Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

NGƯỜI MỘT THỜI VÀ SÁCH MỘT THỜI







BÙI KIM ANH

Người một thời và sách một thời

Cái ngày xưa xưa lắm, cái ngày mình bắt đầu biết đọc, biết cảm nhận cuộc đời qua trang sách, nhà mình có một tủ sách. Nhớ cái tủ sách ấy lắm vì mẹ kê nó trong buồng kho cheo chéo gầm cầu thang. Hòa bình năm 1954, nhà mình đang ở 4 buồng trong biệt thự nhỏ, thu lại ở một buồng. Có những ba gia đình nữa đến ở trong ngôi nhà này. Mình bé quá nào biết tại sao đâu. Chỉ biết mẹ trả bớt cho nhà nước. Thế là người ở chật, tủ sách cũng bị ở chật. Nó bị chui vào gầm cầu thang. Mình bé quá cũng đã đọc được bao nhiêu đâu. Có một lô những tờ báo chữ Pháp, có ảnh các tài tử đẹp, mặc hở hang, mẹ bắt anh mình đốt hết. Mẹ sợ bảo giữ sách báo thực dân. Mình cắt lén được vài ảnh, rồi thời gian di chuyển cũng mất đâu, lâu rồi. Mình nhớ mẹ chỉ cho mình cuốn ngụ ngôn La Fontaine lúc ấy do Nguyễn Văn Vĩnh dịch và rồi mẹ cũng đốt bỏ hết. Mẹ lại bảo sách báo cũ phản động, không được giữ con ạ. Mình đọc và thuộc nhiều câu, rồi lâu lại quên dần chỉ nhớ nội dung. Mẹ thì giỏi lắm. Mẹ giỏi tiếng Pháp, mẹ thuộc nhiều bài thơ tiếng Pháp. Sau này, thỉnh thoảng gặp ai biết tiếng Pháp là mẹ phải nói ngay, có khi còn đọc thơ tiếng Pháp ngay. Mình học lung tung ngoại ngữ từ nhỏ, lớn lên chẳng biết tiếng nước nào. Nhà còn có anh mình cũng ham đọc sách lắm, nhất là kiếm hiệp. Hòa bình 1954, anh đã mười mấy tuổi rồi, nên tủ sách nhỏ anh đọc được hết. Anh đọc nhiều nhưng luôn cấm mình. Rồi mẹ lo ngại sách cũ cũng cấm anh luôn. Anh đọc rồi duyệt cuốn nào được mới cho mình đọc. Em còn bé không đọc được. Ôi ngày xưa be bé, đọc sách là cả niềm khao khát mà cũng luôn bị chọn lọc, cấm đoán. Chả bù bây giờ, trẻ con đọc lung tung, xem lung tung, hiểu đủ chuyện người lớn. Chả có bố mẹ nào kiểm soát nổi

Lò mò thế nào, loanh quanh thế nào, hôm nay giở ra trong đống sách sót từ đâu vài cuốn cũ. Nào cuốn Tư tưởng đại đồng trong cổ học Trung hoa – in nhà in Tự do Hà Nội, kiểm duyệt 21/10/1949, xong 30/4/1950. Nào một loạt Luận đề Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… – nhà in Thăng Long 1952, 19953. Chắc những cuốn này không dính Tây học lúc đó mẹ để sót lại, hay anh mình lúc đó học trường Nguyễn Trãi xưa còn sót lại. Giấy vàng úa, gáy sách cháy xém, gáy sách mối ăn nham nhở. Sách còn nhiều cuốn nhưng để trong gầm cầu thang bị mối xông mất gần hết. Mình lớn lên như vậy cùng những quyển sách mẹ còn giữ lại ngày xưa

Cái ngày xưa gần hơn tiếp nối, mình đã là cô học trò lớp 4, lớp cuối của cấp 1 trước. Mình nhớ lắm, mình bắt đầu tự đi mua sách, mua truyện để đọc. Lương mẹ, lương công chức lưu dung thấp, chỉ đủ nuôi anh em mình ăn học. Mình đan len lấy tiền mua truyện và ăn quà. Hà Nội xưa có nhiều tổ len. Len nhận về, có áo mẫu chia cho các bà, các chị đan. Mình bé được các bác cho đan bộ gấu, chỉ là đan 1 lên 1 xuống. Gấu bắt bao nhiêu mũi, đan bao nhiêu phân thế là nộp tổ. Tiền chẳng là bao nhưng lúc ấy với mình nhiều lắm, có thể mua dăm ba cuốn truyện được rồi. Lớn lên chút nữa đan được cả tay, cả thân áo nhiều tiền hơn, mua được nhiều truyện hơn. Nhưng sách lúc ấy khan hiếm lắm. Sách in giấy xấu, mực in chỗ đậm chỗ nhạt. Mình hay mua sách ở cửa hàng phố Huế, trước của chợ Hôm. Mình cũng hay mua sách ở cửa hàng sách phố Khâm Thiên. Đi bộ thôi cùng cô bạn thân đi bộ lếch thếch mua truyện về đọc. Phải nhớ ngày nào, buổi sáng hay chiều sách về, đến chờ mua kẻo hết. Mua được, cười hí hởn. Mua được có khi vừa đi vừa đọc
Cũng có thể vì ngày xưa ấy ngoài truyện ra làm gì còn có gì vui thú. Một chiếc đài tậm tạch – thế là hết. Đang xem mà mẹ bắt đi tắm thì dấu vào buồng tắm đọc nốt. Đang xem mà đi vệ sinh cũng mang theo đọc nốt. Vừa ăn cơm vừa đọc. Thế rồi mình lớn lên đi học văn, đi dạy văn và sách truyện cũng theo mình suốt. Nhờ có bạn làm ở nhà xuất bản văn học, mua theo được những lúc phát hành vài ba bộ sách dịch. Chữ mờ, nhỏ, căng mắt ra mà đọc. Thời bao cấp hay mất điện thì đốt đèn dầu đọc cho xong. Cái ngày xưa đọc Jên Erơ, đọc
Anna Karenina, đọc Hồng Lâu Mộng…khóc sụt sùi. Mới gần đây, gặp được phim Jên Erơ trên tivi, chỉ ngồi xem một mình và nhớ lại cảm xúc ngày xưa. Bây giờ không biết có cô bé nào khóc khi đọc truyện như thế hệ mình xưa không nhỉ?

Cái giá sách ấy ngày một đầy. Lại thêm bao tập thơ bạn thơ gửi tặng. Có quyển đã đọc kỹ. Có quyển đọc qua. Xếp lên hết mấy tầng giá gỗ. Nhiều quá xếp đống chia theo thể loại dưới sàn. Thế rồi lớn lên, già đi, đi đâu tha sách theo đấy. Đi xin , đi mua những thùng giấy nhỏ đóng hết vận chuyển theo người. Hàng xóm mới ngơ ngác, xì xào vì thấy quá nhiều thùng hàng mang tới. Rồi chẳng may, giá sách bị mối xông. Rồi chẳng may nhà ở tập thể xưa bị cháy. Gía sách cháy ngùn ngụt, cháy chẳng còn gì. Tiếc thì quá tiếc, nhưng để đến bây giờ chắc là không đọc nổi.
Những bộ sách cổ điển thế giới xưa mình mua khó bây giờ in giấy đẹp, bìa cứng, minh họa đẹp. Gía sách trẻ con là truyện tranh. Gía sách người lớn là tiểu thuyết trong ngoài nước – gồm cả tiếng Anh, sách dịch , là sách nghiên cứu của con cái. Gía sách của con cháu bây giờ đẹp lắm, nhiều sách dịch lắm, nhiều sách hay, sách quý hiếm lắm. Mình vẫn có một khoảng nhỏ riêng trong góc phòng là những tập thơ, những quyển truyện bạn bè tặng. Để riêng vì thơ chỉ mình mình đọc. Để riêng để còn đọc khi cần cho công việc .

 Văn hóa đọc, ngày đọc sách – nghe với mình cứ mới mới, cứ lạ lạ làm sao. Bây giờ nhiều phương tiện truyền thông, giải trí,  đọc sách lại trở thành việc làm văn hóa, lại có ngày tập trung để tôn vinh. Bây giờ bản thân mình cũng ít đọc rồi, sống nhiều bằng kinh nghiệm, bằng những gì tích lũy đọc ngày còn trẻ. Cứ dạy con cháu, cứ hy vọng vào sự đọc và học của lớp trẻ. Chúng cũng đọc nhiều đấy. Đọc có chọn lọc hơn vì thời gian và công việc. Mình cứ ngồi mà nhớ về những ngày xưa miệt mài trang sách của riêng mình và của một thế hệ đã qua – nhớ những quyển sách của mình mà thôi. Người một thời và sách một thời

 


4 nhận xét:

  1. Cám ơn nhà giáo - nhà thơ Bùi Kim Anh, chị đã làm sống lại một thời đáng yêu của chúng ta. Cái thời khó khăn về vật chất mà chẳng ai than, bù lại đói ăn là say mê đọc sách. Coi trọng cuộc sống tinh thần, xem nhẹ cuộc sống vật chất. Ai từng sống qua thời kỳ đó, bây giờ vẫn ao ước được quay trở lại, dù một ngày thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!
      Chủ trang

      Xóa
    2. BKA mong luôn cộng tác với trang VŨ NHO NINH BÌNH

      Xóa
    3. Rất vui được cộng tác và giới thiệu các bài viết của nhà thơ Bùi Kim Anh trên trang này!
      Trân trọng!
      VNNB

      Xóa