CHUYỆN CỦA BÌNH
(Truyện ký)
NGUYỄN HÒA BÌNH
- Khuya lắm rồi, chị về nghỉ đi không anh và các cháu lại phải chờ - Cô nhân viên kế toán mới vào làm, có cái tên như một loài hoa, khẽ quay sang nói với chị Giám đốc Công ty mấy câu, dáng chừng có vẻ áy náy lắm.
- Chị thức thế này quen rồi. Nhà chị công việc của ai thì người ấy trước hết phải làm cho tốt đã, nên em không ngại chuyện chị phải thức với em thế này đâu – Chị Giám đốc có tên Bình, nhẹ nhàng trả lời.
- Nhưng, em ngại lắm. Em làm phiền chị quá. Đúng là từ sách vở, từ giảng đường đến thực tế công việc vẫn còn một khoảng trống lớn mà chúng em phải học thêm chị ạ.
- Chị biết mà. Ngày chị mới đi làm cũng thế đấy. Em cứ rà lại những điều chị vừa chỉ cho ấy, một lát là quen thôi mà - Bình vừa nói vừa chỉ tay vào những cột mục đã được chị hướng dẫn cô bé, vạch cho cô hiểu tại sao cái biểu mẫu thống kê này lại bắt đầu như thế.
- Vâng! Chị cứ khổ về em thế này, em ngại quá.
- Không có gì. Em làm tiếp đi. Chị ra hiên đứng chút cho thoáng – Bình vẫn nhẹ nhàng bảo cô nhân viên, rồi cũng nhẹ nhàng khẽ đóng cánh cửa phòng, bước ra hành lang. Về phòng làm việc của mình, chị lặng lẽ mở toang cánh cửa sổ, đón những cơn gió đồng ùa vào phòng mang theo mùi ngai ngái của rạ rơm vừa ngả. Hình như gió vừa hất tung mái tóc của Bình ra phía sau nhưng lại như khẽ vuốt lên gương mặt chị chút mơn man của xa ngái làng quê, gọi chị về trong tiếng dế kêu đêm, tiếng râm ran bầy chẫu chuộc tìm nhau sau hả hê cơn khát.
Bao nhiêu chật vật hôm qua, bao nhiêu lo toan ngày trước, như một cuốn phim lần lượt hiện về.
* * *
Cái ngày ấy cách đây cũng nào có xa gì.
Ngày ấy, Bình đang là cô sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là ngày mà anh luôn khiến Bình phải nhiều lúc cố nép vào góc giảng đường, che cuốn vở nhỏ lên mặt mà giấu đi cái cảm xúc luôn muốn được gần anh, được anh chỉ bảo cho từng bài toán.
Không phải Bình kém đến mức không hiểu nổi những điều thầy giảng, bởi đã thi đậu vào được khoa này rồi, đã từng tranh luận tới nóng mặt với bạn bè về không ít vấn đề rồi, nhưng không hiểu sao, Bình luôn muốn gần anh, muốn được anh dạy cho, chỉ cho phương pháp tiếp cận vấn đề cần phải bắt đầu tư duy từ những khía cạnh nào.
Người ta bảo “gái tham tài” cũng không sai tẹo nào thật.
Anh thì nhỏ bé, dáng thì cứ như cậu học trò vừa vỡ tiếng, ấy thế mà cái sức hút ở anh lại khiến Bình luôn cảm thấy hình như Bình luôn cần phải có anh.
Sau cái lần rụt rè mà trốn vào góc giảng đường để chờ hỏi anh, Bình cảm thấy anh cũng thật dễ gần, thật chân chất và cũng không hề kênh kiệu.
Anh giỏi như thế. Đang là sinh viên mà đã tham gia bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học của khoa, của trường; vậy mà, tiếp xúc với anh, lúc nào anh cũng kêu “Bọn anh còn kém lắm, còn phải học nhiều lắm”.
Cái “phải học nhiều lắm” ở anh đã khiến Bình nhận ra rằng: “Sự khiêm tốn của những người liêm chính xem ra chính là cái gì đấy mà Bình chưa nói nổi nên lời, nhưng có lẽ điều ấy mới chính là một trong những thành tố hình thành nên một nhân cách thật người”.
Đã có lần Bình hỏi anh rằng:
- Sao bao nhiêu ý tưởng hay của anh, thậm chí cả công sức anh bỏ ra trong các đề tài nghiên cứu khoa học mà em biết, em chả thấy anh đòi hỏi gì hơn.
Anh đã cười mà bảo rằng:
- Anh có làm được gì đâu mà đòi hỏi. Mình còn phải học nhiều em ạ.
Và, đúng là, anh đã học. Lăn vào cuộc đời mà học để từ đó biết vượt lên, gây dựng nên cơ đồ hôm này.
Ngày Bình ra trường, cũng là ngày chị hạnh phúc trong màu áo cưới, dẫu chị vẫn còn hơi tiếc sao anh không ở lại trường. Bởi, anh được giữ làm cán bộ bộ môn thực hành. Nhưng, anh cũng từng nói với Bình rằng: “Được ở lại trường là một vinh dự và mơ ước của bao sinh viên thật; nhưng, trường chỉ coi trọng giáo viên lý thuyết, mà anh lại được giao giảng dạy ở bộ môn thực hành; thế thì, tại sao anh phải sống và bị nhìn nhận như thế?”.
Lấy nhau rồi, Bình đi làm cho một Công ty điện tử, tin học, đảm nhận cái vai trò như một nhân viên bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Còn anh, anh vẫn công tác ở viện Công nghệ ứng dụng, nơi anh đã chủ động thi vào sau khi từ bỏ làm cán bộ của trường Đại học Khoa học tự nhiên. Bình biết, anh làm thế bởi anh muốn thêm một lần được thỏa sức vùi đầu vào những công trình khoa học ứng dụng mà anh hằng yêu thích.
Anh đi suốt. Nhưng, tính anh đã làm gì đều thông báo cho vợ biết, nên vợ chồng trẻ đấy mà nào có mấy khi được đưa nhau đi chơi chỗ này, chỗ khác. Bình cũng không bao giờ đòi hỏi gì, bởi từ lúc yêu anh, chấp nhận trong hạnh phúc được về với nhau, chị cũng hiểu hoàn cảnh của cả hai nhà.
Gia đình Bình, gia đình anh cũng đâu phải dư dả gì. Quê anh lại ở mãi trong Nghệ Tĩnh, nên về thăm được bố mẹ, họ hàng nhà chồng, Bình đã coi là một chuyến đi đầy thú vị rồi.
Anh vẫn thế. Đã làm gì là quên ăn, quên ngủ. Anh vẫn thế, nên chuyện chờ anh về ăn cơm chiều hình như cũng đã dần trở thành nếp sinh hoạt của Bình. Chỉ có điều, Bình không bao giờ hỏi, bởi chị biết, nếu chị nói ra điều ấy, anh sẽ mất đi cảm hứng làm việc.
Yêu anh mấy năm, rồi về ở với nhau, Bình cũng hiểu cái thiếu, cái khó của những cặp vợ chồng mới cưới lại phải lo liệu đủ bề. Vậy nhưng, Bình cũng chưa bao giờ một lần dằn dỗi anh về chuyện thiếu cái này, cần cái nọ. Anh biết chắt chiu, dành dụm từng đồng bạc lẻ cho cuộc sống gia đình, nhưng lại chưa hề bao giờ hễ làm bất cứ việc gì là mặc cả với anh em cơ quan, với lãnh đạo đơn vị.
Bố mẹ Bình cũng hiểu anh, biết tính anh, nên nhiều khi cũng thương con gái mà lúc đỡ việc này, khi lo chuyện nọ cho Bình.
Đi làm vất vả. Đồng lương nhân viên giao dịch, bán hàng đáng là bao. Lại thêm chuyện nếu như chưa “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, là không giám đốc nói thì mấy anh chị kíp trưởng cũng lên lớp cả giờ.
Có lần, ấm ức mà về khóc với anh, anh không nói gì, cứ thở dài thườn thượt, để rồi trước ngày Bình “lót ổ”, anh chỉ nói ngắn gọn:
- Em cũng nên nghỉ việc đi. Sắp sinh rồi. Anh muốn em dành tất cả thời gian cho con.
Biết tính anh, Bình đã xin nghỉ thật.
Có con rồi, vui với con mà lại thêm thương chồng, khi nhiều lúc về anh cứ than:
- Mấy ông ở viện kìm hãm thế này, còn làm ăn gì nữa.
Bình hỏi:
- Chắc lại có chuyện gì hả anh?
Anh bảo:
- Đi làm công trình khoa học ứng dụng cho người ta. Mà công trình thì nào có ít tiền gì. Xin cái giấy giới thiệu, bảo các anh ghi cho em là cán bộ đảm trách đề tài, mà đúng là mình đang làm thế chứ lừa gì ai. Thế mà, mấy ông kêu: nứt mắt đã háo danh rồi. Bao nhiêu công trình, không phải mình lập trình, không phải mình đưa ra ý tưởng và thậm chí vắt kiệt cả sức mình ra, thì ai làm.
Bình hiểu anh và có lẽ chỉ có chị mới tạo cho anh cái cảm giác bình yên giữa sóng gió cuộc đời. Bình hiểu mình còn phải san sẻ với anh nhiều nữa, gánh đỡ cho anh nhiều nữa, để cùng anh vượt lên nhiều hơn nữa.
Hôm đang bên ông bà ngoại, khi nghe anh gọi điện nói về chuyện viện không lo nổi mấy cái thủ tục cần thiết cho đơn vị đối tác, chị sững người khi anh bảo:
- Làm Nhà nước, cái gì cũng xin ý kiến cấp trên thì chậm và có khi hỏng hết việc em ạ. Em lo thủ tục để anh về thành lập công ty.
Bình đã làm đúng ý anh, đã lo lắng thay anh để cái công ty mang tên hai vợ chồng- Bình Anh, đã ra đời. Thậm chí, anh còn bảo:
- Anh chỉ làm chuyên môn thôi. Em hiểu việc kinh doanh hơn anh, em đứng vai giám đốc đấy.
Ừ thì làm. Người ta làm được, mình cũng làm được. Cứ có chí, lại có tài năng thật sự, sao mình không làm được chứ.
Anh bỏ việc ở viện. Ai cũng tiếc. Chỉ Bình là hiểu anh đã quyết dấn thân, vì thế mình phải là điểm tựa vững vàng nhất cho anh thực hiện khát vọng ấy.
Anh rủ mấy anh vốn là bạn vong niên, những người đã trưởng thành từ lớp học do anh dạy, cùng nhau về gây dựng công ty.
Các anh lo việc của các anh. Bình làm giám đốc theo sự phân công của anh. Nhưng, công ty còn khó khăn thế, thuê được căn hộ ngay tầng 1 khu nhà hai vợ chồng đang ở, cũng là tốt lắm rồi. Thế thì, muốn tốt hơn, hãy lo cho tất cả anh em công ty có được bữa trưa ngon, sạch mà hợp lý. Bình đã làm thế. Cái văn phòng nhỏ, với 7 thành viên ban đầu ấy, trưa nào cũng rộn tiếng cười.
Năm sau, làm ăn khấm khá, công ty chuyển văn phòng lên tòa nhà LICOGI. Ai cũng bảo, “đằng sau thành công của người đàn ông, không thể thiếu bóng dáng của người đàn bà”. Bình cũng hiểu điều ấy, nhưng chị chưa bao giờ tự nói về nó.
Bình vẫn nhớ như in những ngày anh và anh em công ty mất cả tháng trời hôm nào cũng tới các bãi xe của Tổng công ty Vận tải Hà Nội từ 9 giờ tối, làm việc quần quật đến 2 giờ sáng hôm sau, mà căn, mà chỉnh lại các thiết bị GPS đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam theo kiểu “dán”, đúng với yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Những ngày ấy, cũng không ít đêm Bình gửi con cho bà nội để đến cùng với anh và anh em công ty xem xét, hiệu chỉnh từng thiết bị. Những đêm ấy, trong vai cô giám đốc trẻ, Bình cũng tự nhắc mình, phải cố mà kiếm cho anh em bát cháo, hay miếng bánh bao cho ấm dạ.
Rồi, cả những ngày theo anh em công ty đến không ít bệnh viện mà lắp đặt, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở này sử dụng thành thạo “Máy xếp hàng khám bệnh tự động”, Bình càng thêm thấm cái gian khó của những người trẻ dám dấn thân, lập nghiệp.
Là dân Điện tử - Viễn thông, Bình cũng sẵn sàng trao đổi với tất cả mọi anh em những gì mình thấy cần chỉnh sửa để thiết bị có sự chính xác cao hơn, thời hạn sử dụng lâu hơn.
Ở với anh, lúc gian khó còn lấy sự cần cù, chăm chỉ và trung thực mà nhặt từng đồng bạc lẻ; nên khi bắt tay vào làm ăn lớn hơn, anh luôn đồng quan điểm với Bình rằng: Trên bất cứ một thiết bị GPS nào mang thương hiệu Bình Anh, các linh kiện nhất thiết phải được nhập khẩu từ các nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật. Bình cũng luôn là người biết sẻ chia với anh chuyện không thể mua đồ rẻ của Tàu để làm những thiết bị có mức lãi khủng đấy, nhưng vừa hết thời hạn bảo hành cũng là khi chúng bắt đầu dở chứng.
Bình cũng vẫn thường bảo anh:
- Em lo mảng sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Rồi, lại còn mấy chuyện áo cơm, gạo tiền nữa. Mình tốt với anh em thật, nhưng làm việc phải có kỷ luật. Anh không đưa ra quy chế phối hợp giữa các phòng ban, lúc có chuyện, mình biết nói ai.
Rồi, cũng đã nhiều đêm, Bình tâm sự với anh rằng: “Bây giờ công ty đã có chi nhánh, đại diện ở nhiều tỉnh, thành phố, nên chuyện chọn người là quan trọng lắm”.
Bình vẫn hay nói đùa với các em, các chị cùng cơ quan rằng “Tôi có biết gì đâu mà cứ gọi tôi là giám đốc”. Nhưng, hình như ai cũng biết rằng, có lẽ mọi thành công của cái công ty mang tên Bình Anh này, cùng những dự báo mà chị đã từng nhiều đêm mất ngủ để trao đổi với anh, có ai lại nghĩ rằng, sau này đã trở thành sự thật.
***
Bình cứ đứng như thế rất lâu bên cửa sổ.
Đã khuya lắm rồi.
Phố xá giờ này đã vắng cả tiếng xe.
Phóng tầm mắt từ trên cao ra xa, thành phố giờ này sao thật bình yên. Ánh điện chỉ còn sáng trên những con đường, nên như đan vào nhau, tạo thành những mảng mạch nối liền nhau nom giống như những “thiết bị dán” GPS mà Bình Anh là người tiên phong sản xuất cho ngành vận tải.
Bình liếc nhìn đồng hồ. Đã 2 giờ sáng rồi. Chị vẫn để nguyên cánh cửa sổ mở toang, lặng lẽ ra khỏi phòng, sang xem cô nhân viên mới đã làm xong việc chưa.
- Em xong rồi. Em đang định sang báo cáo chị - giọng cô gái cất lên khi nghe bước chân Bình vào phòng.
- Em đã làm được chưa? - Bình nhẹ nhàng hỏi.
- Dạ! Em làm ổn rồi ạ. Em làm phiền chị quá. Giờ này chị về, chắc anh vẫn chưa ngủ, chờ chị?
Bình khẽ mỉm cười, tiếng chị nghe như càng dịu hơn.
- Anh chị quen thế này rồi mà. Em có về được không, hay khuya quá thì ở lại?
- Dạ! Em gọi xe rồi. Em cảm ơn chị - cô nhân viên lí nhí trả lời.
Bình tiễn cô ra đến chân thang máy, rồi lặng lẽ quay về phòng mình.
Căn phòng vẫn đầy gió trời và mùi hương của đất đai sau mùa gặt. Gió như vuốt nhẹ lên mái tóc Bình. Chị nghe, xa xa trong lời của gió, hình như có tiếng vỗ nhè nhẹ của con sông Đáy, nơi mảnh đất Ứng Hòa quê chị.
Hà Nội, ngày 26-4-2016
Người gửi / điện thoại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét