Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

TIẾNG CHIỀU TRONG THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

 

TIẾNG CHIỀU TRONG THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

 

Nhà thơ Quốc Toản


                                                  NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

 

Tôi biết Nhà thơ Trần Trọng Giá khi anh là Trưởng ban Vận động CLB Trái tim Người lính Thủ đô. Sau này có một vài chuyến đi công tác hay hội họp cùng anh, và qua Nhà văn Đặng Vương Hưng giới thiệu, tôi mới biết Trần Trọng Giá yêu thơ đến cuồng nhiệt. ”Dường như ông mê mẩn với thơ, như người bạn tình ở mọi lúc mọi nơi, từ trong chiêm bao, trong tiệc rượu, cả những lúc ngồi uống một mình hay những khi đối ẩm cùng bạn bè thi hữu. Đắm đuối với thi ca, nhưng thơ Trần Trọng Giá vẫn thể hiện sự chân thành, nhạy cảm với thời cuộc. Trong thơ ông có cả những bài trào lộng hóm hỉnh, nhiều bài viết về tình yêu quê hương, đất nước đầy ắp cảm xúc”. Và nữa, Trần Trọng Giá rất yêu thơ, trọng văn chương chữ nghĩa nên tôi nghĩ nguồn cảm xúc trong anh không bao giờ vơi cạn.

 

Trong 4 năm liền, Trần Trọng Giá xuất bản 4 tập thơ: Lặng thầm; Gửi lại dòng sông, Bóng quê và Tiếng chiều. Tôi tin vào sức viết và năng lượng dồi dào của Nhà thơ Trần Trọng Giá, những tập thơ tiếp theo sẽ được ra mắt bạn đọc.

 

Và tôi có thêm một nhận xét, Trần Trọng Giá đã trải lòng bằng thơ qua những chuyến đi. Đến đâu anh cũng có thơ, bởi mạch nguồn thi ca luôn thường trực và tuôn trào trong anh.

Thế mạnh của Trần Trọng Giá là thể thơ lục bát. Một thể thơ truyền thống dễ viết nhưng để hay là khó. Thơ lục bát của Trần Trọng Giá đã chạm được trái tim người đọc. Mỗi bài thơ đều gợi nỗi nhớ mong, được anh gửi gắm và yêu thương đến hết mình.

Đọc Tiếng chiều, tôi không đọc từ trang đầu đến trang cuối, không theo dòng thời gian, mà giở trang bất chợt, sau rồi tổng hợp và chiêm nghiệm. Vì vậy, những cảm nhận của tôi, là theo bước chân của người lính cựu chiến binh Trần Trọng Giá.

 

Sau cuộc đời binh nghiệp, Trần Trọng Giá vốn đã yêu thơ và giàu lòng nhân ái, anh biết mình phải làm gì có ý nghĩa hơn cho những quãng đời còn lại. Không chỉ bằng những việc làm cụ thể, ủng hộ đóng góp cho quê hương, xóm làng, cho những người kém may mắn, Trần Trọng Giá giải tỏa nỗi lòng trắc ẩn ấy qua thơ.

Có lẽ chỉ đến khi trở về đời thường, anh mới có những phút giây bình tâm thưởng trà, chiêm nghiệm cuộc đời binh nghiệp đã qua khi tuổi xế chiều với một niềm khắc khoải. Anh cũng tự biết mình đang ở đâu trong cái “chiếu văn chương” ấy. Trong tập Bóng quê, Trần Trọng Giá viết như một lời tự bạch:

 

Thơ ta vụng tứ, kiệm lời

Chút tình hiếm muộn cho người thầm yêu

Tuổi nay bóng đổ phía chiều

Chỉ mong làm một cánh diều ru mây

 

 

Trong tập Tiếng chiều mà bạn đọc đang cầm trên tay, Trần Trọng Giá vẫn vẹn nguyên cảm xúc và trung thành với lối viết đầy giản dị và ám ảnh. Thế mạnh của thơ Trần Trọng Giá vẫn là đề tài tình yêu. Ở đó bạn đọc sẽ bắt gặp khá nhiều câu thơ hay.

 

Nhà thơ lên Sơn Tây, mảnh đất đầy trầm tích thi ca và huyền thoại, anh đến thăm thành cổ mà nhớ đến Nhà thơ Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, nhớ Tây Tiến, nhớ Ấp cổ Đường Lâm. Anh viết những câu thơ thật dung dị:

 

Nắng trưa tĩnh lặng âm thầm

Đường Lâm thức giấc ươm mầm xanh tươi

Quân “không mọc tóc” giữa trời

Tiếng gầm sông Mã thay lời núi sông

 

Bỗng nghe động tận tiếng lòng

“Quân đi không mỏi” non sông mãi bền.

 

(Thăm thành cổ)

 

Có thể khẳng định rằng, Trần Trọng Giá đi đến đâu, anh đều có cảm xúc để làm thơ. Anh nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong trẻo, tin yêu, nhân hậu. Những địa danh Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Những núi đồi miền Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La…, những dòng sông, biển cả, những tình nghĩa bạn bè vv… Trần Trọng Giá lấy thơ để trải lòng. Đó là: Hà Nội chiều nay, Chào Huế, Lên Cao Bằng, về sông Đế, Gặp bạn trong mơ… và trong số đó phải kể đến bài thơ Trở lại Vị Xuyên (Hà Giang), nơi có hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc với lòng biết ơn và kính trọng.

 

Gọi đồng đội, chẳng lời thưa

Giữa đông Nà Cáy gió mưa chất chồng

Chung tay vun ngọn lửa hồng

Cho bao đồng đội ấm lòng đêm đêm…

 

Biên cương lưu dấu bạn hiền

Cha ông đã dặn… ai quên lời thề

Đêm qua thoáng bóng bạn về

Nghe trong hồn đá bốn bề xôn xao

 

Nhưng trên hết, trước hết Trần Trọng Giá dành rất nhiều tình cảm để viết về mẹ, về quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy, trong tấp thơ nào cũng có những bài thơ về quê hương nơi anh sinh ra, lớn lên và rời làng theo trống hội tòng quân. Khi đình làng xuống cấp anh và con cháu cùng mọi người chung tay đóng góp khôi phục ngôi đình ấy. Bởi anh hiểu, đình làng là hồn của làng, tiếng của làng, là văng vẳng lời mẹ lời cha, là văn hóa làng xã không thể bị mai một. Mỗi lần gặp bạn là thêm một lần nhắn nhủ:

 

 

Đình cổ xưa dựng lại

Ấm áp tràn quê hương

Bến đền xưa còn mãi

Sáng chìm trong khói sương

Lòng ta như con sóng

Trập trùng giữa biển khơi

Kỷ niệm còn níu mãi

Quê theo ta suốt đời.

 

(Nhớ quê)

 

Hay:

 

Rượu quê đôi chén mềm môi

Câu thơ nối nhịp cầu đời tri âm

Người ơi nghĩa trọng tình thâm

Hồn quê như mạch nước ngầm mát trong

 

(Hồn quê)

 

Trong Tiếng chiều, Trần Trọng Giá nhắc nhiều về Mẹ. Người mẹ trong thơ anh là nỗi nhớ khôn nguôi, da diết. Khi còn mẹ thì ai cũng thấy bình thường dù có quan tâm làm trọn chữ hiếu đến đâu cũng chưa bao giờ thấy đủ. Nhưng khi mẹ khuất bóng, Trần Trọng Giá bỗng thấy hẫng hụt, mất mát, cô đơn, khắc khoải đến tê lòng. Anh đi Tìm bóng mẹ:

 

Giờ chân đã mỏi, gối mòn

Nắng mưa, giá rét biết còn vững tâm

Con đi gom nhặt hương trầm

Khói hương quấn quýt âm thầm vấn vương

 

Mẹ như anh sáng vần dương

Nhìn lên ảnh mẹ yêu thương tràn về

Suốt đời được mẹ chở che

Gió mưa đã tạnh, nắng về… Mẹ ơi!

 

Hay:

 

Mẹ ơi nhớ mẹ con như thấy

Lời ru của mẹ vẫn quanh đây

Con mong về lại thời thơ ấu

Sà vào lòng mẹ giấc ngủ say

 

(Dâng mẹ)

 

Và sẽ còn thiếu sót nếu không nhắc đến một cựu chiến binh, một nhà thơ Trần Trọng Giá quảng giao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu và sống hết lòng, đầy trách nhiệm với người thân và đồng đội. Cũng từ đó mà đồng đội, người thân luôn cảm phục và trân quý anh.

Trần Trọng Giá may mắn trở về sau cuộc chiến. Anh đồng cảm xót thương những người mẹ có những người con không trở về. Thắp nén hương trầm khi viếng nghĩa trang thành cổ Quảng Trị, Trần Trọng Giá không khỏi bùi ngùi xúc động:

Bao người lính tụ về đây

Hương cong khắp ngả khói bay ngang trời

Đồng đội ơi! Thức dậy thôi

Trở về kỷ niệm một thời bên nhau

Tìm ngày dĩ vãng thương đau

Trùng trùng mộ chí bạn đâu giữa đời

Nắm xương lẫn với bao người

Cạn ngày mong mỏi, một thời mẹ quê.

….

Chiều buông thu gió xạc xào

Hồn thiêng khí phách tụ vào non sông

Qua thời đạn lửa, bão giông

Chèo khua còn sợ động dòng bạn đau

Ngẩn ngơ sương muối trắng đầu

Còn bao đồng đội bảo nhau tìm về…

 

Cũng xin được nói thêm rằng, nhân dịp kỉ niệm 69 năm, Ngày Giải phóng Thủ đô, Câu lạc bộ Trái tim Người lính Thủ đô (trực thuộc Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”) chính thức ra mắt. Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá làm chủ tịch. Tổ chức "Trái tim Người lính" Việt Nam gồm: Trung tâm tư liệu "Trái tim người lính"; Không gian Văn hoá "Trái tim người lính"; và các Câu lạc bộ "Trái tim người lính"; có Điều lệ tổ chức hoạt động, pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Với tôn chỉ, mục đích: Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân; góp phần tiếp lửa truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa những người lính nhiều thế hệ với tuổi trẻ hôm nay.

 

Khi được các phóng viên báo đài phỏng vấn, Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá phát biểu: Để có được cuộc sống bình yên trong hoà bình và hạnh phúc  chúng ta đã phải trải qua nhiều gian khổ hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Những trang sử hào hùng của dân tộc được viết bằng xương máu của biết bao thế hệ đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Không chỉ các anh hùng, liệt sĩ mặc áo lính mà nhiều người dân đã ngã xuống. Đặc biệt, là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã chứng kiến biết bao trận đánh ác liệt, những mất mát hy sinh vô cùng to lớn để có ngày hòa bình như hôm nay. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, đặc biệt là những người lính đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước.

 

Và cũng từ suy nghĩ đó, lòng trắc ẩn và sự tri ân luôn thường trực trong trái tim người lính - Nhà thơ Trần Trọng Giá, nên anh luôn trân trọng và biết ơn cuộc đời:

 

Thương cánh hoa vừa rụng

Giấu bao điều chiêm bao

Ơn mỗi chiều gió lộng

Cho tôi bao ngọt ngào

 

Yêu thương còn giữ lại

Những tháng ngày nhớ xa

Mỗi câu thơ còn mãi

Cho đời mình thăng hoa.

 

(Cảm ơn đời)

 

Tôi có đôi điều cảm nhận về tập thơ Tiếng chiều với tư cách của một người lính, một nhà thơ và là đồng đội với Cựu chiến binh, Nhà thơ Trần Trọng Giá. Mong sao những tập sau anh sẽ viết hay hơn nữa, chắt chiu, gọt giũa con chữ hơn nữa để có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay chạm đến trái tim người đọc.

Tôi tin dưới trời khuya tại quê nhà, anh vẫn luôn thao thức, vẫn yêu hết mình, sống hết mình vì tình đời, tình người thì nàng thơ đối với Trần Trọng Giá không bao giờ bỏ anh mà đi được, dù anh đang chậm bước cuối chiều hoàng hôn:

Cứ nghĩ lòng chân thật

Yêu hết mình vì người

Thì kể chi được – mất

Thì kể gì phôi phai.

 

Hà Nội, tháng 2/2024

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét