Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

NGUYỄN TRƯỜNG TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “MÂY HỒNG”

 NGUYỄN TRƯỜNG TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “MÂY HỒNG”

Nhà xuất bản Thanh Niên, 2023

                                             Vũ Nho

v_nho_nguyn_kh

NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN

Bạn đọc từng biết đến Nguyễn Trường là tác giả của những tập tiểu thuyết khá nổi tiếng “Hơn cả tình yêu” (1990), “Mộng đế vương” (1992), “Đi qua thời áo trắng” (2023),“Tâm Linh” (2023). Đồng thời nhà văn cũng là tác giả của các tập truyện ngắn “Thiên nhãn” (1996), “Khai khẩu” (2019). Trong các tác phẩm trên, có cuốn được tái bản mấy lần. Đặc biệt vào những năm gần đây, truyện ngắn của Nguyễn Trường thường lọt vào top 10 truyện ngắn hay trong năm của báo Văn Nghệ. Điều đó chứng tỏ nhà văn là một cây bút tiểu thuyết và truỵện ngắn có thương hiệu. Tập truyện ngắn này gồm 12 truyện viết về nhiều đề tài khác nhau. Cuối tập có bài viết của Lê Thanh Huệ nhan đề “Rành mạch”, bình gía truyện ngắn “Di cảo của cha”. Có thể chia các truyện thành 2 mảng: viết về cuộc sống hiện tại và viết về lịch sử, kể cả lịch sử chưa xa lắm. Nhận xét sơ bộ thì ngòi bút của tác giả tỏ ra sở trường về những chuyện liên quan đến lịch sử. Lịch sử càng xa thì càng thú vị.

Có thể khẳng định không sợ sai chút nào rằng ngòi bút Nguyễn Trường tỏ ra có duyên với đề tài Lịch sử. Cả trong tiểu thuyết và trong truyện ngắn. Tác giả là người chịu đọc sách sử, vì vậy khi viết Nguyễn Trường có ý thức trao đổi, tranh luận, góp phần làm sáng tỏ sự thật Lịch sử . Như Lê Thanh Huệ đã nhấn mạnh: “ Hãy tạm gác lại tình cảm với tiền nhân mà mình yêu thương, kính trọng để dùng suy nghĩ rành mạch, xét lại, tìm ra sự thật, thấy rõ đúng sai; từ đó mới có cơ sở gạn đục, khơi trong trước lúc vinh danh; khiến cho sự tôn thờ trở nên đúng đắn và được đời sau chấp nhận” (tr.236). Điều đó không chỉ đúng với truyện “Di cảo của cha” mà đúng với tất cả mảng truyện Lịch sử. Ví dụ trong truyện “Minh châu toả sáng”, tác giả muốn làm rõ sự thật có phải Lê Văn Duyệt giết oan Huỳnh Công Lý, Phó tổng trấn thành Gia Định? Người ta nói rằng oan. Vợ thứ của Huỳnh Công Lý cũng nói rằng oan. Mà nguyên nhân là “Lê Văn Duyệt nghi ngờ tướng công ta trêu ghẹo phu nhân của Lê Công” (tr.128). Sự thực là thế nào? Truyện “Mây hồng” liên quan đến chuyện Nguyễn Du có tác

phẩm “Kim Vân Kiều truyện” khi đi sứ hay trước đó khi Nguyễn Du lang thang ở Trung Quốc? Rồi chuyện mối tình của Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương. Nguyễn Du khởi thảo viết Truyện Kiều khi nào? Những vấn đề đó nếu không đọc hàng ngàn trang tài liệu Lịch sử sao có thể đề cập? Dù rằng đây chỉ là truyện ngắn, chứ không phải tài liệu khảo cứu! Truyện “ Người viết sử”, nhà văn bàn chuyện có thật Nguyễn Ánh đến Côn Đảo và hành động của

nhà vua với bà Phi Yến liên quan đến câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”? Thông qua câu chuyện nhà văn Thành Ngọc hư cấu, rồi người ta tin là thực. Thậm chí “lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”. Những lời đồn đại ngoài chính sử lại được coi như sự thực Lịch sử,…Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh là tác giả Nguyễn Trường đã tham bác rất nhiều tài liệu liên quan đến quá khứ, đến các nhân vật Lịch sử để dựng nên truyện ngắn của mình. Truyện “Chuyện trên biển Cần Giờ”, thông

qua vở diễn mà con gái thủ vai Huyền Trân, ông Chế Lan nhận xét: “Vở diễn có nhiều đổi mới, đã minh oan cho Công chúa Huyền Trân và Thiếu bảo Trần Khắc Chung…Chuyện Huyền Trân phải lên giàn hoả thiêu cùng chồng theo phong tục Chiêm Thành chỉ là hư cấu. Huyền Trân không phải là vương hậu chính thức, nên không được lên giàn hoả thiêu cùng chồng.Vả lại, khi vua Chế Mân chết, hoả táng phải thực hiện trong vòng bảy ngày. Với phương tiện đi lại thời đó, người Chiêm Thành ra Thăng Long báo tang, Trần Khắc Chung từ Thăng Long vào, hai bên vừa đi vừa về không thể chỉ trong vòng bảy ngày” ( tr. 167 -168). Một lập luận khả tín.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn khẳng định không phải ông Dương Văn Minh ra lệnh nổ súng giết anh em Ngô Đình Diệm, mà thực ra “lệnh đó đã được bàn bạc trong Hội đồng Quân nhân cách mạng” ( tr.198). Thông qua 2 nhân vật Võ Văn Kiệt và Dương Văn Minh trong truyện “Điểm gặp Lịch sử”, nhà văn cho bạn đọc hiểu đúng hơn về cụ Phan Thanh Giản, nỗi oan của cụ trong câu ca dân gian “ Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Điểm lưu ý là đối với nhân vật Dương Văn Minh, nhà văn đã hai lần đề cập đến trong 2 truyện

“Bữa cơm chiều ba mươi tết” và “Điểm gặp Lịch sử”,…Đây là nhân vật gần chúng ta nhất, nhiều người biết rõ về ông, nên không thể “bịa như thật” được!

Có thể nói các truyện ngắn của Nguyễn Trường đều có tính chất cổ điển là có “tình huống truyện”. “Di cảo của cha” là lời dặn đốt bản thảo của người cha phút lâm chung.

Người con đã theo bút kí đó trở lại vùng cha mình công tác và trải nghiệm. Anh vỡ lẽ vì sao cha mình lại dặn đốt “tác phẩm hay nhất trong các trước tác của ông” (trang 8). “ Người từ nước Mĩ trở về” , ông già không hợp lối sống Mĩ về thì đi một nhẽ, nhưng chàng trai trẻ, tốn bao tiền bạc mới được tới Mĩ, sao lại cũng bỏ về? “Người của đảo” tình huống truyện là cơn bão đột ngột uy hiếp tính mạng những người trên tàu. Họ có kịp bình an cập đảo? “Bữa cơm chiều ba mươi Tết” thì tình huống là anh Trí, một bộ đội Bắc Việt không gặp may mắn, đang chuẩn bị li hôn… “Đồi Phượng Hoàng” tình huống truyện là gia đình liệt sĩ đã tìm được hài cốt của con em mình ở xã Cam Lụa , đưa về nghĩa trang Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng sau đó lại có thông tin là ở nghĩa trang Triệu Phong cũng có 4 liệt sĩ họ tên như thế! Gia đình đã đến tận nơi. Và ngạc nhiên nhất là mộ vẫn được cúng viếng bởi một đôi trai gái. Hoá ra ông Thạch, người lính thuỷ quân lục chiến của phía bên kia đã chia đôi 4 bộ hài cốt tìm được thành ra 8 bộ để nhận tăng tiền thưởng. Và ông ân hận, dặn dò con cái cần thắp hương tri ân các liệt sĩ…

Như đã nói, truyện nào cũng có tình huống. Tuy vậy, khi triển khai truyện, tác giả lại rất linh hoạt. Có thủ pháp so sánh, đối chiếu (truyện “Di cảo của cha”), có thủ pháp thực ảo lẫn lộn ( Người trong cõi mộng), có thủ pháp giấc mơ để gặp người trong quá khứ (Minh Châu toả sáng, Người viết sử), rồi cả thủ pháp tâm linh ( Điểm gặp Lịch sử). Tuỳ từng truyện mà tác giả kết hợp các thủ pháp miêu tả, phân tích, bình luận với những thủ pháp nêu trên. Do vậy mà luôn giữ được độ lôi cuốn và hấp dẫn bạn đọc. Đối với “Di cảo của cha” , người viết hé mở sự gán ghép của dân làng cho thầy giáo ( người cha) và cô Tỵ, cô gái đẹp nhất bản. Biết đâu ở nơi sơn cùng thuỷ tận đó có thể có tình cảm nảy sinh. Chính người con (xưng tôi) cũng nghi ngờ : “Hay là cha đã từng yêu cô Tỵ, bởi thế, mẹ cô Tỵ mới nhận là con rể nhà mình? Phải chăng vì sợ vợ con phát hiện ra điều bí mật cho nên trước khi từ giã cõi đời cha đã dặn đốt bản thảo này đi?” ( tr.11). Bạn đọc sẽ tò mò theo chân nhân vật người con lên bản Giàng gặp bà Tỵ.

Trong truyện “ Quà tặng tương lai”, nhân vật tôi đã viết về tình cảm của chú Đặng với mẹ mình. Nhất là sau khi hai người đóng vai vợ chồng trong vở diễn. Rồi chú Đặng trao lại “một gói to như cái gối”. Cho đến trước lúc lâm chung, người mẹ còn dặn : “Còn gói quà…con giữ gìn để trao lại cho chú bộ đội”. Người con không nói cho mẹ biết chú Đặng đã không chết.

Chú đã phụ bạc người chờ đợi mình, lấy con gái một ông to. Và chú Đặng đã thành Chủ tịch một quận ngoại thành. Chú Đặng đã không nhận ra người cũng diễn chèo với mình…Chú đã quên tất cả, quên từ lâu rồi. Gói quà mà người con đốt cho mẹ, anh tin mẹ có cách ứng xử khi gặp chú Đặng ở thế giới bên kia…Đây là truyện ngắn thành công nhất, cùng với “Di cảo của cha” trong mảng truyện viết về đời sống đương đại.

 

Nói tóm lại, xét mặt bằng văn chương truyện ngắn hiện nay, Nguyễn Trường là một trong số ít các tác giả vẫn giữ được phong độ và thương hiệu của mình. Tập “Mây hồng” ghi một dấu mốc mới trên hành trình sáng tạo của tác giả.

23/12/2023

nh_my_mh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét