Nguyễn Phúc Lộc Thành “phục sinh” trong thơ lục bát
Vanvn- Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam 2023 vừa trao cho tập thơ “Đồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh sinh năm 1964, quê Phú Thọ, tốt nghiệp khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1997, đã in tiểu thuyết “Cõi nhân gian”; bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập “Cõi nhân gian”; tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy”.
Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam 2023 vừa trao cho tập thơ “Đồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh sinh năm 1964, quê Phú Thọ, tốt nghiệp khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1997, đã in tiểu thuyết “Cõi nhân gian” (NXB Phụ nữ, 1994); bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập “Cõi nhân gian” (NXB Hội Nhà văn, 2022); tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy” (NXB Thanh Niên, 1996) và các tập thơ: “Giấc mơ sông Thương” (2018); “Chiều” (2018); “Chân quê” (2018); “Đồng sen tàn” (2023); “Mẹ” (2023).
Không chỉ thành công bước đầu trong lĩnh vực văn xuôi với tiểu thuyết “Cõi nhân gian” được tái bản, Nguyễn Phúc Lộc Thành còn sáng tác như “lên đồng” với thơ lục bát từ nhiều năm qua. Năm 2015 khi anh bất ngờ công bố một số sáng tác trong hàng trăm bài thơ lục bát đã viết, các bạn văn và một số nhà thơ chuyên nghiệp không khỏi ngạc nhiên về giọng thơ lục bát lạ lẫm và khá đặc biệt của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Có người khen rằng, dù chỉ mới bước vào địa hạt của thơ lục bát nhưng ngay lập tức, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã trở thành một “tác giả cổ điển” với thứ thơ “Thiền sex” (theo nhận định của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) và có khả năng vượt qua thời gian và rung động nhiều người.
Tài năng thơ phát lộ từ 2 bài thơ lục bát đầu tiên
Theo tôi, lời khen trên là có cơ sở và ta hãy thưởng ngoạn 2 bài thơ lục bát đầu tiên của anh: “Cầm chiều qua bến sông quê/ Hoàng hôn bạc một câu thề gãy đôi/ Đò ngang khuất nửa chuyến rồi/ Em căng chiều muộn hong phơi tuổi mình/ Níu đời phiền nụ mắt xinh/ Níu hoàng hôn đỡ bạc tình em tôi/ Níu tóc thôi bớt đồi mồi/ Đỡ bạc xuống đời dăm sợi long đong/ Níu tôi xuống tận đáy lòng/ Thương tình lỡ bến đục trong sông gầy/ Cầm chiều qua bến cuối ngày/ Hoàng hôn nghèn nghẹn rớt đầy mắt nhau/ Sông quê ai vẽ một màu/ Phù sa vàng vọt bạc phau cuộc tình” (Cầm chiều 1).
Ta gặp trong những câu thơ tình nói trên một hồn thơ tinh tế, giàu xúc cảm nội tâm khi tác giả cầm buổi chiều như cầm một “khúc đàn xa vắng” trở về bến sông xưa của những hoài niệm yêu thương một thuở. Trên bến sông thời gian ấy, tình yêu như con đò đã khuất bóng hoàng hôn, nhưng trong trái tim người tình xưa vẫn thao thức nỗi nhớ thương hoài vọng.
Có thể đây vẫn là những khuôn hình cảm xúc của thi nhân tiền chiến 1930 -1945, nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có một hướng tiếp cận khác để làm mới những câu thơ lục bát của mình như bài thơ “Phồn sinh” tiếp theo: “Ngập ngừng một vựa trăng tròn/ Nhú lên khuất bầu ngực non trăng rằm/ Đêm say đồi núi thinh câm/ Gập ghềnh hơi thở phù vân guộc gầy/ Vũ trụ đói đôi bàn tay/ Thân gầy người đói một ngày phồn sinh/ Em như đói cả chính mình/ Tôi như đêm đói bình minh lên đàng/ Ta làm bão nổi, gió ngàn/ Xô cong bờ mịn thênh thang cõi trần/ Đẫm đầy hai giọt phù vân/ Ngàn lần như vẫn một lần trinh nguyên/ Mỏi đi hỡi cặp môi huyền/ Dừng trôi giữa chốn di miên đoạ đày/ Tôi điên giữa cõi khát này/ Chỉ mong tu kiếp tù đầy vào em”.
