Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Nhà thơ Triệu Lam Châu trong tiến trình hội nhập



 

 

Văn học Việt Nam


Nhà thơ dân tộc Tày Triệu Lam Châu trên tiến trình hội nhập



1.  Tiểu sử nhà thơ Triệu Lam Châu:

Nhà thơ Triệu Lam Châu là người con dân tộc Tày, quê ở Nà Pẳng, Đức Long, Hòa An, Cao Bằng, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ Xanh Pêtécbua tại Liên bang Nga năm 1976, hiện công tác tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên. Nhà thơ đã ấn hành 15 cuốn sách văn học, bao gồm thơ sáng tác, thơ dịch, tiểu thuyết dịch và hai đĩa hát CD – đồng thời đã từng đoạt Giải nhất toàn quốc Cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt năm 1994 do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, Giải nhất toàn quốc cuộc thi thơ về tình hữu nghị Việt – Nga năm 2000 do Trung ương Hội hữu nghị Việt – Nga tổ chức, Giải ba về âm nhạc năm 2007 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

2.  Tiến trình hội nhập với nền thơ Việt Nam và Quốc tế:

2.1 Thơ Triệu Lam Châu mang đậm hồn Tày-Việt

Là một người con sinh ra tại đất Cao Bằng nên nhà thơ Triệu Lam Châu sớm chịu ảnh hưởng tinh hoa văn hóa và thiên nhiên tuyệt sắc mà vùng núi miền sơn cước ban tặng, thơ ông thể hiện một nổi nhớ nhung da diết về quê hương Cao Bằng với những địa danh như núi Khau Mi-à, Khuổi Phước, Nà Sáng, Thang Dào, Mèng Vần, Chon Uai, cánh đồng: Nà Roỏng, Bó Gảy, Khau Mụ, Bó Xum, thác Nặm Thoong, đèo Kiéo Pỉt…

Trong các sáng tác của Triệu Lam Châu, quê hương Cao Bằng hiện lên sao mà thân thương gần gũi, tưởng như chỉ cần dõi mắt qua ô cửa là có thể thấy được thác Nặm Thoong, thấy đèo Kiéo Pỉt, tưởng như chỉ cần ngước mặt lên là chạm vào Nà Pẳng đầy trăng…

Bên cạnh da diết nỗi nhớ quê là đau đáu hoài niệm về người mẹ đã yên giấc thu, là tình yêu vẫn còn lung linh trong ký ức.

Em đi tìm anh khắp vùng núi Khau Mi-à
Vẫn tinh khiết mạch nguồn Khuổi Phước
Suối Bó Toòng vẫn vô tư cất giọng ngàn róc rách
Giọt lệ dài theo suối tới xa xăm



Em đi tìm anh khắp Nà Sáng đầy trăng
Suối ngọt lịm tình anh từ độ ấy
Vườn ổi Thang Dào sao mà run rẩy vậy
Bao trái tròn thơm lấp loáng như trăng



Em lại trèo lên đỉnh Mèng Vần
Núi vẫn tròn mà tình ai lại khuyết
Một mình giữa ngàn sâu cách biệt
Phía cuối trời anh có thấu trăng xanh?

(Em đi tìm anh khắp vùng núi Khau Mi-à)



Thiên nhiên và con người của núi rừng Tây Bắc đi vào trong thơ Triệu Lam Châu như là máu là thịt là bản chất của nhà thơ, nhà thơ tâm sự rằng: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở bản Nà Pẳng, xã Đức Long, Hoà An, Cao Bằng. Mối tình đầu của tôi với  một cô gái họ Bế cùng làng diễn ra vào cuối những năm sáu mươi tới đầu những năm bẩy mươi của thế kỷ hai mươi. Chúng tôi đã có cùng nhau những kỷ niệm hết sức êm đềm và đẹp đến mức lý tưởng trên quê hương miền núi. Những kỷ niệm trong trẻo ấm nồng như suối nguồn quê núi Khau Mi-à. Tuổi thơ của chúng tôi là tuổi thơ của lao động nhọc nhằn, vất vả mà vui như hội. Đó là những ngày cùng nhau lên núi chăn trâu. Trẻ em miền núi trước bữa cơm trưa, thường chạy ra vườn cắt lá chuối, hơ qua lửa cho lá mềm, rồi gói cơm nắm – để chiều đi chăn trâu trên đồi. Và khi ánh chiều nghiêng, dưới vòm cây bên suối, cả lũ cùng mở gói cơm nắm ra ăn chung với nhau trong mùi thơm của lá chuối hơ lửa rất đỗi nồng nàn. Tôi cùng nàng đi chăn trâu hồi ấy đã từng cùng chung những buổi chiều thơm như thế. Rồi mùi thơm ấy như còn phảng phất trong lòng tôi hôm nay, dẫu như đã mờ xa hơn năm mươi năm rồi…”

Tất cả những kỉ niệm xưa êm đềm đó đã đi vào trong thơ ca ông với bóng dáng cô gái dân tộc tày tóc xỏa như dòng suối, da trắng ngần như hoa mai trắng trên nương, không gian trữ tình là dòng sông là ánh trăng sáng, là ngọn gió, là núi Chon Uai …thiên nhiên, núi rừng đã chứng kiến tình yêu giữa chàng trai và cô gái.

Theo ánh trăng buồn, em lại ra bên sông
Nà Khản vẫn thơm lừng gió núi
Nụ cười hiện giữa dòng vời vợi
Có còn dành cho riêng em như thuở ấy nồng say?



Trăng ơi trăng, sao sáng thế đêm nay
Có sáng lại một nụ thầm trong ngực
Sóng suối vẫn ngời trong ánh biếc
Chảy về nơi hội tụ một vầng tròn



Tình ai tròn mà vạt gió lại mòn
Em vẫn khum tay vốc ánh ngàn đáy suối
Để lại thấy ánh sao xa ngời ngợi
Để cùng nhau bay lên núi Chon Uai…

                   (Dưới chân núi Khau Mi-à)




Cũng vì yêu quê hương, yêu dân tộc Tày và muốn mang ánh sáng của văn minh về đồng bào mình mà nhà thơ Triệu Lam Châu đã dịch tất cả các sáng tác của mình ra tiếng tày để đồng bào mình có thể đọc được, hiểu được, và cảm nhận được hơi ấm yêu quê từ ông và tự hào hơn với thiên nhiên cảnh đẹp và con người quê mình, trong các sáng tác và dịch thuật đó đáng chú ý nhất là nhà thơ Triệu Lam Châu đã dịch nhật kí trong từ của Hồ Chí Minh ra tiếng tày, bản dịch đã được đánh giá cao, Năm 2009, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ra mắt Nhật ký trong tù - tập thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Tày, theo thể thơ lục bát. Nhà thơ thổ lộ: “Đây là một công trình lớn mà tôi ấp ủ từ năm học cấp 3 ở ngôi trường chuyên Toán, Tôi dịch Nhật ký trong tù để tỏ lòng tôn kính của mình đối với Hồ Chủ tịch. Và mong muốn phổ biến đến đồng bào Tày - Nùng một tác phẩm văn học tuyệt tác, một tinh thần lạc quan cách mạng của Người cộng sản Hồ Chí Minh”.

Là một người con sinh ra ở đất Cao Bằng nhưng ông lại công tác tại tỉnh Phú Yên, Triệu Lam Châu là giảng viên môn Địa chất công trình, Địa chất thủy văn tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa Phú Yên, có thể nói quê hương Phú Yên là quê hương thứ hai của nhà thơ vì nhà thơ đã gắn bó với vùng đất miền trung đầy nằng và gió này hơn 30 năm. Với người kỹ sư từng tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất Lêningrat, giảng dạy là một công việc yêu thích. Bục giảng là nơi ông truyền đạt kiến thức cho học sinh sinh viên. Còn trong những chuyến đi thực tế, ông chia sẻ với các bạn trẻ những trải nghiệm trong công việc của một kỹ sư địa chất, chia sẻ niềm say mê của người chuyên “bắt mạch đất” và ẩn chứa trong đó là tình yêu dành cho mảnh đất đầy nắng gió ở miền Trung.

Pjấu đề



Uảng nắm mì Khau Nhạn, Chóp Chài

Dưởng mjảc Tuy Hòa noọi pây tốc pjoỏng

Mải nhằng pế bân foòng toỏng fắng

Slăm rà vận hăn sliểu mòn răng



Uảng nắm mì phai Đồng Cam nặm têm

Tuổi thuổn khoóp tôổng nà hom phứt

Lao tủ sliểu lai cằm lượn hát

Dình Tuy Hòa đó pây ha lai



Rôi que rườn xiên slương vản quỉ

Lầng xày xiền nhịng dưởng rà mì

Uảng nắm mì pướng slăm slặt quảng

Hất rừ mì dình rủng Tuy Hòa ?

                                                              1985









    



Không đề



Nếu không có Núi Nhạn, Chóp Chài

Nét đẹp Tuy Hòa vơi đi một nửa

Dẫu vẫn có biển trời sóng vỗ

Mà trong lòng vẫn thấy thiếu chi đây



Nếu không có đập Đồng Cam lai láng tràn đầy

Dẫn nước tưới cánh đồng thơm ngát

Hẳn sẽ thiếu nhiều câu hò, tiếng hát

Chất Tuy Hòa nghèo đi bao nhiêu



Ôi quê hương muôn quý ngàn yêu

Luôn vẹn toàn những gì người đã có

Nếu không có tấm lòng thật thà rộng mở

Làm sao có cái chất Tuy Hòa ?



                                        1985



Quê hương Phú yên được xem là quê hương thứ hai của ông nên thiên nhiên và con người ở vùng đất miền trung đầy nắng và gió này cũng đi vào trong thơ ông như tất cả những gì thân thương nhất, thơ Triệu Lam Châu viết về miền quê Phú Yên thường gắn liền với biển Tuy Hòa, với sóng và gió với những địa danh như Núi Nhạn ( Nhạn tháp), Chóp Chài, đập Đồng Cam…



Tháp Chàm rựt pjấu chang phăn



Hây phít xá vè lăng

Lằm lỉu pjấu ăn ngàu Nhạn Tháp

Chang đua phăn gẳm ngòa moong moóc

Nâư dạu này mày muổn poi khoi



Khau Tháp Chàm slâư tích chang mươi

Ngòm bâư đông mạy đàn lướp lướp

Vận dưởng đeo thư theo slương điếp

Răng pjấu lầng chang đua phăn ngần kim



Nhạn Tháp rà cáu mjảc chang phăn

Dai dải cúa bân đin toỏng đốc

Bặng fầy nua đỏi thư ngoót ngoót

Dẳc đeng mần cúa lưởt moòng dăm



Nâư dạu này lạ lứ chang slăm

Tồng cạ lôm vè lăng pèng quỉ

Tồng nắm dử đích đang hây nỏ 

Mjửt mjàng uây...tâu tó đua phăn.





Tháp Chàm bỗng vắng trong mơ



Mình có lỗi chi chăng

Bỗng nhiên vắng bóng hình Nhạn Tháp

Trong giấc mơ đêm qua bàng bạc

Sớm mai nay ngơ ngác bâng khuâng



Đồi Tháp Chàm tinh khiết trong sương

Tán lá rừng bạch đàn dào dạt

Vẫn đậm nét mặn nồng tha thiết

Sao vắng hoài trong giấc mơ đêm qua



Nhạn Tháp mình huyền ảo trong mơ

Hơi thở của đất trời đọng lại

Như ngọn lửa lặng thầm âm ỉ cháy

Giọt hồng cầu của máu râm ran



Sớm nay lòng cứ mãi ngỡ ngàng

Như đã mất điều gì quý giá

Như không phải chính bản thân mình nữa

Chập chờn rung...chắp nối chiêm bao.

    Tuy Hòa 17 - 9 - 1992

Có thể nói chất Tày – Việt của nhà thơ được thể hiện rõ trong các sáng tác của mình, dù viết về một nơi rất xa miền quê Cao Bằng nhưng nhà thơ vẩn dịch các sáng tác của mình ra tiếng Tày để đồng bào mình có thể đọc được, dù đã thành công trong công việc giảng dạy của mình nhưng nhà thơ vẫn dành thời gian thả hồn mình với thiên nhiên, cây cỏ, sông nước trong thơ của mình, Dù đi xã Vùng đất Cao Bằng hơn 30 năm nhưng nhà thơ vẫn một lòng đau đáu về với quê hương của mình.

Bên cạnh những sáng tác về vùng đất miền Trung đầy nắng và gió, Nhà thơ Triệu Lam châu còn có các sáng tác về Miên Tây Nam Bộ với những nét đặc trưng cho thiên nhiên và con người ở đây ... Thiên nhiên Miền Tây thường gắn liền với kênh rạch, với bông Lục Bình trôi, gắn liền với cái cầu khỉ, chiếc ghe máy… con người Miền tây với bản tính chất phác, thật thà và đôn hậu… nét đẹp của thiên nhiên và con người Miền Tây hình như đã hớp hồn nhà thơ, làm cho nhà thơ ngất ngây say cảnh đẹp và con người Miền Tây, điều này được thể hiện rất rõ trong các bài thơ “ Em bắt anh ở lại với Miền Tây, Ánh mắt Miền Tây, Em là bông Lục Bình trên sông…”



 Em bắt anh ở lại với Miền Tây

Hổng cho về Miền Trung đâu nhé

Ánh mắt em sao mà tinh nghịch thế

Một nụ cười ranh mãnh trên môi

                                      (Em bắt anh ở lại với Miền Tây)

Người con gái Miền Tây được nhà thơ ví như bông Lục Bình trôi trên sông, màu hoa tím dập dềnh theo mùa nước nổi, màu tím phảng phất non tơ dể bị tan vỡ nếu như đụng chạm mạnh vào nó, sự yếu ớt, non tơ phảng phất màu tím nhạt dập dềnh trôi trên bến nước của bông Lục Bình làm cho nhà thơ liên tưởng tới thân phận người con gái Miền Tây ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương, lời nói như rót mật vào tai người khách lữ hành, làm cho người khách lữ hành như say như tỉnh mà không muốn quay trở về.



 Em là bông lục bình trên sông

Khe khẽ tím, dập dềnh nước nổi

Gió từ phía hạ lưu thoảng tới

Hay gió hồn ai lay cánh sáng lung linh?

                                      (Em là bông lục bình trên sông)





Tóm lại nhà thơ Triệu Lam Châu là người con dân tộc tày, thơ ông là sự kết tinh văn hóa của ba miền Bắc - Trung –Nam, ngoài làm thơ ông còn là một nhà dịch thuật và sáng tác nhạc, đứng ở trên phương diện nào ông cũng đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.Để làm nên bản sắc Triệu Lam Châu, ta thấy ngoài “ tứ” văn chương tinh túy, dung dị, gần gũi còn là sự uyên thâm bác học của ngôn từ và cách đặt vấn đề rất khéo léo của tác giả nên có thể nói thơ của Triệu Lam Châu đã thực sự hoàn toàn hội nhập với nền thơ Việt trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

2.2 Nhà thơ Triệu Lam Châu trên tiến trình hội nhập với thơ Quốc tế:

Nước Nga với lịch sử vĩ đại, nền văn hóa đặc sắc và những con người hồn hậu đã in dấu sâu đậm trong tâm hồn và trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam. Với không ít người Việt, dù có thể chưa từng đặt chân lên xứ sở Bạch Dương, nước Nga vẫn gần gũi qua những vần thơ của Puskin, những câu chuyện thấm đẫm tình người của Paustovsky, Solokhov hay những giai điệu âm nhạc của Tsaikovsky... Đây đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người trong đó có nhà thơ Triệu Lam Châu, bởi họ đã tìm thấy tri thức, sự nghiệp và tình yêu... cho cuộc đời mình.

Không chỉ được biết đến với các tác phẩm thơ, Triệu Lam Châu còn là một dịch giả. Với 10 tập thơ, tiểu thuyết dịch từ tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở nước ngoài, Triệu Lam Châu đã khẳng định vị trí của mình ở một lĩnh vực rất đặc thù, góp phần đưa văn hóa của các nước - đặc biệt là nước Nga Xô Viết - đến với độc giả Việt Nam. Năm 1987, tiểu thuyết Nàng dâu của nhà văn Bungari Ka-rax-la-vốp do Triệu Lam Châu dịch được Nhà xuất bản Phú Khánh giới thiệu đến độc giả với 25.000 bản in. Ông kể: “Sau 4 tháng miệt mài dịch tiểu thuyết Nàng dâu, tôi nhận nhuận bút 70.000 đồng từ nhà xuất bản. Thời điểm đó, lương kỹ sư bậc 2 của tôi chỉ 2.000 đồng/tháng”.

Sau tiểu thuyết Nàng dâu, Triệu Lam Châu còn dịch một loạt tác phẩm: truyện ngắn Hoa nở muộn mằn của nhà văn Nga Sê-khốp, tiểu thuyết Lửa tình đã cạn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ I-ưn-đư, truyện vừa Người đàn bà tôi thương của nhà văn Nhật Bản Ta-ni-đa-ki, tiểu thuyết Mối tình của người góa phụ của nhà văn Anh Hartley, tiểu thuyết Đi tìm hạnh phúc của nhà văn Pháp Phur-nơ, tiểu thuyết Túp lều lá bên sông của nhà văn Tiệp Khắc Ga-lêk… Năm 1994, Triệu Lam Châu dịch tập truyện Vương quốc chim họa mi của nhà văn Nga Pau-xtốp-xky và đoạt giải nhất cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt do Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học và Báo Văn nghệ phối hợp tổ chức.

Từ năm 2000, Triệu Lam Châu chuyển sang dịch thơ. Các tập thơ: Nửa phần sự thật, Đêm trắng, Thơ dân gian Tác-ta lần lượt ra đời trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2007. Và độc giả Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận những bài thơ nổi tiếng của những tên tuổi lớn ở các nền văn học trên thế giới, đặc biệt là văn học Nga. Nhà thơ tâm sự “Tôi đã in bảy cuốn tiểu thuyết dịch, ba tập thơ dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt và tiếng Tày (Nửa phần sự thật của Mikhancốp, Đêm trắng - tuyển thơ Nga và Thơ dân gian Tacta). Chưa bao giờ tôi dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng Nga, hay từ tiếng Tày ra tiếng Nga cả. Tôi là người dân tộc Tày, dân tộc thiểu số. Tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi, có thể coi tiếng Việt như là ngoại ngữ vậy”

Không dừng lại ở việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt, nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu còn đưa một số tác phẩm thơ kinh điển của văn học Nga… sang tiếng Tày và được độc giả nồng nhiệt đón nhận.

Nhà thơ Triệu Lam Châu dịch thơ của nhà thơ Nga X. Êxênhin sang thơ tiếng việt như sau:



 Nguyên bản tiếng Nga:

* * *
Ты плакала в вечерней тишине,
И слезы горькие на землю упадали,
И было тяжело и так печально мне,
И все же мы друг друга не поняли.
 
Умчалась ты в далекие края,
И все мечты увянули без цвета,
И вновь опять один остался я
Страдать душой без ласки и привета.
 
И часто я вечернею порой
Хожу к местам заветного свиданья,
И вижу я в мечтах мне милый образ твой,
И слышу в тишине тоскливые рыданья.

1913



Bản dịch thơ tiếngViệt:

* * *

Em thầm khóc trong chiều lặng lẽ,

Giọt lệ nồng, cay đắng cứ rơi rơi,

Sao lòng anh nặng buồn đến thế,

Vậy là ta không hiểu nhau rồi.



Em vụt tới tận miền xa thẳm,

Mọi ướcmơ héo úa không màu,

Chỉ còn lại mình anh đơn lẻ

Không lời thương  âu yếm… hồn đau…



Anh thường thăm lại nơi hẹn cũ

Một mình thôi, vào những buổi chiều,

Mơ thấy dáng yêu kiều hiển hiện,

Trong lặng im… nghe nức nở u sầu…



1913





Bản dịch thơ tiếng Tày:

* * *



Slao hảy nhỏi chang uằn guẹng xích,

Nặm tha mồm, khôm phất đỏi lây lồng,

Slăm chài lăng nắc  p’uồn  p’ận nỏ,

P’ận lẻ rà bấu chắc thông căn.



Slao phứt mừa quây mường lít líu,

Thuổn ngoòng ngầư lương đỏi mả măng

Tán nhằng đang chài đai lế lác

Bấu gằm slương điếp ún…châư slương…



Chài toọi mừa d’ương t’ỷ rà d’ản cáu

Gần đeo đai, khảu bại slì uằn

Phăn hăn d’ưởng ón nhòi mjửt mjảng,

Chang guẹng mần…ngằng ngặc p’uồn slăm…



1913

Ngoài dịch thuật thơ từ Nga sang Việt và Tày, Triệu Lam Châu còn có nhiều sáng tác về nước Nga như Chùm thơ vongagrat và nước Nga với những bài thơ tiêu biểu như: “ Ánh sao rừng thu Nga, Hương cốm trên sông nheeva, Vầng trăng Nga mọc giữa hồn tôi, kuibưsépvơ, ánh thu cápcadơ, Xanhphetecbua…” Học tập ở nước Nga Xô Viết nên khi viết về nước Nga nhà thơ cũng dành một tình cảm tôn kính rất đặc biệt đối với thiên nhiên, đất nước và con người nơi đây. Nhà thơ tâm sự “Gần bảy năm trời tôi được học hành trong trường đại học ở Liên bang Xô Viết, tại thành phố Lêningrat (Xanh pêtecbua) tráng lệ và cổ kính. Chất Nga, văn hoá Nga thấm đẫm vào tâm hồn tôi. Tôi chịu ơn nhiều nền văn hoá Nga – Xô Viết vĩ đại ấy”, điều này được thể hiện rất rõ trong các sáng tác của ông về nước Nga.



Kuibưsepvơ, Kuibưsepvơ!

Nỗi niềm chi mà núi đợi, suối chờ

Mà đêm đêm cứ cồn lên da diết

Người có về đậu giấc mơ ta?

                                     (Kuibưsepvơ)



Xanh Pêtécbua, Xanh Pêtécbua

Có hẹn nhau đâu, mà cứ đợi cứ chờ

Lòng cứ toả hoài theo sóng biếc

Nỗi thu vàng lồng lộng bến mong xưa

                                      (Xanh Pêtécbua)

Tóm lại với số lượng đồ sộ những sáng tác và dịch thuật trên chúng ta có thể khẳng định nhà thơ dân tộc Tày Triệu Lam Châu đã dần dần hội nhập với nền thơ Việt Nam và Quốc tế.



GIẢI THƯỞNG ĐÃ NHẬN

- Giải nhất toàn quốc Cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt năm 1994, do Hội nhà văn Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học tổ chức, với truyện dịch "Vương quốc chim hoạ mi" của nhà văn Nga Pauxtốpxky.

- Giải nhất thơ Phú Yên năm 1991.

- Giải thưởng thơ năm 1998 của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ “Trăng sáng trên non”.

- Giải nhất toàn quốc Cuộc thi thơ viết về "Kỷ niệm sâu sắc của đời tôi gắn với văn hoá, con người, đất nước Nga và Liên Xô cũ", do Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông - Tây tổ chức năm 1999 - 2000, với chùm thơ "Một mình lên hang núi đêm trăng".

- Giải nhì về thơ năm 2000 (không có giải nhất) của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ dịch “Nửa phần sự thật” của nhà thơ Nga Xecgây Mikhancốp.

- Giải thưởng văn học Phú Yên 25 năm (1975 - 2000) với tập thơ “Ngọn lửa rừng”.

- Giải nhì về thơ năm 2001 (không có giải nhất) của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ “Giọt khèn”.

- Tặng thưởng về âm nhạc năm 2003 của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với đĩa hát CD “Cao Bằng yêu dấu”.

- Giải thưởng thơ năm 2004 của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ "Thầm hát trên đồi".

- Giải thưởng văn học Phú Yên 5 năm ( 2001 - 2005 ), với tập thơ "Thầm hát trên đồi".

- Giải ba toàn quốc về âm nhạc năm 2007 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, với đĩa hát CD "Gánh nước ban mai".

- Giải thưởng thơ năm 2007 của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ dịch "Thơ dân gian Tacta".



                      Nguyễn Văn Thông – HV Lớp Cao Học VHVN K15 ĐHQN.







Địa chỉ liên lạc: Nguyễn Văn Thông Học Viên lớp Cao Học VHVN - K15 Đại Học Quy Nhơn Bình Định. Mail: anhbachduong@gmail.com,

ĐT 0988001456

Bài được đăng bởi biên tập viên Phạm Ngọc Hiền vào lúc 09:03 - 06/07/2013

Theo Tạp chí văn  ( tapchivan.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét