PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện, bìa trái
Phát biểu tại Ngày Hội Khuyến học
Phường Dịch Vọng hậu, Q. Cầu Giấy,
Hà Nội
ngày 20.IX.2015
PGS.TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nhân dịp khai giảng
năm học mới, trước hết tôi xin bày tỏ sự hoan nghênh Ban Chấp hành Hội Khuyến học
Phường đã tổ chức Ngày hội Khuyến học này và cảm ơn Hội đã tạo điều kiện cho
tôi được phát biểu đôi lời.
Gia đình nhỏ của
tôi gồm 5 người (3 thế hệ) về trú ngụ tại Phường Dịch Vọng hậu từ năm 2000, tại
nhà số 22 ngõ 31, phố Trần Quốc Hoàn. Trước đó, từ những năm 80, chị gái tôi là
TS. Nguyễn Thị Kim Thành đã cùng gia đình chị cũng ở Phường này tại Khu tập thể
ĐHSP Hà Nội, phố Phan Văn Trường. Chị em chúng tôi đều tham gia công tác của Hội
Khuyến học phường giao cho một cách hào hứng, rất vui mừng về sự lớn mạnh của
Phường và những hoạt động có hiệu quả của Hội từ khi thành lập tới nay, mà vừa
qua, thành tích của Hội đã được khẳng định trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội,
đồng thời được ghi nhận trong sách Tình người Khuyến học xuất bản 5/2015, dày 110 trang.
Trong phong trào
Khuyến học toàn dân, Phường ta đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu về cá
nhân và gia đình khuyến học, thuộc nhiều đối tượng khác nhau (học sinh giỏi,
nhà tài trợ hảo tâm, cán bộ Hội tận tụy…) có những đóng góp đáng quý vào việc
xây dựng và phát triển phong trào trong toàn Phường.
Riêng gia đình
tôi vô cùng phấn khởi vì được Báo cáo của Hội biểu dương, được nhận Giấy khen
năm 2015. Nhân dịp này tôi xin trao đổi mấy kinh nghiệm từ góc nhìn của gia
đình, để Hội nghị tham khảo và trao đổi ý kiến như sau:
1. Cần chú trọng
phát huy truyền thống của mỗi đại gia đình khuyến học làm nền tảng của phong
trào
Đại gia đình 5
thế hệ của chúng tôi (Ông Bà/ Cha Mẹ/ Con/ Cháu/ Chắt) đều chú trọng đề cao việc
học hành trong nuôi dạy con cháu, phấn đấu học tập chăm chỉ, thành đạt, “học học
nữa học mãi” như V. Lênin đã dạy, để là người có chữ (tức là có tri thức cần
thiết) mà làm việc với tay nghề và chuyên môn thành thạo trong những nghề nghiệp
có ích cho xã hội, phù hợp với năng lực, sở trường và cái “tạng” của từng người,
như: giáo dục, y tế, văn hóa - văn nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và
nhân văn v.v…
Trong vòng hơn 1
thế kỷ qua, trải 5 đời, đại gia đình chúng tôi đã đóng góp cho xã hội: 5 Phó
Giáo sư, 10 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, gần 30 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ… trong đó có 2 người
khi trẻ tuổi từng đoạt giải quốc tế về toán học, về y học; 1 người nữ là thầy
thuốc ưu tú; 1 người nam là nhà văn hóa chuyên gia cao cấp.
Trong số đó, những
người có học vị tiến sĩ và chức danh Phó Giáo sư trong đại gia đình đã trở
thành những người thày ở bậc đào tạo Sau Đại học, góp phần đào tạo hàng chục tiến
sĩ, hàng trăm thạc sĩ (không kể các sinh viên tốt nghiệp đại học) tại các cơ sở
đào tạo có tiếng trong nước (như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội
và nhân văn Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,
Đại học Huế) và ở nước ngoài (CH Pháp, Hoa Kỳ).
2. Chăm lo xây dựng
Phòng Truyền thống của đại gia đình và Bảo tàng - Thư viện gia đình giúp vào việc giáo dục bằng hiện vật
truyền thống tốt đẹp của đại gia đình, nền nếp gia phong từ bao đời đã được bồi
đắp, từ đó giáo dục con cháu noi gương, kế thừa và phát huy những điều tốt, khắc
phục những điều yếu kém còn tồn tại.
Đại gia đình
chúng tôi đề cao tư tưởng “Thế Uẩn Thiện” - lấy câu đó khắc
vào bức hoành phi treo trên gian thờ tại tư gia ở quê nhà (nghĩa là gắng làm điều
Thiện, điều tử tế, trở thành người thiện, người tử tế, người có học giỏi giang).
Chúng tôi tự hào
về truyền thống khuyến học của gia đình từ Ông Bà, Cha Mẹ. Ông ngoại là thày đồ
dạy chữ nho trong làng từ đầu thế kỷ XX. Bố tôi được nhà nước bảo hộ cấp bằng Việt Nam sơ đẳng tiểu học văn bằng ngày
17.11.1932 tại Thị xã Vĩnh Yên. Với tấm bằng này, ông là người có học vị duy nhất
và cao nhất làng quê Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh trước Cách mạng tháng 8/1945.
Mẹ tôi góa chồng
năm 39 tuổi, ở vậy nuôi con cháu ăn học thành đạt, được bà con quê hương (nay
là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) tặng danh hiệu “Người Mẹ quê Nành của đại gia
đình 5 đời Khuyến học”. Tấm gương của bà đã được Đài Tiếng nói Việt Nam,
Đài truyền hình Việt Nam, nhiều báo chí ở Trung ương và Hà Nội nhắc tới.
Từ nhiều năm
nay, đại gia đình chúng tôi lấy ngày 17 tháng 11 năm 1932 là ngày truyền thống
khuyến học của đại gia đình, và đề cao tư tưởng “Thế Uẩn Thiện” trong lối sống và nếp ăn ở của mỗi người, mỗi gia
đình (Tấm bằng của bố tôi nói ở trên và ảnh chụp bức hoành phi Thế Uẩn
Thiện được sao thành nhiều bản
để mỗi gia đình nhỏ treo ở chỗ trang trọng trong nhà, nhắc nhở con cháu luôn
ghi nhớ và luôn theo những gì các bậc tiền bối để lại và khuyên dạy).
Bảo tàng và Thư
viện đại gia đình tọa lạc trong một căn phòng rộng rãi, khang trang thuộc nhà
bán biệt thự 4 tầng của nhà văn hóa - chuyên gia cao cấp PGS.TS. Nguyễn Ngọc
Thiện. Bảo tàng - Thư viện gia đình này có hơn 10.000 hiện vật và văn bản sách
báo thuộc nhiều lĩnh vực tri thức khoa học tự nhiên và xã hội, nhân văn. Bảo
tàng - Thư viện góp vào việc học tập, nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy của các
thành viên đại gia đình, không phân biệt các thế hệ già/ trẻ. Thiết chế này
cũng phục vụ nhu cầu đọc sách của các học trò được các thành viên trong gia
đình hướng dẫn làm Khóa luận tốt nghiệp Đại học, Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến
sĩ hoặc giúp vào thực hiện các Đề tài, Dự án khoa học của Bộ, của Nhà nước.
Bảo tàng - Thư
viện nhắc nhở mọi người quán triệt tác phong khảo sát thực chứng, khiêm tốn học
tập, không ngạo mạn “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung” mà phải chịu khó
tích lũy kiến thức, khiêm cung nhận ra rằng “Ngoài Trời còn có Trời” chứ không
phải lúc nào Ta đây cũng là nhất trong thiên hạ (!).
Với Bảo tàng -
Thư viện mọi người trong đại gia đình đã góp phần xuất bản được hơn 50 đầu sách
nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học y tế và giáo dục…
phục vụ bạn đọc rộng rãi.
Hàng năm, đại
gia đình quan tâm tặng cho Thư viện quê hương và Thư viện Phường hàng trăm đầu
sách mới, với tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, đáp ứng nhu cầu thuộc văn hóa đọc của
bà con làng quê, khối phố gần gũi.
3. Tuy “của ít lòng nhiều”, các thành viên
trong đại gia đình vẫn phát huy hằng tâm
hằng sản, duy trì sự đóng góp qua nhiều năm một số tiền mặt đáng kể vào Quỹ
Khuyến học của quê hương, của Phường Dịch Vọng hậu - trở thành nhà tài trợ
cho Quỹ Khuyến học của Phường, của xã Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội.
Còn trong nội bộ
đại gia đình, mỗi gia đình nhỏ đều có Quỹ Khuyến học riêng để mua sắm sách vở,
đồ dùng học tập, quà tặng con cháu nhân năm học mới, nhân ngày 17/11 và 20/11,
nhân dịp bế giảng tặng thưởng, khuyến khích con cháu chăm học, học giỏi, đạt
thành tích xuất sắc.
4. Học đi đôi với
hành, gương mẫu trong lối sống và ứng xử để là người tử tế. Cụ thể: Giữ trọn
chữ hiếu với ông bà, cha mẹ; hiền thảo với anh chị em và người thân, ruột thịt;
văn minh, lịch sự với bà con láng giềng, bạn bè thân hữu; thực hiện các quy ước
về nếp sống văn minh, sạch đẹp không vứt rác ra đường, không ồn ào, nói năng
thô tục, khiếm nhã; không để các vật nuôi phóng uế bừa bãi; tôn trọng luật lệ
xây dựng, sửa chữa nhà cửa không để cản trở giao thông, làm phiền xóm giềng;
treo cờ những dịp đại lễ; thành tâm chia sẻ buồn vui hiếu hỷ với bà con láng giềng;
sống trung thực, nhân ái, đoàn kết không tư lợi, ích kỷ, đố kỵ nhỏ nhen…
*
* *
* *
Trước khi ngừng
lời, tôi xin thay mặt đại gia đình hứa sẽ cùng bà con nỗ lực hơn nữa, tiếp tục
có những đóng góp thiết thực, hiệu quả thúc đẩy hoạt động khuyến học của Phường
ngày càng phát triển với nhiều thành tựu mới xứng đáng là một “thương hiệu” có
uy tín, một điển hình tiên tiến về Khuyến học của Quận và Thành phố.
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2015
nguyenngocthien47@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét