Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Đánh nhau với cối xay gió





ĐÁNH NHAU VỚI CỐI XAY GIÓ

          Trích “ Đôn-ki-hô-tê nhà quý tộc tài ba xứ Man tra” của Xéc-van-téc
                                               
                                                   Vũ Nho

         

Tác phẩm “ Đôn Ki-hô-tê nhà quý tộc tài ba xứ Man tra” ra đời nó đã được đón chào nồng nhiệt ngay trên quê hương Tây Ban Nha : “Tập sách bán chạy như bánh thánhVừa in ra là người ta đã thấy nó ở khắp nơi: trên bàn viết của các nhà văn, trong tay các người gác cửa, trong các cung điện, các nhà tù, các trường đại học, bên lò sưởi quán trọ. Chỉ trong một năm tất cả đã in lại đến sáu lần và tất cả sáu lần đều bán sạch”.

          Đoạn trích chỉ là hai đoạn ngắn trong hai chương 8 và 9 trong số 128 chương của tác phẩm. Vì vậy, tóm tắt nội dung tác phẩm và vị trí của đoạn trích là rất quan trọng để giúp các em hình dung ra một số nét tính cách của hai nhân vật Đôn Ki-hô-tê và Xan chô Pan xa.

          Tóm tắt tác phẩm,  các em học sinh  hãy thực hiện dựa vào chú thích trang 78, Ngữ văn 8 tập 1.

          Tóm tắt những sự việc xảy ra trước đoạn trích, cần lưu ý rằng lần ra đi đánh nhau với cối xay gió là lần ra đi thứ hai của hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê. Trước đó nhà quý tộc nghèo này vì say mê  truyện kiếm hiệp đã tự mình lau chùi đồ binh giáp cổ ( mất một tuần), đặt tên cho con ngựa còm là Rô xi nan tê ( tuấn mã đứng đầu tất cả những con ngựa trên đời) ( mất bốn ngày) và suy nghĩ đặt biệt hiệu cho mình ( mất tám ngày), rồi chọn cho mình một tình nương(cũng lại đổi tên cho sang trọng).  Chàng ra đi. Trong khi giao chiến với những người lái buôn vì họ không chịu thừa nhận nàng Đulxinêa làng Tôbôxô đẹp nhất trần gian, chàng bị đánh nhừ tử, may nhờ một bác nông dân cùng làng đưa về gia đình.

          Đây là lần ra đi thứ hai của chàng.

Đoạn trích rút từ chương VIII- IX của phần thứ nhất tác phẩm, có tiêu đề: “ Cuộc gặp gỡ rùng rợn quá mức tưởng tượng giữa hiệp sĩ dũng cảm Đôn Ki-hô-tê với những cối xay gió và những sự việc khác đáng ghi nhớ”.

          Tuy đoạn trích rất ngắn so với toàn bộ khối lượng tác phẩm, nhưng đây là đoạn thể hiện khá rõ những điều tốt đẹp của Đôn Ki-hô-tê và cả những điều ngớ ngẩn, đáng chê cười của chàng. Cần phải khẳng định rằng nếu không lưu ý đúng mức điều tốt và là điều rất cơ bản của nhân vật này, các em học sinh sẽ chỉ cảm thấy Đôn Ki-hô-tê là nhân vật buồn cười, lố bịch và ngớ ngẩn. Nếu chỉ xác định đây là nhân vật vừa có cái hay, vừa có cái dở, cái hay bằng với cái dở hoặc cái hay thì ít, cái dở thì nhiều thì chúng ta vô hình trung đã hạ thấp nhân vật .

          “Đôn Ki-hô-tê yêu chuộng đạo đức và chính nghĩa. Đôn Ki-hô-tê mơ ước cho mọi người có thể sống một cuộc đời thực thà hơn, công bằng hơn, sung sướng hơn. Tin tưởng vào chính nghĩa và chân lí, Đôn Ki-hô-tê luôn luôn sẵn sàng tranh đấu mong cho chính nghĩa và chân lí được thắng lợi.  Trong cuộc tranh đấu, Đôn Ki-hô-tê không hề bao giờ rụt rè, lưỡng lự. Trái hẳn thế, tinh thần của nhà kị sĩ là tinh thần không biết sợ, không biết nản

( Đặng Thai Mai – Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 2, nxbVăn học, Hà nội, 1969).

          Những nhận xét trên của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai giúp chúng ta hiểu đúng nhân vật Đôn Ki-hô-tê trong đoạn trích “ Đánh nhau với cối xay gió”.

          Những điều tốt đẹp của nhân vật khi xông lên đánh nhau với cối xay gió- những gã khổng lồ và sau cú  ngã như trời giáng thể hiện ở chỗ:

-         Kiên quyết tiêu diệt cái ác, cái xấu “ quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”.

-         Dũng cảm, chủ động tấn công địch, không sợ chênh lệch lực lượng.

-         Quyết chiến thắng kẻ thù cho dù chúng dùng pháp thuật xấu xa.

-         Không hề rên rỉ, theo gương các hiệp sĩ giang hồ, dù có bị thương “sổ cả ruột ra ngoài”.

Như vậy, rõ ràng Đôn Ki-hô-tê là người có lí tưởng tốt đẹp, là người dám chiến đấu hi sinh để phụng sự lí tưởng, là người mong muốn những điều tốt đẹp cho mọi người. Chính điều này làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nhân vật.


               Nhưng Đôn Ki-hô-tê lại là người sách vở và không có thực tế, một người mà đầu óc chứa đầy những chuyện kiếm hiệp. Bởi vậy mà anh ta hành động điên rồ, mù quáng và buồn cười. Điều đó thể hiện ở việc khăng khăng coi những cối xay gió là những gã khổng lồ độc ác, xông lên đánh nhau với chúng đến nỗi giáo gãy tan tành, bản thân ngất đi, con ngựa cũng bị toạc nửa lưng. Rồi cái gì cũng theo sách vở : cầu mong tình nương giúp đỡ khi giao chiến, không dám kêu đau vì sách nói hiệp sĩ không được rên rỉ, cho phép Xan chô Pan xa kêu la thoải mái vì sách kiếm hiệp không cấm. Và thức cả đêm để nghĩ tới tình nương, nhịn ăn sáng vì nghĩ đến người yêu cũng đủ no.

          Chúng ta ca ngợi, khâm phục tinh thần sống có lí tưởng, dũng cảm chiến đấu cho công bằng, hạnh phúc của thế giới này của nhân vật, nhưng cũng phê phán sự gàn dở,  mù quáng theo sách vở và cố  chấp của chàng.

          Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu khẳng định rằng trong mỗi người chúng ta đều có một ít dòng máu của Đôn Ki-hô-tê. Đó chính là  bản chất lương thiện với lí tưởng tốt đẹp, tinh thần quyết tâm vượt khó khăn; đó cũng chính là còn có những lúc chúng ta mù quáng, xử sự ngớ ngẩn, xa rời thực tế.

          Các nhà làm phim xô viết khi dựng lại tác phẩm Đôn Ki-hô-tê đã để  hình ảnh kết thúc bộ phim là Đôn Ki-hô-tê cùng với con ngựa Rô xi nan tê và anh giám mã Xan chô Pan xa cưỡi con lừa đã đập vỡ kính của bảo tàng và hăng hái làm một cuộc ra đi mới. Rõ ràng, trên trái đất của chúng ta còn bao nhiêu điều bất công, ngang trái, con người chưa được sống hạnh phúc, thì hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê chưa thể nghỉ ngơi trong viện bảo tàng. Đấy cũng là một cách đánh giá cao nhân vật Đôn Ki-hô-tê và lí tưởng tốt đẹp của chàng.

          Nhân vật Xan chô Pan xa chỉ là một nhân vật phụ. Nhân vật này luôn luôn thực tế và thực dụng. Anh ta không sống theo sách vở, thích được lợi, thích ăn ngon và ngủ kĩ, thích cuộc sống nhàn hạ. Khác biệt lớn nhất là anh ta không theo đuổi một lí tưởng, hành động thực tế, tránh xa những gì nguy hiểm. Có thể nói gọn lại Xan chô Pan xa là người giản dị trong tư tưởng, giản dị trong tình cảm. Điều đó vừa tương phản, lại vừa bổ sung làm nổi bật tính cách của Đôn Ki-hô-tê.

Nêu phải so sánh hai nhân vật thì cần nhấn mạnh đến việc theo đuổi lí tưởng tốt đẹp, dũng cảm chiến đấu, xông vào nơi nguy hiểm là nét khác biệt và nổi trội ở Đôn Ki-hô-tê.



Đôn Ki-hô-tê
Xan chô Pan xa
- Theo đuổi lí tưởng cao đẹp
- Dũng cảm, lao thẳng vào hiểm nguy
- Xa rời thực tế
- Hành động mù quáng, điên rồ
- Làm theo sách vở kiếm hiệp
- Thực dụng
- Tránh xa những nguy hiểm
- Luôn luôn thực tế
- Hành động tỉnh táo, khôn ngoan
- Làm theo sở thích tự nhiên



          Nghệ thuật nổi bật nhất trong đoạn trích chính là xây dung tính cách  tương phản vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau. Trước những cối xay gió, trước vết thương, trước việc ăn và ngủ, hai nhân vật đều suy nghĩ và hành động khác hẳn nhau. Điều đó làm rõ đặc điểm của mỗi nhân vật.

          Trong đoạn còn nổi lên nghệ thuật hài hước trong kể chuyện và miêu tả. Cách xử sự nhất nhất đều theo sách vở của Đôn Ki-hô-tê, sự xa rời thực tế và cố chấp của chàng hiệp sĩ giao đấu với cối xay gió tạo ra những tình huống hài hước.

                                                                             11/2006
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét