Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

PHỐ TRÈM - Tản văn của ĐƯỜNG VĂN




PHỐ  TRÈM

(Tản văn)                                                                                                          

-                        Xưa nay, cháu mới chỉ nghe người ta nói đến phố Vẽ chứ chưa bao giờ nghe về phố Trèm. Có lẽ bởi cháu là dân trong làng ít quan hệ với dân ngoài đê, ngoài xóm Chợ ngoài, Ô tô, Bến Ngự, nên ít hiểu biết về phố Trèm chăng?
-                      Không hẳn vậy! Tôi nghĩ chủ yếu là vì ở lứa tuổi 4X các anh, khi lớn lên, có chút hiểu biết thì phố Trèm đã suy, đã tàn lụi lắm rồi?! Trong khi đó, phố Vẽ lại ngày một nổi lên, hưng thịnh. Hèn chi các anh chẳng lầm tưởng! Thực ra phố Trèm đã từng có một giai đoạn dài vẻ vang, hưng thịnh, một thời vang bóng. Anh có muốn nghe không?
-                      Xin mời ông chú kể ngay cho!
          Đó là khúc mở đầu câu chuyện chiều chủ nhật vừa rồi giữa tôi và ông chú họ, cũng đã ngót nghét bát tuần, khi hai chúng tôi cùng đàm luận về đề tài phố Trèm quê yêu dấu.
          Chiêu 1 ngụm nước vối tươi, giọng ông chú cất lên đều đều, rủ rỉ:

- Phố Trèm có lẽ được lập ra và phát triển bắt đầu từ chợ Trèm, lấy chợ Trèm làm trung tâm. Về chợ Trèm, anh đã viết tàm tạm rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng: đó là cái chợ trên bến dưới thuyền, đầu mối giao thương của cả 1 vùng tây bắc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chợ có từ bao giờ, không rõ! Nhưng đến đầu những năm 40 thế kỷ trước, đã phát triển sầm uất, phong phú. Không kể những ngày phiên (4, 9) mà cả những ngày thường, từ sáng đến chiều, cũng không bao giờ thưa văng kẻ bán, người mua. Đông vui lắm! Làng Hoàng, làng Mạc không có chợ riêng, cũng đều xuống bán, mua ở chợ Trèm mình. Chỉ tiếc đến đầu những năm 60, chợ Trèm buộc phải giải tán để xây dựng bến phà và cột điện cao thế vượt sông Hồng. Nhưng đã có khu vực ngã tư đường  69 (Cái Dinh) và con đường từ nhà văn hóa thôn Hồng Ngự cắt vào bệnh xá hiện nay, với cả khoảng thời gian gần chục năm các cửa hàng ăn, cửa hàng thực phẩm mậu dịch, cửa hàng gạo nhà nước hoạt động tưng bừng, nhộn nhịp,… đủ điều kiện để hồi sinh, mở lại chợ Trèm ở vị trí địa lợi này. Chỉ tiếc các vị lãnh đạo xã, huyện hồi ấy thiếu tầm nhìn xa, chưa có con mắt thương nghiệp, vẫn chỉ trọng sản xuất, trọng nông mà coi nhẹ thương - thị nên đã bỏ lỡ cơ hội vàng; để cho chợ Vẽ chớp thời cơ chuyển từ Văn chỉ Đông Ngạc vào địa điểm gần đó và phát triển như ngày nay. Trong khi chợ Trèm mới, phải 40 năm sau, đầu thế kỷ 21 mới được xây lại, với tường cao bao quanh kín mít, cách quan lộ cả 300m… thì làm sao thu hút được thương lái và người mua! Tiếc thay!
-          Nhưng chú đang nói chuyện phố Trèm cơ mà?
-          Thì cũng trữ tình ngoại đề chút. Vì phố thường gắn với chợ phiên: phố -phường, bán mua, trao đổi, thành – thị. Chúng ta sẽ quay lại chủ đề ngay đây!
          Ngước lên mặt trần ốp nam che hiên nắng, rồi chuyển cái nhìn xa vắng ra ngoài sân, cụ M lại thủng thẳng, rẽ ràng:
-          Phố Trèm xưa khởi đầu bằng cửa hàng nhà ông Phó Uyên rồi đến các cửa hàng gỗ, tre, nứa, lá; hiệu bán thuốc cao đơn hoàn tán và tạp hóa của chị em cụ Mận, Hoài, chỗ đầu dốc ông Lựu bây giờ. Rồi đến điếm canh đê số 1, cửa hàng tạp hóa bà Cúc, hàng mã cụ Mài, hàng thuốc bắc cụ Quản Sinh, cửa hàng bán và sửa chữa xe tay, xe bò, xe ngựa của cụ Sự, khỏe như đô vật. Đại lý nước mắm Vạn Vân, bến xe ô tô Trèm - Hà Nội, dịch trạm (bưu điện), nhà hát ả đào…(Nhưng chú cũng chỉ nghe nói và đi qua trước cửa thôi chứ chưa từng được 1 lần thưởng thức thú chơi này!); hàng phở gánh ngon có tiếng. (Nhớ lại, có lẽ bát phở đầu tiên trong đời, tôi được bố mua cho là bát phở sốt vang đỏ sánh như canh cà chua, bánh trắng muốt, nước béo hoa sao, dọc hành hoa xanh mướt, ăn trước Gảnh Đình vào sáng chính hội chờ xem rước nước. Bát phở gánh phố Trèm giá 2 hào ấy còn đậm đà dư vị đến tận hôm nay).
          Bãi chiếu phim phố - làng Trèm có thời được mở ngay giữa triền đê sau nhà ông Lựu. Hai chục năm lại đây chuyển sang phía ngoài đê, cạnh cây đa đình Trèm. Nhưng bộ phim truyện đầu tiên mà lũ nhóc chúng tôi tìm mọi cách trốn vé (dù chỉ có 1 hào!) vào xem là phim truyện đầu tiên của Việt Nam Chung một dòng sông (đạo diễn Phạm Kỳ Nam người làng Vẽ), Thanh niên làng tôi, Vụ án Từ Thu Ảnh (Trung Quốc), Câu chuyện Trầm Thanh (Triều Tiên), Cuộc hành trình qua ba bể (Ấn Độ), Sông Đông êm đềm Đất vỡ hoang (Liên Xô cũ)…Mỗi tối có đội chiếu bóng số 32 về làng là phố Trèm như mở cờ, mở hội. Lũ trẻ con chúng tôi háo hức từ chiều, có khi không kịp chờ cơm tối, lùa tạm bát cơm nguội, rồi ríu rít rủ nhau nhảo ra bờ đê nghe ngóng, chơi đùa…
          Chủ cửa hàng tạp hóa tư nhân: chị PH xinh như hoa hậu, sáng đi học, chiều bán hàng, cạnh dốc Thị (Tắt Sen), đắt hàng có lẽ một phần vì nhan sắc và cái duyên mặn mà của cô chủ. Cửa hàng cắt tóc cụ Kha bên nhà chú Vi, công nhân nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm mới mở, những lại mê kéo đàn viôlông. Tối tối nghe tiếng đàn réo rắt nhưng nghe mãi vẫn không thấy khác với tiếng nhị hồ non nỉ! Qua bên kia đường Cái Dinh là cửa hàng nhà bà Tài Bi, hiệu sửa chữa đồng hồ và cắt tóc của anh em Quan, Quả; cửa hàng bán chuối bà Li; Hàng thịt lợn, hàng giò chả đặc sản quê Trèm; Hàng thịt chó ông Hà, có thằng con trai béo ị, mặt tròn vành vạnh, học cùng với tôi tại trường cấp 1, 2 Đông Ngạc. Không ít buổi trưa trên đường đi học về, bụng đói meo sôi réo, chúng tôi phải cố rảo bước thoát nhanh khỏi cái mùi chả chó nướng thơm lừng, đầy quyến rũ mà chẳng ai dám 1 lần liều lĩnh lê chân vào! Đến nhà thờ Đạo Thiên chúa xây dựng năm 1940 là chấm hết phố Trèm phía bên trong đê. Dưới kề đã là cửa hàng cụ lang Na, địa phận phố Vẽ.
          Bên ngoài đê, tính từ dưới lên là bãi kho cát sỏi mênh mông như đồi núi, trong sa mạc; qua đường dốc, đến lò vôi Trèm mà anh trai ông bạn thân của tôi từng làm công việc chuyển đá vào lò, chuyển vôi sống ra lò, nhiều năm ở đó. Cửa hàng đồng hồ ông Bi đài các, phòng thu thuế (nhà Đoan), sau hòa bình xây đồn công an số 1, quận 5…Những ngôi nhà cấp 4, lợp ngói Tây từ một đến 3 gian thấp, nhỏ (vì để bảo vệ đê, không được phép xây cao tầng, kiên cố), rồi đến chợ Trèm, (bến phà Trèm sau này)…
          Quán cơm ông cả Thuận (con rể cụ Tư Hộ), những năm 40 thế kỷ trước từng là 1 trong những địa chỉ đỏ hồi tiền khởi nghĩa, cơ sở quần chúng bí mật, bất ngờ, điểm hẹn liên lạc và nơi hội họp của các các đồng chí cán bộ cách mạng từ chiến khu về, từ nội thành ra như Tổng bí thư Đảng Trường Chinh, các UVTW Hoàng Văn Thụ, Xuân Thủy… từng qua lại, dừng chân, tạm trú. (Xem cuốn Lịch sử cách mạng xã Thụy Phương; tái bản, NXB Hà Nội, 2013). Ngược lên chút nữa là Đình Trèm, xóm ngụ cư Tân Lập 1, rẽ tới ngã ba sông Nhuệ (Đào) – sông Cái mà bờ bên kia - mom sông chênh vênh, vắt vẻo tọa lạc ngôi chùa Hoàng, đã là đất làng Hoàng Liên, xã Liên Mạc. Bờ bên này xanh um rặng tre kéo dài đến tận chân Cầu Sông.
-          Nếu chỉ có vậy thì phố Trèm xưa với phố Trèm nay cũng chẳng khác bao nhiêu! Tóm lại, theo cháu, phố Trèm thuộc loại phố – làng (phố trong làng, của làng, gắn với làng xã), nhỏ hẹp, ngắn ngủi, đìu hiu, mặt trời ngủ giữa chiều, trở mình trên mái lá, lèo tèo, nghèo nàn bám quanh 1 đoạn đường đê liên tỉnh. Phải vậy chăng?
-          Theo ý tôi, nếu phân loại phố dựa vào những tiêu chí xác định nào đó chẳng hạn, thì phố Trèm có thể xếp vào loại 3, 4 gì đó. Nhưng vẫn là phố rõ ràng, lại mang những đặc điểm riêng gắn với làng Trèm bên sông Hồng, khác với phố Vẽ, phố Noi, phố Nhật Tân, phố Xuân Đỉnh…
-           Nhưng cháu thấy, phố Trèm ngày nay phong phú, phát triển gấp mấy phố Trèm xưa chứ!
-          Thật thế sao? Cụ  M ngạc nhiên hỏi lại.
-          Đúng vậy! Này nhé: Phố Trèm xưa chỉ có 1 đường, 1 lối, 1 vệt, dài lắm cũng chưa đến 1 cây số mà nhà tranh, nhà lá và nhà cấp 4 là chủ yếu. Còn bây giờ? Phố Trèm phát triển cả 3 chiều: dài, rộng, và sâu; phân thành vài ba nhánh lớn, nhỏ. Chẳng hạn: dọc đường 69 (Cái Dinh) từ đầu dốc tới ngã tư bê tông, liên tiếp các cửa hàng, cửa hiệu, các kiểu; trong đó có những cửa hàng đồ điện, tủ lạnh, đồ nội thất hoành tráng, phong phú chủng loại hàng, đèn sáng choang, kém gì các cửa hiệu dọc đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Cầu Giấy! Nào  cắt tóc, gội đầu, mát xa, caraôkê, cầm đồ, hàng ăn, càfe đèn mờ, thu mua phế liệu, hàng bún, hàng phở, sửa chữa xe máy, mua bán vật liệu xây dựng, lương thực, thức ăn gia súc, đánh máy vi tính, fotocoppy, cho thuê, bán  sao, băng, đĩa, văn phòng phẩm, mua bán sách, báo, quầy bán thuốc Tây… chẳng thiếu thứ gì, từ nhỏ đến to; có cầu là có cung, từ sáng sớm  đến 9, 10 giờ đêm, chẳng mấy khi ngớt khách. Dãy phố này có cơ phát triển mạnh, lấn át phố Trèm xưa dọc đường đê,  và trở thành phố chính của xã Thụy Phương. Trụ sở UBND và Đảng ủy xã cũng đặt ở phố này. Phố lấn sát tận hàng rào trường THCS, chỉ còn một lối ra vào chẳng lấy gì làm rộng rãi, chẳng khác gì quang cảnh trước cổng các trường phổ thông ngoài Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm; giờ đến trường và tan trường nhiều hôm tạo nên sự ách tắc cục bộ 1 đoạn đường quanh chợ Vẽ đến cả tiếng đồng hồ.
-          Chưa hết! ngã tư Tân Nhuệ, đường Hoàng Tăng Bí, qua cầu – cống Liên Mạc, đầu này ngược lên mãi tận chân dốc Cầu Sông, đầu kia xuống khu Cơ khí, vượt sang bên kia cầu, mới thấy cánh đồng quê yên ả, thì nay cũng lại san sát cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, chợ cóc… cho đến tận Viện Chăn nuôi. Cũng từ hơn chục năm nay, đã xuất hiện dãy phố mới càng ngày càng sầm uất hơn. Dãy phố này một nửa thuộc Trèm, nửa bên kia thuộc Đông Ngạc, cư dân 2 làng sinh sống làm ăn, buôn bán bên nhau hòa thuận, nhịp nhàng.
-          Phố làng và chợ cóc, có lẽ đó là 1 trong những đặc điểm không thể thiếu của phố làng Việt Nam thời nay chăng? Bất cứ ngã tư, ngã ba nào tạm đủ rộng rãi là chợ cóc, chợ tạm có thể mọc lên nhanh chóng, tụ tán linh hoạt sau mỗi đợt thanh - kiểm tra của các lực lượng chức năng xã, huyện. Chợ cóc Đông Chi, chợ cóc Bạc Hà, chợ cóc Đông Trung…Sáng sớm, muốn ăn 1 bát phở xào, phở nước, phở bò, phở sốt vang, tái nạm, gầu, nóng hôi hổi, cháo lòng, tiết canh, hoặc đĩa bún chả, bát cháo cái sườn, trứng vịt lộn nhắm với rượu tăm trong vắt, các bà các cô thì nhấm nhót đĩa bánh trôi, bát bánh chay trắng muốt, sụp soạp bát bún ốc thơm lừng… tất cả đều sẵn sàng mời mọc ngay ngoài ngõ, thậm chí trước nhà; Hàng bánh bao, bánh dầy, bánh mì kẹp giò chả, ba tê bán rong, rao sớm, rao chiều có thể phục vụ những thực khách lười biếng gọi vào tận hè, tận đầu giường mà chọn, tùy sở thích. Bây giờ, sớm sớm có dịp ghé qua quán cháo lòng tiết canh chú Ti thôn Đồng, hàng phở cô Nam, cô Bắc thôn Hồng Ngự, thôn Đình, thôn Tân Nhuệ… đã thấy mức sống, lối sống của bà con dân làng đã được nâng cao, thay đổi rõ rệt.
          Tôi đã chứng kiến hơn một lần không hiếm những gia đình, cả nhà: vợ chồng, con cái kéo nhau vào quán ăn sáng. Chồng kéo ghế đánh roạt, ngồi bắt chân chữ ngũ, rút tờ báo mới ung dung, nhẩn nha đọc, đợi. Vợ dóng dả gọi món; hai đứa con lăng xăng đùa nghịch. Mấy bác, mấy chú thợ xây vừa khen bát tiết canh hãm khéo, đông có thể xâu lạt, vừa tợp hớp rượu, khà!, làm luôn mồi thuốc lào mới mua trong chợ, vừa bàn chuyện hợp đồng xây dựng…Buổi chiều thì nhóm này súm sít quanh hàng xổ số, nhóm kia lại lúi húi, hí hoáy, thì thào nhỏ to đánh con này, về con kia, nuôi con này mãi mà chưa được, tốn quá! Chuyện lô đề dẹp mãi không dứt, vẫn như 1 vấn nạn dai dẳng của không chỉ cư dân phố Trèm, dù nó đã đuổi không ít kẻ cả kẻ chơi đề lẫn chủ đề ra đê, khiến bao kẻ mắc tội, vào tù, nhà tan cửa nát! Tiếng xe máy phóng ào ào. Bất chợt có thằng choai choai phởn chí rú ga ầm ỹ. Tiếng nhạc sập sình, nện thình thình tức ngực chen tiếng ca nhạc vàng, sến, rên rỉ não nùng, phát ra từ những dàn loa khủng… hầu như phố làng nào cũng có. Những đám cưới thì khỏi nói! Một vài đám tang cũng không kém phần não nề, sôi nổi! Thật khó tìm thấy một buổi tối thực sự yên ả ở phố Trèm, làng Trèm ngày nay, có lẽ trừ những tối gió mưa dầm dề, dữ dội.
          Làng quê thanh bình, yên ả, êm đềm xưa, nay đã thực sự biến mất trong quá trình đô thị hóa nông thôn càng ngày càng mạnh mẽ, ào ạt, với 2 mặt ưu, nhược trái chiều của nó. Nhưng đó là quy luật của sự phát triển, không thể tránh, không thể đảo chiều ngược lại. Có lẽ chỉ trong một thời gian không xa, làng Trèm, xã Thụy Phương mình sẽ lên phường, nhập quận, sẽ hoàn thiện việc đặt tên đường phố, ngõ ngách, gắn biển số, thành phố Trèm thực sự, chính danh. Không ít người sung sướng, háo hức đợi chờ sự kiện này như 1 niềm vui, 1 tin lành đầy phấn chấn. Nhưng cũng không ít người buồn lo. Vì cứ đà này, mấy đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi thích đua đòi, sẽ phải quản thế nào đây? Chúng sẽ ra sao đây? Các bậc ông bà, cha mẹ lo lắng đăm chiêu thực sự và chỉ muốn làng Trèm, xã Thụy Phương cứ mãi là làng - xã trong huyện ngoại thành cũng chẳng sao, có khi lại hay hơn là khác, chứ lên phường, thành phố, mệt lắm! Thuế đất, thuế nhà, tiền điện, nước…cái gì cũng tăng giá, đắt đỏ hơn, theo tiêu chuẩn mới của cư dân có hộ khẩu nội thành. Đặc biệt phiền toái là cái sự xin giấy phép làm nhà. So với thời ngoại thành, chỉ thấy thiệt, lõm! Chỉ được khâu oai, oách!...Được cái vỏ, cái mẽ bên ngoài, còn đằng sau, trong ruột thì vẫn quê 1 cục. Phường phố làng xô bồ, dở dở ương ương! Có lẽ phải tới hàng trăm năm mới trở thành phố phường thực sự như Hoàn Kiếm, Hai Bà, Hàng Đào, Hàng Ngang trong nội thành. Bước quá độ làng à phố này còn lắm gian nan, lắm chuyện cười ra nước mắt và đâu dễ lột xác một sớm một chiều! Nhưng có lẽ nghĩ thế là lạc hậu, bảo thủ, là già nua, không bắt kịp với tốc độ phát triển của thời đại. Đúng không ông (bà)?!
-          Vấn đề không phải là cứ ngồi than thở và lo hão cho phố Trèm thời mở cửa hôm nay, cho phường Trèm tương lai! Mà mỗi người dân yêu làng phải suy nghĩ và hành động, một cách nghiêm túc và công tâm, anh ạ! Ông chú chậm rãi trả lời.
-          Thế còn vai trò, trách nhiệm của các vị lãng đạo Đảng và chính quyền xã? Tôi nôn nóng hỏi lại.
-          Tất nhiên, họ có vai trò và trách nhiệm nặng nề của họ. Và chú thấy họ cũng đã - đang cố gắng tìm và thực thi các phương án giải quyết đó thôi! Nhưng vấn đề lớn này quả là phức tạp, mới mẻ, chưa có tiền lệ. Nhưng tôi cho rằng, trước hết, mỗi người dân, từ già đến trẻ, kể cả lớp người cao tuổi - hưu như chú cháu mình, cũng phải mỗi người 1 tay góp phần làm lành mạnh, trong sạch phố Trèm, để phố Trèm ngày càng phát triển hiện đại, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phường Trèm trong tương lai, vừa giữ được bản sắc của làng quê Lý Ông Trượng ngàn năm văn hiến.
-          Nhưng bằng cách nào, thưa chú? Khi đa số chúng ta đều đâu phải lão dương ích tráng nữa mà lão giả an chi, lão lai tài tận, lực bất tòng tâm, gần đất xa trời? Tôi hỏi tiếp.
-          Thì trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già chứ! Vẫn choang được chứ sao! Bằng ý kiến tham mưu, tư vấn, trong các CLB, trong các hội, trong chi bộ…bằng lối sống gương mẫu trong sạch, cần kiệm của chính mình, bằng giáo dục chính gia đình, con cháu mình, bằng tự giác giữ sạch môi trường nhà, đường, ngõ, chợ…Và phải chăng chính những dòng tản văn tưởng chừng vụn vặt, tản mạn này, nếu có thêm người Trèm đọc, thì phố Trèm cũng có thể quang quẻ ít nhiều đó!
-          Ông chú đừng quá khen kẻ hậu sinh này! Cháu là con dân làng Trèm, cũng chỉ mong đựơc tự hào về quê hương mà hết lòng ca ngợi phố Trèm mình cũng như người Vẽ với phố Vẽ, người Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh…yêu phố làng của họ, mà thôi!

Lửng sáng - chiều muộn, trước Hội làng 20 – 6 – 2013
(13 tháng năm Quý Tỵ). ĐV



2 nhận xét: