bằng, cũng cách 10 km, xa phải hơn 150 km. Thượng tá Đặng Quốc Bảo - Phó Chủ nhiệm Kho, nói rằng: trong điều kiện đặc thù, việc cán bộ chiến sĩ của đơn vị lập gia đình và định cư lâu dài tại những nơi đóng quân là điều dễ hiểu, từ đó, cũng rất tự nhiên, đã hình thành nên một “vành đai mềm” góp phần bảo vệ vững chắc các kho vũ khí và đạn dược. “Vành đai mềm” - một thuật ngữ rất thuyết phục, chứa đựng nội hàm xoắn xuýt giữa cái chung và cái riêng của mối quan hệ quân dân thắm thiết. Người cùng Kho lấy nhau, như trường hợp Đại úy lái xe Nguyễn Xuân Thảo và Đại úy phụ trách Bảo mật, văn thư kiêm chủ tịch Hội phụ nữ Phạm Thị Bích Thủy. Hai người làm bạn từ hoạt động văn nghệ xung kích, chàng đánh đàn, nàng hát múa, rồi nên đôi nên lứa. Những trường hợp bộ đội lấy vợ người địa phương, như ông Nguyễn Văn Côi hay Dương Đức Cường, khá nhiều, chẳng hạn Đại úy Thân Trọng Dũng, cán bộ chuyên trách công đoàn Kho, lấy vợ là giáo viên môn địa lý của trường THPT Tháng 10. Trước đây, mới năm 2011 chứ chưa lâu, Kho 28 có trên 50 nữ quân nhân, nay con số đó giảm còn 11 chị em, thì 9 chị lấy chồng là người địa phương. Lãnh đạo Kho 28 cho biết: 30 phần trăm cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã “gia nhập” vào đội ngũ làm nên “vành đai mềm”, do vậy các tổ chức công đoàn và hội phụ nữ hoạt động rất hiệu quả, từ việc xây dựng các khu gia đình quân nhân, đến tổ chức các phong trào giúp đỡ chị em vượt nghèo, xây mái ấm công đoàn, hỗ trợ những người bị nhiễm độc, những người có con mổ tim, v.v... Các gia đình quân nhân yên ấm, hạnh phúc, đơn vị tập trung bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và tăng cường sức khỏe cho bộ đội. Dựa vào dân và cùng dân đưa cuộc sống đi lên, bộ đội Kho 28 hiện tự túc 90 phần trăm thực phẩm và 60 phần trăm lương thực. Trong các bữa ăn của bộ đội, mâm cơm đầy đủ thịt, cá, rau, dưa, canh nóng hổi và xoong cơm trắng bông, vị thơm hấp dẫn.

 

*

 

Đôi mắt ông Nguyễn Văn Côi pha tia hóm hỉnh khi nhắc lại câu ca đã nằm lòng bộ đội quân giới: “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Thì ngành quân khí mới ra khỏi rừng”. Cho dù có thể trong hoàn cảnh bây giờ câu ca ấy không hoàn toàn còn đúng nữa, nhưng nó vẫn mang tính đặc trưng nghề nghiệp. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” không chỉ ở thời chiến tranh mà cả trong điều kiện sẵn sàng chiến đấu trước sự nhòm ngó của ngoại bang. Vui chuyện, ông Côi kể tiếp ngày Bác Hồ về thăm nhân dân xã Mỹ Bằng nhân dịp Người thăm căn cứ địa cách mạng Lào.

Một ngày đẹp trời và yên ả năm 1951, người dân Mỹ Bằng xôn xao rồi nô nức kéo về cây đa thôn Ngòi để được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu của mình. Cậu bé Côi tám, chín tuổi cũng hòa vào đám đông sau khi chạy thục mạng, tim còn đập rộn ràng. Vì còn nhỏ nên cậu không thể nhớ “Ông Cụ” có chòm râu hiền từ, mắt sáng như sao, bận bộ quần áo giản dị, chân đi dép cao su nói những gì. Cậu chỉ nhớ, sau cuộc nói chuyện, “Ông Cụ” ngồi nghỉ dưới gốc cây đa, trông như một lão nông. Người lớn kể lại, hôm đó Bác Hồ ăn bữa trưa đã chuẩn bị trước. Người từ chối mâm cao cỗ đầy do cán bộ xã thết đãi.

Đấy, cây đa ấy đấy! Cây đa trong khuôn viên di tích ở thôn Ngòi, dễ đã ngót nghét trăm tuổi, nhiều rễ phụ to vòng tay người lớn ôm không xuể, tỏa bóng che mái đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình xây dựng nhân kỷ niệm ngày Người về thăm nhân dân xã Mỹ Bằng. Người dân ở đây bảo, đa là “loài cây biết đi” và sống mãi nhờ những rễ phụ rủ xuống chạm đất thành thân mới, tiến về phía trước; do đó đa là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của mỗi cộng đồng làng xã Việt Nam, có từ hằng ngàn năm.

 

*

 

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cây đa ở thôn Ngòi nằm trong Khu di tích Lịch sử-Văn hóa Làng Ngòi - Đá Bàn, thuộc khu Đồng Lau xưa, nay là hai thôn Làng Ngòi và Đá Bàn thuộc xã Mỹ Bằng. Khu di tích này nay đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, giữa không gian yên tĩnh có nhiều hòn, tảng đá to gối lên nhau, chỉ nghe tiếng nước róc rách trong khe, dưới suối và chim hót, không khí trong lành, mát mẻ. Ở Làng Ngòi có những cái tên mộc mạc, đã đi vào lịch sử mối quan hệ keo sơn giữa hai dân tộc Việt-Lào: Gò Tre, Đồi Tơ, Đồi xóm Thổ. Năm 1949, trong khi bộ đội Việt Nam đang khẩn trương mở Chiến dịch Biên Giới, được sự giúp đỡ của Đảng và nhân dân Việt Nam, các nhà lãnh đạo cách mạng Lào đã chuyển căn cứ địa đến khu Đồng Lau. Gò Tre và Đồi Tơ ngày ấy là nơi ở và nơi làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Suophanouvong) và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Kaysone Phomvihane), còn có Hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Itxala (Mặt trận Lào tự do). Địa danh Đồi xóm Thổ xưa, bà con thôn Làng Ngòi đặt tên mới - Đồi Hoàng Thân, với lòng kính trọng và yêu mến một người gốc Hoàng tộc (Xu-pha-nu-vông là con trai vị Phó vương cuối cùng của triều đại Luông Pra-băng - Luang Prbang - Kinh đô cũ của Lào), sớm dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trước đây và xâm lược Mỹ sau này.

Thăm khu di tích Đồng Lau ở xã Mỹ Bằng, trước căn nhà Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã từng ở, tôi lại nhớ công trình Tháp nước xây dựng tại trung tâm thành phố Phan Thiết, bên bờ sông Cà Ty thơ mộng trước khi đổ ra Biển Đông, mà tôi từng có dịp chiêm ngưỡng. Công trình này do chính Hoàng thân thiết kế, khi ông đang giữ chức Kiến trúc sư trưởng Sở Công chính Trung Kỳ đặt tại Nha trang, được khởi công vào cuối năm 1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934, với lối kiến trúc độc đáo: bề mặt tháp được ghép bằng mảnh sứ theo lối viết chữ hình tròn và nổi bật bốn chữ “U.E.PT” (viết tắt của Usine Des Eaux de Phan Thiet). Đây là một trong bảy công trình thủy lợi tại Trung Kỳ Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông thiết kế (tiêu biểu là các công trình: Đập Bái Thượng ở Thanh Hóa (nơi tôi cũng đã đến trong một cuộc khảo sát địa lý), đập Đô Lương, cầu Yên Xuân (Nghệ An) và Tháp nước Phan Thiết (Bình Thuận).

Cuộc đời của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (1909-1995) có sự gắn bó đặc biệt với Việt Nam, với cách mạng Đông Dương và con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Năm 11 tuổi, Hoàng thân sang Hà Nội học trường An-be Xa-rô (Albert Sarrau). 10 năm sau, năm 1930, ông sang học tại Pháp và tốt nghiệp Đại học quốc gia cầu cống Paris, trở thành kỹ sư cầu cống đầu tiên ở Đông Dương. Tròn 28 tuổi (1937), Hoàng thân đến thành phố Nha Trang nhậm chức, và tại đây, ngày 19 tháng 1 năm 1938, Hoàng thân xứ Triệu Voi kết hôn cùng hoa khôi xứ Kỳ Nam Nguyễn Thị Kỳ Nam (sau đặt tên Lào là Viengkham Souphanouvong, có nghĩa là Thành Vàng, tên cũ của Thủ đô Viêng Chăn). Cô Kỳ Nam, con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Sung, quê gốc Quảng Nam, và bà Lê Thị Nói - ông bà chủ Khách sạn Bon Air (khách sạn nằm đối diện với nhà ga xe lửa Nha Trang, nay gắn biển số nhà 26 đường Thái Nguyên, Bon Air Hotel mất hẳn dấu vết), lúc này đang theo học trường nữ học Đồng Khánh tại Huế, đẹp người đẹp nết. Hai người có với nhau 8 con trai và 2 con gái. Kỷ niệm ngày đứa cháu ngoại thứ năm và là gái đầu tiên ra đời, ông Nguyễn Văn Sung mừng con và cháu bốn câu thơ:

Năm cháu lưu truyền có sướng không

Bốn rồng một phụng gắn thêm bông

Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt

Tài đức lẫy lừng cõi Á Đông

Sự ước mong của ông Sung sau này thành hiện thực. Năm 1978, vợ chồng “Ông Hoàng Đỏ” (một biệt danh những người hâm mộ trên thế giới đặt cho Xu-pha-nu-vông, lúc này Hoàng thân đang ở cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) cùng về thăm thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, nơi lưu giữ những kỷ niệm tuyệt vời về tình yêu và đường đời hạnh phúc của hai ông bà.

Xâu kết những sự kiện diễn ra trong lịch sử, có thể thấy rõ một số dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai vị lãnh tụ tối cao của hai nước Việt Nam và Lào, là nguồn cội cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào tiếp tục nảy nở ngày càng bền vững. Năm Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sang Paris, là năm Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương sau chặng đường thâm nhập các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Lào; song, danh tiếng và ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp chắc hẳn có tác động nhất định tới chàng sinh viên trường cầu cống, bởi Hoàng thân sớm xác định cho mình con đường “đấu tranh giành lại đất nước Lào thực sự độc lập cho người Lào”. Khi thiết kế công trình Tháp nước Phan Thiết, chàng kiến trúc sư trẻ Xu-pha-nu-vông không thể thờ ơ với ngôi trường Dục Thanh nổi tiếng (thành lập cùng năm với trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, 1907), nơi năm 1910 Nguyễn Tất Thành trên đường vào Sài Gòn tìm cách xuất ngoại, đã dừng chân tham gia dạy học cùng với các bậc cha chú, bạn tâm giao của cha mình. Với lương tâm của người yêu nước và nhân dân Lào nhiệt thành, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia nhập phong trào cộng sản Đông Dương. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thành phố Vinh, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ra Hà Nội, và năm 1949, ông cùng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản có mặt tại khu Đồng Lau, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để tiến hành lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng nước Lào. Tại đây, ngày 13-8-1950, đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến. Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Thủ tướng; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, làm Bộ trưởng Quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và bầu ra Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào ITSALA).

 

*

 

Về Tuyên Quang đi em. Dòng Lô xanh vẫn hát. Dệt đẹp bao kỷ niệm. Ngàn đời vẫn còn ghi. Về Tuyên Quang đi em. Dòng Lô xanh êm trôi. Tiếng sáo chiều, tiếng đàn gọi người thương… Về Tuyên Quang đi em. Chợ xuân trong mây bay. Về Tuyên Quang đi em. Tuyên Quang đẹp mộng mơ…” (lời ca khúc Về Tuyên Quang đi em, sáng tác của Đức Liên).

Chiều đã bảng lảng. Đồi núi chuyển màu xanh thẫm. Tiếng hát của nữ ca sĩ Kho 28 Phạm Thị Bích Thủy ấm, vang mà mềm mại, thấm sâu vào lòng tôi cái vẻ đẹp bình yên và dịu dàng của mảnh đất Mỹ Bằng, chứa đựng nhiều kỷ niệm khó phai trên vùng núi non Tuyên Quang.

Vẻ đẹp thiên nhiên thêm dịu dàng

bên vẻ đẹp bình yên bàn tay người tạo dựng

một lần đến mong nhiều lần trở lại

Mỹ Bằng ơi…

 

                                                                           Cuối thu - 2007                                                                                                                      

                                                                                                                      

 tay-bac7

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét