Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Những người sống vì văn chương nghệ thuật






Những người sống vì văn chương nghệ thuật

Đọc Nhà văn độc hành độc bộ của Vũ Từ Trang, nhà xuất bản Phụ nữ, 2013

                                    Vũ Nho

Đây là tập chân dung văn học viết về ba mươi người, trong đó hầu hết là nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ nổi tiếng và một vài người chưa nổi tiếng, nhưng  họ có chung một nét cơ bản của cuộc đời là lòng đắm say văn chương  nghệ thuật và thiết tha con chữ. Ba mươi người, ba mươi số phận, ba mươi tên tuổi, địa vị xã hội khác nhau. Người là nhà thơ nhà văn nổi tiếng hay ít nhất cũng có tên tuổi trên văn đàn, người là nhà giáo nhân dân dạy ở trường đại học danh tiếng, người là nhà điêu khắc, họa sĩ có thành tựu, nhưng có người chỉ là một người thợ sửa mo-rát, người  “thảng thốt thơ”, người “phận mỏng cánh cò”, hay chỉ  là một người phụ nữ cô đơn chơi với bóng mình, hoặc giản dị hơn, chỉ là thím Phụng, người nữ học viên trường nhạc họa âm thầm hi sinh cho chồng, con “ viết thơ để tự an ủi riêng mình”.

Qua những trang văn của Vũ Từ Trang, người đọc có thể thấy những hoàn cảnh riêng tư, những nỗi niềm sâu kín của một thế hệ nhà văn, nhà thơ. Nhưng điều quan trọng nhất là được thấy một thời khó khăn, gian khổ, có thể nói là nghèo túng về vật chất, nhưng tình người thật trong trẻo, ấm áp và thánh thiện. Đây là “căn hộ” của một cặp vợ chồng yêu mến văn chương : “ căn phòng có mấy mét vuông, nơi trú ngụ của hai con người. Không tủ, không giường phản. Một cái giát giường trải bệt xuống nền nhà. Một tấm  vỏ chăn  cũ màu cỏ úa đã bạc phủ lên làm ga thay chiếu. Một bếp dầu cháy lụp bụp. Trên bếp dầu là xoong mì sợi đang chín dở cùng mấy miếng cà chua đỏ ối. Đấy là bữa ăn bồi dưỡng quá tốt đối với chúng tôi hồi đó” ( trang 178).  Đây là không gian sáng tạo của người thảng thốt thơ : “ Đấy là gian nhà lợp tôn nóng hầm hập, cơi nới trên sân thượng của gian nhà tắm hôi hám. Giữa không gian đặc quánh mùi ba tê, mùi tương ớt, mùi bánh mì chua chưa bán hết, tôi không hình dung ra không gian thi ca của anh tồn tại chỗ nào. Rót mời tôi chén nước chè nhạt, anh vội đọc thơ cho tôi nghe” (trang 244). Một căn hộ khác của người phụ nữ làm thơ đất Cảng : “ Nhà cửa quá lụp xụp. Đã thế lại đi qua khu nghĩa trang lổn nhổn mồ mả tối om. Trong gian nhà chật chội với ánh sáng của ngọn đèn đỏ lòm, tôi nom chị như một bà công nhân nghèo lầm lũi. Một thoáng ngạc nhiên là con người xộc xệch, tất tưởi ấy, sao lại viết được những vần thơ trong trẻo và da diết đến vậy ở bài thơ Nói với con vừa in trên Văn nghệ Quân đội, mà chúng tôi từng bàn tán? Khi chị loay hoay ngần ngại vì không biết mời chúng tôi ngồi đâu, thì con gái chị nhanh tay xé cho mỗi chúng tôi một mảnh giấy bao xi măng trải trên nền đất ẩm ngồi tạm. Căn phòng chật hẹp và nóng bức. Chiếc quạt con cóc bé xíu chạy lờ đờ càng khoắng cái bầu không khí nóng thêm” ( trang 274-275). Các nhà văn, nhà thơ khác cũng chung một cái nghèo như thế. Ngay cả nhà thơ, giảng viên trường đại học danh tiếng của đất nước mà cũng ở tạm trong cái tum của ngôi nhà tầng “ hai thầy giáo, hai nhà thơ trẻ, đêm đêm vẫn trùng trục ngồi quay lưng vào nhau, chong đèn đọc và viết thơ” ( trang 309). Còn ăn uống thì sao? Đây là những dòng chân thật do người viết từng tham gia và kể lại : “ hai người đàn ông và một cháu trai, thi thoảng vẫn xì xụp nấu cùng ăn cho vui. Một bữa, anh Lân đập hai quả trứng vịt, đánh tơi bọt, đổ vào chảo rán, tôi kêu lên : “ Chết, ăn sang quá. Ba người chén hai con vịt”. Anh quay lại nhìn tôi, thật thà: Anh em mình cảnh nghèo quá mà! Bữa nay mình ăn tươi” ( trang 303). Dù sao thì mọi người vẫn có nhà riêng, có chỗ nấu ăn. Có người còn đặc biệt hơn thường xuyên cơm bụi, tá túc nhà bạn bè, tối vể ngả lưng ở cơ quan “ Có thể anh tạt vào một quán cơm bụi làm đĩa cơm còm, hoặc ghé một quán cóc làm một chén rượu đế, ngửa mặt nhìn dòng người thành phố quay cuồng như cơn lốc. Và có thể anh chờ đêm xuống, để về ngả lưng trên bàn cơ quan” ( trang 318).


            Ăn ở chật chội, vật chất thiếu thốn, nhưng tất cả không thể cản trở lòng đắm say văn chương nghệ thuật. Những người say mê văn chương tìm đến nhau, cảm thông, giúp đỡ nhau, và luôn có nhu cầu trao đổi, lắng nghe và góp ý cho nhau, vui mừng vì những thành công của nhau.  “ Cuộc gặp gỡ hàn huyên tưng bừng trong căn nhà nhỏ, vách nhà thưng bằng gỗ hòm mìn khai thác than. Những chiêc ghế gỗ thùng xộc xệch.Những cốc nước cáu bẩn.Chiếc quạt điện bé bằng chiếc bát canh, khi chạy khi dừng. Tất cả những điều đó không liên quan tới cuộc hàn huyên của chúng tôi. Chuyện trên trời dưới biển rồi lại quay về chuyện văn chương[…] Niềm say mê và vẻ đẹp của văn chương như đã kéo chúng tôi thoát khỏi nỗi vất vả, đói khổ của thực tế. Cái sang trọng của chữ nghĩa như thánh đường, chờ đợi  những bước chân thập thững của những anh em mới vào nghề viết lách. Những trang sách của bạn bè mới được in ra như những chân trời chói lọi” ( trang 58). Một cảnh khác về sịnh hoạt văn chương : “ Chúng tôi ồn ào đọc thơ. Những vần thơ ùng oàng súng đạn, lỉnh kỉnh xà beng, cuốc thuổng và chấp chới mấy vành mũ rơm vàng ươm…Cuộc chiến tranh chống Mĩ căng thẳng vừa kết thúc, những vần thơ hầm hập nhiệt tình và thật lòng” ( trang 178). Một nhóm bạn thơ khác “ Họ thường đọc thơ cho nhau nghe trong quán rượu nghèo dưới gầm cầu, hoặc quán chè chén vỉa hè, có khi ở ngay chân cột đèn đường phố” ( trang 243).

Vũ Từ Trang thường chọn ra một chi tiết độc đáo của nhân vật mà anh dựng chân dung. Những chi tiết ấy làm cho việc khắc họa đời sống sinh động và gây ấn tượng mạnh với người đọc. Chẳng hạn, với  nhà điêu khắc Lê Liên thì đã từng ngủ trên máy chém  trong Hỏa lò khi làm tượng đài. Họa sĩ Bùi Quang Ngọc  chân ướt chân ráo vào Sài Gòn  nhưng không quan tâm đến phương tiện kiếm sống, mà chỉ quan tâm đến bức tranh quý : “ Bùi Quang Ngọc liền về nhà bàn với người vợ bán sạch đồ đạc, từ cái xe đạp, chiếc bàn là, cái phích nước nóng lạnh…Chiếc xe máy, phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà cũng được bán trước tiên. Gom góp được món tiền nhỏ, anh đem đến nhà người chủ bức tranh kia” ( trang 286). Bạn của nhà điêu khắc Lê Liên, họa sĩ Anh Vũ thì chiều bạn hết mức khi bạn đắp tượng ngay trong nhà mình. “ Không thỏa mãn với ánh sáng lom đom trong căn nhà, Anh Vũ bèn trèo lên mái nhà, dỡ tung rơm rạ, rui mè, để ánh sáng thiên nhiên ùa bủa  quanh pho tượng của người bạn” ( trang 232). Dịch giả Dương Tất Từ  có thú chơi lồng chim. Nhà thơ Thái Giang lại có thú chơi chim, say mê và sành điệu tới mức được suy tôn làm “Chủ tịch Hội chim cảnh Hà Nội”. Ngoài điều đó, ông còn là người hai lần “thủ khoa” thơ với câu nói ấn tượng : “Thơ không chấp nhận sự dễ dãi vô thưởng vô phạt…Nhà thơ không không được phép chống gậy lụ khụ trong thơ” ( trang 221). Giáo sư Nguyễn Kim Đính “ Phong trần chẳng bận chút tình đa mang”. Nghiêm Đa Văn thì trên bàn làm việc có ba máy chữ, mỗi cái máy đánh một thể loại : thơ, văn, phê bình. Nguyễn Ngọc Ly  thơ gắn với mưa…

Điều quan trọng nhất làm nên sự thành công của tập sách, chính là tấm lòng, tình cảm của người viết. Vũ Từ Trang viết về những người đồng nghiệp anh gặp do làm ở một tòa báo, có điều kiện giao tiếp qua bài vở, biên tập. Anh có quan hệ mật thiết với những con người, những số phận khác nhau. Nhưng điều  mà chúng tôi muốn nhắc đến là tác giả tập sách đã  thân thiết, tôn trọng, quý mến các đối tượng của mình. Anh trọng họ về ý chí, về tình cảm, về sự say đắm, vô tư dâng hiến trái tim cho văn chương nghệ thuật. Như một câu văn tác giả khẳng định “ Cái gốc của quan hệ, cũng chính là bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa” ( trang 220). Mặt khác, bản thân  người viết cũng là một nhà thơ, lại cũng từng chật vật trong cuộc mưu sinh “ thất thểu” trong cuộc sống gian khó “ Gồng gánh vợ con từ Bắc Ninh ra Hà Nội học hành, sinh sống, tôi từng  phải cắm mặt kiếm kế sinh nhai, niềm khao khát chữ nghĩa đành tạm gác. Tâm trạng day dứt, dằn vặt của kẻ mộng mơ phải lao vào kiếm tiền sinh sống, nên tôi hiểu Nghiêm Đa Văn và thương Văn nhiều hơn” ( trang 208). Từng vất vả như thế, nên tác giả thông cảm với những bạn bè. Tác giả trân trọng từng thành công, nâng niu từng chi tiết  tác phẩm của bạn cũng như những nét cá tính, sở trường và cả sở đoản của mỗi người.

            Dù muốn hay không, trong thể loại chân dung văn học, không thể không nhắc đến sáng tác của người được khắc họa. Vũ Từ Trang không những không bỏ sót những bài thơ quan trọng, các tập thơ, văn đã in, mà ngay một câu thơ, một tứ thơ của đồng nghiệp anh cũng nhớ đưa vào bài viết. Tuy không sa vào phê bình, nhưng Vũ Từ Trang đã đem con mắt bình giá văn chương để viết về bè bạn đồng lứa hoặc vong niên. Chẳng hạn về nhóm văn chương Bắc Ninh : “Mà  cũng lạ, cái thị trấn nhỏ bé nhỏ bé này có tới hơn chục người ham mê văn chương, chữ nghĩa, nghệ thuật. Ấy là Đỗ Chu xuất hiện rất sớm, với những trang viết trong trẻo, đắm say và có dấu hiệu của những tài năng ngay từ những ngày đầu tiên. Ấy là Dương Thu Hương tài hoa và ngang ngạnh. Ấy là Anh Vũ đắm say, là Nguyễn Thanh Kim hổn hển, là Trần Anh Trang chỉn chu tới mức rời rạc” ( trang 222). Những lời bình văn, thơ của Vũ Từ Trang làm cho chân dung người được nói đến thêm sinh động và ý vị.

            Trong khi dựng lên chân dung của những người say mê văn chương, lấy thơ ca làm lẽ sống của đời mình, người viết cũng hé lộ chân dung của chính mình. Đó là một người làm ở một tờ báo ngành khiêm tốn. Đó là một người cũng đầy hoài vọng về viết lách. Người từng mua căn hộ “Diện tích đo chi li được năm mét vuông rưỡi”. Gia đình đã chuẩn bị  chu đáo cho Thanh Tùng đi dự liên hoan thơ quốc tế. Nhà riêng của tác giả cũng là địa chỉ tá túc của một số nhà văn. Người từng thân thiết với các bạn cùng lứa như Nghiêm Đa Văn, Lưu Quang Vũ, Mã Giang Lân, và từng gắn bó với các mức độ khác nhau với Yến Lan, Hoài Anh, Thanh Tùng, Võ Văn Trực, Ngô Quân Miện,  Nguyễn Xuân Khánh, Quang Dũng… Ấn tượng nhất là với bất cứ số phận văn chương nào, Vũ Từ Trang cũng đều chân thành, cảm thông và viết với tất cả tấm lòng trân trọng.Quả thật, đúng như tác giả viết : “ Cho dù thơ ca chẳng đổ đầy thêm thùng gạo, chẳng thay thế hóa đơn thanh toán tiền điện nước, chẳng hóa thành cuốn vở cho con tập viết”, nhưng nó vẫn có sức cuốn hút và ám ảnh mạnh mẽ. Nó đem lại không ít những niềm vui và cả những nỗi buồn cho những người đam mê, tôn thờ nó và đồng thời nó kết nối, gắn bó họ với nhau.

            Những người có mặt trong tập sách là chứng nhân của một thời kì lịch sử. Số phận của họ gắn liền với số phận của đất nước, dân tộc.  Cuộc đời của họ là cuộc hành trình dài của lao động nghệ thuật âm thầm vượt qua những khó khăn của đời sống vật chất, sự trớ trêu, oái oăm của số phận. Những ai muốn tìm hiểu thơ ca của thời đó, không thể không tìm hiểu những con người  ấy và  những suy nghĩ, trăn trở, sáng tạo của họ . Trong chừng mức, những ghi chép của nhà thơ Vũ Từ Trang làm phong phú và giàu có thêm tư liệu sống một thời. Một cuốn sách, một tấm lòng  tri âm của nhà văn với những người phụng sự văn chương, nghệ thuật.

                                                                                     5/7/2013

Đăng báo Văn Nghệ, Hội nhà Văn Việt Nam số  30 cuối tháng 7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét