Kỷ niệm 10 năm Nghệ sĩ ưu tú – nhà văn Nguyễn Đức Thiện đi xa
Vanvn- Trong không khí rộn ràng những ngày giáp Tết Nguyên đán, Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Nghệ sĩ ưu tú – nhà văn Nguyễn Đức Thiện (2014 – 2024) đã diễn ra ấm cúng tại Tây Ninh vào ngày 3.2.2024, nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Quý Mão.
Nhà thơ Bùi Anh Tuấn – nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Tây Ninh, người em đồng hương kết nghĩa của nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã chủ trì tổ chức buổi lễ.
Nhà văn Nguyễn Đức Thiện sinh ngày 16.11.1949 tại Thanh Hoá. Từ năm 1968, ông làm công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ ở tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, ông học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Năm 1972, ông nhập ngũ, làm phóng viên Quân đoàn 2, đến năm 1976 về công tác tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Từ năm 1986, ông chuyển vào công tác tại Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Tây Ninh, từng phụ trách chuyên mục “Tiếng nói cử tri” của đài nên còn được người Tây Ninh biết đến với thương hiệu “Ông tiếng nói cử tri”.
Nguyễn Đức Thiện được phong Nghệ sĩ ưu tú, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003. Ông sáng tác nhiều thể loại, đã xuất bản các tập truyện ngắn: Bạn bè một thủa (2000); Phía sau gương mặt người (2003); Không thể đùa (2003); Dòng sông vẫn trôi (2005); Cỏ đêm (2006); Người mang mật danh TB3 (2006); Cõi tạm (2011); và các tập tiểu thuyết: Những người đàn ông và những người đàn bà (2003); Dằn vặt (2004); Thằng nhỏ (2004); Trước lúc làng chìm (2005); Lửa trắng (2006); các tập thơ: Lang thang (2005); Đầy vơi (2013).
Do lâm bệnh nặng, nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã từ trần hồi 6h40 ngày 24.01.2014 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Quý Tỵ) tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.
Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Đức Thiện, người thân, bạn bè, đồng nghiệp được “gặp lại” ông qua những tác phẩm đáng quý để lại. Thân thế, nhân cách và tác phẩm của ông được những người tham gia lần lượt nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc đối với một người bác, một người anh, một người bạn đã từng có những sẻ chia trong cuộc sống thưở hàn vi cho đến ngày ông mất. Ông đã hun đúc tinh thần sáng tác cho họ, động viên, chân tình góp ý để họ thêm yêu văn chương, thêm yêu cuộc sống, sống và sáng tác cho đến hôm nay.
Nhà văn Giang Sơn – người em ruột của nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã bùi ngùi chia sẻ kỷ niệm với người anh thân thương đã dẫn dắt đàn em từ cuộc sống cho đến trang viết.
Nhân những ngày giáp Tết, nhà báo – nhà thơ Nguyễn Quốc Việt nhớ lại cùng với nhà văn Nguyễn Đức Thiện lang thang trong không khí mùa xuân với tiếng pháo nổ vang rền đường phố. Hai người phóng xe trên những xác pháo tan tành mà hương còn đọng mãi.
Nhà nghiên cứu Đào Thái Sơn điểm lại các tác phẩm tiêu biểu của ông và mong rằng Hội VHNT Tây Ninh tổ chức hội thảo hoặc toạ đàm về các sản phẩm văn hoá mà nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã để lại.
Vợ chồng hoạ sĩ Nguyễn Văn Bình nhắc đến những buổi họ cùng ăn cơm chung cùng hàn huyên và động viên nhau trong cuộc sống và trong sáng tác.
Riêng gia đình nhà thơ Bùi Anh Tuấn, anh chị em ông vô cùng xúc động nhắc nhớ những ngày buồn của gia đình họ khi mất đi người cha đáng kính. Nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã đến thắp hương, ngồi trầm tư, khi thì nói chuyện vài câu với anh em họ, lắm lúc không nói câu nào, ngồi đó, suy tư, rồi ra về. Một trăm ngày như thế, ông cứ đến, cứ thắp hương… Qua lời kể của bà Hoàng Sa, chị của ông Bùi Anh Tuấn, ai cũng bùi ngùi xúc động.
Trong không khí của những ngày giáp tết, những khóm hoa vạn thọ cam, vàng chanh lung linh dưới nắng cùng với mấy bình hoa cỏ lau dân dã được bày trí khéo léo bên cạnh những tách trà nóng ấm làm cho buổi kỉ niệm càng thêm gần gũi thân thương mà không kém phần long trọng.
Nhà thơ Nguyễn Quốc Việt đã đọc lại bài thơ “Con chim nhỏ của tôi ơi”, một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Đức Thiện trước khi rời xa cõi tạm.
CON CHIM NHỎ CỦA TÔI ƠI
Sớm mai con chim rừng líu lo
Tiếng hót cho tôi một ngày thanh thản
Bỗng dưng hôm nay chim rừng đâu vắng
Chỉ tiếng gió reo xào xạc thật buồn
Cứ vào giờ này mọi hôm
Tiếng chim sẽ theo tôi ríu rít
Dù ở góc nào trong rừng kia không hề biết
Nhưng cho tôi có thể mỉm cười
Trong lòng vang những khúc nhạc vui
Và cũng có khi làm rưng rưng nước mắt
Nhưng hôm nay thì sao bằn bặt
Đi đâu rồi con chim nhỏ của tôi
Tôi muốn kêu lên thật lớn: rừng ơi
Tìm giúp chim rừng hót tôi nghe mỗi sáng
Gọi trong tôi nốt nhạc xanh cảm động
Cho tôi được dập dềnh với nhịp sóng đời rung
Và cho tôi những hào hển vui mừng
Khi sớm mai nghe líu lo chim hót
Trời vắng em mà thành đắng đót
Đâu rồi con chim nhỏ của tôi
Ta gọi em, con chim nhỏ mến yêu ơi
Rừng đang đợi và tôi cũng đợi
Nhất định em sẽ về và hót vang trời
Ơi con chim bé nhỏ của tôi.
Cuối buổi lễ, ông Bùi Anh Tuấn thông tin thêm, sau khi hiến xác cho y học một thời gian, con gái lớn của nhà văn đã hoàn tất thủ tục hoả thiêu và mang tro cốt người cha kính yêu của mình về an nghỉ muôn đời tại Thái Nguyên.
Những kỷ niệm, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đức Thiện mãi còn được lưu giữ trong lòng người yêu văn thơ và một nhân cách lớn luôn được nhắc đến mỗi độ xuân về. Ý nghĩa đó đã được nhà thơ Bùi Anh Tuấn phác hoạ trong bài thơ “Lời cuối” trong những ngày giáp Tết 10 năm trước ông nghe tin nhà văn Nguyễn Đức Thiện qua đời. Trong đó có đoạn “Một đời bác sống bao dung/ Lo em, lo cháu, lo cùng nhân sinh/ Chẳng bạc tiền, thế mà vinh/ Cử tri Tiếng nói ân tình thiết tha”.
TRẦN NHÃ MY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét