Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Đi tìm hồn THIỀN trong thơ tiền nhân

ĐI TÌM HỒN THIỀN TRONG THƠ TIỀN NHÂN
( Nhân đọc tập Hồn Thiền trong thơ Lý -Trần của Vũ Bình Lục,
 Nxb Hội Nhà văn, 5/2013)


TS Nguyên An

Để công đọc lại và tìm hiểu thêm từ kho tàng văn chương dân tộc rồi chọn ra những tác phẩm tâm đắc mà phân tích... đó là việc làm, và là nhã thú của nhiều người, nhất là các ông giáo, bà giáo và các nhà nghiên cứu. Lao động có tính chất nghề nghiệp này của họ quả nhiên, không chỉ có giá trị nâng cao chất lượng dạy học, mà còn cấp cho công chúng rộng rãi những lời bình giải thú vị, qua đó, cũng giúp họ am hiểu văn chương và quý trọng văn chương - văn hoá dân tộc hơn.
Tiếp theo Vũ Quần Phương với tập Thơ với lời bình (1989), Vũ Nho với hai tập Thơ chọn và lời bình (1993, 1995),... từ năm 2010 đến 2013 Vũ Bình Lục có 6 tập Giai phẩm với lời bình.
Viết sau, và nhiều hơn, gồm sáu tập, với hơn 2000 trang in khổ 14,5cm x 20,5cm , trong đó Vũ Bình Lục đã bình giải hầu như tất cả các bài thơ được dạy và học trong nhà trường nước ta từ cấp phổ thông cơ sở đến đại học lâu nay.
Khác với 5 tập trước, tập 6 này có hẳn một tên riêng, là Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần. Tên gọi này đã gợi cho tập tinh tuyển và bình giải của soạn giả có tính chất chuyên đề hơn các tập trước. Làm sách chuyên đề là một hướng Vũ Bình Lục cố gắng theo đuổi. Thử so sánh, ta thấy; Nếu như ở tập 3 của bộ Giai phẩm với lời bình, ông bắt đầu từ bài Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận, rồi tiếp theo, là thơ của những Lý Tử Tấn, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ... và thơ đương đại của Trần Đăng Khoa (Tây Bắc), Bằng Việt (Trung du), Hoàng Trần Cương (Miền Trung), Quang Huy (Hư vô)... thì đến tập 4, tinh tuyển và bình giải thơ Thi Thánh Cao Bá Quát, và tập 5, Giai phẩm với lời bình có phụ đề Đại thi hào Nguyễn Trãi, để cả tập, chỉ bình giải thơ Ức Trai.
Như thế, với 3 tập 4, 5 và 6 này, ông đã góp vào ba bộ thư mục về Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi và Thơ Thiền (Việt Nam) ba tập sách đáng khảo cứu.
Chúng tôi muốn dừng lại ở tập 6.
1. Nhìn khái quát, ta có một bản thống kê, trong tập này, Vũ Bình Lục đã chọn ra 165 bài thơ của 63 tác giả để bình giải. Ông chia ra: Phần I - Thơ đời Lý có 35 bài của 26 tác giả, dài 115 trang; Phần II - Thơ đời Trần, có 130 bài của 37 tác giả, dài 245 trang.
Có nhiều lý do của những con số trên, nếu tôi làm hay bạn làm sách này. Nhưng đây là Vũ Bình Lục, ông có sự cân nhắc riêng. Với người có chủ kiến thì không thể vội vàng được.
2. Ngẫm từ tên sách, ta thấy có hai ý rất rõ: 1. Hồn Thiền, và 2, trong thơ Lý-Trần. Từ sự xác định ấy, Vũ Bình Lục đã tận dụng thành quả nghiên cứu, tuyển chọn và bình chú của nhiều nhà biên khảo từ mấy trăm năm trước trên cả mấy phương diện như thơ ca - văn chương và cả lịch sử - văn hoá... để làm nên tập sách này, đồng thời, từ một thực trạng đáng buồn tức là loại sách sưu tập tuyển chọn, bình giá thơ văn cổ còn lại đến nay cũng không thật nhiều, nên ông phải tìm thêm tác phẩm mới, tác giả mới mà bàn, mà bình nữa.
Việc tìm thêm này, cố nhiên, phải theo tiêu chí Hồn Thiền chứ không phải cứ thơ của đại gia, thì bài nào cũng đưa vào sách này mà bình giải cả. Vậy Hồn Thiền là gì? Đến đây, câu chuyện không đơn giản nữa. Trong bài Thơ Lý-Trần một kỳ quan rực rỡ mở đầu sách, ở đoạn thứ nhất, Vũ Bình Lục khẳng định: Thơ đời Lý chủ yếu là thơ Thiền, ở 5 đoạn sau (chiếm 90% dung lượng bài), ông nhắc lại một số đặc điểm, cũng là thành tựu của thơ đời Trần, như: thể hiện hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc ở mấy mươi năm thịnh Trần và mang âm điệu trữ tình bản thể... , rồi tâm trạng buồn chán, thất vọng trước tình trạng triều chính rối ren, nhiễu loạn ở buổi vãn Trần...
Viết bài mở đầu như thế, Vũ Bình Lục đã như bỏ quên việc giới thuyết khái niệm Hồn Thiền, tạo ra điểm tựa khoa học cần thiết đối với việc tinh tuyển và bình giải ở sau đó, đồng thời, ông lại lược giải và bàn nhiều về nguồn gốc xã hội, cảm hứng thời đại - thời thế mà thơ ca Lý - Trần đã ra đời, như là một cách gợi dẫn để tìm hiểu về chất Thiền, Hồn Thiền trong thơ ca hai triều đại này. Nếu coi đó là sự khéo léo có thể được mà vẫn chưa tới của bài mở đầu này, thì bù lại, soạn giả tỏ ra có dụng ý nói nhiều về xuất thân và vị thế của các  tác giả thơ ca. Từ đó, gợi cho người đọc một suy nghĩ: Các tăng thống và tín đồ nhà Phật làm thơ, tự nhiên có chất Thiền, Hồn Thiền là phải, còn các quan gia, quý tộc, tướng lĩnh dạn dày trận mạc ngoài biên ải sa trường và cả trong cung đình, mà thơ họ cũng thể hiện Phật pháp, cũng đượm chất Thiền, là sao?
Khả năng gợi dẫn và xui khiến tưởng tượng, suy luận, đến một lúc nào đó, đến một trình độ nào đó, thì tạo ra phẩm chất của một cuốn sách, vị thế của một tác giả. Khả năng này ở Vũ Bình Lục, qua bài khái quát mở đầu sách, là có, nhưng chưa rõ, bởi như đã nói ở trên, hình như ông có ý né tránh giới thuyết khái niệm Hồn Thiền mà như chủ tâm phác dựng bối cảnh và kể ra thành tựu chung - nổi bật của gần 400 năm thơ ca Lý - Trần như viết vài chục trang lược sử một giai đoạn văn học mà thôi. Có vẻ như ông không ham lí sự?
3. Vũ Bình Lục đáng chú ý, đáng bàn hơn là ở tư cách một người làm sách tinh tuyển và bình giải, và đặc biệt, ở tập Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần này, là ở cương vị người dịch thơ nữa (ở 5 tập Giai phẩm với lời bình trước ông không dịch lại các bài thơ để bình giải). Trong cuốn sách này ông có mấy điểm rất đáng ghi nhận.
Một là, ông đã làm một cuộc tinh tuyển công phu. Trong 63 tác giả thơ ca Lý-Trần tương đối quen thuộc kia với giới nghiên cứu, bên cạnh các bài hay, đã được truyền tụng mấy trăm năm nay của họ, ông đã tuyển chọn thêm. Dùng lại thì dễ hơn, tuyển thêm các bài mới để đặt cạnh các bài kia, mà thấy vẫn là giai phẩm, đấy là đóng góp mới của Vũ Bình Lục. Từ điểm nhìn là Hồn Thiền, ông chọn Nguyễn Ức đến 15 bài, Trần Nhân Tông 8 bài, Nguyễn Trung Ngạn 10 bài, Chu Văn An 8 bài, Phạm Sư Mạnh 12 bài, Trần Nguyên Đán 7 bài. Còn với nhiều thi gia khác, ông tán đồng với những người đi trước mà đưa vào sách những Lý Thái Tông (bài Truy tán Pháp vân tự), Dương Không Lộ (các bài Ngôn hoài, Ngư nhàn)... Trần Minh Tông (các bài Dạ vũ, Bạch Đằng giang...), Lê Quát (các bài Tống Phạm Sư Mạnh..., Thư hoài)... Với sự tinh tuyển mà có bổ sung có kế thừa như vậy, Vũ Bình Lục đã đưa đến cho người đọc một tập hợp khá đông đảo và bề thế những tên tuổi mà qua phân tích, bình luận, chúng ta đã thấy và sẽ biết là họ làm rạng rỡ nền văn chương dân tộc từ một nguồn thơ Thiền đặc sắc riêng như thế nào.
Hai là, trước khi bình giải 165 bài thơ được chọn vốn đã được nhiều người dịch, in ra trên sách báo nhiều năm nay, Vũ Bình Lục hầu như đã dịch lại tất cả - số lượng bài ông dịch để bình giải là 158 bài (thời Lý: 31 bài, thời Trần: 127 bài). Riêng chuyện dịch này, ông đã có thể xuất bản một tập sách như nhiều người đã làm.
Thường khi, đọc một tác phẩm dịch, nếu ai sành ngoại ngữ, mà đối chiếu bản gốc (nguyên ngữ) với bản dịch, thì đều có cả mấy tâm trạng - ý nghĩ, là vừa thán phục dịch giả, vừa "lấy làm tiếc" vì cho rằng dịch giả dịch chưa hết ý, chưa thoát ý, thậm chí "là sai"..., lại cũng nẩy ra dự kiến dịch lại, dịch tiếp. Nhưng rồi để đấy. Vũ Bình Lục không như ai mà "để yên đấy". Ông mạnh dạn dịch lại. Rất may, ông vốn là người làm thơ, cũng sành thơ (Vũ Bình Lục đã xuất bản 8 tập thơ từ năm 2002 đến năm 2008). Trong công việc dịch thơ Thiền thời Lý thời Trần này của tác giả Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần, ta biết là Vũ Bình Lục không chỉ mạnh dạn, không chỉ say mê, không chỉ vì trách nhiệm của người nghiên cứu -viết sách, mà rõ là có cả một tiềm năng thẩm thơ, hiểu người và thạo đời nữa. Mức độ của mấy sự thẩm, hiểu, thạo kia đến đâu, đọc tập sách này của ông ta sẽ biết dần, ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Theo hướng vươn tới mức tín, đạt, nhã, Vũ Bình Lục bắt đầu tỏ ra có một cách dịch riêng, theo đó, các bản dịch thơ Thiền trong tập sách này của ông đã đem đến cho người đọc những thú vị và tán đồng trong thế khả dĩ. Có một điểm cũng đáng ghi nhận nữa ở đây là, như chúng ta biết, 165 bài thơ Lý-Trần này đều được sáng tác mấy trăm năm trước, theo thể thức cổ (kệ, phú, thơ cách luật...) vốn có cấu tứ linh hoạt, có cấu trúc nghiêm ngặt... mà Vũ Bình Lục đều chuyển dịch sang thơ lục bát thuần Việt cả. Đương nhiên, có bài dịch đã đạt đã thành, cũng có nhiều bài nhiều chữ nhiều cụm từ có thể thay đổi nếu dịch giả và bạn đọc trực tiếp mạn đàm. Nhưng nhìn chung chuyển được Hồn Thiền bao nhiêu năm trước về trong khuôn lục bát thuần Việt uyển chuyển mà mượt mà, khoan hoà mà vụt sáng, thế cũng là đã góp thêm được bao nhiêu phiên bản với những cách đọc và hiểu các giai phẩm đã định vị như bia đá của người xưa rồi.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

PHỐ TRÈM - Tản văn của ĐƯỜNG VĂN




PHỐ  TRÈM

(Tản văn)                                                                                                          

-                        Xưa nay, cháu mới chỉ nghe người ta nói đến phố Vẽ chứ chưa bao giờ nghe về phố Trèm. Có lẽ bởi cháu là dân trong làng ít quan hệ với dân ngoài đê, ngoài xóm Chợ ngoài, Ô tô, Bến Ngự, nên ít hiểu biết về phố Trèm chăng?
-                      Không hẳn vậy! Tôi nghĩ chủ yếu là vì ở lứa tuổi 4X các anh, khi lớn lên, có chút hiểu biết thì phố Trèm đã suy, đã tàn lụi lắm rồi?! Trong khi đó, phố Vẽ lại ngày một nổi lên, hưng thịnh. Hèn chi các anh chẳng lầm tưởng! Thực ra phố Trèm đã từng có một giai đoạn dài vẻ vang, hưng thịnh, một thời vang bóng. Anh có muốn nghe không?
-                      Xin mời ông chú kể ngay cho!
          Đó là khúc mở đầu câu chuyện chiều chủ nhật vừa rồi giữa tôi và ông chú họ, cũng đã ngót nghét bát tuần, khi hai chúng tôi cùng đàm luận về đề tài phố Trèm quê yêu dấu.
          Chiêu 1 ngụm nước vối tươi, giọng ông chú cất lên đều đều, rủ rỉ:

- Phố Trèm có lẽ được lập ra và phát triển bắt đầu từ chợ Trèm, lấy chợ Trèm làm trung tâm. Về chợ Trèm, anh đã viết tàm tạm rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng: đó là cái chợ trên bến dưới thuyền, đầu mối giao thương của cả 1 vùng tây bắc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chợ có từ bao giờ, không rõ! Nhưng đến đầu những năm 40 thế kỷ trước, đã phát triển sầm uất, phong phú. Không kể những ngày phiên (4, 9) mà cả những ngày thường, từ sáng đến chiều, cũng không bao giờ thưa văng kẻ bán, người mua. Đông vui lắm! Làng Hoàng, làng Mạc không có chợ riêng, cũng đều xuống bán, mua ở chợ Trèm mình. Chỉ tiếc đến đầu những năm 60, chợ Trèm buộc phải giải tán để xây dựng bến phà và cột điện cao thế vượt sông Hồng. Nhưng đã có khu vực ngã tư đường  69 (Cái Dinh) và con đường từ nhà văn hóa thôn Hồng Ngự cắt vào bệnh xá hiện nay, với cả khoảng thời gian gần chục năm các cửa hàng ăn, cửa hàng thực phẩm mậu dịch, cửa hàng gạo nhà nước hoạt động tưng bừng, nhộn nhịp,… đủ điều kiện để hồi sinh, mở lại chợ Trèm ở vị trí địa lợi này. Chỉ tiếc các vị lãnh đạo xã, huyện hồi ấy thiếu tầm nhìn xa, chưa có con mắt thương nghiệp, vẫn chỉ trọng sản xuất, trọng nông mà coi nhẹ thương - thị nên đã bỏ lỡ cơ hội vàng; để cho chợ Vẽ chớp thời cơ chuyển từ Văn chỉ Đông Ngạc vào địa điểm gần đó và phát triển như ngày nay. Trong khi chợ Trèm mới, phải 40 năm sau, đầu thế kỷ 21 mới được xây lại, với tường cao bao quanh kín mít, cách quan lộ cả 300m… thì làm sao thu hút được thương lái và người mua! Tiếc thay!
-          Nhưng chú đang nói chuyện phố Trèm cơ mà?
-          Thì cũng trữ tình ngoại đề chút. Vì phố thường gắn với chợ phiên: phố -phường, bán mua, trao đổi, thành – thị. Chúng ta sẽ quay lại chủ đề ngay đây!
          Ngước lên mặt trần ốp nam che hiên nắng, rồi chuyển cái nhìn xa vắng ra ngoài sân, cụ M lại thủng thẳng, rẽ ràng:
-          Phố Trèm xưa khởi đầu bằng cửa hàng nhà ông Phó Uyên rồi đến các cửa hàng gỗ, tre, nứa, lá; hiệu bán thuốc cao đơn hoàn tán và tạp hóa của chị em cụ Mận, Hoài, chỗ đầu dốc ông Lựu bây giờ. Rồi đến điếm canh đê số 1, cửa hàng tạp hóa bà Cúc, hàng mã cụ Mài, hàng thuốc bắc cụ Quản Sinh, cửa hàng bán và sửa chữa xe tay, xe bò, xe ngựa của cụ Sự, khỏe như đô vật. Đại lý nước mắm Vạn Vân, bến xe ô tô Trèm - Hà Nội, dịch trạm (bưu điện), nhà hát ả đào…(Nhưng chú cũng chỉ nghe nói và đi qua trước cửa thôi chứ chưa từng được 1 lần thưởng thức thú chơi này!); hàng phở gánh ngon có tiếng. (Nhớ lại, có lẽ bát phở đầu tiên trong đời, tôi được bố mua cho là bát phở sốt vang đỏ sánh như canh cà chua, bánh trắng muốt, nước béo hoa sao, dọc hành hoa xanh mướt, ăn trước Gảnh Đình vào sáng chính hội chờ xem rước nước. Bát phở gánh phố Trèm giá 2 hào ấy còn đậm đà dư vị đến tận hôm nay).
          Bãi chiếu phim phố - làng Trèm có thời được mở ngay giữa triền đê sau nhà ông Lựu. Hai chục năm lại đây chuyển sang phía ngoài đê, cạnh cây đa đình Trèm. Nhưng bộ phim truyện đầu tiên mà lũ nhóc chúng tôi tìm mọi cách trốn vé (dù chỉ có 1 hào!) vào xem là phim truyện đầu tiên của Việt Nam Chung một dòng sông (đạo diễn Phạm Kỳ Nam người làng Vẽ), Thanh niên làng tôi, Vụ án Từ Thu Ảnh (Trung Quốc), Câu chuyện Trầm Thanh (Triều Tiên), Cuộc hành trình qua ba bể (Ấn Độ), Sông Đông êm đềm Đất vỡ hoang (Liên Xô cũ)…Mỗi tối có đội chiếu bóng số 32 về làng là phố Trèm như mở cờ, mở hội. Lũ trẻ con chúng tôi háo hức từ chiều, có khi không kịp chờ cơm tối, lùa tạm bát cơm nguội, rồi ríu rít rủ nhau nhảo ra bờ đê nghe ngóng, chơi đùa…
          Chủ cửa hàng tạp hóa tư nhân: chị PH xinh như hoa hậu, sáng đi học, chiều bán hàng, cạnh dốc Thị (Tắt Sen), đắt hàng có lẽ một phần vì nhan sắc và cái duyên mặn mà của cô chủ. Cửa hàng cắt tóc cụ Kha bên nhà chú Vi, công nhân nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm mới mở, những lại mê kéo đàn viôlông. Tối tối nghe tiếng đàn réo rắt nhưng nghe mãi vẫn không thấy khác với tiếng nhị hồ non nỉ! Qua bên kia đường Cái Dinh là cửa hàng nhà bà Tài Bi, hiệu sửa chữa đồng hồ và cắt tóc của anh em Quan, Quả; cửa hàng bán chuối bà Li; Hàng thịt lợn, hàng giò chả đặc sản quê Trèm; Hàng thịt chó ông Hà, có thằng con trai béo ị, mặt tròn vành vạnh, học cùng với tôi tại trường cấp 1, 2 Đông Ngạc. Không ít buổi trưa trên đường đi học về, bụng đói meo sôi réo, chúng tôi phải cố rảo bước thoát nhanh khỏi cái mùi chả chó nướng thơm lừng, đầy quyến rũ mà chẳng ai dám 1 lần liều lĩnh lê chân vào! Đến nhà thờ Đạo Thiên chúa xây dựng năm 1940 là chấm hết phố Trèm phía bên trong đê. Dưới kề đã là cửa hàng cụ lang Na, địa phận phố Vẽ.
          Bên ngoài đê, tính từ dưới lên là bãi kho cát sỏi mênh mông như đồi núi, trong sa mạc; qua đường dốc, đến lò vôi Trèm mà anh trai ông bạn thân của tôi từng làm công việc chuyển đá vào lò, chuyển vôi sống ra lò, nhiều năm ở đó. Cửa hàng đồng hồ ông Bi đài các, phòng thu thuế (nhà Đoan), sau hòa bình xây đồn công an số 1, quận 5…Những ngôi nhà cấp 4, lợp ngói Tây từ một đến 3 gian thấp, nhỏ (vì để bảo vệ đê, không được phép xây cao tầng, kiên cố), rồi đến chợ Trèm, (bến phà Trèm sau này)…
          Quán cơm ông cả Thuận (con rể cụ Tư Hộ), những năm 40 thế kỷ trước từng là 1 trong những địa chỉ đỏ hồi tiền khởi nghĩa, cơ sở quần chúng bí mật, bất ngờ, điểm hẹn liên lạc và nơi hội họp của các các đồng chí cán bộ cách mạng từ chiến khu về, từ nội thành ra như Tổng bí thư Đảng Trường Chinh, các UVTW Hoàng Văn Thụ, Xuân Thủy… từng qua lại, dừng chân, tạm trú. (Xem cuốn Lịch sử cách mạng xã Thụy Phương; tái bản, NXB Hà Nội, 2013). Ngược lên chút nữa là Đình Trèm, xóm ngụ cư Tân Lập 1, rẽ tới ngã ba sông Nhuệ (Đào) – sông Cái mà bờ bên kia - mom sông chênh vênh, vắt vẻo tọa lạc ngôi chùa Hoàng, đã là đất làng Hoàng Liên, xã Liên Mạc. Bờ bên này xanh um rặng tre kéo dài đến tận chân Cầu Sông.
-          Nếu chỉ có vậy thì phố Trèm xưa với phố Trèm nay cũng chẳng khác bao nhiêu! Tóm lại, theo cháu, phố Trèm thuộc loại phố – làng (phố trong làng, của làng, gắn với làng xã), nhỏ hẹp, ngắn ngủi, đìu hiu, mặt trời ngủ giữa chiều, trở mình trên mái lá, lèo tèo, nghèo nàn bám quanh 1 đoạn đường đê liên tỉnh. Phải vậy chăng?
-          Theo ý tôi, nếu phân loại phố dựa vào những tiêu chí xác định nào đó chẳng hạn, thì phố Trèm có thể xếp vào loại 3, 4 gì đó. Nhưng vẫn là phố rõ ràng, lại mang những đặc điểm riêng gắn với làng Trèm bên sông Hồng, khác với phố Vẽ, phố Noi, phố Nhật Tân, phố Xuân Đỉnh…
-           Nhưng cháu thấy, phố Trèm ngày nay phong phú, phát triển gấp mấy phố Trèm xưa chứ!
-          Thật thế sao? Cụ  M ngạc nhiên hỏi lại.
-          Đúng vậy! Này nhé: Phố Trèm xưa chỉ có 1 đường, 1 lối, 1 vệt, dài lắm cũng chưa đến 1 cây số mà nhà tranh, nhà lá và nhà cấp 4 là chủ yếu. Còn bây giờ? Phố Trèm phát triển cả 3 chiều: dài, rộng, và sâu; phân thành vài ba nhánh lớn, nhỏ. Chẳng hạn: dọc đường 69 (Cái Dinh) từ đầu dốc tới ngã tư bê tông, liên tiếp các cửa hàng, cửa hiệu, các kiểu; trong đó có những cửa hàng đồ điện, tủ lạnh, đồ nội thất hoành tráng, phong phú chủng loại hàng, đèn sáng choang, kém gì các cửa hiệu dọc đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Cầu Giấy! Nào  cắt tóc, gội đầu, mát xa, caraôkê, cầm đồ, hàng ăn, càfe đèn mờ, thu mua phế liệu, hàng bún, hàng phở, sửa chữa xe máy, mua bán vật liệu xây dựng, lương thực, thức ăn gia súc, đánh máy vi tính, fotocoppy, cho thuê, bán  sao, băng, đĩa, văn phòng phẩm, mua bán sách, báo, quầy bán thuốc Tây… chẳng thiếu thứ gì, từ nhỏ đến to; có cầu là có cung, từ sáng sớm  đến 9, 10 giờ đêm, chẳng mấy khi ngớt khách. Dãy phố này có cơ phát triển mạnh, lấn át phố Trèm xưa dọc đường đê,  và trở thành phố chính của xã Thụy Phương. Trụ sở UBND và Đảng ủy xã cũng đặt ở phố này. Phố lấn sát tận hàng rào trường THCS, chỉ còn một lối ra vào chẳng lấy gì làm rộng rãi, chẳng khác gì quang cảnh trước cổng các trường phổ thông ngoài Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm; giờ đến trường và tan trường nhiều hôm tạo nên sự ách tắc cục bộ 1 đoạn đường quanh chợ Vẽ đến cả tiếng đồng hồ.
-          Chưa hết! ngã tư Tân Nhuệ, đường Hoàng Tăng Bí, qua cầu – cống Liên Mạc, đầu này ngược lên mãi tận chân dốc Cầu Sông, đầu kia xuống khu Cơ khí, vượt sang bên kia cầu, mới thấy cánh đồng quê yên ả, thì nay cũng lại san sát cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, chợ cóc… cho đến tận Viện Chăn nuôi. Cũng từ hơn chục năm nay, đã xuất hiện dãy phố mới càng ngày càng sầm uất hơn. Dãy phố này một nửa thuộc Trèm, nửa bên kia thuộc Đông Ngạc, cư dân 2 làng sinh sống làm ăn, buôn bán bên nhau hòa thuận, nhịp nhàng.
-          Phố làng và chợ cóc, có lẽ đó là 1 trong những đặc điểm không thể thiếu của phố làng Việt Nam thời nay chăng? Bất cứ ngã tư, ngã ba nào tạm đủ rộng rãi là chợ cóc, chợ tạm có thể mọc lên nhanh chóng, tụ tán linh hoạt sau mỗi đợt thanh - kiểm tra của các lực lượng chức năng xã, huyện. Chợ cóc Đông Chi, chợ cóc Bạc Hà, chợ cóc Đông Trung…Sáng sớm, muốn ăn 1 bát phở xào, phở nước, phở bò, phở sốt vang, tái nạm, gầu, nóng hôi hổi, cháo lòng, tiết canh, hoặc đĩa bún chả, bát cháo cái sườn, trứng vịt lộn nhắm với rượu tăm trong vắt, các bà các cô thì nhấm nhót đĩa bánh trôi, bát bánh chay trắng muốt, sụp soạp bát bún ốc thơm lừng… tất cả đều sẵn sàng mời mọc ngay ngoài ngõ, thậm chí trước nhà; Hàng bánh bao, bánh dầy, bánh mì kẹp giò chả, ba tê bán rong, rao sớm, rao chiều có thể phục vụ những thực khách lười biếng gọi vào tận hè, tận đầu giường mà chọn, tùy sở thích. Bây giờ, sớm sớm có dịp ghé qua quán cháo lòng tiết canh chú Ti thôn Đồng, hàng phở cô Nam, cô Bắc thôn Hồng Ngự, thôn Đình, thôn Tân Nhuệ… đã thấy mức sống, lối sống của bà con dân làng đã được nâng cao, thay đổi rõ rệt.
          Tôi đã chứng kiến hơn một lần không hiếm những gia đình, cả nhà: vợ chồng, con cái kéo nhau vào quán ăn sáng. Chồng kéo ghế đánh roạt, ngồi bắt chân chữ ngũ, rút tờ báo mới ung dung, nhẩn nha đọc, đợi. Vợ dóng dả gọi món; hai đứa con lăng xăng đùa nghịch. Mấy bác, mấy chú thợ xây vừa khen bát tiết canh hãm khéo, đông có thể xâu lạt, vừa tợp hớp rượu, khà!, làm luôn mồi thuốc lào mới mua trong chợ, vừa bàn chuyện hợp đồng xây dựng…Buổi chiều thì nhóm này súm sít quanh hàng xổ số, nhóm kia lại lúi húi, hí hoáy, thì thào nhỏ to đánh con này, về con kia, nuôi con này mãi mà chưa được, tốn quá! Chuyện lô đề dẹp mãi không dứt, vẫn như 1 vấn nạn dai dẳng của không chỉ cư dân phố Trèm, dù nó đã đuổi không ít kẻ cả kẻ chơi đề lẫn chủ đề ra đê, khiến bao kẻ mắc tội, vào tù, nhà tan cửa nát! Tiếng xe máy phóng ào ào. Bất chợt có thằng choai choai phởn chí rú ga ầm ỹ. Tiếng nhạc sập sình, nện thình thình tức ngực chen tiếng ca nhạc vàng, sến, rên rỉ não nùng, phát ra từ những dàn loa khủng… hầu như phố làng nào cũng có. Những đám cưới thì khỏi nói! Một vài đám tang cũng không kém phần não nề, sôi nổi! Thật khó tìm thấy một buổi tối thực sự yên ả ở phố Trèm, làng Trèm ngày nay, có lẽ trừ những tối gió mưa dầm dề, dữ dội.
          Làng quê thanh bình, yên ả, êm đềm xưa, nay đã thực sự biến mất trong quá trình đô thị hóa nông thôn càng ngày càng mạnh mẽ, ào ạt, với 2 mặt ưu, nhược trái chiều của nó. Nhưng đó là quy luật của sự phát triển, không thể tránh, không thể đảo chiều ngược lại. Có lẽ chỉ trong một thời gian không xa, làng Trèm, xã Thụy Phương mình sẽ lên phường, nhập quận, sẽ hoàn thiện việc đặt tên đường phố, ngõ ngách, gắn biển số, thành phố Trèm thực sự, chính danh. Không ít người sung sướng, háo hức đợi chờ sự kiện này như 1 niềm vui, 1 tin lành đầy phấn chấn. Nhưng cũng không ít người buồn lo. Vì cứ đà này, mấy đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi thích đua đòi, sẽ phải quản thế nào đây? Chúng sẽ ra sao đây? Các bậc ông bà, cha mẹ lo lắng đăm chiêu thực sự và chỉ muốn làng Trèm, xã Thụy Phương cứ mãi là làng - xã trong huyện ngoại thành cũng chẳng sao, có khi lại hay hơn là khác, chứ lên phường, thành phố, mệt lắm! Thuế đất, thuế nhà, tiền điện, nước…cái gì cũng tăng giá, đắt đỏ hơn, theo tiêu chuẩn mới của cư dân có hộ khẩu nội thành. Đặc biệt phiền toái là cái sự xin giấy phép làm nhà. So với thời ngoại thành, chỉ thấy thiệt, lõm! Chỉ được khâu oai, oách!...Được cái vỏ, cái mẽ bên ngoài, còn đằng sau, trong ruột thì vẫn quê 1 cục. Phường phố làng xô bồ, dở dở ương ương! Có lẽ phải tới hàng trăm năm mới trở thành phố phường thực sự như Hoàn Kiếm, Hai Bà, Hàng Đào, Hàng Ngang trong nội thành. Bước quá độ làng à phố này còn lắm gian nan, lắm chuyện cười ra nước mắt và đâu dễ lột xác một sớm một chiều! Nhưng có lẽ nghĩ thế là lạc hậu, bảo thủ, là già nua, không bắt kịp với tốc độ phát triển của thời đại. Đúng không ông (bà)?!
-          Vấn đề không phải là cứ ngồi than thở và lo hão cho phố Trèm thời mở cửa hôm nay, cho phường Trèm tương lai! Mà mỗi người dân yêu làng phải suy nghĩ và hành động, một cách nghiêm túc và công tâm, anh ạ! Ông chú chậm rãi trả lời.
-          Thế còn vai trò, trách nhiệm của các vị lãng đạo Đảng và chính quyền xã? Tôi nôn nóng hỏi lại.
-          Tất nhiên, họ có vai trò và trách nhiệm nặng nề của họ. Và chú thấy họ cũng đã - đang cố gắng tìm và thực thi các phương án giải quyết đó thôi! Nhưng vấn đề lớn này quả là phức tạp, mới mẻ, chưa có tiền lệ. Nhưng tôi cho rằng, trước hết, mỗi người dân, từ già đến trẻ, kể cả lớp người cao tuổi - hưu như chú cháu mình, cũng phải mỗi người 1 tay góp phần làm lành mạnh, trong sạch phố Trèm, để phố Trèm ngày càng phát triển hiện đại, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phường Trèm trong tương lai, vừa giữ được bản sắc của làng quê Lý Ông Trượng ngàn năm văn hiến.
-          Nhưng bằng cách nào, thưa chú? Khi đa số chúng ta đều đâu phải lão dương ích tráng nữa mà lão giả an chi, lão lai tài tận, lực bất tòng tâm, gần đất xa trời? Tôi hỏi tiếp.
-          Thì trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già chứ! Vẫn choang được chứ sao! Bằng ý kiến tham mưu, tư vấn, trong các CLB, trong các hội, trong chi bộ…bằng lối sống gương mẫu trong sạch, cần kiệm của chính mình, bằng giáo dục chính gia đình, con cháu mình, bằng tự giác giữ sạch môi trường nhà, đường, ngõ, chợ…Và phải chăng chính những dòng tản văn tưởng chừng vụn vặt, tản mạn này, nếu có thêm người Trèm đọc, thì phố Trèm cũng có thể quang quẻ ít nhiều đó!
-          Ông chú đừng quá khen kẻ hậu sinh này! Cháu là con dân làng Trèm, cũng chỉ mong đựơc tự hào về quê hương mà hết lòng ca ngợi phố Trèm mình cũng như người Vẽ với phố Vẽ, người Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh…yêu phố làng của họ, mà thôi!

Lửng sáng - chiều muộn, trước Hội làng 20 – 6 – 2013
(13 tháng năm Quý Tỵ). ĐV



Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Những người sống vì văn chương nghệ thuật






Những người sống vì văn chương nghệ thuật

Đọc Nhà văn độc hành độc bộ của Vũ Từ Trang, nhà xuất bản Phụ nữ, 2013

                                    Vũ Nho

Đây là tập chân dung văn học viết về ba mươi người, trong đó hầu hết là nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ nổi tiếng và một vài người chưa nổi tiếng, nhưng  họ có chung một nét cơ bản của cuộc đời là lòng đắm say văn chương  nghệ thuật và thiết tha con chữ. Ba mươi người, ba mươi số phận, ba mươi tên tuổi, địa vị xã hội khác nhau. Người là nhà thơ nhà văn nổi tiếng hay ít nhất cũng có tên tuổi trên văn đàn, người là nhà giáo nhân dân dạy ở trường đại học danh tiếng, người là nhà điêu khắc, họa sĩ có thành tựu, nhưng có người chỉ là một người thợ sửa mo-rát, người  “thảng thốt thơ”, người “phận mỏng cánh cò”, hay chỉ  là một người phụ nữ cô đơn chơi với bóng mình, hoặc giản dị hơn, chỉ là thím Phụng, người nữ học viên trường nhạc họa âm thầm hi sinh cho chồng, con “ viết thơ để tự an ủi riêng mình”.

Qua những trang văn của Vũ Từ Trang, người đọc có thể thấy những hoàn cảnh riêng tư, những nỗi niềm sâu kín của một thế hệ nhà văn, nhà thơ. Nhưng điều quan trọng nhất là được thấy một thời khó khăn, gian khổ, có thể nói là nghèo túng về vật chất, nhưng tình người thật trong trẻo, ấm áp và thánh thiện. Đây là “căn hộ” của một cặp vợ chồng yêu mến văn chương : “ căn phòng có mấy mét vuông, nơi trú ngụ của hai con người. Không tủ, không giường phản. Một cái giát giường trải bệt xuống nền nhà. Một tấm  vỏ chăn  cũ màu cỏ úa đã bạc phủ lên làm ga thay chiếu. Một bếp dầu cháy lụp bụp. Trên bếp dầu là xoong mì sợi đang chín dở cùng mấy miếng cà chua đỏ ối. Đấy là bữa ăn bồi dưỡng quá tốt đối với chúng tôi hồi đó” ( trang 178).  Đây là không gian sáng tạo của người thảng thốt thơ : “ Đấy là gian nhà lợp tôn nóng hầm hập, cơi nới trên sân thượng của gian nhà tắm hôi hám. Giữa không gian đặc quánh mùi ba tê, mùi tương ớt, mùi bánh mì chua chưa bán hết, tôi không hình dung ra không gian thi ca của anh tồn tại chỗ nào. Rót mời tôi chén nước chè nhạt, anh vội đọc thơ cho tôi nghe” (trang 244). Một căn hộ khác của người phụ nữ làm thơ đất Cảng : “ Nhà cửa quá lụp xụp. Đã thế lại đi qua khu nghĩa trang lổn nhổn mồ mả tối om. Trong gian nhà chật chội với ánh sáng của ngọn đèn đỏ lòm, tôi nom chị như một bà công nhân nghèo lầm lũi. Một thoáng ngạc nhiên là con người xộc xệch, tất tưởi ấy, sao lại viết được những vần thơ trong trẻo và da diết đến vậy ở bài thơ Nói với con vừa in trên Văn nghệ Quân đội, mà chúng tôi từng bàn tán? Khi chị loay hoay ngần ngại vì không biết mời chúng tôi ngồi đâu, thì con gái chị nhanh tay xé cho mỗi chúng tôi một mảnh giấy bao xi măng trải trên nền đất ẩm ngồi tạm. Căn phòng chật hẹp và nóng bức. Chiếc quạt con cóc bé xíu chạy lờ đờ càng khoắng cái bầu không khí nóng thêm” ( trang 274-275). Các nhà văn, nhà thơ khác cũng chung một cái nghèo như thế. Ngay cả nhà thơ, giảng viên trường đại học danh tiếng của đất nước mà cũng ở tạm trong cái tum của ngôi nhà tầng “ hai thầy giáo, hai nhà thơ trẻ, đêm đêm vẫn trùng trục ngồi quay lưng vào nhau, chong đèn đọc và viết thơ” ( trang 309). Còn ăn uống thì sao? Đây là những dòng chân thật do người viết từng tham gia và kể lại : “ hai người đàn ông và một cháu trai, thi thoảng vẫn xì xụp nấu cùng ăn cho vui. Một bữa, anh Lân đập hai quả trứng vịt, đánh tơi bọt, đổ vào chảo rán, tôi kêu lên : “ Chết, ăn sang quá. Ba người chén hai con vịt”. Anh quay lại nhìn tôi, thật thà: Anh em mình cảnh nghèo quá mà! Bữa nay mình ăn tươi” ( trang 303). Dù sao thì mọi người vẫn có nhà riêng, có chỗ nấu ăn. Có người còn đặc biệt hơn thường xuyên cơm bụi, tá túc nhà bạn bè, tối vể ngả lưng ở cơ quan “ Có thể anh tạt vào một quán cơm bụi làm đĩa cơm còm, hoặc ghé một quán cóc làm một chén rượu đế, ngửa mặt nhìn dòng người thành phố quay cuồng như cơn lốc. Và có thể anh chờ đêm xuống, để về ngả lưng trên bàn cơ quan” ( trang 318).

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

TIẾU LÂM GABROVO 9







TIẾU LÂM GABROVO 9 ( TIẾP)

HI VỌNG
-         Cậu đợi ai giữa đường phố lạnh giá thế này?
-          Ôi, xin đừng hỏi! Mình đánh  rơi chai rượu raki, nó vỡ, rượu chảy ra.
-          Vậy cậu chờ đợi gì?
-          Mình đợi rượu đóng băng lại để hốt mang về!

BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Bố mua cho con trai đôi giày mới. Buổi chiều, con thắng giầy vào đi chơi nhà người thân. Trên đường đi bố hỏi con:
-         Con đi giầy mới, đúng không?
-          Vâng, bố ạ.
-          Thế thì đừng chạy lon ton. Hãy bước những bước dài hơn- Ông bố khuyên.

PHỤ NỮ GABROVO CHÍNH HIỆU
Một anh chàng Gabrovo mua ô tô. Tuy nhiện khi trả tiền anh ta giữ lại một phần dưới dạng bảo hành thời hạn một tháng. Chưa được ba ngày, người bán hàng nhận được chiếc còi cùng mảnh giấy của vợ người mua xe : “Chúng tôi trả ông cái còi vì chồng tôi sau khi tập luyện đã tự kêu như còi. Xin ông tính trừ tiền chiếc còi vào số tiền còn lại”.

CÂU TRẢ LỜI HỢP LÍ
Một cô gái Gabrovo lấy chồng về thăm bố mẹ đẻ. Sửa soạn ra về, cô ta đứng ở cửa và hỏi:
-         Con không quên gì ở nhà bố mẹ chứ?
-         Muốn quên cái gì thì trước tiên phải mang  cái đó đến đã chứ! – Người mẹ đáp.

TRONG NHÀ TẮM
-         Vé tắm hơi giá bao nhiêu?
-         Hai leva.
-         Đây, tôi giả một leva. Anh hãy vặn vòi nước mở một nửa thôi!

VẬY THÌ CHỈ TƯƠNG HẠT CẢI
Người Gabrovo yêu cầu người bán hàng cân cho một lạng giò. Người bán hàng đưa giò kèm một ống nhỏ tương hạt cải.
-         Nhưng tôi không mua tương hạt cải! – Anh ta ngạc nhiên.
-         Món này miễn phí, bán kèm giò!
-         Vậy thì hãy cho tôi chỉ tương hạt cải mà thôi!

ĐỒNG CẢM
Hai người quen gặp nhau. Trong câu chuyện, họ nhắc tới người bạn chung của họ.
-         Mình gặp cậu ấy hôm kia, cậu ấy mang về nhà một gói đường. Khi mình báo tin rằng Bakata đã mất, cậu ấy xúc động đến nỗi buông rơi gói đường!
-          Thế đường loại gì trong gói – đường cát hay là đường miếng? – Anh bạn gốc Gabrovo hỏi lại anh kia.

TIÊN TRI
-         Mẹ ơi, mẹ biết không, chủ nhật tới con sẽ mặc quần mới.
-         Thế con lấy đâu ra?
-         Hôm nay bố vô ý làm rách quần của mình.

PHÒNG XA
-         Xin lỗi, vì sao bác lại xem tỉ mỉ mặt trái tấm vải như vậy? – Người bán hàng hỏi.
-         Để biết trước quần áo tôi sẽ ra sao sau đó mấy năm!

BA TRĂM GAM VÀO CHAI SÁU TRĂM
Bác thợ Gabrovo có người đặt hàng. Lúc đó, cậu thợ phụ bước vào và nhắc là hết dầu thực vật.
-         Mang chai sáu trăm này mà đi mua. Tiền đây. – Bác thợ cố ý nói to. Sau đó thì thào vào tai cậu thợ phụ:
-         Cậu chỉ mua không hơn ba trăm thôi nhé!



Vũ Nho dịch ( Còn tiếp)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn khép lại câu chuyện đáng tiếc!

Thứ Bẩy, 27/07/2013 - 06:27

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn khép lại câu chuyện đáng tiếc!



(Dân trí) - Sau khi BLOG đăng bài “Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình là dân gian”, Nhà thơ đã gửi đến chúng tôi bài viết theo đó, anh muốn “khép lại chuyện đáng tiếc này”. Tuy nhiên, giờ đây không phải là chuyện của hai người bởi nó liên quan đến quyền sở hữu, ngân sách, danh dự…
 >>  Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình thành “dân gian”
 >>  Viện Văn học lên tiếng vụ “biến” thơ Trần Đăng Khoa thành tác phẩm dân gian


 (Minh họa: Ngọc Diệp)


(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thư của Nhà thơ Trần Đăng Khoa gửi nhóm làm sách

 

Tôi vừa nhận được bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Huế nói về việc chị cùng nhóm cộng sự làm cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam”. Như vậy là tất cả đã rõ.

Trước khi khép lại câu chuyện đáng tiếc này, tôi cũng muốn nói thêm đôi điều với nhóm làm sách. Nếu đây chỉ là cuốn sách bình thường thì tôi cũng chả bàn làm gì. Nhưng đây lại là công trình khoa học, là TỪ ĐIỂN, sách để tra cứu, là loại sách công cụ có giá trị khoa học lâu dài, đòi hỏi tính chuẩn xác rất cao… Một cuốn sách như thế, mà lại nhầm lẫn tai hại, khiến bạn đọc có thể hiểu lầm là tôi đạo văn, buộc tôi phải lên tiếng, không còn cách nào khác.

Đối với người làm công tác khoa học, việc sử dụng tư liệu của những người đi trước là rất bình thường.

Nhưng làm TỪ ĐIỂN, khi sử dụng, cũng phải rà soát, kiểm tra lại kỹ lưỡng chứ không thể cứ bê nguyên tư liệu của người khác mà không qua kiểm định.

Xin hãy nghe ý kiến của bác Vũ Tấn Cử, một độc giả phát biểu trên trang VOV.VN: “Thật kinh hoàng cho lối làm ăn…của các "nhà khoa học". Mà đều là học hàm học vị “kễnh” cả. Tôi vốn là giáo viên. Có những nhà nghiên cứu còn  lười nhác thế này: Nhờ cô giáo ra đề cho học sinh: "Em hãy sưu tầm một truyện dân gian ở địa phương em". Thế là hôm sau, chỉ ở một trường phổ thông thôi cũng đã thu được hàng ngàn bài, bằng các nhà sưu tầm của viện đi thực địa cả năm. Tiền chia thoải mái. Rồi cứ căn cứ vào các "sưu tầm" khoa học đó mà làm sách. Nhàn tênh mà có tiền bỏ túi. Sau in sách mới tá hoả kinh hồn vì học sinh sao cóp truyện ở đâu đó, hoặc bịa ra rồi nộp thày cho xong nợ…”.

Đã là truyện dân gian thì phải có tính phổ biến rộng rãi, người ta kể cho nhau bằng phương pháp truyền khẩu, mà câu truyện phải nhiều người biết. Một người kể chưa đủ. Cụ Nguyễn Đổng Chi xưa sưu tầm truyện dân gian còn có nhiều khảo dị, người sưu tầm còn phải hiệu đính, khảo sát kỹ lưỡng, có xét cả đến yếu tố địa – văn hoá, rồi mới công bố.

Ta hãy nghe chính một người dân Bạc Liêu, bác Huỳnh Tân Phương, phát biểu trên VOV.VN: “Tôi là dân Bạc Liêu đây. Bạc Liêu làm gì có truyện dân gian "Đi đánh Thần Hạn". Ba láp rồi. Vấn đề Bạc Liêu không phải hạn hán chi hết. Dân tui là dân đờn ca tài tử, văn hoá sông nước, miệt vườn. Nước mênh mông khi mùa nước nổi. Hạn hán là chuyện xa lạ, đó có thể là chuyện ở Ninh Thuận, Bình Thuận hay ngoài Bắc chứ bộ. Nghiên cứu nghiên kiếc thế này thì chết. Hổng lẽ viện Văn học khoa học hàn lâm mà thế này sao?”.

Nhắc lại mấy ý kiến của bạn đọc phản hồi câu chuyện đáng tiếc này, cũng là cực chẳng đã, không phải để kết tội các vị làm sách mà là một ý kiến chung mà tôi nghĩ chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của dân, nhất là những người làm công tác khoa học.

Cũng có bạn trách tôi: “Tôi nghĩ có lẽ thơ của bác Khoa đã được dân gian đọc, thích, rồi nhớ, rồi truyền từ mẹ sang con, từ bà sang cháu... Nếu trách là trách người biên soạn cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu khi chỉnh lý đã không biết đó là câu chuyện được phóng tác lại từ thơ của bác Khoa (mà làm sao mà biết hết được nhỉ?). Còn người làm từ điển, người ta dựa vào cuốn tuyển tập đã xuất bản từ năm 2005 và đã tái bản (sao lúc đó không ai phát hiện ra là có thơ của bác Khoa trong đó nhỉ?)... Người ta có làm gì sai mà bác quy chụp nào là đạo văn, nào là tiêu tốn tiền của nhà nước, nhân dân kinh thế. Theo tôi, bác Khoa nên mừng mới phải, vì thơ của bác coi như là sống vĩnh viễn với dân gian rồi”.

Nếu sự thật rõ ràng, rành mạch như bạn nói thì tôi đã chẳng làm mất thời gian của bạn đọc làm gì. Nhưng sự thật lại không phải thế. Công trình được tài trợ của Chính phủ thì không phải tiền của dân thì tiền của ai? Xin lưu ý: Đây là Bộ Từ điển khoa học, sách để tra cứu có giá trị sử dụng lâu dài, chứ không phải là cuốn sách giải trí thưởng thức thông thường, nên cần phải rà soát cẩn trọng như tôi nói. Bạn bảo làm sao có thể biết hết được. Biết đấy. Chỉ cần sơ đẳng nhất, kiểm tra qua google cũng đã rõ ngay sau mấy giây. Đấy là việc sơ đẳng đến cả học sinh phổ thông tiểu học cũng biết được, chứ đâu phải các nhà khoa học.

Tôi cũng đã đọc bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Huế và cũng rất cảm thông với chị, cũng hiểu cái khó của chị cùng nhóm làm sách, nhất là làm một công trình lớn, rất khó tránh được những sơ xuất.

Tuy nhiên, trước khi khép lại, tôi cũng muốn các nhà khoa học hãy rà soát lại sản phẩm của mình, xem có còn trường hợp nào tương tự như “Đi đánh Thần Hạn” không? Khi sơ xuất đã được bạn đọc phát hiện cũng cần đính chính, hoặc điểu chỉnh nêu rõ nguồn gốc. Bởi xin nhắc lại, đây là TỪ ĐIỂN, đòi hỏi sự chuẩn xác rất cao, chứ không phải một cuốn sách thông thường. Đừng để những vết sạn làm hỏng công trình của các vị.