Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Kẻ lại ở Thạch Hào của Đỗ Phủ với lời bình Vũ Nho





                                                            Đỗ Phủ
Phiên âm chữ Hán
Mộ đầu Thạch Hào thôn,
Hữu lại dạ tróc nhân.
Lão ông du tường tẩu,
Lão phụ xuất khan môn.
Lại hô nhất hà nộ,
Phụ đề nhất hà khổ!
Thính phụ tiền trí từ:
"Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử.
Tồn giả thả thâu sinh,
Tử giả trường dĩ hỹ!
Thất trung cánh vô nhân,
Duy hữu nhũ hạ tôn.
Hữu tôn mẫu vị khứ,
Xuất nhập vô hoàn quần.
Lão ẩu lực tuy suy,
Thỉnh tòng lại dạ quy.
Cấp ứng Hà Dương dịch,
Do đắc bị thần xuy".
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt,
Như văn khốc u yết.
Thiên minh đăng tiền đồ,
Độc dữ lão ông biệt.


Dịch thơ
Chiều trú xóm Thạch Hào
Đêm, nha lại bắt người
Ông già vượt tường trốn
Bà già ra cửa dòm
Viên lại quát dữ quá
Bà van thật đến khổ!
Van rằng: “ Có ba trai
Nghiệp Thành đều đi thú
Một đứa gửi thư nhắn
Hai đứa vừa chết trận
Đứa chết đành thiệt phận
Đứa sống đâu chắc chắn!
Trong nhà không còn ai
Có cháu đang bú thôi
Mẹ cháu chưa rời cháu,
Ra vào quần tả tơi.
Tuy sức yếu già đây,
Xin theo về đêm nay
Đến Hà  dương kịp việc
Còn thổi bữa sớm mai”
Đêm khuya lời đã tắt
Dường nghe khóc ấm ức
Sáng ra chào lên đường
Mình ông già với khách
                           Khương Hữu Dụng dịch
Lời bình của Vũ Nho
Đỗ Phủ có ba bài thơ về ba viên lại ở Tân An, Đồng Quan và Thạch Hào đều nổi tiếng, nhưng phải nói rằng bài thơ “Kẻ lại ở Thạch Hào” (Thạch Hào lại), nhà thơ đã thể hiện thái độ, cách nhìn chiến tranh một cách hiện thực và sâu sắc nhất.
Bài thơ trữ tình giàu yếu tố tự sự như một phóng sự đặc biệt về cuộc  bắt lính ban đêm tại một làng quê nhỏ bé. Có khá nhiều nhân vật tham gia, chứng kiến sự kiện này, nhưng quan trọng hơn cả là viên lại, bà lão và tác giả.
Chiều trú xóm Thạch Hào
Đêm, nha lại bắt người
Ông già vượt tường trốn
Bà già ra cửa dòm
Trong khổ thơ đầu tiên, các nhân vật đã vào cuộc ngay. Và tác giả cũng nhập cuộc ngay từ cách chọn cảnh và chọn chữ để miêu tả. Việc quan lại làm ban đêm, đã thấy có gì đó không bình thường. Thêm nữa, tác giả không coi là cuộc tuyển binh, mộ binh hay trưng binh. Tác giả đã gọi sự vật bằng cái tên thật của nó: “tróc nhân” - bắt người. Đó là một vụ bắt người ban đêm.

Bắt người ban đêm là thủ đoạn dã man. Lại bắt cả người già nữa - ông lão phải vượt tường trốn - tính chất của việc bắt bớ càng nghiêm trọng. Nếu trong bài thơ “Tân An lại”, người ta thấy khi không còn trai tráng (vô đinh) thì bắt thiếu niên mới lớn (trung nam). Ở đây trung nam cũng hết, phải bắt đến cả người già. Trẻ không tha, già không thương. Đủ biết mức độ ác liệt của chiến tranh.
Viên lại đi bắt người chỉ hiện ra thấp thoáng trong hai câu thơ. Cả bài thơ phần lớn dành cho lời than thở, van xin của bà lão. Nhưng người đọc vẫn có thể hình dung ra cảnh “đối mặt” giữa hai người. Viên lại sau tiếng quát dữ dằn trở nên lặng lẽ, lì lợm, quyết thực hiện kì được công việc bắt người của mình. Thành ra y có mặt, ám ảnh suốt trong những lời trần tình van xin của bà lão. Toàn bộ cảnh khốn khổ, điêu đứng vì chiến tranh của gia đình bà cứ lần lượt bày ra:
Có ba trai
Nghiệp thành đều đi thú
Hai đứa vừa chết trận
Đứa sống đâu chắc chắn!
Thế mà còn chưa đủ hay sao? Hai người con đã chết, người thứ ba chắc cũng sẽ chết. Thế còn chưa đủ hay sao?
Viên lại không nói năng. Nhưng với y, chắc là chưa đủ động lòng! Vì thế mà y không chịu buông tha. Y vẫn lì ở nhà bà, nên bà lão phải tiếp tục van xin:
Trong nhà không còn ai
Có cháu đang bú thôi
Mẹ cháu chưa rời cháu,
Ra vào quần tả tơi.
Quả thực là nhà ấy hết người có thể làm cho viên lại thoả mãn. Có người đàn bà khỏe mạnh đấy, nhưng chị ta còn đang nuôi con bú, chị không thể rời đi. Giá như chị cứ phải đi, mặc cho đứa con gào khóc vì khát sữa thì chị cũng không thể đi được, vì áo quần rách tả tơi. Lại thêm một khía cạnh khác về sự tàn khốc của chiến tranh: người phụ nữ trẻ mà không có tấm áo, manh quần lành lặn.
Nếu viên lại còn có tính người, còn chút lương tâm, hẳn y đã phải thở dài mà bỏ đi. Nhưng sau những lời lẽ đầy nước mắt đó, y vẫn lừng lững , lì lợm, lạnh lùng. Cực chẳng đã bà lão dùng đến phương sách cuối cùng:
Lão ẩu lực tuy suy
Thỉnh tòng lại dạ quy
Tuy sức yếu già đây
Xin theo về đêm nay
Nhiều người đã không hiểu đúng tình thế và bản chất của sự “xung phong” này, coi đó là tinh thần yêu nước, tình nguyện ra đi của bà lão. Nếu bà lão “yêu nước” thì sao lại không can ngăn ông lão trốn tránh? Ông lão không có lòng yêu nước, ông là kẻ hèn nhát sao? Với người như thế, có xứng đáng để nhà thơ chào lên đường sáng hôm sau hay không? Mặt khác, nếu bà lão quả có tấm lòng, có tinh thần, sao cứ van vỉ mãi? Sao không “xung phong” ngay từ đầu? Sao lại nói dối “ Trong nhà không còn ai”, trong khi còn ông lão  khỏe mạnh có thể nhảy qua tường?
Đây chỉ là cách nói để cho viên lại hiểu rằng không còn người. Nếu cố mà bắt người, đòi người thì chỉ có một bà già sức yếu, tuổi cao mà thôi. Bà ta không chạy được, và biết chắc người ta chẳng cần mình nên đành “sẵn sàng”!
Điều bất ngờ đối với bà lão, với tác giả, với mọi người là viên lại đã lẳng lặng chấp thuận lời “thỉnh cầu đãi bôi” của bà lão. Y bắt bà lão đi thật. Lần đầu tiên có chuyện bắt bà già. Nếu như chuyện này đã thành lệ thì hẳn là ở đầu bài thơ, bà lão cũng “du tường tẩu” (vượt tường trốn) theo ông lão, hoặc trốn kĩ vào nơi nào rồi, không thể điềm tĩnh “ra cửa dòm” như thế. Vậy là cuộc bắt người của viên lại đã hoàn thành. Một bà lão ốm yếu với hoàn cảnh hết sức khốn khổ đã không làm viên lại mủi lòng. Phải chăng cái việc bắt người đã thành cơm bữa, thành chuyện thường ngày, nên tim hắn đã chai lì?
Suốt cả bài thơ, tác giả lặng lẽ chứng kiến. Đến khi bà lão bị bắt đi, nhà thơ vẫn không thốt ra lời nào, không trực tiếp tỏ một thái độ nào. Ông chỉ lặng lẽ đưa thêm một nhận xét:
Dường nghe khóc ấm ức
Trong bài thơ “Tân An lại”, Đỗ Phủ đã từng chứng kiến cuộc bắt lính “Tiếng khóc vang non xanh”. Nhà thơ đã an ủi, động viên những người bị bắt. Nhưng ở đây, một thực tế bắt người rất khác, làm sao có thể biện minh cho hành động bắt người ban đêm? Hơn nữa, lại bắt một bà già ốm yếu, khốn khổ? Cách nhìn chiến tranh của Đỗ Phủ rõ ràng là hiện thực hơn, sâu sắc hơn, nên mới có sự im lặng, nên mới nghe được tiếng khóc ấm ức trong đêm. Phải chăng đây là tiếng khóc của hai người con trai đã chết, của những người sẽ chết vì hòn đạn mũi tên (người con thứ ba và bà lão) và của những người sẽ chết dần chết mòn vì khốn khổ (ông lão, người con dâu, cháu bé còn bú). Mà đâu chỉ riêng gia đình bà lão ở Thạch Hào. Đó là tiếng khóc cho tất cả những nạn nhân chiến tranh. Vậy thì ai khóc? Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã bình luận về chỗ này thấu tình: “Dường nghe”… là nghe bằng tim. Đứng trước nỗi đau của gia đình ông bà lão, tiếng khóc của muôn người, muôn nơi đã tập kết về giữa trái tim của nhà thơ nhân đạo”.
                                                                   
 Hà Nội, 1990



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét