Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

TIN ĐỒN






TIN ĐỒN
TRẦN NĂNG TĨNH

Người ác khẩu thì dè bỉu khi thấy cô đi qua: Tướng như đàn ông. Chẳng biết đến bao giờ mới lấy được chồng. Mà tuổi cũng cứng ra phết rồi đấy. Người chân tâm thì nhìn cô ái ngại thành thực: Cô ấy tính tốt. Hay giúp đỡ mọi người. Thế mà, sao chuyện chồng con vất vả - thật tội!
Tin lành hay tin dữ đều có khả năng lây lan, âu cũng là chuyện thường tình. Các cụ ta xưa chẳng đã từng đúc kết đó sao. Thế là ấn tượng. Thế là truyền khẩu. Thế là thêu dệt nữa chứ. Rằng: nghe đâu cô ấy mắc chứng đồng tính luyến ái. Cứ nhìn thấy con gái là mắt sáng lên hau háu. Lại nghe đâu cô ấy cặp bồ với một con bé sinh viên khoa Anh hay khoa Pháp gì đó - xinh đáo để.
Lời đồn thì nhiều. Một đồn mười, mười đôn trăm - không thấy điểm dừng. Mà cũng thật lạ, trước bao nhiêu cái mồm thiên hạ (bấy lâu nay người ta vẫn dùng thứ nhã ngữ hay nói giảm gì đó, rằng: đó là dư luận), cô chẳng hề thanh minh. Thậm chí, cô vẫn cười tươi mỗi khi gặp mọi người. Và, tất nhiên, cô vẫn quí hoá, vẫn giúp đỡ mọi người như bản tính trời phú không thay đổi.
Một vài lần, tôi chợt bắt gặp cô phóng xe máy trên đường tốc độ trên trung bình hẳn hoi.
Một chút cảm mến bởi cá tính cũng có. Một chút tò mò muốn tìm hiểu một con người cũng có, nhân một hôm rảnh rỗi tôi mời cô đi uống cà phê. Cô vui vẻ nhận lời. Cô lại nói đùa: anh không sợ đi với phần tử chậm tiến như em hay sao. Tiếng là mời mà hoá ra Cô lại trở thành hoa tiêu. Cô dẫn tôi đến quán cà phê và giải thích - đây là điểm của dân sành điệu đất Hà Thành. Gọi hai li đen nóng, cô lại gọi cả thuốc ba số. Cô rút thuốc mời tôi và thản nhiên rút cho mình một điếu, rồi cười và nhìn thẳng vào mắt tôi: em biết, có lẽ anh cũng có chút thiện cảm với em. Về phía em, em cũng nhận ra chất ngẩn ngơ thi sĩ rất thành thực nơi anh. Em quí anh. Cô ấy nói nhẹ nhàng mà sôi nổi. Tôi biết cô đang có nhu cầu giãi bày. Vài ánh mắt trong quán nhìn sang chúng tôi. Điếu thuốc lá khẽ rung trên những ngón tay thon dẹp và sành điệu như phụ hoạ cùng cặp mắt lơ đãng của cô.
Sau lần gặp Kha - Tên cô gái, tôi phải đi công tác Miền Nam hai tuần. Ngay hôm đi làm trở lại, tôi đã chuẩn bị mấy lạng cà phê để tặng cô. Mọi người bảo: cô ốm. Có điều gì đấy khiến tôi bồn chồn không yên. Chẳng cần giữ ý, tôi hỏi địa chỉ, rồi tức tốc phóng thẳng đến nhà cô.
Nhà Kha ở tại một căn chung cư, tầng năm. Cô mở cửa cho tôi, với nụ cười mỏi mệt: anh, em mời anh vào nhà. Tôi đảo nhanh một lượt khắp gian phòng cô. Ngăn nắp. Một tủ sách đầy ăm ắp. Một cây ghi ta gỗ trên tường. Một tượng thần Vệ nữ đặt kề bên một phin cà phê trên bàn làm việc. Kha nói với tôi như thanh minh: căn bệnh tim lại hành em anh ạ. Ngay sau hôm gặp anh một vài ngày gì đó, một hôm đi làm về, ngay trên xe máy, em thấy tim như có ai đó bất ngờ bóp mạnh. Em gắng gượng về nhà và nằm vật ra. Em xin phép cơ quan nghỉ. Bây giờ thì em đã đỡ nhiều rồi. Tôi mừng cho cô, duy chỉ dấu cô một điều: vài người trong cơ quan đã tiếng nhỏ, tiếng to rằng hình như "cái con Kha đã nhiễm căn bệnh thế kỉ." Tôi hỏi: Kha chơi ghi la đấy à. Mơ mộng quá nhỉ, hỏi xong tôi mới nhận ra, mình đã hỏi một câu nước ốc, lại pha chút cải lương. Thế mà, Kha vẫn hồn nhiên: vâng, em vẫn thích đàn và hát cho riêng mình nghe. Rồi cứ như đoán được ý nghĩ của tôi, cô cười: mà em luôn một mình, chứ lấy đâu ra hai mình phải không anh. Em còn làm thơ nữa cơ. Em thử đọc một bài xem anh có duyệt được không. Rồi cô đọc, giọng nhẹ và ấm.

Em rỡ ràng trước anh
Như thiên thần mát rượi
Giọng em từ xa xanh
Rót tận lòng đắm đuối

Em mê hoặc lòng anh
Mưa xuân nhuần lòng đất
Gió từ miền vơ vất
Hôn lên miền thương nhau


Bây giờ em nơi đâu
Trời vẫn xanh mê mải
Mưa tràn cơn vô tâm
Gió thổi đầy thung vắng

Anh đứng đầy đơn côi...

Kha đọc cho tôi nghe mà cứ ngỡ đang đắm chìm vào một cõi xa xăm của riêng cô. Tôi nhận thấy trong ánh mắt của cô dường như có lửa và lại chứa cả nỗi trống vắng của con người đang đi giữa hoang mạc. Bất giác, tôi nhìn ra ngoài trời - Hà Nội đang mưa. Nghe đâu đang bão ở đâu đó. Kha như vẫn phiêu diêu trong thế giới của riêng mình. Tôi khẽ nén một tiếng thở dài. Chẳng biết cô có nhận ra không.
Ngoài kia, trời vẫn mưa... và cũng thật lạ, mưa thì vật vã mà nắng vẫn ẩn hiện lấp loá phía chân mây...


ĐÓA HOA MONG MANH
TRẦN NĂNG TĨNH

Có một thực tế này: những lúc cáu giận vì con cái với nhiều lí do khác nhau, thậm chí "giận cá chém thớt", cha mẹ thường hay mắng nhiếc, xua đuổi con cái. “Mày cút đi; đồ mất dạy - bước khỏi nhà tao...". Cái nhỏ bỗng thành cái lớn, chuyện bé xé ra to.
Sự nóng giận thiếu tâm lí ấy, dẫn tới hậu quả khôn lường. Vì sợ hoặc vì cám thấy bị xúc phạm bởi lòng tự trọng, đứa trẻ sẽ bùng phát phản ứng. Thì đi - cha mẹ đã hiểu ta, lại không thương ta, thế thì, căn nhà này đâu còn là chỗ trú ngụ yêu thương của ta. Nảy sinh từ đấy tâm lý, tâm trạng u uất trong lòng con trẻ. Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân.
Đứa trẻ sinh thành bởi máu thịt, cốt nhục của cha mẹ. Đó là gì nếu không phải là kết quả của tình yêu thương chồng vợ. Đưa trẻ cất tiếng khóc chào đời hồn nhiên - là thanh âm tạo hóa ban cho ta; đứa trẻ như đóa hoa của trời đất ban tặng cho ta. Bỗng chốc, đóa hoa tình ái ấy lại trở nên xa lạ. Những lời mắng nhiếc phũ phàng của các bậc cha mẹ dẫn đến lòng nghi hoặc tình thương nơi tâm hồn thơ trẻ.
Tình thương vốn từ những lời âu yếm của mẹ, của cha, bất chợt nhuốm màu u uất oán hận. Dẫu là tâm hồn trẻ thơ, ta cũng không thể lấn lướt xúc phạm. Bởi, chúng không chỉ là con ta đẻ ra, chúng còn là - một - con - người; một con người cá thể độc lập biết yêu thương và cũng biết tự trọng.
Thế là tình yêu thương không cập nổi bờ giao cảm. Tình người không dành chỗ cho thói vị kỷ, trấn áp “cả vú lấp miệng em” dẫu đó là bề trên, là bậc cha mẹ, sinh thành và nuôi dưỡng.
Sự sinh thành và nuôi dưỡng ư? Chưa đủ. Phải đem trái tim mà đối thoại, chất vấn cùng trái tim. Đó mới là thứ đạo thành thực và thiêng liêng của những bậc làm cha mẹ.
Ai đó nói rằng; tình yêu là một đóa hoa mong manh. Vâng, cũng chính bởi thứ mong manh, sương khói ấy mới cần sự hiểu biết và trân trọng trong con người. Tình yêu thương chưa đủ ôm trùm thứ văn hóa ứng xử của con người với con người.
Những đứa trẻ - những bông hoa từng làm ta yêu thương và kiêu hãnh, để chạm phải lòng tự ái, tự trọng - đã đành. Hơn thế nữa, trong tâm trí trẻ thơ còn hoài nghi và ám ảnh về tình yêu và nhân cách. Thế rồi, những gì đang đợi chúng giữa mông lung cuộc đời.
Ăn cắp, giang hồ, đĩ điếm, nghiện hút... biết bao điều có thể dẫn đến với trẻ thơ, lại từ những lời mắng nhiếc thô bạo của những bậc làm cha, làm mẹ.
Chao, tình yêu là một đóa hoa mong manh...
Sẽ là trọn vẹn, thủy chung hay là nỗi đau buốt nhói để thành ân hận suốt một đời. Liệu có thể nói - dẫu là điều xót lòng và đáng nghĩ: những bậc cha mẹ không rung động tình yêu thương và độ lượng với con cái, phải chăng họ chưa thấu hiểu hai chữ tình yêu. Và, có lẽ bởi họ chưa từng một lần nở hoa trong tình yêu và hạnh phúc.







2 nhận xét:

  1. Bạn cùng C3 Nho Quan Alúc 10:38 16 tháng 7, 2013

    Cảm ơn Vũ Nho và tác giả bài hay quá. Mình xin kể "ăn theo nói leo" năm 1975 giải phóng mình là thiếu úy ở Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật đóng ở trong thành. Hồi đó có một anh thượng úy to cao khoảng 34-35 tên M anh từ chiến trường B ra, và cùng cùng ăn bếp ăn tập thể với bọn mình. Lại cũng có tin đồng ông M ở Miền nam ra bị ...teo chim, (vì ở tuổi này mà chưa lấy vợ là có vấn đề. Một hôm tập thể thao xong tắm ông M cứ khoác áo quần lên cổ đi từ nhà tắm tập thể lên phòng ngủ, các cơ quan đoàn thể là bầy ra hết, khiếp quá cái nào ra cái đó. Cả cơ quan "ngất" luôn chưa bao giờ có chuyên (nói như bây giờ là "Lộ Hàng" như thế này. Mấy lão tung tin đồn coi như bị anh "vả của quý" vào mặt, he he vài tháng sau anh M mời cưới lấy một chị cấp dưỡng cũng khá to khỏe của nhà ăn cơ quan...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn học cũ đã chia sẻ và động viên!

    Trả lờiXóa