Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

HUẾ THÁNG 8 NĂM 1945 TRONG THƠ VÀ Ở NGOÀI THƠ






HUẾ THÁNG 8 NĂM 1945
          TRONG THƠ VÀ Ở NGOÀI THƠ

                                                PGS. TS. Vũ Nho

Những ngày này cả nước đang sôi nổi chào mừng kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ phong kiến lập nên  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bước ngoặt vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Nhân đọc bài thơ Huế tháng Tám của nhà thơ Tố Hữu, tôi muốn cùng mọi người tìm hiểu về cuộc Cách mạng ở kinh thành, nơi nhà vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam thoái vị. Mặt khác bài thơ được viết bởi tác giả Tố Hữu, người trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, cũng là một dịp để chúng ta thấy phong trào ở Huế qua cảm nhận của người lãnh đạo, đồng thời là một nhà thơ.
          Tiểu sử nhà thơ Tố Hữu có ghi: “Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa ở Huế”. Các bài báo viết về Cách mạng tháng 8 ở Huế đều nhắc đến sự kiện này. Đây là mấy dấu mốc quan trọng liên quan đến Ủy ban khởi nghĩa và vị Chủ tịch. “Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên do nhà thơ Tố Hữu làm Chủ tịch đã họp và ra quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên đã trao Tối hậu thư cho Hoàng đế Bảo Đại, yêu cầu Hoàng đế thoái vị và tuyên bố chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam cáo chung. 13 giờ 30 phút cuộc biểu tình lớn có vũ trang với sự tham dự của người dân Thừa Thiên - Huế, đã diễn ra. Chính quyền nhân dân được thành lập ở tỉnh Thừa Thiên. Sau ngày đó, chính quyền nhân dân ở tỉnh Thừa Thiên đã đánh điện ra Hà Nội báo cáo và đề nghị Chính phủ  Lâm thời Trung ương cử đại biểu vào Huế công nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại" ( Theo Truyền thông Đông Sơn, ngày 1/9/2013). “4 giờ chiều 23-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn. Tại sân vận động Huế, trước 15 vạn đồng bào, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố “Chính quyền đã về tay nhân dân” ( Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu, 22/8/2008).  Cụ thể hơn công việc của vị Chủ tịch trong ngày khởi nghĩa : “Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân. Ðồng chí trân trọng giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh - Phó Chủ tịch” (Theo Nguyễn Văn Toàn, báo Tin tức, ngày 26/8/2014).

    Về cuộc khởi nghĩa ở Huế, các bài báo, sách giáo khoa Lịch Sử  thường chỉ nêu vắn tắt diễn biến của ngày 23 tháng Tám khi Ủy Ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Thật ra, để có ngày 23 tháng Tám, trước đó những huyện xung quanh kinh thành Huế đã giành chính quyền với không khí rất hào hứng, sôi sục :
          “Ngày 15/8/1945 phát xít Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Được tin này, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại nhà ông Tố Tuân và bà Phan Thị Luận (phường Phú Bình - TP Huế). Hội nghị hoàn toàn nhất trí với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động chính quyền giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Huế tiến hành khởi nghĩa.
Tại các huyện, khí thế cách mạng quần chúng sôi sục. Từ ngày 18 đến 22/8/1945, thực hiện quyết định của hội nghị mở rộng ngày 15/8, các ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Tại TP Huế: Từ ngày 21/8/1945 các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ, giương cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Các trại lính bảo an đã được chuẩn bị tham gia phong trào khởi nghĩa. Bọn lính Nhật hoảng sợ không dám hành động. Chiều ngày 21/8 đơn vị tự vệ khu phố Phú Bình đã chiếm được vòng ngoài ở đồn Mang Cá.

Ðêm 22/8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đình phải cúi đầu tuyên bố: “Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”. Ủy ban khởi nghĩa không đồng ý và yêu cầu:
- Nhà vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền bính cho chính quyền cách mạng và điện cho các tỉnh trưởng giao quyền cho Việt Minh.
- Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị vũ khí đạn dược.
- Chính quyền cách mạng hứa sẽ bảo đảm an toàn tính mạng và quyền công dân cho Bảo Ðại. Những tài sản trong hoàng cung đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Một số tài sản riêng Bảo Ðại được phép mang theo để sử dụng. Các lăng tẩm triều Nguyễn từ nay thuộc tài sản quốc gia. Những người trong hoàng tộc trước đây lo lăng tẩm nay được tiếp tục làm việc cho chế độ mới.
Nhận được “tối hậu thư”, Bảo Ðại triệu tập họp nội các. Nhà vua và những người dự họp đã nhất trí chấp nhận những điều kiện của Việt Minh đưa ra và sẽ từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị.
16 giờ ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ sao vàng phấp phới, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời”.
(Theo Nguyễn Văn Toàn, báo Tin tức, ngày 26/8/2014)
          Trở lại bài thơ Huế tháng Tám. Tố Hữu thường ghi rõ  năm tháng cụ thể dưới các sáng tác của mình. Có bài quan trọng được ghi rõ cả ngày. Ví như bài Hồ Chí Minh, viết về vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân  chủ Cộng hòa, tác giả ghi rõ ngày 26 tháng 8 năm 1945. Nghĩa là 3 ngày sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ở Huế. Bài thơ Huế tháng Tám chỉ ghi năm 1945. Có lẽ nhà thơ hoàn thành bài thơ này trong một quá trình dài sau tháng Tám lịch sử.
          Bài thơ khá dài, chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là không khí mong chờ Cách mạng của kinh thành  Huế :
          Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác […]
          Huế xôn xao lo lắng, những đêm mơ
          Khát khao hoài như cô gái mong chờ
          Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt
Dân chúng Huế có lo lắng, có xôn xao, nhưng là nỗi lo của sự vui mừng xen lẫn sự tò mò, như cô gái chờ người yêu.
Phần thứ hai hình dung nhà vua trong giờ phút quan trọng Huế đứng lên khởi nghĩa. Đức Kim Thượng cô đơn, cô độc trong ngọc điện. Nhà thơ như khuyên nhủ, như tuyên bố giờ cáo chung cho một vương triều. Có thể thấy khí thế cách mạng hừng hực trong những lời thơ rắn rỏi, đanh thép:
          Một ngai vàng không thể thắng cả giang sơn!
          Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn
          Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!
          Người phải xuống, đêm nay đêm chiến bại
          Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son!
          Người phải lui cho Dân tiến, Nước còn
          Dân là chủ, không làm nô lệ nữa!
          Hãy mở mắt: quanh hoàng cung biển lửa
          Đã dâng lên , ngập Huế đỏ cờ sao
          Mở mắt trông:  trời đất bốn phương chào
          Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!
Đọc những câu thơ này, chúng ta càng thêm hiểu vì sao nhà vua  phải chấp nhận “tối hậu thư” của Việt Minh và từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị, trao ấn kiếm cho phái đoàn của chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào.
          Phần thứ ba của bài thơ là niềm phấn khích mạnh mẽ của nhà thơ và nhân dân Huế khi Huế đã bẻ gãy gông xiềng nô lệ. Mở đầu bằng lời hô gọi  Huế bay lên!
          Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
          Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Niềm vui sướng, phấn khích tột độ được thể hiện qua đại từ nhân xưng số nhiều TA, và những hành động thể hiện cảm xúc tột đỉnh:
          Nước mắt ta trào húp mí tràn môi
          Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
          Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
          
          Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh
Đúng là khi được làm người tự do, người chủ nhân của đất nước thì thật không có cảm xúc nào sánh nổi. Đó là niềm vui, niềm tự hào, niềm say mê. Sự say mê thiêng liêng, say thần thánh.
          Hai câu thơ vào loại hay nhất của Tố Hữu đã diễn tả sự đổi thay của mỗi con người và một dân tộc khi Cách mạng thành công:
          Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh
          Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời
Có lẽ chỉ có ở trong thơ, nhà thơ  mới bộc lộ hết những sướng vui ngây ngất của người dân Huế, trong đó có cả  mình là vị Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa. Một loạt các từ hô gọi, cảm thán  gió ơi, sao ơi, ôi với những sung sướng  đến mức ngã vật, miên man:
          Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố
          Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
          Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
          Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
          Ôi thiên đường! tai miên man lắng nhạc
          Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
          Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
Nhà thơ Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị. Các tập thơ của ông gắn với những chặng đường của Cách mạng Việt Nam. Nhiều bài thơ của nhà thơ gắn liền với các sự kiện lớn của đất nước, những dấu mốc Lịch sử như  Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt ( 2-9-1946),  Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc, Bài ca mùa xuân 1961… Đọc lại  bài thơ Huế tháng Tám và những sự kiện lịch sử ở Huế để thêm  hiểu biết, yêu mến, tự hào về cuộc Cách mạng tháng Tám vẻ vang!
                                                              Hà Nội, ngày 8/8/2015
          
Đăng báo Quân Đội nhân dân cuối tuần số 1021, số kỉ niệm CM tháng 8 và quốc khánh 2/9/2015 với nhan đề "Hãy bay lên sông núi của ta rồi" ( vì khuôn khổ, báo có lược bớt, đây là bản gốc)

4 nhận xét: