Một công trình khoa học có nhầm lẫn tệ hại
Trần Đăng Khoa
Một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả…
Đó là bộ Từ điển Type Truyện dân gian Việt Nam do
Nhà xuất bản Lao động ấn hành cuối năm 2012. Đây là một công trình khoa
học của Viện Văn học, được Chính phủ tài trợ, do Phó Giáo sư Tiến sĩ
Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, cùng các cộng sự là nhóm tác giả: Phó Giáo
sư Tiến sĩ Trần Thị An, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Thạc sĩ Đặng Thị Thu
Hà, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt và Tiến sĩ Bùi Thị Thiên Thai.
Cứ như “Lời giới thiệu” rất trang trọng và hoành tráng do Phó Giáo sư
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế tự viết, thay mặt cho nhóm Biên soạn, thì “Công
trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam được thực hiện dưới sự chủ
trì của PGS. TS Nguyễn Thị Huế và các cán bộ nghiên cứu Phòng Văn học
dân gian – Viện Văn học, một cuốn sách dạng từ điển chuyên ngành, giới
thiệu toàn cảnh và diện mạo kho tàng truyện dân gian Việt Nam, với một
khối lượng các type truyện thuộc các thể loại như thần thoại, truyền
thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện trạng, truyện cười, giai thoại…
Trong tương quan so sánh với văn học
viết Việt Nam, đã có nhiều bộ từ điển tác giả và tác phẩm của phần văn
học viết, do vậy, công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam là bộ Từ điển truyện kể dân gian Việt Nam đầu
tiên, công việc này nhằm hưởng ứng cách làm của các nhà folklore Châu
Âu và các nhà folklore Châu Mỹ, và đã được tiếp nối bởi nhiều công trình
đã được công bố gần đây của các nhà folklore Châu Á (Trung Quốc, Hàn
Quốc, Nhật Bản…). Yêu cầu mà công trình đặt ra là nhằm giúp các nhà
nghiên cứu tra cứu các kiểu (type) truyện một cách nhanh chóng, thuận
tiện, chính xác và khoa học…
Công trình vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính thực hành, ứng dụng
cao, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của ngành folklore Việt Nam hiện nay.
Phạm vi, giới hạn nghiên cứu của công trình là truyện kể dân gian thuộc
toàn bộ thể loại tự sự trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc Việt
Nam…”.
“Đi đánh Thần Hạn”- Họa sĩ Trương Qua vẽ năm 1970 |
Một ý tưởng đúng đắn và thật đáng trân trọng. Nhưng vấn đề là ở chỗ:
“nói thì vậy còn làm có như vậy không”, để bạn đọc tin được lời tự quảng
bá “hoành tráng” như trên là có cơ sở?
Một công trình khoa học, một bộ Từ điển, loại sách công cụ nhằm để tra
cứu, đòi hỏi phải có tính khoa học, tính chính xác rất cao, như chính
các nhà khoa học đã nói thế khi làm tập sách này. Đây cũng là công trình
được Chính phủ tài trợ sáng tạo năm 2012, bằng tiền đóng thuế của dân.
Nhưng rồi liệu công trình khoa học tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của dân
ấy có khoa học không? Có chính xác như tác giả PGS. TS Nguyễn Thị Huế tự
khen mình không?
Mới “tra” vài chục trang đầu trong cuốn sách dày hơn ngàn trang, tôi đã
tá hỏa vì không hiểu sao một tác phẩm của mình, là văn học viết, văn học
hiện đại, một sáng tạo hoàn toàn cá nhân, trường ca Đi đánh Thần Hạn lại
bị PGS. TS Nguyễn Thị Huế và cộng sự vơ quàng vơ xiên, rồi nhét bừa vào
cái bị có cái tên rất khoa học là sáng tác tập thể của dân gian, đã từ
lâu lưu truyền ở tỉnh Bạc Liêu, nằm trong kho tàng dân gian riêng của
tỉnh Bạc Liêu vô cùng xa xôi mà lúc sáng tác truyện này, năm tôi mới 11
tuổi, tôi chưa từng được nghe, rồi úm ba la thế nào, nó lại được “phổ
biến rất nhiều ở các tỉnh phía Nam”, trong khi trường ca này của tôi vừa
mới viết xong, còn chưa ráo mực đã được in trọn vẹn trong hai trang
trên tuần báo Văn nghệ tháng 9/1970. Sau đó tỉnh Hải dương đã in riêng
trường ca này khi tôi còn học lớp 5 và sau này Hà Nội tái bản khoảng hơn
30 lần mà vẫn không được biết tới, nói gì đến “phổ biến rộng rãi”. Thật
hài hước!
Xin lỗi các nhà khoa học, tôi phải dùng 3 chữ, “thật hài hước”, bởi
không thể thay nó bằng bất cứ chữ nào khác được. Một tác phẩm tôi sáng
tác hoàn toàn cách đây 43 năm, bằng sự tưởng tượng của một cậu bé học
sinh lớp 5. Tôi chưa từng nghe ai kể, kể cả bà mẹ có rất nhiều chuyện
dân gian của tôi, tôi cũng chưa từng thấy có, dù là “Type” ở bất cứ
tryện cổ dân gian nào, trong nước hay ngoài nước.
Tôi viết trường ca này, cũng vì lúc ấy, quê tôi đang phải đối mặt với
hạn và lụt vô cùng gian nan. Tôi định viết hai phần, lấy tên là Trường
ca GIÔNG BÃO, phần đầu là Đánh Thần Hạn, phần sau là Đánh Thần Lụt, và
Thần Lụt mới quan trọng, vì quê tôi như hòn đảo, xung quanh là các sông
lớn, mùa mưa nước chảy rất dữ, có năm đứng trên đê có thể khỏa chân
xuống dòng chảy được. Làng tôi lúc nào cũng âm âm tiếng trống từ trên đê
vọng về và cứ đến mùa lũ là mất ăn mất ngủ, bởi nếu vỡ đê là chết hàng
vài vạn người, nếu không có biện pháp gì đó rất có hiệu quả, ứng cứu.
Những năm trước đó, tôi còn nghe có vụ lụt, chính Bác Hồ đã đi trên máy
bay trực thăng xem đê Nam Sách có vững không? Ấy là chưa kể, nếu có bom
Mỹ hủy diệt?
Chính vì lẽ đó mà tôi viết. Cuối phần I, tôi đã để cho Thần Lụt lấp ló
xuất hiện. Là một chi tiết gài, một cánh cửa, mở ra câu chuyện khác ở
phần sau. Thần Hạn và Thần Lụt gặp nhau trong bữa tiệc Nhà Trời. Hai
Thần với tính cách khác nhau, nên rất ghét nhau. Vậy mà rồi có lúc,
chúng lại cấu kết với nhau, chống phá con người. Sức mạnh của con người
là nhờ Đất, mà ở đây tôi chọn biểu tượng là phù sa. Tôi đã sử dụng chi
tiết này ở phần I, khi đoàn người cúi xuống gan bàn chân : “Lấy đất phù sa. Đỏ quánh. Xoa lên da. Da lạnh. Xoa lên áo quần. Áo quần lành ngay. Hồng tươi trong sắc lửa” ở phần II, khi đánh nhau với Thần Lụt, phù sa cũng che chở họ, bồi đắp thêm sức mạnh cho họ.
Thần Lụt biết được đặc điểm ấy, nên lão thường xối nước vào gan bàn chân
cậu bé, khi mất phù sa, cậu bé ngã lộn từ lưng trời xuống, làm đổ nhào
mấy dãy núi. Nhưng khi chạm vào đất, bàn chân dính phù sa, cậu lại bay
lên với một sức mạnh phi thường. Cuộc chiến đấu rất cam go và quyết liệt
để giành lấy chiến thắng. Tôi cũng đã viết phác xong phần II, chưa kịp
chữa. Thế rồi, một vị khách qua nhà, mẹ tôi cho mượn đọc, rồi thất lạc
và mất hẳn bản thảo, nên chỉ còn phần I là Trường ca Đi đánh Thần Hạn.
Khi viết trường ca này, tôi có nghĩ đến sức mạnh của nhân dân trong
cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bởi thế, khi kết thúc phần I của
Trường ca, tôi đề ngày hoàn thành19/8. Đó chính là ngày tôi viết xong phần I, cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thắng lợi.
Chữ Đi đánh Thần Hạn đăng trên báo Văn Nghệ là do nhà
thơ Phạm Hổ đổi lên cho tôi. Sau này, tôi vẫn giữ cái tên ấy như một kỷ
niệm đẹp với nhà thơ Phạm Hổ và báo Văn nghệ. Thoạt đầu, tôi lấy tên: Trường ca Giông bão, Phần một Đánh Thần Hạn. Bây giờ tôi xin nói về cái Trường ca đã bị các nhà “khoa học” hóa phép thành truyện dân gian Bạc Liêu kia.
Câu chuyện bắt đầu từ “Tết mồng Năm, tháng Năm – Ngọc Hoàng có giỗ – Thần Hạn sang – Ăn cỗ - Thần
bay trên trăm ngọn đồi – Trên ngàn cánh rừng – Con suối – Trời cao lung
linh gió thổi – Thần uống hết rượu hũ bảy hũ ba – Chị Gió khiêng vò –
Cô Mây đỡ hũ – Ăn tiệc suốt chín tháng mười ngày – Thần say – Khép vòi
vào cánh – Ngủ ba năm – Tỉnh dậy – Cổ bỏng như ngọn lửa nào thiêu cháy –
Ngực cồn cào – Cái bụng khát, dài như con sào – Tóc loăn xoăn đỏ – Chân
tóc cháy thành tia lửa – Các cô Mây – Chị Gió – Cổ đeo gùi nước về trời
– Bụng Thần hoá chiếc thùng không đáy – Thần vơ từng gùi – Sục vòi –
Hút chưa hết một hơi – Cạn nước – Cơn khát vẫn chưa đi – Thần bay ngang
bay dọc – Cát mù – Bão thốc.” Và thế là cả một vùng tươi xanh trù phú hóa miền đất chết.
Và Thần Hạn càng điên khùng khi nhìn thấy đoàn người “Đi cạnh dòng khô, sông kiệt – Lửa sém thịt da – Nhưng đoàn người không chết”. Trong đoàn người ấy, có một cụ già và một bạn nhỏ. Sông kêu cứu: “Tôi sắp chết rồi – Con quỷ già hung ác – Nó hút hết máu tôi!”. Núi đồi quằn quại: “Đuổi
con quỷ dữ đi – Ơi các cô, các bác – Đầu tôi nóng lắm rồi – Lưng tôi
đang thành cát… Họ đi – Suốt nơi này, nơi khác – Dòng sông – Đồi núi –
Xóm làng – Không còn giọt nước – Làm thế nào bây giờ? – Cụ già quay lại
hỏi – Chòm râu bạc phơ – Tóc trắng trên vầng trán hói – Da hồng phù sa –
Mắt sáng hơn sao trên dải Ngân Hà – Đoàn người trầm ngâm, suy nghĩ –
Lửa vẫn rát trên đầu – Thần Hạn cắm vòi – Xoáy đau lòng đất – Xoáy buốt
thịt xương – Những người đã khuất – Nhưng lạ lùng – Tiếng ai to hơn
giông bão – Mạnh hơn thác đổ giữa rừng - Phải bẻ gẫy vòi Thần Hạn –
Phải chặt đứt cánh nó đi! – Mọi người nhìn nhau bàng hoàng – Không biết
ai vừa nói đấy – Hoá ra bạn Nhỏ chăn trâu – Tuổi chừng lên bảy – Đói mẹ,
khát cha – Khi chưa biết chạy diều – Chưa biết thả con thuyền giấy – Da
bạn sạm đen- Bốn mùa nắng cháy- Áo quần rách bươm – Chiếc liềm trễ bên
sườn – Cụ già cười sang sảng – Giọng vang hơn tiếng cồng – Bay qua trăm
ngọn núi – Bay qua nghìn con sông: – Đúng rồi, đúng rồi – Ta phải đánh –
Góp bàn tay – Sẽ thành sức mạnh”.
Và rồi dưới “ngọn cờ” của cụ già, một lực lượng đông đảo đã được tập
hợp: Mía, Dừa, Thông, Viên Sỏi đường làng, Cua… cùng trẻ già, trai gái.
Tất cả lên lưng Cua, bay lên trời, chiến đấu với Thần Hạn. Cô Mây lắc
đầu: “Nó có cái vòi ác lắm – Không đánh được đâu”. Chị Gió cũng ngần ngại: “Nó vẫy vùng đôi cánh – Không đánh được đâu”. Lúc ấy, tôi nhớ cũng có người nói “Máy bay Mỹ vẫy vùng đôi cánh, Việt Nam không đánh được đâu”. Một cuộc chiến không cân sức. Rất cam go. Nhiều tình tiết bất ngờ, không thể lường trước. Nhưng rồi đã chiến thắng.
Thực tình khi viết tác phẩm này, hồi bấy giờ, tôi rất thích tuyển tập Trường ca Tây Nguyên. Thích cả những câu so sánh, đại loại “Ngôi nhà dài như một tiếng chiêng”. Trong “Đi đánh Thần Hạn”, tôi ảnh hưởng không ít lối ví von, so sánh như thế. Cả cái cách gọi: “Ơi dân làng. Dân làng đi đâu đó?” cũng là cách gọi, cách nói của đồng bào Tây Nguyên.
Tôi xin lỗi bạn đọc vì câu chuyện dây cà dây muống, lại trích dẫn lằng
nhằng quá dài. Cũng bởi một tác phẩm được viết hoàn toàn bằng sự tưởng
tượng của cậu bé học sinh lớp 5, bỗng chốc lại thành truyện sáng tác của
dân gian, mà cụ thể hơn là truyện dân gian của tỉnh Bạc Liêu, lại còn
“lưu truyền ở các tỉnh phía Nam”. Nếu các nhà khoa học viết rằng, truyện
này do tôi bịa ra, viết theo Type dân gian rồi được truyền tụng thành
chuyện dân gian, như thơ Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải (nếu đúng
được như thế) thì tôi xin ghi nhận rất biết ơn sự ưu ái của nhân dân.
Nhưng đây lại không phải như vậy.
Tôi viết Trường ca này vào cuối năm 1969, đầu năm 1970, khi đó nước nhà
chưa thống nhất, Bạc Liêu là vùng đất xa xôi cách trở ngàn trùng. Tuy
thế, những giá trị tinh thần của nhân dân không xa. Nhiều truyện cổ tích
Nam Bộ, Truyện cổ Cà Tu, Trường Ca Tây Nguyên, Truyện cổ Khơ me Nam Bộ
đều được sưu tầm phổ biến trong các công trình đồ sộ của Nguyễn Đổng
Chi, Vũ Ngọc Phan… Trong các công trình ấy, không có “Đi đánh Thần Hạn”.
Bây giờ lục trong Google, cũng chỉ có duy nhất “Đi đánh Thần Hạn” là
tác phẩm của tôi viết. Tác phẩm này đã tái bản rất nhiều lần. Nhà xuất
bản Kim Đồng còn tách ra in riêng với số lượng lớn dành cho các em nhỏ ở
vùng sâu vùng xa. Nhạc sĩ Nguyễn Thành (tác giả Qua miền Tây Bắc)
cũng đã phổ thành kịch hát. Họa sĩ Huy Chương cũng đã vẽ thành truyện
tranh. Năm 1970, họa sĩ Trương Qua cũng muốn dựng phim hoạt họa và ông
cũng đã vẽ tặng tôi một bức tranh minh họa rất đẹp.
Vậy bằng cớ đâu mà PGS – TS Nguyễn Thị Huế và các nhà khoa học đồng tác giả lại khẳng định trong một công trình khoa học rằng “Đi đánh Thần Hạn” là truyện dân gian Bạc Liêu? Xin bà và các cộng sự hãy đưa ra văn bản mà các vị lấy làm tư liệu nghiên cứu, là văn bản “Đi đánh Thần Hạn” đã được in ở Bạc Liêu trước năm 1970, là năm tôi công bố tác phẩm này?
Trong bếp núc sáng tạo, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thường
chỉ ở một vài chi tiết, chứ không thể toàn vẹn nội dung cùng tất cả mọi
tình tiết: “Sỏi làm đạn. Cây thông làm mũi tên. Cây dừa làm kiếm.
Cây mía làm dao, mác. Cua xin làm ngựa. Đạn sỏi bắn mù mắt thần hạn hán,
nước mắt thần chảy thành cơn mưa, máu thần thành bảy sắc cầu vồng”, rồi trùng lặp chính xác đến cả từng con chữ “Mũi khạc thành sấm”.
Nguyên bản của tôi: “Mũi khẹc thành sấm – Chuyển động trời ngoài trời trong”. Mũi “khẹc” chứ sao lại “khạc” được. Chỉ có miệng mới khạc. Thơ Tú Xương: “Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào”. Lá thông làm mũi tên. Lá dừa làm kiếm. Lá mía làm dao, mác. Chất liệu trong tác phẩm của tôi là thế. Chứ “cây” dừa, “cây” mía, “cây” thông làm sao thành kiếm thành tên được. Xem ra câu chữ của các nhà khoa học cũng lởm khởm lắm mà lại chẳng khoa học tí nào.
Thực ra, những chuyện cẩu thả như thế này trong các công trình được gọi
là khoa học, cứ dựng lên để vét tiền dân vẫn diễn ra như cơm bữa, chán
đến mức chẳng còn muốn nói nữa. Nhưng ở đây nó lại liên quan đến một tác
phẩm của tôi, một tác phẩm đã in đi in lại nhiều lần và nhiều người
cũng đã biết nên tôi buộc lòng phải lên tiếng, kẻo rồi có bạn đọc lại
hiểu lầm, lại tưởng là lão Khoa đã đạo văn, mà đạo văn từ khi mới nứt
mắt.
Một công trình khoa học, một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và
tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả
đến như thế thì liệu công trình ấy có tin cậy được không?/.
Trần Đăng Khoa
Đôi lời thưa lại nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc về cuốn "Từ điển type truyện dân gian Việt Nam"
Đôi lời thưa lại nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc về cuốn "Từ điển type truyện dân gian Việt Nam"
Nguyễn Thị Huế
Vừa rồi, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhà thơ Trần Đăng Khoa, vốn là nhà thơ chúng tôi yêu mến, lên tiếng bức xúc về cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do tôi và các cộng sự thực hiện mới xuất bản gần đây đã “xâm phạm bản quyền” (Đi đánh thần hạn)
của anh. Nhưng thực tế, khi biên soạn công trình này, chúng tôi không
hề có ý định “cầm nhầm” và biến báo mà đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên
tắc được nêu trong phần đầu công trình. Để nhà thơ và bạn đọc hiểu rõ,
chúng tôi xin được thưa lại vài điều như sau:
1. Cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do
một tập thể biên soạn, PGS.TS. Nguyễn Thị Huế chịu trách nhiệm chủ
biên. Đây vốn là một công trình cấp Bộ. Sau khi được Hội đồng nghiệm thu
thông qua, chúng tôi đã tiến hành sửa chữa, bổ sung trên cơ sở góp ý
của Hội đồng và công bố vào cuối năm 2012 đầu năm 2013, với tổng số
trang in là 1099 trang, khổ 16 x 24 do Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
Mong muốn của chúng tôi là công trình sẽ cung cấp cho bạn đọc phổ thông
cũng như các nhà chuyên môn danh mục truyện dân gian Việt Nam một cách
nhanh chóng, thuận tiện và hữu ích. Đây là cuốn sách thuộc dạng tra cứu,
giúp tra cứu nguồn truyện kể dân gian Việt Nam theo từng type (kiểu
truyện). Cuốn sách được ra đời trên cơ sở tập hợp gần 220 đầu sách sưu
tầm, biên soạn truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam của các nhà sưu
tầm biên soạn từ trước đến nay. Nhóm biên soạn đã liệt kê nguồn xuất xứ
các công trình sưu tầm biên soạn này với đầy đủ các thông tin (người
sưu tầm biên soạn, tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản…) ở
mục Bảng viết tắt và danh mục sách biên soạn (tr. 29- tr. 45).
Từ đó chúng tôi xây dựng 761 mục từ, cũng tức là 761 danh mục type (kiểu
truyện) với 2270 cốt truyện dân gian. Như mục Phàm lệ biên soạn đã
nêu rõ “Khác với các tuyển tập, bộ thư mục này không bao gồm toàn bộ
nội dung của một câu chuyện nào mà chỉ có phần tóm lược theo kết cấu cốt
truyện của một bản truyện kể đại diện hoặc là tổng hợp các bản kể. Phần
tóm tắt này được trình bày kết hợp với việc lập danh sách liệt kê tên
gọi của tất cả các văn bản truyện kể khác nhau của truyện đó và được gọi
là một type truyện hay một kiểu truyện được sắp xếp theo từng thể loại
và đánh số thứ tự”.
2.
Chúng tôi ý thức được sự khó khăn khi phải bao quát số lượng lớn truyện
kể cũng như việc tổ chức, sắp xếp sao cho hợp lý các mục từ để thuận
tiện cho việc tra cứu của người đọc. Công việc ấy đòi hỏi sự lao động
nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ cụ thể, nhưng mặt khác, chúng tôi cũng hiểu,
quả thật công trình rất khó tránh khỏi những thiếu sót, bất cập. Bởi
vậy, với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn mong nhận được những đóng góp
để công trình được hoàn thiện hơn.
Bài
viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về công trình của chúng tôi với một
số ý kiến đóng góp, đặc biệt, trực tiếp đề cập đến mục từ số 8: Đi đánh thần hạn (tr.60). Xin được tóm lược nội dung mục từ đó như sau:
- Số lượng bản kể:
- Đi đánh thần hạn (Kinh)
VHDGBL, 4-6
- Dân tộc: Kinh
- Vùng lưu truyền: Miền Nam
Thần
Hạn hán uống rượu nhiều, khát nước hút cạn hết nước sông do thần Mây,
thần Gió mang tới. Người kéo nhau đi kiện. Chàng trai cùng các vật giúp
người đi kiện:
- Sói làm đạn
- Cây thông làm mũi tên
- Cây dừa làm kiếm
- Cây mía làm dao, mác
- Cua xin làm ngựa
Đạn sói bắn mù mắt thần Hạn hán, nước mắt thần chảy thành cơn mưa, máu thần thành bảy sắc cầu vồng mũi thần khạc ra sấm.
Để
tránh lan man, dài dòng làm mất thì giờ của bạn đọc, chúng tôi xin nói
về ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa về sự liên quan giữa sử thi -
truyện thơ Đi đánh thần hạn do anh sáng tác và mục từ truyện số 8 Đi đánh thần hạn trong công trình như sau:
Trong mục từ trên, cụm từ viết tắt VHDGBL, 4- 6 là nhằm chỉ nguồn tư liệu mà chúng tôi sử dụng, đó là cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu (Tư liệu số 208 ở Bảng viết tắt…),
do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,
năm 2005. Đây là công trình do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học
KHXH&NV - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, kết quả
của các đợt sưu tầm ( với 34 lượt giảng viên và 474 lượt sinh viên trên
địa bàn tỉnh Bạc Liêu). Thời gian sưu tầm là từ 29-10-2002 đến 17- 11-
2002 và từ 07- 04-2003 đ ến 26-04-2003 (trích Lời nói đầu). Đây chính là nguồn tư liệu mà chúng tôi đã sử dụng để biên soạn mục 8 của Từ điển.
Truyện mà chúng tôi dựa vào để tóm tắt là truyện Đi đánh thần hạn được xếp ở phần Thần thoại (từ trang 4 đến trang số 6). Từ khi cuốn sách Văn học dân gian Bạc Liêu được
công bố đến nay đã có một độ lùi về thời gian và trong thời gian ấy
không hề có một ý kiến phản hồi nào nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm sử
dụng những bản kể trong đó ( có công khai nguồn trích dẫn, sử dụng). Năm
2011, Văn học dân gian Bạc Liêu được nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản có bổ sung. Truyện Đi đánh thần hạn (từ trang 29 đến trang 31) cũng có nội dung như bản kể năm 2005. Như vậy, về nguyên tắc chúng tôi đã sử dụng văn bản truyện kể đều có xuất xứ và ở dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản.
3.
Như đã nói, việc nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ ra có sự trùng tên, trùng
nội dung giữa tác phẩm của anh và tác phẩm của anh và mục từ Đi đánh thần hạn trong
công trình đối với chúng tôi thật sự là một bất ngờ. Về phần mình,
chúng tôi xin thừa nhận, do chuyên về nghiên cứu văn học/ văn hóa dân
gian nên chúng tôi không có điều kiện đọc hết những sáng tác văn học
hiện đại, trong đó có sử thi - truyện thơ Đi đánh thần hạn của
anh, mà theo anh thì Nhà xuất bản Kim Đồng đã in đi in lại nhiều lần.
Đây là một thiếu sót đáng tiếc của nhóm biên soạn, trước hết là của chủ
nhiệm công trình. Nếu được đọc tác phẩm của anh thì chắc chắn chúng tôi
sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng bản kể Đi đánh thần hạn trong công trình Văn học dân gian Bạc Liêu.
Cũng xin được nói thêm rằng, ngoài việc sử dụng nguồn truyện Đi đánh thần hạn trong cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu, chúng tôi không hề sử dụng một nguồn tư liệu nào khác. Vậy nên nếu như có mối liên quan nào giữa truyện kể Đi đánh thần hạn của Bạc Liêu với sử thi - truyện thơ Đi đánh thần hạn của
nhà thơ Trần Đăng Khoa thì chúng tôi không hề “phù phép” hay “nhầm lẫn”
vì nhóm biên soạn thực hiện công trình trên nguồn tư liệu theo hình
thức gián tiếp chứ không có điều kiện trực tiếp điều tra về mối liên
quan giữa hai tác phẩm. Nhưng dù muốn hay không, cũng tôi cũng xin thành
thật xin lỗi vì sự bất cẩn này (mặc dù, chúng tôi không sai, không vi
phạm nguyên tắc biên soạn công trình theo nguyên tắc folkloer học).
Từ vấn đề trên đây, chúng tôi cũng xin được nói đến một hiện tượng thú vị là sự dân gian hóa các tác phẩm văn học viết. Rất
có thể người dân Bạc Liêu đã cung cấp một câu chuyện được một nhà thơ
sáng tác ( cụ thể là Trần Đăng Khoa) mà họ đã dân gian hóa và tưởng là
sản phẩm văn học dân gian cho các soạn giả cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu (mà chúng tôi đã sử dụng như là nguồn dẫn cho công trình của mình).
Trong
lịch sử văn học, hiện tượng văn học viết có nguồn gốc từ truyện kể, hay
thơ ca dân gian hoặc ngược lại (dân gian hóa văn học/ truyện kể thành
văn) cũng là một hiện tượng phổ biến được nhiều người biết đến. Thí dụ,
từ truyện Quan Âm Thị Kính đã được tác giả truyện thơ Nôm xây dựng thành truyện Nôm cùng tên, hoặc từ truyện cổ tích Trạng Gầu đã đựơc viết thành truyện Tống Trân Cúc Hoa, hoặc từ truyện cổ tích Tú Uyên Giáng Kiều đã được viết thành truyện Bích câu kỳ ngộ. Chúng tôi cũng có thể lấy ví dụ trong thơ ca, chẳng hạn bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
(Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, 1928)
được cho là có nguồn gốc từ bài thơ của Lý Thân (780 – 846) đời Đường mà nhà thơ Khương Hữu Dụng đã dịch trong tập Thơ Đường (Nhà xuất bản Văn hoá, Viện Văn học, 1962):
Xới lúa trời đứng bóng
Mồ hôi đổ xuống đồng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng
Hoặc như bài ca dao về Hà Nội mà ai nấy đều thuộc:
Gió đưa cành trúc la đ à
Tiếng chuông Trấn V ũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
(Tục ngữ ca dao dân ca Vi ệt Nam của Vũ Ngọc Phan (1956)
lại được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê (1839 – 1902) được in trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ X ương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ
Theo
đó thì một tác phẩm văn học được phổ biến trong dân gian ( khiến nhiều
người nhầm tưởng là thơ ca dân gian) nhưng hoá ra lại là tác phẩm của
một nhà thơ nhà văn cụ thể nào đó mà không phải ai cũng biết và ngược
lại. Những hiện tượng trên có thể dẫn ra rất nhiều, và đây thực sự là
câu chuyện thú vị những cũng hết “chông gai” trong việc phân định các
loại hình văn học cả đối với cả người sáng tác lẫn nghiên cứu văn học,
nghiên cứu folklore. Các nhà folklore đã gọi hiện tượng này là tác phẩm folklore có nguồn gốc văn học.
Là
những người gắn bó với công tác nghiên cứu lâu năm, ý thức nghiêm cẩn
về nghề nghiệp, chúng tôi xác định mỗi kết quả đạt được phải bắt đầu từ
mồ hôi và công sức của mình. Xuất phát từ ý thức như thế, chúng tôi thực
lòng mong muốn cuốn sách của chúng tôi sẽ là một đóng góp nhỏ bé vào
quá trình nghiên cứu văn học dân gian cũng như truyện kể dân gian Việt
Nam. Biết rằng, công trình khó tránh khỏi những sai sót, chúng tôi xin
được đón nhận những ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan, và công bằng,
thiện ý của bạn đọc cũng như những nhà chuyên môn.
Hiện
nay, dư luận đang lên án gay gắt nạn xâm phạm bản quyền cũng như nạn
học giả, bằng giả, nạn tiêu tốn tiền thuế của dân đã trong nhiều lĩnh
vực khác nhau của đời sống. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhà thơ Trần
Đăng Khoa về vấn nạn này. Nhưng thiết nghĩ, sau khi lắng nghe ý kiến
của chúng tôi, nhà thơ và bạn đọc sẽ hiểu hơn vấn đề: công trình
của chúng tôi không hề sử dụng tác phẩm của nhà thơ với dụng ý ngoài
khoa học mà biên soạn trên nguồn tư liệu đã được công bố cách đây 8 năm
về trước và được tái bản cách đây 2 năm.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được gửi tới nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc bản scan bìa sách Văn học dân gian Bạc Liêu và toàn bộ nội dung truyện kể Đi đánh thần hạn để tiện theo dõi và so sánh.
Trân trọng!
Văn học dân gian Bạc Liêu (Tư liệu số 208 ở Bảng viết tắt…), do PGS. Chu Xuân Diên chủ biên, Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005
Văn học dân gian Bạc Liêu (Tư liệu số 208 ở Bảng viết tắt…), do PGS. Chu Xuân Diên chủ biên, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 211
giá mà có bài đi đánh thần hạn của nhà thơ trần đăng khoa để đọc thì hay biết mấy.
Trả lờiXóaTrong các tuyển thơ Trần Đăng Khoa đều có trường ca này. Chịu khó vào thư viện là có ngay!
XóaTNX vào Google, đánh đòng chữ " Đi đánh thần hạn", chọn Thivien.net. Vào đó đọc hết 4 chương của trường ca!
XóaCác bác cũng nên công bằng, xin hãy đọc những phản hồi này từ nhóm những người biên soạn
Trả lờiXóahttp://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/PheBinhVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=31
Tôi đã gắng vào, nhưng đường truyện quá chậm. Cám ơn chỉ dẫn của bạn!
XóaTôi đã đưa đường link này lên FB để mọi người đọc trực tiếp.
Tôi đã đọc ý kiến của PGS TS Nguyễn Thị Huế.
Trả lờiXóaĐúng là các vị có căn cứ vào sách sưu tầm, xuất bản năm 2005 của sinh viên khoa báo chí.
Nhưng cuộc sưu tầm này cũng chỉ mới tiến hành sau năm 2000, khi mà Trường ca của Trần Đăng Khoa đã có điều kiện phổ biến trên toàn quốc ít nhất là từ năm 1975.
Không loại trừ việc các sinh viên chép lại từ một người dân nào đó ở Bạc Liêu đã đọc Trần Đăng Khoa.
Công trình do PGS TS Chu Xuân Diên chủ biên cũng cần xem lại. Tôi không tin lắm vào chất lượng cuộc sưu tầm này, nhất là với Đi đánh thần hạn.
Có thể kết luận sơ bộ: bác Chu Xuân Diên làm ẩu. cô Nguyễn Thị Huế ẩu theo!
Đáng tiếc!
Đúng như dự đoán. Người kể sinh năm 1992? hay kể năm 1992? Chỗ này mù mờ. Dù có cái địa chỉ ấp, xã, huyện song chả đáng tin. Hơn nữa, nhóm nào chịu trách nhiệm ghi lại? Ai ghi lại?
Trả lờiXóaKhông có các thông tin này thì thật chẳng có gì tin cậy. Ấy là chưa kể, dù có, vẫn phải đối chiếu lại. Thật là cẩu thả!