Và đến bài thơ “Phồn sinh” nói trên, mới thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành đã cố gắng thoát khỏi nỗi ám ảnh truyền đời của thi ca tiền chiến để bừng ngộ theo cách một người thơ giàu phẩm cách thi sĩ: “Tôi điên giữa cõi khát này/ Chỉ mong tu kiếp tù đầy vào em”.
Ngay khi phát hiện ra năng lượng sáng tạo khá đặc biệt của anh trong trường mỹ cảm mới của thơ lục bát, tôi đã đưa tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành vào cuốn tiểu luận phê bình dày 1.100 trang “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” với 69 nhà thơ, cuốn sách này đã được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2016. Tập thơ “Đồng sen tàn” vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam của Nguyễn Phúc Lộc Thành gồm 108 bài thơ lục bát, được chia thành ba phần: Phần 1 gồm 36 bài “Đồng sen tàn”; Phần 2 gồm 36 bài “Mùa sấu rụng”; Phần 3 gồm 36 bài “Tháng sáu”. Có thể nói, với 108 tình khúc này của “Đồng sen tàn”, anh vẫn giữ được phong vị độc đáo của riêng anh trong thơ lục bát trước đây là tập “Giấc mơ sông Thương” (cũng là 108 bài tình khúc).
Các điệu ru tình trong trường thiên lục bát
Trong các trường thiên lục bát kiểu này, thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành là các điệu ru buồn, các điệu ru tình, các điệu ru của những hoài cảm lãng mạn như trong bài thơ “Cuội rình sen” dưới đây: “Nào em cháy những đuốc đèn/ Cho đêm nay dậy chút men hoa tình/ Trăng mù. Cuội cũng thành tinh/ Năm canh sáu khắc ngồi rình sen hoang/ Rừng sen nhụy đã ươm vàng/ Bờ em khép lúc trễ tràng hoàng hôn/ Em ơi ngàn đáng vô ngôn/ Đêm nay về thỉnh từng cơn đỉnh chùa/ Em hay là thính của mùa/ Dụ đồng sen hạ cởi thưa cả mình/ Nửa đêm một đóa phồn tình/ Cởi tung cánh để ngó mình phau phau”.
Rồi đến bài “Cuội rình em”, tác giả vẫn như đang chìm vào cơn mê: “Sáng lên hỡi đuốc hỡi đèn/ Cho ta cùng nhặt xác đêm màu quỳnh/ Đêm nay cuội nấp một mình/ Bới trăng đào nguyệt ngồi rình em sang/ Gót em lấm. Đồng sen tàn/ Chân em thơm một trời ngan ngát bùn”.
Trong 2 bài thơ mở đầu tập “Đồng sen tàn” cho thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chọn vẻ đẹp của sự tàn phai, héo úa để tụng ca bức tranh hậu – siêu – thực đang nhuốm màu phồn sinh của 36 cuộc yêu lục bát tình đắm đuối đến mê dại.
Và đây cũng chính là cái độc đáo chỉ có ở Nguyễn Phúc Lộc Thành, khi anh không chọn vẻ đẹp tươi lộng lẫy của đầm sen lúc vào mùa sen nở ngào ngạt hương thơm mà lại chọn vẻ đẹp buồn bã, hắt hiu cuối mùa héo úa của đồng sen tàn làm cảm hứng của chủ thể trữ tình lãng mạn: “Đồng sen, em mới hóa vàng/ Cả mùa hạ ấy cũng đang chết dần/ Bùn non lúp xúp bụng chân/ Sen khô mấy bụi tần ngần đêm hoang/ Đêm trần của thiếp của chàng/ Ta thơm cùng tận cả hang hốc bùn/ Tôi đằm như nghiến như mun/ Em-mồi rơm rạ trong ngun ngút mùa/ Đêm ấy bên đồng trăng thưa/ Có rừng sen úa như chưa kịp tàn/ Một bờ xống áo xênh xang/ Một giời. Một đất. Một ngàn ngón run/ Chân em đã vội rũ bùn/ Bỏ đồng sen buồn về bến làng Mơ” (Đồng sen tàn 6).
Trong điệu ru tình này, thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành như đắm chìm miên man vào mỹ học của cái buồn với những vẻ đẹp của xót xa, thương cảm. Tôi nghĩ anh có thể học hỏi được một ông thầy vĩ đại là nhà thơ Chế Lan Viên trong trường mỹ học của sự buồn đau tột cùng ở xứ sở của “Điêu tàn” thơ.
Thơ lục bát nhiều khi phải ngâm ngợi, phải nghe là chính, nhưng thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành không ít khi phải đọc bằng mắt mới thấy hết được vẻ “thi tại ngôn ngoại” của thơ. Đọc đi đọc lại mới thấy tài hoa lục bát này khá độc đáo khi chỉ với tứ thơ “Mùa sấu rụng” anh đã viết tới 36 bài lục bát với 36 nỗi ám ảnh khác nhau, cùng với 36 cung bậc cảm xúc tinh tế như 36 bài tình là 36 ngọn nến thắp trong 36 đêm trăng mật đầy hương thơm da thịt mà tác giả gọi là 36 đêm từ ”Phồn tình” đến ”Phồn thực”: “Hoa sấu mặc áo dậy thì/ Em mang phồn thực mãi đi không về/ Tháng năm trời còn ngủ mê/ Người đang trong giấc bề bề thịt da/ Sấu giờ đã trắng trời hoa/ Ta tự tan chảy trong va đập mình/ Em tôi đôi bờ eo xinh/ Ngực cong như những cánh quỳnh nở đêm/ Thân em tựa mảnh trăng mềm/ Vào đêm sấu rụng mở then cửa trời/ Gốc già một lũ rêu phơi/ Tàn đêm cất tiếng ời ời dưới vai/ Nằm mơ áo lỏng thân cài/ Còn nghe tiếng ngực liêu trai gọi rằm”(Mùa sấu rụng 2).
Tiếp theo, trong 36 khúc “Tháng sáu”, cái tài hoa tinh tế của Nguyễn Phúc Lộc Thành là anh chuyển hóa giọng thơ trữ tình phong cảnh sang giọng thơ trữ tình giao cảm với những thi ảnh thơ đầy gợi cảm, gợi tình lấy cảnh sắc quê hương, lấy tình người nhân thế làm trục suy tưởng để cho nhạc điệu lục bát cất tiếng trầm buồn, lãng mạn: “Đêm nao bầu mắt em thơm/ Mi dài lẫn với rạ rơm cuối đồng/ Quê ta mặc áo nâu sồng/ Có con chó đá ngồi hong sân đình/ Tháng sáu, ôi thật tội tình/ Giăng sao thì sẵn đôi mình lại xa/ Nắm chuốt nỗi nhớ thêm ngà/ Em còn thiếu nữ hay qua trinh ngần/ Tóc đêm em đã rối dần/ Sớm nao ai chải mà gần như suôn/ Tay nào vuốt những sợi buồn/ In cả thô ráp lên khuôn ngực trời/ Tôi đành phỉnh dụ một tôi/ Rằng đêm sẽ chết trên đồi không ngai/ Nằm mơ mắt khép môi cài/ Nhấp trăng say nguyệt trên đài hoa em”.
Theo tôi, thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành có một trường mỹ cảm riêng mà mỗi bài thơ tình dường như là một diễn ngôn về cái đẹp theo cách nhìn “Phồn tình, phồn sinh, phồn thực” của riêng anh. Dẫu đã bắt đầu hay, đang thật hay và tỏ ra là một cây bút lục bát có nghề và có cách diễn cảm mới về câu chữ, tôi nghĩ anh vẫn cần dày công về nghệ thuật hơn nữa để tìm ra một lối đi cách tân, một cách làm mới những câu thơ lục bát vốn đã quen vần, quen điệu của mình, để tránh rơi vào sự dễ dãi và lặp lại các tứ thơ. Với tập thơ “Đồng sen tàn” vừa được trao giải Hội Nhà văn năm 2023 đã ghi dấu, đã khẳng định một chặng đường thơ khá thành công của anh và chúng ta chờ đợi sáng tạo mới của anh ở các tập thơ tiếp theo.
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét