Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

SAY ĐI EM VỚI LỜI BÌNH

 

TRẦN TRUNG BÌNH THƠ Sửa

nhagiatrantrung

SAY ĐI EM*
      Vũ Hoàng Chương
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo
Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ…


Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta !
Cố chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê li, chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say,hồn khát vẫn thèm men
Say đi em ! Say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết !
Ta quá say rồi !

Sắc ngả màu trôi…
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi ?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Như em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ, em ơi !
SAY ĐI EM*: Bài thơ trong tập “Thơ say”(1940)
Của Vũ Hoàng Chương.


LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG

VŨ HOÀNG CHƯƠNG-SAY
Hình như đã trở thành muôn thuở của sáng tạo Thơ ca, là những cơn say đột
khởi hoặc bất tận khởi nguồn từ tâm hồn thi sĩ. Hàn Mặc Tử-Nguyễn trọng trí say
trong ảo giác kiếm tìm vẻ đẹp thánh thiện ở bến trăng mê; Nguyễn Bính say “Cô
hái mơ”, say “Người hàng xóm” trong điệu kể chân quê và cũng rất đỗi tài hoa!
Và, Xuân Diệu say mê cuồng từ tình nồng trần thế, dẫu vẫn tự nhủ “yêu là chết ở
trong lòng một ít”…
Với Vũ Hoàng Chương là một cách say, thú say cực tả tới miền mê, miền hoan lạc
trần thế. Cơn tình thăng hoa bất chợt của Vũ, cũng chính là thời khắc nhà thơ tài
hoa và nhiệt cuồng, lên giọng riêng của mình. “Cái Tôi”-bản thể của Vũ cũng thực
sự cất cánh từ cảm hứng ấy; “Cái Tôi” phiêu linh siêu thoát; “Cái Tôi” kiếm tìm
Cái-Đẹp, muốn vượt thoát khỏi thứ ba-ri-e giới hạn cùng cả những định kiến của
kiếp người.
Hãy nghe và hãy xem Vũ say-nhập hồn vào thực tại, lên đồng từ câu thơ đầu tới
câu thơ chót.. Từ cái tên bài thơ “Say đi em”, Vũ Hoàng Chương đã bộc lộ tâm
tình của cơn say đi tìm đồng điệu. Hình như đời người càng lận đận, chìm nổi mới
càng khao khát vẻ đẹp bỏng cháy như “Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề”.

Vũ thả hồn đi tìm vẻ đẹp của niềm khát khao trong “du dương”,trong “ánh đèn
tha thướt”. Khao khát kiếm tìm để được thành thực tỏ rõ lòng mình,tình mình:
“Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương”
Theo bước chân say của thi sĩ, ta lại được nghe tiếp, được say tiếp “Xứ Mê li”.
Còn chưa đủ cung bậc tâm tình, cũng chính là còn chưa say ! “Say đi em” hướng
lòng mình-hồn mình vào hình bóng-Giai nhân.
Vũ Hoàng Chương lơi thả hồn mình vào trong một loạt động từ, động thái :
“Bóng tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió”
Cơn say của Vũ hết mình, luôn hòa quyện, sóng đôi mà như vẫn chưa thỏa, chưa
đã của cuộc kiếm tìm. Cơn say ấy từ rượu, từ sàn dancing, hay từ “nàng tiên
nâu”(thuốc phiện), hay nữa từ hình bóng giai nhân chập chờn vẫy gọi ? Say để say
hay là say để mà quên đi, “quên hết” cái mong manh hữu hạn của kiếp nhân sinh
!? Những lời thơ của thi nhân họ Vũ, như bốc lửa điên rồ trong cơn “ ngả nghiêng,
điên rồ xác thịt”! Mà sao, nghe cũng cay đắng, xót xa một cách thành thực cháy
tận lòng. Vũ Hoàng Chương gọi và tìm thật gấp gáp cho thỏa mãn cơn say “xác
thịt” mà hóa ra lại cũng là cơn say tinh thần ! Đã khát tột độ thì biết bao giờ có
điểm dừng thỏa mãn. Và, hình như đó cũng là niềm đam mê, khát cháy của thi sĩ
muôn đời !
Khi thân xác đã “rã rời”, khi “gối mỏi gần rơi”, khi “men cháy, giác quan vừa bén
lửa”…thì, con người thi sĩ mới chợt bàng hoàng nhận ra sừng sừng “thành sầu
chưa sụp đổ”. Những câu thơ cuối của “Say đi em” vừa thốt lên thành thực của
cõi lòng thi nhân, lại vừa chấp chới như tiếng gọi, hối thúc và diết dóng lạ lùng :
“Như em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ, em ơi !
Vũ Hoàng Chương gọi đất trời hay gọi Người; gọi Người hay gọi lòng mình…- Thì
vẫn là cơn say bất tận của sáng tạo nghệ thuật-Thơ.
HÀ NỘI 4/2007.

(bài trích từ cuốn “Bình thơ từ 100 bài thơ hay TK XX”-NXB Giáo dục, năm 2008-
Tập 1, trang 65-69.)

Nhà XBGD-Năm 2008).

hoa-sen-phat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét