Góp nhặt trên từng trang sách, viết lên những trang đời
Tỉ mỉ, chắc chắn, uyên bác, tài hoa là cảm nhận của tôi khi đọc tác phẩm Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Tiểu
luận- Phê bình Văn học) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, NXB Hội Nhà văn
Việt Nam, năm 2015. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà những ai có hân hạnh
được đọc tác phẩm này, hẳn sẽ đều có chung cảm nhận như vậy! Và hơn thế,
cuốn sách thuyết phục người đọc không chỉ bởi sự công phu, khoa học và
minh triết của một nhà Lí luận Phê bình văn học chuyên nghiệp, mà bởi sự
tinh tế trong năng lực cảm thụ thẩm mỹ của tác giả- Một người cẩn thận,
chỉn chu trong cuộc sống cũng như trong khoa học.
Là nhà nghiên cứu, phê bình gắn bó với thực
tiễn, có sự từng trải về vốn sống, với kiến văn rộng rãi, uyên thâm,
cho đến thời điểm này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã in riêng 06 cuốn và
chủ biên hơn 20 đầu sách về Lý luận Phê bình văn học (Chưa kể 36 đầu
sách in chung). Nhìn vào “gia tài” lao động nghệ thuật đồ sộ của ông quả
là đáng nể phục. Đọc Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận
của ông, tôi đi từ khâm phục này đến khâm phục khác và chợt ngộ ra
rằng: công việc của người làm công tác Lí luận Phê bình Văn học, Nghệ
thuật ngoài kiến văn sâu rộng, còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ càng, công phu,
uyên bác; đòi hỏi tư duy khoa học mạch lạc, lịch lãm, nhân văn. Đó là lý
do vì sao mỗi trang sách của ông lại cuốn hút độc giả đến vậy!
Bìa sách
Tác phẩm Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận của
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là một công trình khoa học công phu, giầu tính
thẩm mỹ, dầy trên 400 trang, tập hợp những thành quả mà ông đã dụng
công nghiên cứu trong 05 năm qua (2010-2015), đã được công bố tại các
hội thảo khoa học quốc gia và công bố trên các sách, báo, tạp chí Trung
ương. Sách chia ba phần:
Phần I: Tuyển chọn các bài Tiểu luận Phê
bình Văn học về các tác giả, tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại, nhìn
dưới góc độ của sự đọc chuyên nghiệp và thẩm mĩ tiếp nhận.
Phần II: Tập hợp các bài phỏng vấn, nghiên
cứu phê bình từ trước đến nay về tác gia văn xuôi Ma văn Kháng- Một cây
bút “lực lưỡng” của văn học hiện đại việt Nam.
Phần III: Gồm những bài tiểu luận phê bình
về nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của báo chí văn
nghệ Việt Nam đương đại.
Ba phần của cuốn sách là ba mảng tưởng như
riêng rẽ mà nhất quán được hình thành bởi tư duy khoa học của một người
toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật. Đọc
sách của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, tôi hiểu, là một người của khoa học
cho nên trước hết, ông rất tâm huyết sẻ chia với lao động nghệ thuật,
lao động khoa học của những bậc chân tài. Ông học hỏi, kế thừa, tiếp thu
kiến thức, kinh nghiệm từ những đấng, bậc tôn kính đi trước (Hoàng Xuân
Nhị, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Đinh Gia Khánh…). Ông trân trọng, nâng
niu từng chút tốt đẹp trên từng trang sách của những bậc tài danh, đi
sâu khám phá, bình giải những giá trị nội dung, nghệ thuật, giúp người
đọc thấu hiểu hơn về tác phẩm, mở rộng, nâng cao tri thức và thị hiếu
thẩm mỹ. Cũng vì vậy, đối với người đọc - bạn đồng hành, đồng sáng tạo
của nhà văn, ông đòi hỏi ở họ sự hoàn thiện thẩm mỹ trong tiếp nhận tác
phẩm văn chương nghệ thuật. Ông hiểu sâu sắc công việc của người sáng
tác, nên luôn xem xét tác phẩm trong mối quan hệ với chỉnh thể nghệ
thuật một cách uyển chuyển, thực chứng, không cứng nhắc, áp đặt. Những
bài của ông, dù viết về lĩnh vực nào cũng đều đem đến cho người đọc một
cảm quan thẩm mĩ, một tư duy khoa học nhất quán, thuyết phục.
Ở phần I, ông dành quá nửa số trang của
cuốn sách luận bàn xoay quanh những vấn đề về lĩnh vực Lý luận Phê bình
Việt Nam. Từ việc nhìn nhận, đánh giá và hệ thống hóa các thành tựu Lý
luận Phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, đến việc việc
hướng dẫn người học Văn chọn đề tài Khóa luận, Luận văn, Luận án; Từ
việc nghiên cứu về một tác giả tiêu biểu, đến những bài viết đi sâu tìm
hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm… đề tài nào cũng được
ông tiếp cận và thực hiện một cách thấu đáo, khoa học theo kiểu “Nói có
sách, mách có chứng”. Ở trang đầu mỗi bài đều có chỉ dẫn xuất xứ, cuối
mỗi trang có chú thích cụ thể, tường minh. Làm như vậy, một mặt đem lại
độ tin cậy cho độc giả, mặt khác, kích thích, khơi gợi trí tò mò, lòng
say mê khoa học đối với những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu kĩ vấn đề.
Thông thường, tác phẩm Lý luận Phê bình rất
kén độc giả, hay nói cách khác là đọc rất khó vào. Nhưng đọc sách của
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, người đọc sẽ cảm thấy thích thú, đọc rồi cứ
muốn đọc lại, đọc mãi bởi cái cách dẫn dắt khoa học vừa lôgic, lại rất
có duyên của ông. Rõ nhất là cách ông đặt và giải quyết vấn đề rất chặt
chẽ, khéo léo, sát đối tượng. Vì vậy, những vấn đề nêu ra, đều được giải
quyết triệt để, có lý, có tình. Ở nhiều bài, sau khi đánh giá những mặt
được và chưa được, bao giờ ông cũng đưa ra kiến nghị hoặc đề xuất những
giải pháp hữu hiệu, thuyết phục. Hệ thống luận điểm, luận cứ ở từng bài
rất logic, nhất quán. Tất cả được soi sáng bởi những thực chứng rõ
ràng, hợp lý, luôn làm hài lòng độc giả. Trên tinh thần thực sự cầu thị,
ông tôn trọng sự đối thoại văn hóa, dân chủ và không hề né tránh phản
biện, tranh luận, nhằm bảo vệ ý kiến đúng đắn của mình, và cái chính để
đạt tới sự trung thực, khách quan, minh bạch trong khoa học. Bài Về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong Văn chương và hành động (Trao đổi ý kiến với Anh Chi), hoặc bài Từ một công trình ngụy khoa học (Về luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan)… là những minh chứng cho cái tâm, cái tầm và tài năng của một nhà khoa học chân chính.
Là người tâm huyết, chí thú với nghề nghiệp
mà mình theo đuổi, lại có bản lĩnh khoa học vững vàng, độc lập, những
trang viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã cho độc giả thấy rõ quan
niệm, nguyên tắc, ý nghĩa xem xét tác phẩm, tác giả trong tính toàn vẹn
của chỉnh thể nghệ thuật. Từ đó hướng độc giả tới sự hoàn thiện thẩm mỹ
trong tiếp nhận tác phẩm. Với tư duy sáng tạo và bản lĩnh nghề nghiệp,
ông luôn biết chọn cho mình cách thể hiện phù hợp với đối tượng, khám
phá những giá trị đích thực và đề cao cái đẹp của tác phẩm từ nội dung
đến hình thức. Đọc sách của ông, độc giả còn đọc được yêu cầu và mong
muốn của ông về thẩm mỹ tiếp nhận. Và một trong những yếu tố làm nên
thành công của cuốn sách là: ông biết cách thu hút người đọc bằng lối
viết riêng biệt, dồi dào bản lĩnh, vừa khúc chiết, khoa học vừa đậm đà
chất văn.
Phần II của sách, tác giả dành nhiều tâm
huyết, khám phá, cảm nhận, nâng niu chăm chút đời văn, đời người của cây
bút văn xuôi nổi tiếng Ma Văn Kháng- Người vinh dự được tặng Giải
thưởng Văn học Nhà nước (2001), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (1998),
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012) và cũng là người
bạn vong niên ông hằng kính trọng. Đọc những trang viết về Ma Văn Kháng
của ông, ta càng hiểu và trân trọng tấm lòng, tình cảm của ông với một
bậc văn tài. Đặc biệt, bằng cái nhìn tinh tế và trái tim nhạy cảm, ông
giúp người đọc định hình một cách rõ nét con người và sự nghiệp của một
tác gia văn học “lực lưỡng” tiêu biểu; thẩm thấu những giá trị tinh thần
mà nhà văn đã cống hiến hết mình cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Ma Văn Kháng
đã tạo dựng phong cách riêng của một cây bút hiện thực - cảm thương,
từng trải, tinh tế mà gan ruột, đằm thắm. Văn chương ông sống động,
truyền đạt xác thực nhân cách và bản sắc dân tộc đa dạng trong cái nhìn,
nếp cảm, lối nghĩ, vừa cá biệt, vừa tiêu biểu cho chân dung của nhiều
hạng người Việt Nam từ miền ngược đến miền xuôi… Viết về Ma Văn
Kháng, ông đã trút tất cả tâm hồn tình cảm của mình lên trang viết.
Dường như ông thấu hiểu không chỉ nội dung, nghệ thuật của từng tác phẩm
mà còn hiểu cặn kẽ tất cả những yếu tố làm nên giá trị tác phẩm. Ông
lật xới cả những vỉa tầng ý nghĩa ẩn chứa đằng sau câu chữ, để tìm cho
ra giá trị đích thực của tác phẩm. Truyện ngắn “Người giúp việc” ông
thật sắc sảo khi nhận ra Cái sâu
sắc, thâm trầm của truyện là ở chỗ khác, khá bất ngờ: phải chăng nhà văn
nhắc nhở rằng vị tha là lòng tốt, song cần có như một sự đi đôi với nó
là lòng tự trọng. Một khi thiếu đi vế sau, thì nhân danh lòng vị tha,
con người có thể có nguy cơ trở thành đồng hành với thói tự ty, nô lệ,
tự đánh mất mình mong vừa lòng người khác mà chưa chắc đã được tiếp nhận.
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Ma Văn
Kháng, khẳng định vị trí, tài năng của nhà văn trong đời sống xã hội hôm
nay và mai sau, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã góp phần định vị một chân
dung văn học “lực lưỡng” trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.
Những nhận xét, đánh giá xác đáng của ông về tác giả tài danh này có tác
dụng khơi gợi, dẫn dắt, định hướng thẩm mĩ cho độc giả. Qua đó, ta cũng
thấy được tầm vóc và bản lĩnh học thuật của ông khi nhận ra chân giá
trị trong mỗi tác phẩm của nhà văn. Bởi vậy, theo thiển ý của tôi, khó
ai có sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với nhà văn Ma Văn Kháng đến tận
chân tơ, kẽ tóc như PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.
Trong phần III của cuốn sách, ông dành chia
sẻ những kinh nghiệm và những băn khoăn, trăn trở của mình, nhằm nâng
cao tính chuyên nghiệp của báo chí Văn nghệ Việt Nam. Với lập luận sắc
bén, cập nhật, hiện đại, hai mảng đề tài mà ông tập trung phản ánh: Về tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam và Thực trạng và mấy vấn đề về báo chí văn học
đã đem lại cho độc giả một cái nhìn bao quát về thực trạng chất lượng
báo chí văn nghệ trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, ông đặt ra những
yêu cầu bắt buộc đối với báo chí, tất cả vì một sự nghiệp văn nghệ, báo
chí chất lượng cao: Hay và đẹp, là hàng hiệu, là sản phẩm cao cấp… Càng
yêu cầu cao đối với báo chí, ông càng không bằng lòng với sự cẩu thả,
kém cỏi, làng nhàng, “không sạch nước cản” trong sáng tạo nghệ thuật.
Đối với ông, báo chí văn nghệ đòi hỏi phải có sự tao nhã, thăng hoa, vừa
có tính chuyên nghiệp vừa có tính thẩm mỹ. Có thể nói, những kiến thức,
kinh nghiệm ông đúc rút được trong quá trình tác nghiệp là những bài
học quý cho những người làm công tác báo chí, khoa học. Những quan điểm,
kiến nghị, giải pháp ông đưa ra rất tâm huyết, nhất quán, xác thực,
giàu sức thuyết phục, giúp người đọc có một cái nhìn toàn cảnh, xuyên
suốt và tin cậy về những vấn đề báo chí và văn nghệ được đề cập.
Những ai từng tiếp xúc với PGS.TS Nguyễn
Ngọc Thiện đều có chung cảm nhận: trong cuộc sống đời thường, ông rất
chân tình cởi mở, sống tận tâm hết lòng vì mọi người. Nhưng trong công
việc, nhất là những việc liên quan đến khoa học, ông rất nghiêm khắc,
không chấp nhận bất cứ một sự cẩu thả, hời hợt nào, dù nhỏ.
Là người bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ
Ngữ văn tại Đức, lại có thâm niên gắn bó với Báo chí, Văn nghệ, mười năm
làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, là ủy viên Hội
đồng Lý luận, Phê bình văn học Trung ương và tham gia công tác đào tạo
Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Ngữ văn, trước hết, ông tự đặt cho mình những yêu
cầu nghiêm ngặt trong khoa học. Sau nữa, ông cũng muốn các thế hệ học
trò của ông, kể cả độc giả cần phải tuân thủ những yêu cầu đó. Vậy nên
được học ông, được tiếp xúc và được đọc sách của ông, người ta sẽ cảm
thấy “lớn” lên rất nhiều.
Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận bao quát nhiều vấn đề lớn, nhỏ trong lĩnh
vực Lý luận, Phê bình. Với lý lẽ sắc sảo, bằng cái nhìn trầm tư, sâu
lắng, pha chút hỏm hỉnh, mỗi trang viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
được chắt lọc từ bề dầy kiến thức, chiều sâu kinh nghiệm, chiều dài của
sự từng trải, nên hội tụ cảm xúc, đậm đà chất văn và mang tính thẩm mỹ
cao. Đặc biệt, ở nhiều bài còn có hệ thống ảnh minh họa đẹp và trang
nhã. Bìa 1 của sách là bức ảnh ông chụp trong chuyến khảo sát ở Nga năm
2014, càng cho thấy sự tinh tế trong năng lực thẩm mỹ của ông.
Là người tâm huyết, chí thú, say mê khoa
học và đã đạt được những thành quả nhất định trong lao động nghệ thuật,
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện vẫn ngày ngày miệt mài, góp nhặt trên từng
trang sách, viết lên những trang đời. Tập tiểu luận phê bình Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận
của ông chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Mong ông
dồi dào sức khỏe và thành công trên chặng đường Lý luận Phê bình mà ông
suốt đời thủy chung gắn bó!
ThS. Nguyễn Thị Bình
-----------------
- Một vài suy nghĩ khi đọc “Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
-
ThS. Nguyễn Thị Bình: Thạc sĩ Ngữ văn, nguyên Trưởng khoa Xã hội- Du
lịch, trường Đại học Hoa Lư Ninh Bình. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật
Ninh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét